moi-viec-muon-thanh-can-phai-dung-tam-chuyen-nhat
Mọi việc muốn thành cần phải dụng tâm chuyên nhất
- bởi tamthuc --
- 24/06/2017
Từ xưa đến nay, vô luận là bậc hiền nhân hay là nông phu thì làm việc gì cũng phải dụng tâm, chuyên nhất mới mong có được thành công. Phàm là những người làm được việc lớn thì nhất định càng là người phải dụng tâm chuyên nhất, một lòng một dạ, kiên trì với mục tiêu của mình.
Có một câu chuyện xưa kể về việc Triệu Tương Tử điều khiển xe ngựa được ghi chép trong “Hàn Phi Tử . Dụ Lão” như thế này:
Triệu Tương Tử tức là Triệu Tương Chủ, là vị quân chủ của nước Triệu vào thời kỳ Chiến Quốc. Một lần ông nhờ Vương Lương dạy cho mình kỹ thuật lái xe ngựa.
Sau một thời gian, Triệu Tương Tử đã có thể nắm bắt được hết kỹ thuật lái xe nên cùng tham gia thi đấu đua xe với Vương Lương. Kết quả là Triệu Tương Tử dù thay đổi ngựa đến ba lần nhưng vẫn không theo kịp được Vương Lương.
Triệu Tương Tử không hài lòng, nói với Vương Lương rằng: “Ngài đúng là đã không đem toàn bộ kỹ thuật lái xe dạy lại cho ta phải không?”
Vương Lương trả lời: “Kỹ thuật lái xe, ta đã đem toàn bộ giao cấp lại cho ngài hết rồi, chỉ là ngài khi sử dụng đã có sai sót mà thôi. Muốn điều khiển tốt xe ngựa, mấu chốt là ở chỗ: Ngựa phải an tâm kéo xe, lòng người phải tập trung điều khiển ngựa. Sau đó mới có thể gia tăng tốc độ, chạy đến phương xa.
Ngài thì sao? Khi bị rớt lại phía sau thì ngài nghĩ phải đuổi kịp ta, còn khi vượt lên phía trước thì ngài lại lo lắng ta sẽ đuổi kịp và vượt qua ngài. Ngài xem, việc đua xe ngựa lần này không chỉ là lúc rớt lại sau mà cả lúc dẫn đầu, tâm tư của ngài đều đặt hết vào ta thì sao có thể chuyên tâm điều khiển ngựa được? Đây mới chính là nguyên nhân khiến ngài bị thua!”
Triệu Tương Tử nghe xong, bừng tỉnh đại ngộ, nhận ra lỗi sai của mình, nói: “Ngài nói thật chí lý, sâu sắc!”
Câu chuyện xưa nói cho chúng ta một đạo lý rằng, vô luận là làm việc gì, trong quá trình hướng về mục tiêu đã định thì trước sau đều phải dụng tâm chuyên nhất, một lòng một dạ, không phân tâm, tập trung cao độ, loại bỏ hết thảy sự quấy nhiễu của những tạp niệm, những suy nghĩ không cần thiết, thông suốt nội dung chủ yếu, tài nghệ thành thạo thì mới nhanh chóng đạt được mục tiêu.
Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng của triều đại nhà Thanh. Những tư tưởng và tu dưỡng của ông đã cổ vũ khích lệ cho hậu thế. Nhưng tư chất bẩm sinh mà trời ban cho ông lại không được cao, hay nói đúng hơn là rất kém.
Thời thiếu niên, có một hôm, Tăng Quốc Phiên ở nhà đọc sách. Có một tên trộm ẩn nấp trong nhà, đợi Tăng Quốc Phiên đi ngủ để lấy trộm một vài thứ. Nhưng tên trộm đợi mãi mà Tăng Quốc Phiên vẫn không ngừng lật qua lật lại đọc một bài văn.
Tên trộm tức giận, nhảy ra và nói: “Trình độ như thế này thì đọc được sách gì?” Tên trộm nói xong, lập tức đọc thuộc lòng một lượt bài văn này, rồi nghênh ngang bỏ đi.
Nhưng, Tăng Quốc Phiên cũng không vì thế mà nản chí. Trái lại, ông càng siêng năng, dụng tâm chăm chỉ học hơn. Cuối cùng, ông đã trở thành một vị danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Còn tên trộm thông minh kia thì đã vùi lấp trong dòng chảy dài của lịch sử từ bao giờ.
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng là như thế. Bất kể làm một công việc gì dù lớn hay nhỏ đến đâu thì đều phải dụng tâm, tập trung, chăm chỉ, kiên nhẫn làm thì mới mong có được thành công.
Cho dù là ở thời nào, ở hoàn cảnh nào đi nữa, trong công việc hay trong cuộc sống, người dụng tâm chuyên nhất, một lòng một dạ, không “đứng núi này trông núi nọ” thì cũng luôn được lòng người và đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc đời.
An Hòa (biên dịch và t/h)
TAMTHUC
Comment