tu-truyen-gay-sung-sot-cua-mot-nha-ngoai-cam
Tự truyện gây sửng sốt của một nhà ngoại cảm
- bởi tamthuc --
- 12/12/2012
“Tôi là cây cầu nối hai bờ Dương và Âm, để người ở hai thế giới ấy có thể tiếp cận với nhau…”, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài đã bắt đầu như thế, khi quyết định phơi bày cuộc đời mình trong cuốn tự truyện gây sửng sốt.
Ngoại cảm, vốn bao hàm một trong những khả năng là tiếp xúc với thế giới người âm, vốn là đề tài nhạy cảm, ít nhất là ở Việt Nam. Từ trước tới giờ, những phản ánh trên báo chí hầu hết mang thái độ phê phán hành động lợi dụng cái danh ngoại cảmđể lừa đảo kiếm tiền, khiến công chúng không khỏi ác cảm.
Không thể diễn giải, thanh minh cho từng người hay từng bài báo, Nguyễn Ngọc Hoài chọn cách viết hẳn Một thế giới khác, một cuốn tự truyện, đồng nghĩa với việc phải đảm bảo tính xác thực tuyệt đối của nội dung được kể. Không những thế, cuốn sách còn có tính nhiều chiều khi các nhân chứng – những gia đình được chị Hoài giúp tìm mộ – cũng xuất hiện và kể về trường hợp của mình cùng với địa chỉ liên hệ của tác giả và các nhân chứng cũng được cung cấp để phục vụ nhu cầu trao đổi của độc giả.
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài (ở giữa)
Năm 1998, khi Nguyễn Ngọc Hoài 33 tuổi, bố chị qua đời. Đó là một biến cố đặc biệt trong đời khiến chị nghĩ nhiều về cái chết và cõi tâm linh. Sau đó ít lâu, người cha của chị bắt đầu trở về trong những giấc mơ, khiến chị sợ hãi, thậm chí cho rằng bản thân bị hoang tưởng. “Tôi kinh hoảng. Tôi sợ phải vào viện điều trị. Biết đâu bệnh tôi nặng, phải nằm nhà thương điên”. Và từ đó, chị Hoài tiếp tục “nhìn thấy” những người họ hàng khác, hoặc những người âm đứng bên cạnh những người sống khác, mà theo chị mô tả, tất cả đều ở độ tuổi lúc gần qua đời.
Chị choáng váng đặt ra hàng loạt câu hỏi cho bản thân: “Con người ta chết đi lại thành người ở cõi khác thì cõi đó thực sự tồn tại ở chỗ nào? Trên không trung hay dưới lòng đất? Hình thù họ ra sao, họ ăn uống, sinh hoạt kiểu gì? Người âm nhiều tới mức nào?…”. Rất nhiều câu hỏi không ai có thể giải đáp. Từ một con người vô thần, người còn không biết cúng bái là gì, chị đi đến chỗ chấp nhận khả năng mới của mình và tìm cách sống chung với nó, tìm cách tìm hiểu một thế giới khác đang song hành với thế giới người sống.
Trong buổi ra mắt cuốn sách ngày cuối tháng 8, GS Phạm Đức Dương cho rằng: “Con người vẫn khao khát mãnh liệt khám phá thế giới bên kia và chính lòng khao khát đó sẽ mang đến sự hiểu biết cho họ”. Nhà ngoại cảm không tự đi tìm khả năng ngoại cảm, nhưng quá trình nhận biết, tìm hiểu và phát triển khả năng đó lại hoàn toàn lại có thể là chủ động.
Chấp nhận sứ mệnh
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài làm một ví dụ. Vượt qua quãng thời gian tuyệt vọng, cú sốc nhìn thấy người âm, chị dần dần làm quen với việc tiếp xúc kì dị đó và cố gắng dùng năng lực trong một vài lần tìm mộ. Thành công có, thất bại càng nhiều hơn, nhưng những lần đó giúp chị nhận ra rằng, nhà ngoại cảm thì cũng phải trau dồi năng lực để tiến bộ. Bản thân nhà ngoại cảm, ở đây là chị, cũng không ít lần hoài nghi và hoang mang về khả năng của mình, nên phải hiểu thành kiến của người ngoài cuộc. Nhờ những thành công khích lệ, chị Hoài đi đến chấp nhận con người mới và sứ mệnh mới của mình. “Tôi nhận ra mình không còn cách nào sống như ngày xưa… Tôi học cách chủ động, bình tâm thực hiện trách nhiệm mới của mình”. Phẩm chất quan trọng nhất của nhà ngoại cảm, theo chị, là cái tâm trong sáng để không mờ mắt trước vật chất, biết lắng nghe người cõi âm, biết phân biệt thật giả lẫn lộn đến từ chính cái thế giới đó, bởi vì “Tôi từng gặp không ít trường hợp người âm hiện lên không phải là thân nhân của gia đình muốn áp vong (ma giả ma)”.
47 tuổi, theo mang trong mình khả năng đặc biệt đã hơn 10 năm, chị Hoài là một trong 10 nhà ngoại cảm xuất sắc nhất Việt Nam được Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) công nhận khả năng. Chị đã giải mã được trên 5.000 thông tin liệt sĩ. Thông tin này được TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc UIA công bố.
Người sống đi về đâu sau khi chết?
Câu hỏi này quả thực là câu hỏi lớn đối với sự sống của con người. Với những gì các nhà ngoại cảm chứng nghiệm, kèm theo nhân chứng vật chứng, chúng ta có thể tạm hình dung ra một tầng thế giới của các linh hồn. Các linh hồn đó vẫn mang đầy đủ tính cách, tâm tình như khi còn sống. Họ tồn tại cách biệt với thế giới đáng sống, nhưng vẫn liên hệ với thế giới đó bằng những mối dây tình cảm, và đặc biệt, cũng họ cũng cực kỳ “cập nhật” (cũng theo lời ông Vũ Thế Khanh).
Những câu chuyện tìm mộ liệt sĩ được kể lại trong “Một thế giới khác” cho thấy các liệt sĩ biết người thân mình đang tìm kiếm mộ mình ra sao, biết gia đình gia cảnh đang như thế nào; rồi hướng dẫn cả cho gia đình mình thông qua nhà ngoại cảm để tìm lại phần mộ. Các liệt sĩ nhập vào người thân trong bộ dạng, cử chỉ, phong thái của người đã từng sống, cùng những thông tin riêng tư khiến đến những gia đình trong cuộc cũng phải sửng sốt.
Vậy là, mô tả được một thế giới tâm linh sáng rõ và đáng tin cậy hơn cho công chúng, đó là một thách thức không nhỏ đối với giới khoa học. Nhà ngoại cảm có thể giúp sức làm cầu nối. Còn giải đáp thực sự cho câu hỏi: tại sao thế giới người sống và người khuất lại vận hành như thế? dựa trên những định luật vật lý, tâm linh nào? – đó phải chăng là việc mà khoa học cần đối diện và giúp công chúng có câu trả lời đích xác!
Sự ra đời cuốn tự truyện hé lộ một khả năng: nhận thức của công chúng VN vềngoại cảm sẽ có sự thay đổi bước ngoặt. Chưa thể nói là 180 độ, từ bài bác nghi kỵ sang tin tưởng coi trọng, nhưng cuốn sách có khả năng gỡ bỏ những rào cản e dè của công chúng khi nói đến chủ đề ngoại cảm, tấn công lại chính mê tín dị đoan, mở đường cho những kiến giải có cơ sở từ thực nghiệm.
TAMTHUC
Comment