doi-song-tu-tap-cua-nguoi-cu-si-theo-tinh-than-phat-day
Đời sống Tu tập của người cư sĩ theo tinh thần Phật dạy
- bởi tamthuc --
- 29/06/2015
Hơn 2.500 năm trước, bình minh của lịch sử Phật giáo chính thức khởi phát với tuyên bố của Đức Phật: “Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc, cho chư Thiên và loài Người” (Tương Ưng I, tr.128).
Tạo dựng hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của người Phật tử
Theo đó, con đường truyền bá giáo lý mang ánh sáng giác ngộ và giải thoát của Ngài rõ ràng không chỉ nhắm vào đối tượng xuất ly thế gian, sống đời hành giả mà nền giáo pháp cao tột, vi diệu đó cần phải được tuyên lưu trong đời sống mọi tầng lớp xã hội.
Ví như một trận mưa đổ xuống, các loại cây cỏ đều được tưới mát, nhưng tùy vào điều kiện mỗi loại mà sức hấp thụ có khác nhau. Như Lai xuất hiện ở đời như vầng mây, nói pháp như mây thành mưa, bao trùm chúng sanh; cũng vậy, các loài hữu tình và vô tình chúng sanh đều được bình đẳng, lợi lạc trong giáo pháp của Đức Thế Tôn. Giáo pháp đó chính đã đem đến cho con người nhiều lợi ích thiết thực, tháo gỡ niềm đau nỗi khổ, vượt lên những hệ lụy của kiếp nhân sinh, nếu ta biết dụng công trải nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn đời sống để mong cầu an lạc, giải thoát trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay, đồng thời với việc phát triển khoa học kỹ thuật ở mức cao, nhân loại cũng đang phải đối diện trước vô vàn những biến động của đời sống vật chất với nhiều gánh nặng về kinh tế, văn hóa, chính trị-xã hội… Giữa lúc sự phân hóa xã hội đang đè nặng lên vai của mọi người đang sống, nhất là đối với hoàn cảnh của người cư sĩ tại gia, thì nền giáo lý được Đức Thế Tôn truyền dạy lại càng là một nhu cầu cần thiết cho con người để có phương cách sống hài hòa trước những khó khăn thách thức của nền văn minh vật chất cứ như một vòng xoáy cuốn hút con người mải miết chạy theo trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển.
Trong suốt lịch sử truyền bá Chánh pháp của Đức Phật từ khi Thành đạo đến khi nhập Niết bàn, Ngài đã tùy duyên hóa độ nhằm truyền trao cho người cư sĩ tại gia – một bộ phận đông đảo trong đời sống cộng đồng xã hội – chấp nhận và ứng dụng tu tập giáo nghĩa của Ngài để thực sự đạt được lợi ích. Do vậy, giáo lý của Đức Phật được mọi tầng lớp từ vua quan cho đến thứ dân, nam phụ lão ấu thực hành và làm cho lan tỏa rộng rãi trong các xứ sở thuộc lưu vực sông Hằng thời bấy giờ.
Đề cập đến điều này để nhằm xác định vai trò của người cư sĩ tại gia trong sứ mệnh tu tập, ứng dụng và truyền bá giáo pháp của Phật, như trong những pháp thoại Ngài dạy cho người Phật tử tại gia phương cách tạo dựng hạnh phúc trong cuộc sống.
Một lần, cư sĩ Dighajanu đến thưa với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, chúng con là những người cư sĩ bình thường, sống đời sống gia đình với vợ con. Xin Thế Tôn dạy cho chúng con sống như thế nào để được hạnh phúc trong hiện tại và cả sau này”. Ðức Phật dạy rằng: “Có bốn điều có thể giúp hành giả được sống hạnh phúc. Có bốn loại hạnh phúc vật chất mà người tại gia cư sĩ có thể thọ hưởng, thỉnh thoảng và tùy cơ hội, là: hạnh phúc được có vật sở hữu, hạnh phúc được có tài sản, hạnh phúc không nợ nần và hạnh phúc không bị khiển trách”.
Ðiều đáng lưu ý là mặc dầu ba loại hạnh phúc đầu tiên đều liên quan đến điều kiện kinh tế, nhưng Đức Phật nhắc nhở người Phật tử rằng hạnh phúc về của cải, kinh tế chỉ bằng một phần mười sáu của hạnh phúc tinh thần, do sống một cuộc đời trong sạch, không tội lỗi.
Từ góc nhìn này, ta có thể thấy rằng Đức Phật coi trọng việc ổn định tài chánh như là một điều kiện căn bản tạo nên hạnh phúc cho con người, nhưng Ngài không xem việc làm ra của cải là cần và đúng nếu nó được thiết lập trên một nền móng thiếu đạo đức và tâm linh, bởi nó sẽ gây mất cân bằng trong đời sống người cư sĩ tại gia.
Trên cơ sở tuệ giác, Phật giáo không cho rằng của cải vật chất là cứu cánh của cuộc đời, nhưng Phật giáo nhìn nhận rằng con người cần phải có các điều kiện vật chất tối thiểu để có thể thành công trong đời sống tâm linh. Có rất nhiều pháp thoại về các đề tài này rải rác trong các kinh điển.
Ví như trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavattishihanada, Trường Bộ, 26), Đức Phật cũng nêu rõ cái nghèo là nguồn gốc của thói vô đạo đức và tội lỗi như trộm cắp, dối trá, bạo động, hằn thù, độc ác. Không thể dùng các biện pháp hình luật mà có thể làm cho con người tránh xa tội phạm; theo quan điểm Phật giáo, muốn xóa bỏ tệ nạn xã hội, thì các điều kiện về kinh tế, an sinh xã hội của người dân cần phải được cải thiện.
Lại nữa, Đức Phật luôn nhấn mạnh hạnh phúc của con người phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức phù hợp với hoàn cảnh thực tế mà con người đang sống. Ngài đã từng chi tiết hóa sinh hoạt hàng ngày trong khi dạy chàng thanh niên Sigala rằng, anh ta hãy nên chi tiêu khoảng ¼ số tiền kiếm được, kinh doanh ½ và để dành ¼ còn lại làm tài sản dự phòng, cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Ngài đối với thành phần Phật tử tại gia.
Đa số các bài Pháp liên quan đến Phật tử tại gia là do Đức Phật giảng cho cư sĩ Anathapindika (Cấp-cô-độc). Có một lần, khi thuyết giảng về pháp bố thí, Ngài dạy: “Dâng cúng đến chư Tăng hay Đức Phật tạo rất nhiều phước báu. Nhưng kiến thiết tu viện, giúp chư Tỳ-kheo có chỗ tu hành càng được nhiều phước báu hơn.
Càng nhiều phước hơn xây cất tu viện là quy y Tam bảo. Càng nhiều phước hơn quy y Tam bảo là hành trì Ngũ giới. Càng nhiều phước báu hơn trì giới là hành thiền một lúc về tâm Từ. Và cuối cùng, hơn tất cả các phước báu, là phát triển sự chứng ngộ tính cách vô thường của vạn hữu”.
Nhiều người hiểu sai rằng Phật giáo chỉ tuyên thuyết về những lý tưởng xa vời, tuyệt đối và các tư tưởng triết học cao siêu mà bỏ qua những vấn đề về đời sống kinh tế xã hội. Thực ra, Ðức Phật luôn lý giải tường tận về chân hạnh phúc của con người, theo đó hạnh phúc không thể có được nếu không dựa vào một cuộc sống trong sạch, có đạo đức và giới luật.
Rải rác trong rất nhiều pháp thoại, kinh điển được lưu truyền đến nay, từ những lời dạy thiết thực của Đức Phật, giới cư sĩ nam nữ tại gia sống đời sống gia đình bình thường nhưng vẫn có thể tu tập, hành trì và đạt được giải thoát, chứng ngộ.
Có một pháp thoại khác về cuộc sống hôn nhân gia đình. Trong lần Đức Phật đến viếng nhà trưởng giả Cấp-cô-độc, Ngài đã giảng cho cô con dâu Sujata của gia đình này một bài Pháp về bảy hạng vợ trên thế gian:
1- Người vợ quấy rối: Kẻ không ngó ngàng chăm sóc chồng và không nhã nhặn, ôn hòa, dễ bị khêu gợi, dễ bị làm chuyện hư hèn trắc nết. 2- Người vợ có tính trộm cắp: Kẻ phung phí của chồng, dầu chỉ một chút đỉnh nào mà chồng đã có công tạo. 3- Người vợ như bà chủ:
Người làm biếng, tham ăn, cả ngày không làm gì mà chỉ ngồi lê đôi mách và la lối gắt gỏng, không để ý đến công lao khổ nhọc và chuyên cần của chồng. 4- Người vợ như mẹ: Người luôn luôn hiền lương và từ mẫn, bảo vệ chồng như bà mẹ hiền chăm sóc đứa con. 5- Người vợ như em gái: Kính nể chồng như em đối với anh, khiêm tốn ôn hòa và hết lòng phục vụ chồng. 6- Người vợ như bạn: Luôn hoan hỷ đến với chồng như gặp lại người bạn thân lâu ngày xa cách; con người cao quý, đức hạnh và trong trắng. 7- Người vợ như người giúp việc: Dù bị hăm dọa sẽ làm tổn hại đến mình, hay hình phạt mình, vẫn không nổi giận, luôn luôn vâng lời chồng mà không bao giờ sân hận.
Đức Phật giảng giải về đặc tính của bảy hạng vợ trong thế gian và lưu ý rằng hạng vợ gây rối cho chồng, trộm cắp và làm bà chủ của chồng là xấu. Trái lại, hạng vợ đối với chồng có tình thương như mẹ, như em gái, như bạn và như người tớ gái trung thành là tốt và đáng được tán dương.
Trong một đoạn kinh đề cập đến việc để cho Chánh pháp được cửu trụ ở thế gian, Đức Phật đã nói: “Ở đây, sau khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và quy thuận Bậc Đạo sư, sống tôn trọng và quy thuận Giáo pháp, sống tôn trọng và quy thuận Tăng chúng, sống tôn trọng và quy thuận học giới, sống tôn trọng và quy thuận lẫn nhau. Đây là nguyên nhân khiến cho Chánh pháp được tồn tại lâu dài sau khi Như Lai viên tịch” (A.III.247).
Người Phật tử tại gia không phải chỉ có tín ngưỡng theo Phật mà còn phải sống theo Pháp, thực hành giáo pháp, ứng dụng Pháp vào đời sống để được an lạc cho tự thân, gia đình và tha nhân. Vai trò thừa tự Pháp của người Phật tử tại gia, do vậy rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay của Phật giáo nước nhà, sẽ góp phần vào việc làm sáng rõ diện mạo của một tôn giáo luôn mang lại lợi ích cho cuộc đời, cho nhân thế.
Thích Thiện Bảo
TAMTHUC
Comment