luan-hoi-thuc-su-ton-tai-nguoi-phu-nu-thoat-khoi-tram-cam-sau-khi-thay-tien-kiep-cua-minh
Luân hồi thực sự tồn tại: Người phụ nữ thoát khỏi trầm cảm sau khi thấy tiền kiếp của mình
- bởi tamthuc --
- 19/04/2018
Khoa học đã có những khám phá tiến bộ về cơ thể con người, nhưng còn khá nhiều yếu tố mà khoa học vẫn mơ hồ và chưa lý giải được trọn vẹn. Những người tin vào tâm linh cho rằng, linh hồn con người vẫn luôn trường tồn khi thể xác chết đi. Đã có khá nhiều trường hợp về các hiện tượng đầu thai, thần đồng, trải nghiệm cận tử hay nhớ lại các kiếp luân hồi minh chứng cho việc đó.
Hồi tưởng luân hồi….
Joanne Tym, 57 tuổi, ở thành phố Cheshire (Anh) có một cuộc sống khá sung túc và hạnh phúc. Tuy nhiên, năm 1985, bác sĩ chẩn đoán cô bị mắc bệnh “trầm cảm lâm sàng”. Là con gái của một nhà ngoại giao, tuổi thơ của cô được chu du khắp nơi trên thế giới và trong con mắt bạn bè, cô có một cuộc sống đáng mơ ước. Nhưng Joanne luôn cảm thấy chán nản, buồn bã: “Ngay cả những điều dễ chịu cũng làm tâm trí tôi nặng nề, vì vậy tôi vẫn không hài lòng dù chẳng vì lý do gì cả”.
Tâm trạng nặng nề, u ám cứ luôn đeo bám tâm trí cô khiến căn bệnh trầm cảm tăng lên theo năm tháng, khiến Joanne và cả gia đình bất lực trước điều tồi tệ này ngay cả khi cuộc sống của cô vẫn rất tốt đẹp. Sau nỗ lực tử tự không thành, cuộc đời của Joanne thay đổi vào năm 2017 khi cô gặp Nicholas Auyula, một chuyên gia về luân hồi đến từ London. Trong vòng vài giờ, Joanne nhớ lại được hai kiếp sống của mình.
Tiền kiếp là người lính bại trận: Trong ký ức đầu tiên, Johanna thấy mình là một sĩ quan chỉ huy trong một trận chiến Crimea vào những năm 1850. Đội quân của Joanne bị đánh bại, chỉ duy vị chỉ huy sống sót. Người chỉ huy ấy bị thương, ngã ngựa rồi bất tỉnh. Tỉnh dậy, anh đau đớn tột độ khi xung quanh mình là ngổn ngang xác của các chiến binh. Cảm giác buồn bã và tội lỗi bủa vây người chỉ huy, vì anh tin chắc rằng, các binh sĩ đã hy sinh để anh được sống.
Chìm ngập trong nỗi hổ thẹn, anh quyết định không trở về nhà sum họp với gia đình, và nhất là không muốn giáp mặt người cha, cũng là một vị tướng cao cấp trong quân đội. Trước chiến tranh, anh có cuộc sống hạnh phúc với người vợ và hai con. Nhưng vì nghĩa vụ bổn phận với Tổ quốc, anh đã gia nhập quân đội khi chiến tranh nổ ra.
Thay vì trở về cố hương, người lính đã chọn cuộc sống cô lập với thế giới bên ngoài, bằng cách sống ẩn dật trong một túp lều trên một ngọn đồi gần chiến trường năm xưa. Người lính sống ẩn tu, không giao tiếp với bất cứ ai và qua đời trong sự cô độc.
Người hầu khốn khổ: Ở lần hồi tưởng thứ hai, Joanne thấy mình là người hầu giúp việc trong một gia đình giàu có vào đầu thế kỷ 20. Dù rất chăm chỉ làm việc, nhưng cô luôn bị những người chủ trong gia đình đó hành hạ, cô bị hạn chế đi lại ra bên ngoài và buộc phải câm lặng cả ngày.
Vào một ngày định mệnh, cô bị người chủ đánh đập và cưỡng bức. Cô có bầu và đứa trẻ đã chết yểu khi vừa mới sinh ra. Trong cơn tuyệt vọng, cô đã chọn cách tự thiêu để kết thúc cuộc đời đau khổ, nhưng người chủ đã kịp thời dập lửa nên cô may mắn thoát chết.
Vì di chứng của những vết bỏng, cô không thể làm việc được nên họ đã đưa cô đến bệnh viện tâm thần. Người phụ nữ không may mắn này đã phải chịu đựng một cuộc sống khốn khổ không người chăm sóc trên giường bệnh vào những năm cuối đời.
…. đã giúp thay đổi thái độ với cuộc sống
Những trải nghiệm trong hai lần hồi tưởng về cuộc sống kiếp trước đấy đã giúp Joanne hiểu được rằng, vì sao trong kiếp sống này, tâm trạng cô lúc nào cũng u uất, phiền muộn, bất chấp tuổi thơ nhung lụa và cuộc sống viên mãn khi trưởng thành.
Sau buổi trải nghiệm, Joanne cảm thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Cô trở nên hòa đồng, hòa nhã hơn và không còn sợ cảm giác phải “vô hình” trước đám đông người nữa. Cô từ bỏ thuốc trầm cảm và có niềm tin vào cuộc sống.
“Tôi không bao giờ nghĩ rằng vấn đề trong cuộc sống hiện tại này của tôi được kết nối với một cuộc sống trong quá khứ. Những kí ức này vô cùng thật và sống động. Tôi đã kéo theo nỗi buồn này qua vài kiếp sống, và hồi tưởng những sự việc ấy đã giúp thôi thay đổi quan điểm về cuộc sống và tin vào một thế giới mà ở đó cái chết không phải là dấu chấm hết”, Joanne Tym đã chia sẻ trên trang báo dailymail.
Luân hồi là có thật qua câu chuyện của tướng Patton
Tướng George Smith Patton (1885 – 1945) là một trong những vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đồng thời ông cũng là một thiên tài chiến lược nổi tiếng trên thế giới. Ông nổi tiếng với câu nói: “Kỷ luật thép, kỷ luật là sức mạnh của quân đội.” Lạ thay con người mạnh mẽ và quyết đoán ấy lại là một người hoàn toàn tin vào kiếp sống nhân sinh và sự luân hồi. Ông thường nói: “Cuộc sống là một chu kỳ chuyển tiếp về phía trước. Cuộc sống của tôi cũng vậy, là trong một chu trình chuyển tiếp nhất định”. Tạp chí Paris Match đã đăng câu chuyện này của Tướng Patton vào ngày 23-3-1989.
Ngày đó, Tướng Patton đến thăm các di tích lịch sử ở Ý và một trong số địa danh đó là vùng đất gần sông Metaure, nơi xưa kia từng xảy ra cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội của đế chế Carthage và đế chế La Mã, với hàng ngàn binh lính tử trận bỏ xác trên chiến trường, dù cả hai phía đều có các nhà quân sự chiến lược tài ba chỉ huy.
Hình ảnh chiến trận bi thảm đó giờ đã là quá khứ, và cách thời đại của Patton hơn 1800 năm. Nhưng một điều kỳ lạ đã xảy ra. Khi Patton cùng các tướng lĩnh của ông và một số sử gia đến thăm khu vực này và bàn luận về chiến thuật của trận chiến đó, tướng Patton nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng khi nghe một đại tá bày tỏ quan điểm về vị trí bố quân của Carthage và Rome.
Cuối cùng, Tướng Patton cắt ngang vị đại tá và nói: “Xin lỗi đại tá, mặc dù đại tá nghiên cứu chuyên sâu về các cuộc chiến La Mã, nhưng tôi khẳng định chắc chắn rằng liên quân của tướng Hasdrubul không phải bố trí ở địa điểm như đại tá vừa trình bày. Tôi khẳng định điều này vì đơn giản vào thời điểm đó, tôi đã có mặt ở đó”. Với thái độ rất nghiêm túc, Patton chỉ vào vị trí trước mặt và nói một cách chậm rãi, rõ ràng rằng: “Đây là nơi mà binh sĩ của tướng Hasdrubul đóng quân, và tôi xin lặp lại lần nữa, tôi đã ở đó! … “.
“Vâng, chiến trường chính là ở đây. Người Carthagini đã quyết phòng thủ thành phố trước cuộc tấn công của ba đội quân La Mã. Người Carthage vô cùng anh hùng và dũng cảm, nhưng họ đã thất thủ và bị tàn sát. Những người phụ nữ Ả-rập đi tới tước quân phục, vũ khí kiếm và giáo của họ. Không một manh vải che thân, những người lính nằm phơi xác dưới ánh mặt trời thiêu đốt cách đây 2.000 năm. Và tôi đã ở đó!”.
Đan xen giữa các cuộc chiến hoặc những lúc nghỉ ngơi, tướng Patto thường đến những địa danh và chiến trường cổ xưa mà ông tin mình đã từng có mặt ở đó. Những địa danh đó đã thuộc về quá khứ xa xôi, hoặc nằm tĩnh lặng trong các ghi chép, hồ sơ tại các thư viện lịch sử của thành phố. Patton thường có thói quen ghi chép những cảm xúc kỳ lạ về cuộc sống quá khứ của ông vào nhật ký. Ông viết: “Tôi tin rằng có kiếp trước và kiếp sau, thực tế, tôi biết rằng tôi từng trải qua ít nhất một kiếp trong binh nghiệp và giờ tôi lại đầu thai để tiếp tục sự nghiệp nhà binh của mình.”
Năm 1961, nhà văn và nhà tư tưởng nổi tiếng Aldons Huxley (1894 -1963) đã tthuật lại câu chuyện kỳ lạ khi Patton thăm chiến trường La mã cổ đại tại hội nghị quốc tế với chủ đề “Ứng dụng của Khoa học Tâm lý”.
Aldons Huxley nói rằng, không chỉ riêng tướng Patton, mà thậm chí ngay cả chúng ta, vào những thời điểm nhất định trong cuộc đời, chúng ta bắt gặp một hình ảnh, một người, một sự việc, một tiếng nói mà dường như chúng ta đã từng thấy, từng nghe, từng trải qua dù trong cuộc sống ta chưa từng bao giờ bắt gặp.
Cảm nhận ấy đôi khi vượt ra khỏi những cảm nhận của các giác quan thông thường của con người chúng ta (giác quan thứ 6?), mà thuộc về quá khứ xa xăm, hay có thể gọi là tiền kiếp.
Ngoài Tướng Patton, có khá nhiều trường hợp trên thế giới nhớ được các tiền kiếp của mình. Tờ Pattaya Daily News đăng tải câu chuyện luân hồi của Chaokun Radzh-sutadzharn (sinh ngày 12-10-1908) ở Thái Lan, tên thường gọi là Choti.
Cha mẹ cậu tên là Nai Pae. Ngay từ nhỏ, cậu bé đã khẳng định mình chính là Nai Leng – người anh trai đã chết trước khi cậu chào đời. Đáng chú ý, cậu có thói quen gõ bàn giống hệt như anh trai mình, có thể nói và thông thạo các ngôn ngữ mà người anh trai từng học, và biết chính xác các chi tiết về cuộc đời của người anh. Sau này, Choti xuất gia và tu hành tại một ngôi chùa ở Băng Cốc và xuất bản cuốn sách về sự luân hồi của chính ông.
Một trường hợp khác xảy ra ở làng Nathul, phía bắc Myanmar. Ma Tin Aung Myo sinh ngày 26-12-1953 trong một gia đình có ba chị em. Từ khi còn nhỏ, cô tự nhận mình là con trai, và luôn nói rằng cô là một người lính Nhật tử trận trong chiến tranh, cách nhà bố mẹ cô gần 100m. Là người Myanmar nhưng cô lại gặp khó khăn để nói ngôn ngữ này, và từ chối mặc quần áo phụ nữ cũng như rất sợ máy bay. Tuy vậy, cô rất thích ăn và nấu ăn theo hương vị của người Nhật, và luôn hoài niệm nỗi nhớ Nhật Bản. Ma Tin Aung Myo cho biết ngôi nhà “cũ” của cô nằm ở phía bắc Nhật Bản.
Cô không kết hôn bởi cô tin mình là “một người đàn ông”. Trường hợp của Ma Tin Aung Myo hiện vẫn còn là một bí ẩn đối với con người, và những hiện tượng luân hồi vẫn còn là câu đố thách thức khoa học.
Phật gia tin rằng, thể xác mất đi nhưng linh hồn là bất diệt. Thể xác chỉ như là lớp y phục bên ngoài, cái chết xảy đến chỉ như là cởi bỏ y phục cũ và sang một kiếp sống mới chỉ là bạn thay đổi lớp y phục mới mà thôi.
Xuân Trường
Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/luan-hoi-thuc-su-ton-tai-nguoi-phu-nu-thoat-khoi-tram-cam-sau-khi-thay-tien-kiep-cua-minh.html
Comment