dau-la-ban-chat-dich-thuc-cua-con-nguoi-p-tri-tuong-tuong-quan-trong-hon-ca-kien-thuc
Đâu là bản chất đích thực của con người? (P3): ‘Trí tưởng tượng quan trọng hơn cả kiến thức’
- bởi tamthuc --
- 01/12/2017
“Thực ra toàn bộ toán học là hình học” (Gottlob Frege)
Có thể nói những chương trình computer dành cho Deep Blue 1997 và Thí nghiệm Turing năm 2009 là những kiệt tác của khoa học AI (Trí thông minh nhân tạo). Chúng không chỉ thúc đẩy khoa học “computer” vươn tới những phép lạ, mà quan trọng hơn về mặt triết học nhận thức chúng hé lộ cho chúng ta thấy rõ hơn tính người thực sự nằm ở đâu – tính người không “trú ngụ” nhiều ở những nơi computer có thể xử lý, mà nằm ở những nơi computer bất lực!
Lynn Fancher, Phó GS Sinh học tại Đại học College DuPage, Glen Ellyn, Illinois, Mỹ, trong bài báo “The Limitations of Science”[1] (Hạn chế của khoa học) đã nêu lên 3 lĩnh vực mà khoa học không thể trả lời, cũng tức là 3 lĩnh vực mà computer bất lực:
Một: Khoa học không thể trả lời những câu hỏi về giá trị. Chẳng hạn, không thể trả lời câu hỏi “Hoa Hồng hay hoa Cúc đẹp hơn?”, hoặc “Vàng hay thép giá trị hơn?”[2].
Hai: Khoa học cũng không thể trả lời những câu hỏi về đạo đức. Vấn đề quyết định xem cái gì là thiện hay ác, đúng hay sai, nằm ngoài phạm vi khoa học.
Ba: Khoa học không giúp chúng ta trả lời được những câu hỏi liên quan tới những khái niệm siêu-tự-nhiên (supernatural). Thí dụ: Không thể chứng minh hoặc phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế.
Vậy phải tìm câu trả lời cho ba lĩnh vực trên ở đâu?
Hãy tìm trong văn chương, thơ ca, nghệ thuật, âm nhạc, triết học, … Đây mới thật sự là những lĩnh vực nhận thức “người nhất”, giàu tính nhân văn nhất!
Kết luận trên tuy không mới mẻ nhưng trong bối cảnh của nền văn minh kỹ trị ngày nay, khi các khoa học vật chất đã và đang chiếm địa vị lấn át, tư duy hình thức sáo rỗng đang lấn át tư duy cảm xúc, tư duy máy móc đang lấn át tư duy nhân văn, thì sự khẳng định những giá trị người nhất của con người mang một ý nghĩa cứu tinh!
Nó báo động cho chúng ta biết rằng nền văn minh kỹ trị đang đi nhầm đường!
Nó kêu gọi loài người hãy tỉnh thức khi còn kịp để cứu vãn cỗ xe văn minh khỏi lao xuống vực thẳm của chiến tranh, tội ác, đói nghèo, ô nhiễm môi trường, hâm nóng khí quyển, tàn phá sinh thái, tha hoá đạo đức, vô cảm trước nỗi đau, …
Nó khuyến dụ chúng ta hãy điều chỉnh nền giáo dục trở về với mục tiêu nhân văn!
Nó dạy chúng ta rằng hãy sử dụng computer như những tên nô lệ đắc lực thay vì tôn chúng lên thành những ông chủ!
Nó đánh động lương tri của mỗi chúng ta, nhắc bảo chúng ta cái gì mang tính người nhất trong chúng ta để chúng ta hướng tới những giá trị người nhất ấy mà sống!
Vâng, cái làm cho chúng ta thực sự trở nên người là những giá trị thuộc về phần hồn [3] (the soul), bởi linh hồn là một cái gì đó liên hệ rất nhiều tới thơ ca, nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, v.v.
Khi con người đang sống, linh hồn luôn luôn gắn bó với thể xác nhưng nó không phải là thể xác. Ngay từ thế kỷ thứ 5 TCN, nhà triết học Hy Lạp Socrates đã cho rằng linh hồn là một cái gì đó “vượt quá” thể xác (transcended the body) – một cái gì đó phi vật chất và siêu việt hơn vật chất – trong khi nhiều người cùng thời với ông cho rằng linh hồn được tạo bởi một dạng vật chất tinh tế nhất và lơ lửng trong không khí.
Trong thời đại ngày nay, có người ví phần hồn và phần xác của con người tương tự như phần mềm và phần cứng của computer. Theo đó, phần mềm của computer tuy “không cứng” nhưng nó vẫn là vật chất có thể nhìn thấy được, và theo một số lý thuyết về năng lượng tinh thần thì linh hồn là một dạng vật chất siêu hình hoặc vô hình, vô ảnh, vô tượng, vô lượng[4],… Dù vậy với trình độ của khoa học kỹ thuật hiện nay, việc kiểm chứng sự tồn tại của linh hồn còn khó gấp bội so với việc kiểm chứng “vật chất tối” (dark matter) và “năng lượng tối” (dark energy) trong vật lý ngày nay. Phương trình trường của Einstein có thể đã ngầm chứa khái niệm năng lượng tối, nhưng liệu có thể có một phương trình nào chỉ ra sự tồn tại của linh hồn hay không?
Tuy nhiên, những nền văn minh lớn nhất từ xa xưa đã tin vào sự hiện hữu của linh hồn, thậm chí người ta còn bàn cãi linh hồn nằm ở đâu, và quan trọng nhất, người ta cho rằng phần hồn mới là phần mang tính người nhiều nhất!
Thật vậy, người Ai Cập cổ đại tin rằng linh hồn nằm trong trái tim. Bằng chứng là các xác ướp Ai Cập đều giữ lại quả tim, trong khi mọi bộ phận khác của cơ thể đều bị loại bỏ, kể cả bộ não – bộ não không quý bằng trái tim, tư duy không quý bằng cảm xúc, sự khôn ngoan không quý bằng những rung động tinh thần! Tóm lại, người Ai Cập cổ đại cách đây hàng ngàn năm đã thấy linh hồn là thành phần mang tính người nhiều nhất – cái mà mấy ngàn năm sau nền văn minh kỹ trị đã và đang dần dần lãng quên.
Sự lãng quên này có nguồn gốc sâu xa là chủ nghĩa duy lý (rationalism) và chủ nghĩa thực chứng (positivism) – những chủ nghĩa cho rằng tất cả những gì không thể chứng minh hoặc không thể kiểm chứng đều không đáng tin. Linh hồn là một khái niệm dựa trên niềm tin nhiều hơn là chứng minh hoặc thực chứng, vì thế sự tồn tại của linh hồn không đáng tin. Ngược lại, thể xác là cái hiện hữu có thể kiểm chứng được, do đó mối quan tâm tới con người trước hết phải là quan tâm tới thể xác. Nhu cầu ăn uống, sinh tồn là nhu cầu thiết thực, trong khi nhu cầu thoả mãn phần hồn là nhu cầu viển vông, hư vô chủ nghĩa. Đó là nguồn gốc sâu xa dẫn tới sự xói mòn các giá trị nhân văn trong những thế kỷ sau này, đặc biệt trong thế kỷ 20 – thế kỷ bùng nổ của khoa học và công nghệ, dẫn tới sự thống trị của tư duy lý tính – tư duy Descartes.
René Descartes (1596-1650), cha đẻ của Hệ toạ độ Descartes và Hình học giải tích, một trong những ông tổ của chủ nghĩa duy lý, người có ảnh hưởng bao trùm lên tư duy hiện đại với câu châm ngôn nổi tiếng: “Cogito ergo sum” = “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”.
Ông không nói “Tôi cảm thấy…”, “Tôi nghiệm thấy…”, “Tôi nhận thấy…”. Không! “Tôi tư duy…” , mà là tư duy lý lẽ, tư duy chứng minh, tư duy biện luận, tư duy giải thích, tư duy phân tích, …
Ông không chỉ nói, mà hành động để chứng minh tư tưởng của ông là chân lý: Hình học Euclid dựa trên những chứng minh trực giác được thay thế bằng Hình học giải tích – suy diễn dựa trên cảm nhận trực giác được thay thế bằng những biến đổi thuần tuý đại số, cảm nhận mang tính người được thay thế bằng tư duy tính toán (mà ngày nay ta gọi là tư duy computer). Đó chính là điều đang diễn ra trong nhà trường nhưng các nhà giáo dục không ý thức được rằng họ đang biến con người thành những chiếc computer! Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn trong một bài viết tiếp theo, còn bây giờ xin hãy quay lại với Descartes.
Bản thân Descartes là một nghịch lý: Trong khi chủ trương duy lý, nhưng ông lại tin vào sự tồn tại của những thứ không thể chứng minh được. Thật vậy, trước khi nhắm mắt, ông nói: “Nào, hãy lên đường đi, linh hồn ta hỡi!” (Allons, s’en-va, môn âme!). Thậm chí ông còn ra sức chứng minh sự tồn tại của Thượng đế, mặc dù cuối cùng thất bại[5]. Riêng về linh hồn, ông là người đòi phải tìm ra vị trí trú ngụ chính xác của linh hồn trong cơ thể con người. Theo ông, linh hồn nằm tại chính giữa bộ não (?).
Các nhà thơ, nhà văn lại thường mô tả tâm hồn nằm trong đôi mắt: “sinh khí” và tinh thần của con người biểu lộ rất rõ qua đôi mắt, ánh mắt – đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn! Trong khi các nhà khoa học thần kinh trước đây đã từng nghĩ rằng tư duy của con người tập trung ở não trái. Nhà khoa học thần kinh Oliver Sacks nói:
“Toàn bộ lịch sử thần kinh học và tâm-lý-thần-kinh-học (neuropsychology) có thể được coi như lịch sử của việc nghiên cứu bán cầu não trái. Một lý do quan trọng để người ta ít chú ý tới não phải là ở chỗ trong khi dễ dàng chứng minh các hiệu ứng của các tổn thương khu vực khác nhau đối với não trái, thì các triệu chứng bệnh lý tương ứng của bán cầu não phải lại rất ít phân biệt. Não phải nói chung bị xem thường so với não trái vì mang tính “nguyên thuỷ” hơn, trong khi não trái được xem như một bông hoa độc đáo của sự tiến hoá của con người. Theo một nghĩa nào đó thì điều này là chính xác: não trái tinh vi và chuyên biệt hơn, một sản phẩm tự nhiên hình thành rất muộn trong não vượn và đặc biệt trong não người. Mặt khác, chính não phải kiểm soát các khả năng chủ yếu trong việc nhận biết thế giới hiện thực xung quanh mà mọi động vật phải có để sinh tồn. Bán cầu não trái giống như một chiếc computer được gắn vào não người, được thiết kế để xử lý các chương trình và sơ đồ …”.
Tư tưởng nói trên cho thấy các nhà khoa học thần kinh đã từng coi tư duy của con người cũng giống như tư duy của computer. Tuy nhiên, những thành tựu mới nhất của khoa học computer đã chỉ ra rằng phần tư duy người nhất của con người không phải là tư duy computer và điều này hoàn toàn ăn khớp với những khám phá mới nhất của khoa học thần kinh.
Thật vậy, bài báo “Right Brain vs. Left Brain” (Não phải đấu với não trái)[6] cho biết: “Trong khi não trái thiên về những chức năng suy luận logic, phân tích lý luận, mổ xẻ chi tiết, nhận xét khách quan (không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc riêng tư) thì não phải lại thiên về chức năng tư duy trực giác, tư duy tổng hợp, tư duy khái quát, cảm hứng ngẫu nhiên, nhìn toàn thể để rút ra cái chung mang tính bản chất, tư duy chủ quan (cảm xúc riêng tư)”.
Qua đó có thể kết luận:
“Tư duy của não trái thiên về tư duy computer, tư duy não phải thiên về tư duy người. Phần người nhất trong con người nằm ở não phải – linh hồn con người nếu phải tìm chỗ trú ngụ, nó sẽ chọn ngôi nhà chủ yếu ở não phải!”.
Tuy nhiên sẽ là một nhầm lẫn lớn nếu tuyệt đối hoá việc tách bạch hai loại tư duy thành hai khu vực hoàn toàn tách rời nhau. Thực tế hai bán cầu não thường phối hợp hoạt động với nhau để có được một tư duy đầy đủ nhất – giống như một hoạ sĩ lập thể có thể thể hiện một đối tượng với nhiều hình chiếu cùng xuất hiện một lúc trên một bức tranh, cái mà nghệ thuật phối cảnh cổ điển không thể có.
Đến đây có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng đồng ý với nhau rằng tư duy thơ ca, nghệ thuật sẽ hoạt động chủ yếu ở não phải và đó là tư duy nằm trong phần đặc trưng cho tính người. Vậy tư duy khoa học thì sao?
Phải chăng tư duy khoa học là tư duy computer và do đó kém tính người hơn tư duy văn chương, nghệ thuật?
Không, đó là một ý nghĩ hồ đồ, kém hiểu biết về bản chất của khoa học.
Nếu so sánh khoa học với các lĩnh vực văn chương, nghệ thuật thì phải thừa nhận rằng khoa học chứa đựng nhiều tư duy máy móc hơn. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hoá kết luận đó. Thực tế những nhà khoa học chân chính cũng đồng thời là những nghệ sĩ, theo đúng nghĩa của từ này. Còn ai nghệ sĩ hơn Albert Einstein khi ông tuyên bố: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức (The imagination is more important than knowledge)”. Thực ra Einstein và các danh họa cùng tìm kiếm một chân lý như nhau nhưng chỉ khác nhau ở phương pháp tiếp cận mà thôi. Đó là lý do giải thích vì sao Einstein rất mê Hình học Euclid. Ông gọi đó là cuốn “Hình học thiêng liêng” (The Holy Geometry). Tư tưởng hình học xuyên suốt đời ông, và có thể nói không ngoa rằng Thuyết tương đối tổng quát của ông chính là một lý thuyết “Hình học vật lý”. Cảm xúc hình học thiên về cảm xúc người, cảm xúc đại số thiên về tư duy của computer. Đó là lý do để Gottlob Frege, một nhà toán học lớn của Đức đầu thế kỷ 20, đã thốt lên vào lúc cuối đời rằng “Thực ra toàn bộ toán học là hình học”[7].
Đáng tiếc là phần lớn các nhà giáo dục không hiểu điều Frege nói. Muốn hiểu Frege, phải tìm hiểu lịch sử toán học thế kỷ 20, đặc biệt phải hiểu Chủ nghĩa toán học hình thức là gì, và không thể không biết “thảm hoạ giáo dục” trên thế giới những năm 1960 dưới danh hiệu “Toán học mới” (New Mathematics) mà tác hại của nó vẫn còn tới hôm nay. Tất cả những chuyện đó xin dành cho bài kỳ sau.
Tác giả: GS Phạm Việt Hưng.
Đăng tải với sự cho phép.
Đọc các bài khác của tác giả Phạm Việt Hưng ở đây.
Chú thích:
[1] Xem thêm: “Bên ngoài khoa học” của Phạm Việt Hưng, Khoa học & Tổ quốc tháng 03/2010 và các trang mạng: http://vietsciences.free.fr/ hoặc https://viethungpham.wordpress.com/
[2] Nền văn hoá của chúng ta coi vàng có giá trị hơn, nhưng khi cần một thứ kim loại để xây dựng một toà nhà chọc trời thì vàng lại trở nên hết sức bất lợi, vì nó quá mềm.
[3] Nếu không tin có linh hồn thì xin tạm thời thay thế khái niệm này bằng tâm hồn (the spirit). Trong thần học, những khái niệm này không hoàn toàn đồng nhất, mà có thể được phân tầng theo thứ bậc cao thấp rõ ràng. Nhưng bài viết này chỉ nhắc đến những khái niệm đó dưới một nhãn quan chung, đó là phần người không thuộc thể xác vật chất.
[4] Tất cả những từ ngữ mô tả linh hồn nói trên đều có thể sai hoặc thiếu chính xác, bởi chưa hề có một lý thuyết khoa học hoặc thực nghiệm nào đủ để chúng ta hiểu về nó một cách nhất quán. Nhà ngoại cảm có thể thấy rõ linh hồn nhưng cũng không thể “khoa học hoá” khái niệm này sao cho mọi người có thể cảm nhận được giống như họ.
[5] Nhà toán học lừng danh Kurt Godel cũng từng chứng minh sự tồn tại của Chúa!
[6] http://www.funderstanding.com/content/right-brain-vs-left-brain
[7] Xem “Lời sám hối của một nhà toán học hình thức” của Phạm Việt Hưng trên Khoa học & Tổ quốc tháng 05/2009 và trên các trang mạng: http://vietsciences.free.fr/ hoặc https://viethungpham.wordpress.com/
Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/dau-la-ban-chat-dich-thuc-cua-con-nguoi-p3-tri-tuong-tuong-quan-trong-hon-ca-kien-thuc.html
Comment