No icon

khoa-hoc-ve-su-trung-hop-ban-co-hay-gan-y-nghia-cho-cac-hien-tuong-trung-hop

Khoa học về sự trùng hợp: Bạn có hay gán ý nghĩa cho các hiện tượng trùng hợp?

Điều gì khiến một hiện tượng trùng hợp trở nên có ý nghĩa?

Dù rằng thi sĩ William Wordsworth từng nói rằng đôi lúc “chúng ta giết người để mổ xẻ” – rằng bản thân việc phân tích mổ xẻ có thể làm mất đi ý nghĩa của một hiện tượng – nhưng tôi tin rằng bằng cách mổ xẻ các hiện tượng trùng hợp và xem xét các tính chất của chúng, chúng ta có thể hiểu chúng một cách toàn diện và thấu đáo hơn.

Bốn khía cạnh của ý nghĩa trong các hiện tượng trùng hợp là:

Cảm xúc chi phối: Các hiện tượng trùng hợp thường khơi dậy sự ngạc nhiên, thích thú, hay trí tò mò. Điều này tạo nên một cảm xúc về sự quan trọng, về tính chất có ý nghĩa.

Mức độ tương đồng: Hai hay nhiều hơn các yếu tố của hiện tượng trùng hợp có một ý nghĩa giống nhau, hoặc tương đương.

Cách lý giải: Các hiện tượng trùng hợp thường gợi lên câu hỏi “Điều này có nghĩa gì?” Đôi khi câu hỏi này ám chỉ việc tìm hiểu cơ chế đằng sau hiện tượng trùng hợp đó, nguyên nhân hay cách lý giải cho loại hiện tượng này.

Công dụng: Câu hỏi “điều này có nghĩa gì?” còn ám chỉ một nỗ lực tìm hiểu các ẩn ý về tương lai của người hỏi, và ý nghĩa của hiện tượng trùng hợp này đối với tương lai của người đó.

Hãy cùng xem xét cách thức những khía cạnh này thể hiện trong hiện tượng trùng hợp sau đây: Một người mẹ đang viết thư cho con gái thì bàn tay phải của bà bỗng bỏng rát khiến bà đánh rơi cây bút trên tay. Chưa đầy một giờ sau, bà nhận được cú điện thoại thông báo con gái bà đã bị bỏng axit nặng ở bàn tay phải do một vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm.

Khía cạnh cảm xúc chi phối ở đây là mối liên hệ giữa người mẹ và đứa con gái. Lấy ví dụ, nếu người mẹ có cảm giác này ở bàn tay của bà và sau đó phát hiện ra, thông qua một bản tin thời sự, rằng một nhà khoa học ở bên kia Trái Đất cũng đã bị bỏng ở bàn tay trong phòng thí nghiệm vào cùng thời điểm với bà, thì có thể bà sẽ không gán nhiều ý nghĩa cho sự trùng hợp này (bà sẽ không nghĩ nhiều về nó). Bà thậm chí có thể không thiết lập bất kỳ mối liên hệ nào giữa cảm giác của bà và biến cố của nhà khoa học kia.

Đối với người mẹ và đứa con gái, sự kiện trùng hợp này có thể có ý nghĩa ở chỗ nó khiến họ cảm nhận được một sự liên kết cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc.

trùng hợp
Một người phụ nữ đang viết thư cho con gái thì bàn tay phải của bà bỗng cảm thấy bỏng rát một cách kỳ lạ. Chưa đầy một giờ sau cô con gái gọi điện để thông báo rằng bàn tay phải của cô đã bị bỏng. Một hiện tượng trùng hợp? (Ảnh: Szepy/iStock)

Khía cạnh mức độ tương đồng ở đây là khá cao. Để minh hoạ cho quan điểm này, hãy xem xét một kịch bản với đôi chút khác biệt. Điều gì sẽ xảy ra nếu người mẹ chỉ đơn thuần có một cảm giác đổ bệnh mơ hồ và không quá khó chịu vào thời điểm con gái bà xảy ra biến cố? Điều đó sẽ có mức độ tương đồng thấp hơn rất nhiều so với việc cảm nhận được một cơn đau nhói ở bàn tay phải – một triệu chứng phản ánh rất sát trải nghiệm của con gái bà.

Ở đây chúng ta đã đề cập đến hai yếu tố của một hiện tượng trùng hợp có ý nghĩa tương đương. Tuy nhiên, trong trường hợp của cảm nhận mơ hồ nói trên, ý nghĩa của cảm nhận đó có thể sẽ không quá rõ ràng. Có lẽ người mẹ đã dùng món gì đó khá tệ. Có lẽ bà đang có một trạng thái tinh thần bất ổn do quá trình mãn kinh. Có nhiều cách thức để diễn dịch ý nghĩa theo một cách để sao cho không liên hệ mật thiết hai yếu tố của hiện tượng trùng hợp này.

Khi tìm kiếm một cách lý giải , người mẹ có thể tham vấn một bác sĩ để xem liệu có điều gì có thể gây nên cảm giác đau nhói bất chợt như vậy ở bàn tay của bà. Lấy ví dụ, nếu vị bác sĩ này phát hiện ra một vết đốt do côn trùng cắn là nguyên nhân gây nên phản ứng này, thì nhiều khả năng người mẹ sẽ loại bỏ sự trùng hợp này vì cho nó là vô nghĩa. Hiện tượng này xảy ra không phải do mối liên kết của bà với đứa con gái; mà nó được gây nên do một vết cắn của côn trùng.

Dĩ nhiên, điều này không phải là tuyệt đối, vì người mẹ vẫn có thể cảm thấy rất kỳ lạ khi một con côn trùng tình cờ đốt vào tay bà vào đúng thời điểm con gái bà bị bỏng ở tay. Điều này phụ thuộc, ở một mức độ nào đó, vào tuýp người của bà mẹ và cách thức mà bà tìm kiếm, hoặc không tìm kiếm, ý nghĩa của hiện tượng trùng hợp này.

Và điều này đưa chúng ta đến với khía cạnh cuối cùng, công dụng , vốn cũng có liên hệ với ý nghĩa cá nhân được một người gán cho một hiện tượng trùng hợp.

Trong trường hợp này, người mẹ có thể sử dụng hiện tượng trùng hợp để thắt chặt mối quan hệ với đứa con gái trong tương lai. Có thể họ từng có một số mâu thuẫn trong mối quan hệ của họ và giờ đây có thể được giải quyết nhờ vào sợi dây liên kết mới được hình thành này. Có thể trong tương lai, người mẹ sẽ quyết định lắng nghe trực giác của mình nhiều hơn, và thêm phần tự tin rằng bà có khả năng thấu hiểu được cảm xúc của những người thân trong gia đình. Hiện tượng trùng hợp này có một ý nghĩa cá nhân ở chỗ nó đã dạy cho bà bài học này.

Trong chuyên mục Khoa học Huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ để có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

phong vien dai ky nguyen
Tara MacIsaac, phóng viên báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh, là đồng tác giả bài viết này.

tien sy bernard Beitman hội chứng couvade
Bác sĩ, TS Bernard Bietman

Bài viết này được đăng bản gốc trên trang Psychology Today,  là một phần trong loạt bài của Bác sĩ, TS Bernard Bietman về chủ đề khoa học về đồng phương tương tính (synchronocity) và sự may mắn bất ngờ (serendipity)  . Ts. Beitman là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Virginia, Mỹ. Ông từng là trưởng khoa tâm thần học tại Đại học Missouri-Columbia.

(Ảnh trong bài lấy từ trang Epoch Times, trừ phi được chú thích)

Tác giả: TS. Bernard D. Beitman và Tara MacIsaac , Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ .
Xem bài gốc ở đây
Hoàng Sâm biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/khoa-hoc-ve-su-trung-hop-ban-co-hay-gan-y-nghia-cho-cac-hien-tuong-trung-hop.html

Comment