-giac-mo-bi-an-lam-thay-doi-lich-su-nhan-loai-phan-
5 giấc mơ bí ẩn làm thay đổi lịch sử nhân loại (Phần 2)
- bởi tamthuc --
- 17/01/2018
Những giấc mơ không chỉ là những điều huyễn hoặc không thực tế, bởi rất nhiều trong số chúng đã trở thành sự thật, hoặc làm tiền đề cho các phát minh khám phá trong tương lai, một số trong đó thậm chí đã thay đổi lịch sử nhân loại ở trên một phương diện nào đó.
Tiếp theo phần 1.
Lấy cảm hứng từ giấc mơ để viết một cuốn tiểu thuyết trong vỏn vẹn 6 ngày, hay timd ra phương thuốc điều trị bệnh tiểu đường cứu sống hàng triệu người trên thế giới, … chỉ là một vài trong số rất nhiều các ví dụ như vậy.
6. Srinivasa Ramanujan: Người đàn ông biết được dãy số vô tận
Srinivasa Ramanujan là một thiên tài toán học người Ấn Độ. Trong cuộc đời mình, ông đã có những đóng góp đáng kể cho lý thuyết số giải tích, các hàm elip, các liên phân số, và chuỗi vô hạn, và đã chứng minh được hơn 3.000 định lý toán học. Ramanujan từng chia sẻ rằng rất nhiều lần những điểm mấu chốt trong các công trình của ông đã đến với ôngtrong các giấc mơ.
Ramanujan cho biết, trong cuộc đời mình, ông đã nhiều lần mơ thấy một nữ thần với cái tên Namakkal. Bà đã đưa cho ông các công thức toán học phức tạp hết lần này đến lần khác, và ông sẽ đi kiểm tra và xác thực chúng khi thức dậy. Một ví dụ như vậy là dãy số lẻ vô tận của số Pi:
Miêu tả một trong rất nhiều những giấc mơ như vậy, Ramanujan nói:
“Trong khi ngủ tôi đã có một trải nghiệm siêu thường. Có một màn hình màu đỏ được hình thành bởi dòng máu đang chảy. Tôi đã quan sát nó. Bất thình lình một bàn tay bắt đầu viết lên màn hình.Tôi dồn vào đó tất cả sự chú ý có thể của bản thân. Bàn tay đó đã viết một số kết quả tích phân đường elip. Những kết quả này đã chui vào tâm trí tôi. Khi tỉnh dậy, tôi đã viết chúng ra giấy … “
7. Robert Louis Stevenson: Một câu chuyện kinh dị ra đời từ một giấc mơ phi thường
Năm 1886, Stevenson đã mơ thấy ba cảnh tượng sống động mà sau này đã trở thành cốt chuyện trong cuốn tiểu thuyết kinh dị giả tưởng nổi tiếng của ông là Vụ việc kỳ lạ của Bác sĩ Jekyll và Ngài Hyde
Là một người ôm yếu trong hầu hết cuộc đời của mình, ông đã phải viết sách bán chủ yếu để hỗ trợ gia đình mình. Tình cảnh đó cứ tiếp diễn mãi, cho đến khi ra đời tác phẩm kinh điển Jekyll & Hyde. Ông chia sẻ về giấc mơ của mình như sau:
“Trong hai ngày tôi đã vắt óc suy nghĩ về đủ loại cốt chuyện; và trong đêm thứ hai tôi đã mơ thấy một quang cảnh bên khung cửa sổ, và một cảnh tượng sau đó đã bị phân tách làm hai, trong đó ngài Hyde, lúc đó đang bị truy đuổi vì đã phạm tội nào đó, đã uống thuốc và biến đổi hình dạng ngay trước mắt người bám đuổi phía sau”.
Những cảnh tượng trong cơn ác mộng đã khiến ông la lên thất thanh. Vợ ông nghe thấy vậy đã chạy đến và gọi ông tỉnh lại. Vừa mở mắt, ông đã nhìn vợ phàn nàn:
“Tại sao lại đánh thức tôi vậy? Tôi đang mơ một câu chuyện kinh dị đầy ngoạn mục mà”.
Sau này Fanny đã phát hiện ra hóa ra cô đã đánh thức ông trong khoảng thời gian đổi cảnh đầu tiên.
Sáng hôm sau, Stevenson bắt đầu viết lách một cách hăng say mê mệt, và ba ngày sau đó, ông đã viết được một bản thảo nháp dài 30.000 từ. Nhưng kể từ khi nhận ra đây chỉ là một câu chuyện ngụ ý, trái với ý định ban đầu, ông đã ném nó vào ngọn lửa và bắt đầu viết lại từ đầu.
Trong ba ngày tiếp theo, gia đình ông đã phải nhón chân mỗi khi đi qua chỗ giường ngủ của ông, còn ông thì ngồi trên giường viết lách, xung quanh là vô số trang giấy nháp bị xé rời. Tình cảnh này tiếp diễn cho đến khi ông hoàn tất bản thảo cuối cùng. Tổng cộng ông đã viết tất cả 64.000 từ trong vòng sáu ngày – có thể được coi là một kỳ tích trong thời của ông, khi mà chưa có máy đánh chữ hoặc máy tính.
Con trai riêng của vợ ông, Lloyd Osbourne, đã viết về thành quả kỳ diệu này như sau:
“Tôi không tin rằng từng có một kỳ tích văn học như vậy trước tác phẩm Bác sĩ Jekyll. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên được nghe bản thảo nháp này, cứ như thể mới chỉ là ngày hôm qua. Cha dượng tôi đã chạy xuống lầu trong cơn sốt bệnh, đọc oanh oanh gần một nửa cuốn sách; và sau đó, trong khi chúng tôi vẫn còn đang há hốc mồm kinh ngạc, thì ông đã quay trở lại để bận rộn viết lách. Tôi bán tín bán nghi khi biết rằng rằng bản thảo đầu tiên chỉ được hoàn tất trong chỉ vỏn vẹn ba ngày”.
Sự thành công của cuốn sách này đã trở thành một hiện tượng lúc bấy giờ. Cho đến ngày nay, cụm từ Jekyll & Hyde đã trở thành một phần trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày ở một số nước nói tiếng Anh, một thành ngữ được dùng để đề cập đến một số người tồn tại hai loại tính cách, một tốt một xấu, thiện ác đồng tồn.
8. Otto Loewi: Đột phá trong nhận thức về xung thần kinh
Otto Loewi là một dược sĩ người Đức, người đã khám phá ra acetylcholine – một chất dẫn truyền thần kinh thúc đẩy việc “mơ mộng” – giúp cải tiến việc điều trị y khoa. Khám phá này đã mang về cho ông một giải Nobel 13 năm sau đó. Tuy nhiên, ông cũng rất nổi tiếng bởi cách thức mà ông đã khám phá ra nó, cũng như chính khám phá này vậy.
Năm 1921, Loewi đã có một giấc mơ sống động, nhờ đó mà giới y học sẽ biết được rằng các truyền dẫn xung thần kinh là mang tính chất hóa học – không phải điện học. Sau khi tỉnh dậy, ông nhanh chóng ghi chép nguệch ngoạc lại các thông tin về thí nghiệm này lên giấy, trước khi trở lại ngủ tiếp. Sáng hôm sau, ông tỉnh dậy và rất hứng thú đi tiến hành thử nghiệm mình mơ thấy tối qua. Nhưng thật không may, những ghi chép thô sơ đêm hôm trước quá nguệch ngoạch, và ông không thể nào đọc được chúng. Ngày hôm đó, theo ông chia sẻ, là cái ngày dài nhất trong cuộc đời ông, khi ông cố gắng nặn óc nhưng không tài nào nhớ được giấc mơ của mình.
Tuy nhiên, đêm hôm sau, thật kỳ diệu khi ông đã mơ lại chính giấc mơ này, và ngay khi tỉnh dậy, ông đã chạy thẳng đến phòng thí nghiệm để chứng minh lý thuyết sẽ mang lại giải Nobel cho ông về sự dẫn truyền mang tính chất hóa học của xung thần kinh trong bộ não.
9. August Kekulé: Giấc mơ về vòng Benzene
August Kekulé là một nhà hoá học nổi tiếng người Đức. Trong một giấc mơ tình cờ, ông đã nhìn thấy cấu trúc của phân tử Benzene, không giống như các hợp chất hữu cơ khác, có cấu trúc dạng vòng chứ thay vì cấu trúc dạng tuyến tính.
Tính chất mới được biết đến này của các hợp chất thơm đã chứng minh được tầm quan trọng rất lớn của nó trong lĩnh vực hóa học thuần túy và hóa học ứng dụng. Năm 1890, dịp kỷ niệm 25 năm năm ra mắt tài liệu miêu tả cấu trúc phân tử Benzene của Kekulé, Hiệp hội Hoá học Đức đã cho tổ chức một sự kiện vinh danh August Kekulé. Tại đây, ông đã chia sẻ giấc mơ đằng sau bước đột phá lớn trong hóa học này.
Ông kể rằng ông đã biết được hình dạng vòng tròn của cấu trúc phân tử Benzene sau khi mơ thấy một con rắn cắn chặt cái đuôi của mình – một biểu tượng cổ xưa thường được biết đến với cái tên ouroboros.
Biểu tượng con rắn “tự cắn đuôi mình” ouroboros, và cấu trúc phân tử vòng tròn của phân tử Benzene. Ảnh: Book Drum
Ông kể:
“Tôi đang ngồi viết sách giáo khoa nhưng công việc không tiến triển, suy nghĩ của tôi đang lang thang ở nơi khác, tôi quay ghế của tôi vào lửa và ngủ gật.
Các nguyên tử nhảy nhót trước mắt tôi và luôn luôn chuyển động. Tôi thấy hai nguyên tử nhỏ liên kết với nhau theo cặp. Một nguyên tử lớn hơn gắn chặt với hai nguyên tử nhỏ hơn, đồng thời những nguyên tử lớn hơn liên kết với nhau thành chuỗi. Sau đó, tôi đã trải qua gần một đêm để xây dựng bản phác thảo dựa trên giấc mơ ra giấy”.
10. Frederick Banting: Giấc mơ mang đến giải pháp cho bệnh nhân tiểu đường
Sau khi mẹ ông qua đời vì căn bệnh tiểu đường, là một nhà sinh lý học, Frederick Banting cảm thấy mình phải có trách nhiệm tìm ra một giải pháp chữa khỏi căn bệnh này. Sau này, ông đã tìm ra một liệu pháp điều trị bằng cách tiêm insulin. Tuy rằng đây không phải là phương cách trị khỏi hẳn bệnh, nhưng ít nhất nó đã kéo dài đáng kể tuổi thọ cho bệnh nhân. Khám phá này đã mang lại cho ông giải Nobel Y học khi chỉ mới 32 tuổi.
Mặc dù thiếu kiến thức về căn bệnh tiểu đường và nghiên cứu lâm sàng, nhưng vốn kiến thức uyên thâm của ông về phẫu thuật kết hợp với kiến thức về bệnh tiểu đường của người trợ lý (Charles Best) đã tạo nên một cặp đôi nghiên cứu lý tưởng. Trong quá trình tìm cách xác định cụ thể nguyên nhân đằng sau căn bệnh tiểu đường, Banting đã có một giấc mơ nói trong đó ông được bảo rằng hãy tiến hành phẫu thuật để buộc tuyến tụy của một con chó mắc bệnh tiểu đường, nhằm chặn đứng dòng chảy của chất dinh dưỡng. Ông đã làm và phát hiện ra trạng thái mất cân bằng giữa lượng đường và insulin.
Không chỉ dừng lại ở đó, bước đột phá này đã đặt tiền đề cho một giấc mơ khác tiết lộ phương thức điều chế insulin như một loại thuốc điều trị căn bệnh này.
Banting đã được mệnh danh là Giáo sư Nghiên cứu Y khoa đầu tiên của Canada và vào năm 1923, ông là người đàn ông nổi tiếng nhất nước. Ông đã nhận được thư từ và quà tặng từ hàng trăm người mắc bệnh tiểu đường trên khắp thế giới, và kể từ đó, insulin đã cứu sống hoặc thay đổi cuộc sống của hàng triệu người.
Quý Khải
Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/5-giac-mo-bi-an-lam-thay-doi-lich-su-nhan-loai-phan-2.html
Comment