lam-viec-ac-du-chi-nham-bao-thu-van-phai-ganh-nghiep-bao
Làm việc ác dù chỉ nhằm báo thù vẫn phải gánh nghiệp báo
- bởi tamthuc --
- 20/01/2016
Nếu hành ác, cho dù vì bất kỳ mục đích gì, kể cả để báo thù người xử tệ với mình, con người vẫn sẽ phải chịu nghiệp báo nặng nề, chịu khổ sở khôn thấu. Lời răn của Đức Phật thật ý nghĩa để chúng sinh lấy đó làm gương.
Đức Phật từng giảng rằng, Ngài không phải Chúa tạo ra muôn loài và cũng từng phải trải qua nghiệp báo. Bản thân tiền kiếp trước khi đắc chính quả viên mãn, Đức Phật vẫn là một người trần mắt thịt như bao người khác. Điều khác biệt duy nhất của Ngài đối với chúng sinh là đã ngộ được chân lý, khai mở trí huệ trong vũ trụ này để viên mãn và đắc chính quả.
Trong tiền kiếp từ hằng xa xưa về trước, Đức Phật từng tạo nghiệp và phải chịu nghiệp báo vô cùng thống khổ. Tại một buổi thuyết Pháp ở Ấn Độ cổ lúc còn tại thế, Ngài đã giảng cho chúng tăng câu chuyện tiền kiếp của mình như sau:
Từ lâu lắm rồi tại Ấn Độ cổ đại có một vị trưởng tôn. Một lần nọ, con trai duy nhất của ông ấy bị sốt cao, tình trạng rất nguy kịch. Khi đó trong thành có một vị lương y rất giỏi có thể trị bách bệnh. Vị trưởng tôn đã tới gặp vị lương y này và nhờ ông ấy cứu con trai mình: “Xin thần y hãy cứu mạng con tôi, tôi sẽ biếu ngài rất nhiều vàng bạc châu báu”. Vị lương y nghe xong bèn đồng ý và trị bệnh cẩn thận cho con trai của trưởng tôn.
Quả nhiên người này dần khỏi bệnh, nhưng trưởng tôn kia lại nuốt lời vì tiếc của nên đã không thực hiện lời hứa với lương y. Sau đó, con trai của ông ta lại mắc trọng bệnh, trưởng tôn này lại dùng kế cũ tới van xin và hứa chắc rằng sẽ không như lần trước mà bội ước. Tuy nhiên, sau khi con trai khỏi bệnh, ông ta vẫn không thể từ bỏ lòng tham để thực hiện lời hứa của mình.
Đến lần thứ ba, người con trai đó lại đổ bệnh, vị trưởng tôn tiếp tục đến van nài người lương y. Tuy nhiên, lần này vị lương y đã mất hết niềm tin vào lời hứa của ông ta. Vị lương y nghĩ rằng trưởng tôn coi thường và muốn giễu cợt mình nên càng tức tối. Vì thế dù nhận lời trị bệnh cho người con trai trưởng tôn nhưng lương y đã dùng loại thuốc khác không có tác dụng trị bệnh mà còn hại người. Kết quả là người con trai đó vì không được cứu chữa nên đã qua đời mà không rõ nguyên nhân.
TAMTHUCĐức Phật từng trả nghiệp báo nặng nề
Đức Phật dừng lại và giải thích: “Các vị có biết người lương y và người con trai đó là ai không? Lương y chính là tiền kiếp của ta, còn người con trai của trưởng tôn chính là là tiền kiếp của Đề-bà-đạt-đa (em họ của Đức Phật)”.
Ngài nói tiếp: “Vì ta tiền kiếp tạo nghiệp để con trai trưởng tôn mất mạng nên sau khi chết đi đã bị đày xuống địa ngục. Dưới đó ta phải trả nghiệp báo nặng vì tội sát nhân, bị ngâm vào vạc dầu suốt mấy ngàn năm, đau đớn khôn thấu. Rồi tiếp đó bị đày vào cửa súc sinh, bị giết thịt nhiều lần, chuyển sinh thành ma đói, nỗi thống khổ ấy không thể tả bằng lời”.
“Tiền kiếp trước ta đã phạm ác và phải trả nghiệp báo nặng. Mãi về sau được chuyển sinh lại thành người, vẫn chịu cơn đau khớp, đau toàn thân do hậu quả của việc bị ngâm vạc dầu dưới địa ngục”.
Rồi Ngài nghiêm trang nói với chúng tăng: “Các vị nhìn ta hiện giờ đã là đấng Thế tôn ba cõi, xả bỏ mọi ác nghiệp và viên mãn. Thế nhưng hằng ức kiếp trước ta tạo nghiệp và vẫn phải chịu nghiệp báo, cho dù chỉ nhằm trả thù người đã xử tệ với mình. Bởi vậy, các vị hãy ghi nhớ rằng, hành ác, cho dù vì bất kỳ mục đích gì, kể cả để báo thù người xử tệ với mình, con người vẫn sẽ phải chịu nghiệp báo nặng nề, chịu khổ sở khôn thấu”.
Lời răn của Đức Phật thật ý nghĩa, hướng thiện cho con người trong mọi hoàn cảnh, bởi vì có câu “hại người chính là hại mình”. Bất kể một người phạm phải điều ác nào, cho dù chỉ nhằm báo thù kẻ làm ác với mình, cuối cùng vẫn phải gánh nghiệp báo mình gây ra.
Theo minhbao.net
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/lam-viec-ac-du-chi-nham-bao-thu-van-phai-ganh-nghiep-bao.html
Comment