ly-giai-thu-vi-ve-tai-tim-mo-cua-nha-ngoai-cam
Lý giải thú vị về tài tìm mộ của nhà ngoại cảm
- bởi tamthuc --
- 30/06/2013
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương) đã đưa ra những lý giải thú vị về khả năng đặc biệt của nhà ngoại cảm.
– Là một người từng chứng kiến và tham gia một số cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ dưới sự tư vấn của các nhà ngoại cảm, ông đánh giá thế nào về khả năng của họ trong lĩnh vực này?
Qua các trường hợp mà tôi chứng kiến, tôi chỉ có thể nói, khả năng của các nhà ngoại cảm thật tuyệt vời.
– Ông có thể lý giải những khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm bằng lý thuyết của lý học Đông phương được không?
Khả năng của các nhà ngoại cảm là một hiện tượng khách quan, được kiểm chứng trên thực tế. Hiện tượng này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Như hiện tượng nhà tiên tri Vanga là một ví dụ. Để lý giải hiện tượng này, tôi chủ quan cho rằng, chúng ta cần phân biệt phương tiện nhận biết và tính nhận biết. Tôi lấy ví dụ, con người là tính nhận biết và cái tivi là phương tiện nhận biết. Không có con người, hoặc sinh vật có khả năng nhận biết thì chiếc tivi đó mặc dù truyền tải thông tin nhưng sẽ không đem lại sự nhận biết.
Ảnh minh họa. |
Tương tự như vậy, các giác quan là phương tiện nhận biết và não là tính nhận biết của các giác quan. So sánh sâu hơn thì não cũng là phương tiện nhận biết và trong cấu trúc vật chất của nó phải có tính nhận biết. Như vậy, tôi đặt một giải thuyết cho rằng, trong cấu trúc não của các nhà ngoại cảm phải có sự phát triển một dạng cấu trúc đặc biệt nào đó khác bình thường, có khả năng như một phương tiện nhận biết mà người khác không có.
– Phương pháp sử dụng con lắc để xác định mộ liệt sĩ của ông (từng áp dụng trong hành trình tìm mộ liệt sĩ Vũ Văn Sơn) dựa trên cơ sở khoa học nào?
Theo tôi hiểu thì việc sử dụng con lắc có trước khi xuất hiện khái niệm “cơ sở khoa học”. Từ thời cổ đại người ta đã sử dụng con lắc để tìm kiếm nguồn nước. Như vậy việc sử dụng con lắc không xuất phát từ tri thức của nền khoa học hiện đại để có khái niệm “áp dụng cơ sở khoa học” nào cho việc sử dụng con lắc. Chúng ta chỉ có thể ứng dụng những tri thức khoa học hiện đại để lý giải những hiện tượng và vấn đề tồn tại một cách khách quan trong lịch sử văn minh nhân loại và có trước sự hình thành nền tảng của tri thức khoa học hiện đại. Một ví dụ trong nội dung này là việc sử dụng con lắc hoặc các bộ môn ứng dụng của lý học Đông phương.
Xuất phát từ luận điểm này, tôi cho rằng để giải thích việc sử dụng con lắc – một phương tiện cổ xưa – từ hiểu biết của tri thức khoa học hiện đại thì rất khó khăn. Do nền tảng tri thức của nền văn minh cổ xưa tạo ra phương pháp sử dụng con lắc và nền tảng tri thức của nền văn minh hiện nay – mà chúng ta gọi là tri thức khoa học hiện đại – có nhiều khác biệt. Nó cũng tương tự như lấy tri thức khoa học hiện đại giải thích những bí ẩn của Kim Tự Tháp vậy.
Tôi nghĩ rằng để giải thích vấn đề này cần có sự hội nhập giữa hai nền văn minh xưa và tri thức khoa học hiện đại. Do đó, để giải thích hiện tượng ứng dụng con lắc từ tri thức khoa học hiện đại sẽ rất phức tạp, nằm ngoài khuôn khổ của một bài báo. Tôi hy vọng sẽ được trình bày đầy đủ trong một dịp khác. Nhưng ý niệm ban đầu của tôi để giải thích hiện tượng sử dụng con lắc là liên quan đến trường điện từ.
– Trong hành trình tìm mộ liệt sĩ Vũ Văn Sơn, theo lời ông kể lại thì sự xác định vị trí mộ phần của ông bằng con lắc cũng không chính xác. Vậy có thể đặt bao nhiêu phần trăm niềm tin vào phương pháp này?
Trong việc tìm mộ liệt sĩ Vũ Văn Sơn thì con lắc chỉ đúng khu vực mà hai vị liệt sĩ đã hy sinh và vị trí liệt sĩ Sơn bị thương nặng trên ruộng lạc. Tuy nhiên, con lắc chỉ sai vị trí mộ ban đầu của liệt sĩ Sơn khoảng 9 mét (mộ này sau đó cải táng vào nghĩa trang liệt sĩ). Theo hiểu biết của tôi thì sự chính xác của một phương pháp ứng dụng bao giờ cũng có sai số. Trên thực tế tôi chỉ sử dụng con lắc để kiểm chứng lại việc đi tìm huyệt đặt mộ cho người đã khuất theo phương pháp phong thủy. Chỉ có một lần tôi sử dụng con lắc tìm mộ, nhằm xác định cụ thể hơn vị trí của các liệt sĩ đã nằm, khi các nhà ngoại cảm đã xác định được khu vực hy sinh của các liệt sĩ ấy.
– Ông có tin vào sự tồn tại của “linh hồn” không? Việc các nhà ngoại cảm hoặc một ai đó tiếp xúc được với các “linh hồn” rồi nói chính xác một số thông tin trong quá khứ có lý giải được bằng các cơ sở lý thuyết của lý học Đông phương không?
Để giải thích những hiện tượng trên từ nền tảng tri thức của lý học Đông phương, phù hợp với tri thức khoa học hiện đại, tôi cần xác định ngay rằng, hệ thống tri thức của lý học Đông phương hoàn toàn phù hợp với những giá trị của nền tảng tri thức khoa học hiện đại, thể hiện qua tiêu chí khoa học cho một hệ thống lý thuyết được coi là khoa học. Từ quan niệm này, chúng ta cần đặt lại vấn đề khái niệm “linh hồn”.
Trong lý học Đông phương và trong rất nhiều văn bản cổ xưa có nhắc đến linh hồn. Cụ thể trong Kinh Dịch, Hệ Từ có viết: “Hồn thoát ra ngoài, hoàn tất sự biến hóa”. Vậy “hồn” hay “linh hồn” có phải là một dạng tồn tại của vật chất không? Nếu linh hồn là một sự tồn tại thần bí, phi vật chất thì không thể có năng lượng và tương tác với các nhà ngoại cảm. Còn một khi nó có những hiệu ứng tương tác thì chứng tỏ nó chính là một dạng tồn tại của vật chất. Phần còn lại là người ta giải thích nó như thế nào? Hoặc là với khái niệm “linh hồn” là những hồn ma tồn tại như quan niệm phổ biến hiện nay. Hoặc chỉ coi “linh hồn” là một tồn tại của vật chất tế vì còn sót lại của người đã khuất, mà tri thức khoa học hiện đại chưa giải thích được. Khoa học hiện đại đang đi tìm hạt của Chúa. Rõ ràng họ cũng đang đặt vấn đề về một dạng tồn tại của vật chất mà tri thức khoa học hiện đại chưa giải thích được.
– Xin cảm ơn ông!
Theo : Kiến thức
Comment