truong-mau-giao-o-duc-day-tre-nhung-gi
Trường mẫu giáo ở Đức dạy trẻ những gì?
- bởi tamthuc --
- 11/06/2018
Những năm gần đây, để con không bị thua từ ngay vạch xuất phát, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh Việt bắt đầu đăng ký cho con em theo học các “lớp phụ đạo” ngay khi trẻ mới 3-4 tuổi, ngày càng có nhiều em nhỏ đã học phiên âm, tiếng Anh, toán, thơ ca, đọc, vẽ, múa… từ trước khi vào mẫu giáo. Liệu việc chiếm dụng thời gian chơi của trẻ để cho con tiếp xúc với tri thức, văn hóa ngay từ sớm có thật sự tốt hay không?
Trong quan điểm giáo dục của Đức, trường mẫu giáo không phải là “trường học” chỉ để học kiến thức trên sách vở. Trẻ em Đức thích đi học mẫu giáo, ở đó các em nhỏ cùng các bạn khác làm quen với môi trường xung quanh, tiếp xúc với thiên nhiên, học được nhiều kỹ năng sống.
Trường mẫu giáo ở Đức dạy những gì?
Trong khoảng thời gian ở trường mẫu giáo, trẻ em Đức học được những gì?
Trong 3 năm, các bé được đi tham quan bưu điện, xem làm thế nào để một lá thư đi từ nhà đến bưu điện rồi được gửi đi; tham quan chính quyền thành phố, làm quen với thị trưởng để biết thị trưởng phục vụ mọi người ra sao; tham quan sở cảnh sát, học cách báo cảnh sát, cách xử lý tình huống gặp phải người xấu, hiểu cảnh sát dùng để làm gì…
Các bé được đi chợ, cầm tiền học cách mua đồ, phân biệt chợ với cửa hàng.
Các bé được đến vườn hoa, tham quan việc trồng trọt, học cách phân biệt hoa cỏ thực vật.
Các bé được đi xem xiếc, kịch thiếu nhi và ảo thuật.
Các bé được tham quan thư viện, học cách mượn và trả sách.
Các bé được đi xe điện, học cách nhớ đường về nhà.
Mỗi tuần các bé đều cùng cô giáo đến siêu thị mua đồ, học cách trả tiền và chọn hàng.
Vào mùa thu hoạch anh đào, các bé cùng cô đi hái anh đào.
Vào mùa thu hoạch bí đỏ, các bé được nấu súp bí đỏ cùng cô giáo.
Giáng sinh là ngày vui nhất, các bé hồi hộp đợi ông già Noel đến và mang theo những món quà bí mật.
Vào lễ Thánh Martin, các bé xếp đèn giấy cùng thầy cô giáo để kỷ niệm vị Thánh này…
Sau 3 năm, các em nhỏ đã học được cách sửa đồ chơi của mình, tự quản lý thời gian, tự hẹn bạn bè, tự lên kế hoạch, tự phối quần áo, tự sắp xếp đồ đạc, tự tìm cảnh sát… một em nhỏ 6 tuổi sẽ có năng lực sống rất mạnh.
Vì sao Đức nằm trong top 3 các nước nắm giữ giải Nobel trên thế giới?
Đáp án chính là đừng khơi mở trí lực của trẻ em quá sớm và quá mức.
Bằng sự can thiệp của chính phủ Đức, cấm không cho phát triển trí tuệ của trẻ quá sớm nhằm tránh khiến não của trẻ trở thành “ổ cứng”, cho não của các em nhiều không gian tưởng tượng hơn. “Nhiệm vụ duy nhất” của các bé trước tiểu học chính là lớn lên vui vẻ.
Không nên khơi mở trí lực của trẻ quá mức
Trẻ em theo học mẫu giáo ở Đức không được học những kiến thức chuyên môn, khi lên tiểu học, trẻ cũng không được học ngoài giờ, dù IQ của trẻ có cao hơn các bé cùng tuổi khác.
Cô Sandra ở Cologne cho biết: “Con trai tôi năm nay 7 tuổi, tôi đề nghị với giáo viên liệu có thể cho con học thêm một vài thứ hay không, bởi vì cháu đã tự học đọc, viết và tính toán cơ bản lúc 5-6 tuổi rồi. Giáo viên phản đối và nói: ‘Chị nên để cho cháu phát triển cùng các bạn khác’.
Một tuần sau tôi lại đến gặp và cho giáo viên xem chứng nhận IQ cao của con với mong muốn được cô hiểu và ủng hộ, nhưng cô ấy nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu như thể tôi là người ngoài hành tinh vậy.
Rồi cô ấy giải thích, trí lực của trẻ bị khai thác quá mức hoàn toàn không phải là điều tốt, bởi vì phải cho não của trẻ không gian để tưởng tượng. Quá nhiều kiến thức sẽ khiến não của các bé trở thành ổ đĩa máy tính, lâu dần, não của các em sẽ dần dần trở thành máy lưu trữ và sẽ không chủ động suy nghĩ nữa.”
Các chuyên gia giáo dục Đức cho biết, “nhiệm vụ duy nhất” của trẻ trước tiểu học đó là lớn lên vui vẻ. Bởi vì thiên tính của trẻ em là vui chơi, vì vậy phải làm những việc phù hợp, chứ không nên đi ngược lại quy luật trưởng thành của trẻ.
Nếu phải “giáo dục” trẻ trước tiểu học, thì trọng điểm chỉ có 3 điều:
- Thường thức xã hội cơ bản, ví dụ như không cho phép bạo lực, nói lớn tiếng…
- Khả năng thực hành của trẻ. Ở trường mẫu giáo, các bé sẽ tham gia làm thủ công theo sở thích của mình, để ngay từ nhỏ các em đã chủ động làm những việc cụ thể.
- Bảo vệ tình cảm của trẻ, bồi dưỡng EQ và khả năng lãnh đạo.
Ngược lại với Đức, trẻ em Việt Nam về cơ bản đã học hết những kiến thức của lớp một khi đi học mẫu giáo rồi. Người Đức cho rằng trẻ em có quy luật trưởng thành của riêng mình, các bé cần làm những việc phù hợp với từng giai đoạn. Bề ngoài thì thấy rằng việc giáo dục trước tiểu học và giáo dục cơ bản rất vững chắc là tốt, nhưng khả năng tưởng tượng và suy nghĩ của các bé đã bị hủy hoại mất rồi, đã tạo nên thói quen bị động chấp nhận kiến thức mà thiếu chủ động suy nghĩ ở trẻ.
TAMTHUC
Giáo dục mẫu giáo Đức nhấn mạnh điều gì?
1. Quan sát thực tế và giáo dục môi trường
Đây là một kiểu giáo dục tạo nên ý thức đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường thông qua việc quan sát môi trường xung quanh, ghé thăm những nơi khác nhau, tăng cường sự hứng thú của trẻ đối với môi trường xung quanh, trải nghiệm môi trường một cách trực quan. Việc thông qua nhiều cách để trẻ tiếp xúc với thiên nhiên là điều kiện tiền đề để thúc đẩy trẻ trở thành người bảo vệ môi trường. Ví dụ như cho trẻ biết được ý nghĩa của điện, nước và việc tránh tạo ra quá nhiều rác, hoặc để trẻ trực tiếp tham gia vào việc phân loại rác…
2. Giáo dục cuộc sống thực tế và gia đình
Tạo nên những việc có ý nghĩa để trẻ hiểu, hình thành những kỹ năng cần có trong cuộc sống tập thể. Ví dụ như cách ăn mặc, quen thuộc với việc dùng các loại đồ chơi, biết những sự kiện quan trọng trong năm, nắm vững kỹ năng làm việc nhà (dọn dẹp phòng, giặt quần áo, nấu cơm…), quen thuộc với quy tắc giao thông, học sử dụng một vài loại máy móc (máy ghi âm, lò nướng), phản ứng trong những tình huống khẩn cấp. Cho trẻ cơ hội luyện tập mô phỏng.
Trẻ em Đức được lớn lên trong niềm vui, học chơi trò chơi, học cách sống cùng các bạn khác, các em cũng phải làm rất nhiều việc, dung hòa giáo dục với việc vui chơi. Ở Đức rất ít có trẻ không chịu đi học mẫu giáo, bởi vì ở đó tự do thoải mái lại có rất nhiều bạn nhỏ, vì sao lại không đi chứ?
Thanh Trúc
TAMTHUC:
Comment