No icon

nghien-cuu-co-the-nguoi-phat-ra-hao-quang-co-moi-lien-he-dang-kinh-ngac-voi-suc-khoe-the-chat

Nghiên cứu: Cơ thể người phát ra ‘hào quang’ có mối liên hệ đáng kinh ngạc với sức khỏe thể chất

Nhà vật lý người Nga chụp ảnh ‘hào quang’ cơ thể người, phát hiện mối liên hệ đáng kinh ngạc với sức khỏe thể chất.

Một nhà vật lý người Nga phát hiện “hào quang” và trường năng lượng cơ thể có ảnh hưởng rất thực tại đến sức khỏe thể chất một cá nhân.

Một phương pháp chụp ảnh “hào quang (aura)” cơ thể người có lịch sử hơn trăm năm đã được nhà vật lý người Nga, TS Konstantin Korotkov làm sống lại vào thế kỷ 21.

Phương pháp chụp ảnh Kirlian có nguồn gốc từ thế kỷ 17, nhưng chỉ thực sự được hệ thống hóa vào thập niên 1940. Phương pháp chụp ảnh Kirlian có thể được hiểu một cách đơn giản như sau: đặt một vật thể trên một đĩa kim loại, sau đó phủ tấm phim chụp, rồi truyền dòng điện để tích điện cho chiếc đĩa. Khi tấm phim được rửa ra, nó sẽ hiện hình ảnh vật thể với một trường nhiều màu sắc xung quanh.

Ảnh chụp thu được của các vật thể bằng phương pháp Kirlian. Ảnh: Pinterest
Ảnh chụp hào quang cơ thể người bằng phương pháp Kirlian. (Ảnh: the Epoch Times)

Về trường này, một số người cho rằng nó chính là trường năng lượng sinh học tự nhiên của cơ thể sống, một dạng năng lượng có liên hệ đến tinh thần mà cơ thể phát ra, số khác nói rằng đó chỉ đơn giản là nhiệt độ hay độ ẩm cơ thể tạo thành.

Bản thân ông Kirlian từng nói độ mạnh hay yếu của trường này có thể cho thấy tình trạng sức khỏe tốt hay xấu của một người.

Korotkov là một trong số các nhà khoa học nối gót Kirlian khi tiếp tục sử dụng công nghệ này vào thế kỷ 21. Ông hiểu rằng nhờ phương pháp chụp ảnh Kirlian, chúng ta có thể quan sát được một trường năng lượng tương tự như “khí” trong Đông Y. Ông ứng dụng phương pháp này trong phòng ngừa và điều trị bệnh.

Tiến sỹ vật lý người Nga Korotkov. Ảnh: The Epoch Times

TS Korotkov tạo ra thiết bị điện tử Kirlian đầu tiên vào năm 1995 và hiện ông vẫn đang tiếp tục hoàn thiện loại công nghệ này. Ông đã sử dụng nó trong rất nhiều thí nghiệm để kiểm tra xem các yếu tố như bệnh tật, tình yêu, sự nóng giận… có ảnh hưởng như thế nào đến hào quang cơ thể người.

Thông qua những thí nghiệm này, ông dần dần nhận thấy rằng ảnh chụp Kirlian không chỉ đơn thuần ghi nhận được độ ẩm hay nhiệt từ cơ thể, mà rõ ràng còn có liên hệ với một nguồn năng lượng thâm sâu hơn, tinh tế hơn.

Một trong những lý do chính khiến Korotkov tin rằng hiệu ứng này không thể được giải thích bằng các yếu tố thông thường như nhiệt độ hay độ ẩm là vì, ông đã tìm thấy mối liên hệ giữa trường năng lượng được nhìn thấy qua thuật chụp ảnh Kirlian và các kênh năng lượng trong y học cổ truyền phương Đông (hay đông y).

Bảng sơ đồ các huyệt đạo trên cơ thể từ thời nhà Minh, Trung Quốc. Ảnh: The Epoch Times

Ông tiến hành đo đạc hào quang, hay còn gọi là hiệu ứng Kirlian, rồi phát triển các tham số toán học để phân tích mối liên hệ giữa nó với năng lượng và chức năng của các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Trong quá trình ấy, ông nhận ra rằng những hiểu biết của đông y về các kênh năng lượng và các đường kinh mạch (kỳ kinh bát mạch) là chính xác.

Ông cũng nhận ra rằng lòng yêu thương và trạng thái cảm xúc tích cực là những yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo một hào quang khỏe mạnh; rằng suy nghĩ của con người có thể tác động đến hào quang của những người khác, ngay cả từ khoảng cách xa, và rằng âm nhạc cổ điển có thể giúp tăng cường hào quang này.

Ông Korotkov nhận thức được rằng, một số người có thể chỉ trích phương pháp chụp ảnh Kirlian, bởi họ cho rằng kĩ thuật này không tương thích với phương pháp khoa học phổ biến của phương Tây. Ông nói:

“Chúng tôi dựa trên đông y truyền thống, và không phải tất cả các bác sĩ đều chấp nhận ý tưởng này. Họ cần bắt tay nghiên cứu sâu hơn để hiểu được điều này, và… nhiều bác sĩ hay các nhà khoa học có thể đã quá bận rộn để dành chút thời gian cho nó”.

“Ngoài ra [trong phương pháp này] chúng ta đang đề cập đến các yếu tố như cơ thể vật lý, tinh thần, ý thức, linh hồn. [Các bác sĩ Tây y], họ là dựa trên một phương thức tiếp cận mang tính duy vật, do đó họ chỉ xét đến cái cơ thể vật lý này mà thôi. Họ không muốn chấp nhận sự tồn tại của ý thức và linh hồn, cũng như ảnh hưởng qua lại giữa nó và sức khỏe con người. Đó là lý do tại sao tôi không sẽ không tỏ ra ngạc nhiên khi nhiều người trong giới y học sẽ không chấp nhận nó một cách rộng rãi ngay tức thì. Bởi vì phương pháp này đang được nhận thức, dù rằng từng bước từng bước khá chậm rãi, nhưng nó đang được dần dần hiểu rõ”.

TS. Korotkov ứng dụng thuật chụp ảnh Kirlian không chỉ trong điều trị bệnh mà còn trong phòng bệnh

(Ảnh: the Epoch Times)

Ông dẫn một ví dụ về một người phụ nữ đến gặp ông với rất nhiều triệu chứng bệnh, bao gồm mệt mỏi, trầm cảm và đau đớn ở những bộ phận khác nhau trên cơ thể. Cô đang phải uống nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị từng triệu chứng bệnh đó.

Sử dụng thuật chụp ảnh Kirlian, ông xác định được các vùng bị yếu trong hào quang của cô và đề xuất các bài tập để tăng cường củng cố năng lượng tại những vùng đó. Nhờ vậy, cô đã đã nhanh chóng hồi phục và không còn phải uống thuốc nữa. Theo ông Korotkov, hàng ngàn bác sĩ trên khắp thế giới hiện đang ứng dụng rất thành công phương pháp này.

Ở Trung Quốc cổ đại, các bác sĩ có trách nhiệm giữ gìn sức khỏe cho bệnh nhân, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu một người bị bệnh, các bác sĩ sẽ không được trả tiền cho tới khi sức khỏe bệnh nhân hồi phục trở lại. Điều nghe có vẻ khó tin, nhưng nó từng được áp dụng thời cổ đại ở rất nhiều nước Á Đông, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Đây là triết lý căn bản của đông y đã được thực hành trong hơn 3.000 năm lịch sử – phòng bệnh và  giữ gìn sức khỏe – chứ không phải có bệnh rồi mới để tâm chạy chữa. Ngược lại, ở phương Tây, thì khá khác biệt. Các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ và các công ty dược phẩm sẽ kiếm được tiền mỗi khi người bệnh mua thuốc. Yếu tố phòng bệnh được nhắc đến, nhưng không được đặt lên quá cao.

Ông không phản đối y học phương Tây. Ông có vợ là một bác sỹ Tây y. Thay vào đó, ông cho rằng phương pháp này có thể được ứng dụng kết hợp với Tây y.

“Nếu người bệnh có một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau tim, thì họ nên đến bệnh viện để được điều trị. Nhưng để ngăn ngừa tình trạng nghiêm trọng này, chúng ta lại phải viện đến sức mạnh của y học tích hợp (integrative medicine) [1] và y học cổ truyền, bởi nó có sức mạnh to lớn trong việc giữ gìn sức khỏe của bệnh nhân”, ông giải thích.

Các cảm xúc tiêu cực phá hủy trường năng lượng của cá nhân cũng như trường năng lượng của những người xung quanh, TS. Korotkov chia sẻ.

Hào quang của một người được tăng cường nhờ các cảm xúc tích cực như niềm vui, sự hài hước và lòng yêu thương. TS Korotkov nói:

“Nếu người ta có những cảm xúc tiêu cực – tức giận, đố kỵ – thì nó sẽ làm suy giảm trường năng lượng, khiến trường năng lượng thu nhỏ và thậm chí đôi lúc biến mất”

Kết quả nghiên cứu của ông cho thấy, các cảm xúc tiêu cực hướng đến ai đó có thể làm suy giảm trường năng lượng của người đó, thậm chí từ khoảng cách xa.

Ông đã chụp các bức ảnh của một cặp đôi và nhận thấy hào quanh của họ đan xen vào nhau.

Ngược lại, đối với những người không có kết nối về mặt cảm xúc (hai người không quen biết nhau), thì sẽ có một khoảng trống giữa các hào quanh của họ.

Lòng yêu thương giúp chữa lành.

(Ảnh: the Epoch Times)
Bức ảnh TS. Korotkov chụp hiệu ứng Kirlian giữa hai ngón tay của một cặp đôi. (Ảnh: the Epoch Times)

“Khi chúng ta chia sẻ lòng yêu thương, chúng ta truyền dẫn dạng năng lượng này, không phải trong trí tưởng tượng, mà nó là sự biến đổi thực tại về năng lượng vật lý. Đó là lý do tại sao khi một người nhận được sự yêu thương, họ hồi phục nhanh hơn hẳn. Họ sẽ nhận được các cảm xúc tích cực, và điều này sẽ hỗ trợ họ trong quá trình hồi phục vết thương”.

Một người khỏe mạnh có trường năng lượng mạnh mẽ, đầy đủ. Một người bị bệnh thì trường năng lượng của họ xuất hiện các lỗ hổng hay kẽ hở, Korotkov cho hay.

Hào quang người ta phát ra khi có các cảm xúc tích cực. Ảnh: weebly

Khi đi khám phá sâu hơn về mối liên kết siêu thường và vô hình giữa những người thân yêu, Korotkov phát hiện ra rằng trường năng lượng của một người sẽ xuất hiện phản ứng khi người thân (VD: người yêu) của họ đang ở gần, ngay cả khi chưa nhìn thấy người đó. Hiện tượng này chỉ ra rằng mối liên kết cảm xúc cho phép một người cảm nhận được bằng trực giác sự hiện diện của người kia mà không dùng đến năm giác quan thông thường. Theo một cách hiểu nào đó, trong những trường hợp như vậy, họ dường như đã viện đến giác quan thứ 6.

Ngồi thiền và nghe nhạc cổ điển giúp tạo nên một hào quang khỏe mạnh, bền chắc và ổn định hơn.

(Ảnh: the Epoch Times)

Korotkov đã thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của âm nhạc lên hào quang của con người. Nghe nhạc cổ điển có một tác dụng tích cực. Nhạc rock mạnh cũng sẽ giúp tăng cường năng lượng của người nghe, nhưng sau đó sẽ dẫn đến một sự sụt giảm nhanh chóng.

Theo TS. Korotkov, mặc dù nghe nhạc cổ điển có thể giúp duy trì trạng thái hào quang ổn định, nhưng phương pháp tốt nhất chính là ngồi thiền và các bài tập chú trọng tăng cường sức mạnh nội tại như yoga hay khí công.

“Cùng nhau, chúng ta sẽ tạo ra một trường ý thức tập thể”

(Ảnh: the Epoch Times)

Tóm tắt nghiên cứu của mình, ông Korotkov nói:

“Sau hơn 30 năm nghiên cứu, chúng tôi đi đến kết luận rằng con người không chỉ là một cơ thể vật chất, chúng ta là hơn thế rất nhiều. Chúng ta có tinh thần, có ý thức [để nhận biết sự vật hiện tượng, và khái niệm tinh thần hay ý thức này cũng không bị giới hạn trong không gian chật hẹp của bộ não], mà chúng còn tồn tại ở cả bên ngoài [bộ não này]. Vậy nên khi chúng ta mở rộng ý thức của mình, chúng ta mở rộng tầm hồn chúng ta ra môi trường xung quanh. Cùng nhau, chúng ta tạo nên một trường ý thức tập thể”.

“Khi chúng ta phát xuất ra các cảm xúc tích cực, khi chúng ta có một loại cảm nghĩ tích cực, chúng ta sẽ có thể tác động một cách tích cực đến những người khác. Ngược lại, khi chúng ta phát xuất ra các cảm xúc cũng như cảm nghĩ tiêu cực, thì chúng ta cũng sẽ tác động một cách tiêu cực đến những người xung quanh. Chỉ khi chúng ta có các cảm nghĩ tích cực và một thái độ tích cực với mọi người,… thì chúng ta mới có thể tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn”.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Ngự Yên biên dịch

Chú thích:

[1] Y học tích hợp (Integrative Medicine): Mục tiêu chính của Y học tích hợp đó là nâng cao thể trạng của bệnh nhân, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Áp dụng với bệnh nhân ung thư, thì y học tích hợp sẽ nhằm mục đích ức chế sự phát triển tế bào ung thư bằng cách an toàn nhất, không gây ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh như các liệu pháp hóa trị, xạ trị. Nó bao gồm các phương pháp nhỏ như thiền, yoga, âm nhạc, dùng chất chống ung thư từ tự nhiên…

Hóa trị và xạ trị mặc dù có những lợi tác dụng ngăn chặn ung thư nhất định, nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ vì thế không thể sử dụng phương pháp này liên tục cho bệnh nhân mà phải cách khoảng từ 2 tuần – 1 tháng.

Y học tích hợp không đơn thuần sử dụng các dược chất chống ung thư mà bao gồm luôn cả chế độ dinh dưỡng phù hợp, kết hợp với lối sống lành mạnh, thể dục thể thao, thái cực quyền, yoga… làm tăng thể trạng của bệnh nhân lên. Chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân không những ở mặt thể chất mà còn về tinh thần nữa, vì tinh thần là yếu tố liên hệ chặt chẽ với nhau trong việc điều trị ung thư.

Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/nghien-cuu-co-the-nguoi-phat-ra-hao-quang-va-moi-lien-he-dang-kinh-ngac-voi-suc-khoe-the-chat.html

Comment