No icon

nghien-cuu-cua-dai-hoc-harvard-dieu-khien-mot-nguoi-tro-thanh-cui-muc-ban-cung-co-phan

Nghiên cứu của Đại học Harvard: 9 điều khiến một người trở thành ‘củi mục’, bạn cũng có phần

Con người ngày nay thường hay lo lắng, nhìn nhận thì cao mà không muốn động tay chân, như thế sao có thể tránh khỏi việc tự biến mình thành một khúc “củi mục”?

“Củi mục” là một từ so sánh ẩn dụ được lưu truyền trên mạng xã hội trong vài năm gần đây, thông thường để chỉ những người vô dụng. Trên thực tế từ này mang nghĩa tích cực, nhưng vẫn có một chút hàm ý phê phán.

Cân nhắc một ngàn lần, không bằng đi làm một lần.

Do dự một vạn lần, không bằng một lần thực tiễn.

Sự vấp ngã vẻ vang, còn hơn cả sự đắn đo vô vị.

Dưới đây là 9 nguyên nhân khiến một người dễ dàng trở thành “củi mục”:

1. Do dự không quả quyết

Tệ hại hơn sự lỗ mãng đó là do dự không quả quyết. Cũng giống như ngọn cỏ bên bờ tường hay dao động, những người có tính cách này bất kể ở những phương diện khác có làm tốt thế nào, họ cũng đều sẽ bị những người kiên định hơn đánh bật qua một phía trong cuộc cạnh tranh của vận mệnh.

Trong cuộc sống đầy trắc trở không thể tránh khỏi sai lầm, nhưng vẫn cần chúng ta phải mạnh dạn. Bởi vì, như Alfred North Whitehead từng nói: “Sợ hãi sai lầm chính là hủy diệt sự tiến bộ”.

Chân dung Alfred North Whitehead. (Ảnh: wemedia.ifeng.com)

2. Chần chừ

Kế hoạch lúc nào cũng đẹp đẽ, nhưng khi thực hiện lại có trắc trở. Rất nhiều khi, sự kéo dài thời gian cũng là né tránh vấn đề hay lười biếng. Tự phóng đại khó khăn trước mắt sau đó lùi bước, kéo dài sự việc thêm một ngày là kiếm lý do bao biện thêm một ngày.

“Công việc thật chán”, “Ông chủ thật hà khắc”, “Tôi rất bận”, “Hôm sau làm cũng không sao”… Cứ như vậy, chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh càng lúc càng không hứng thú với công việc và ngập trong vũng bùn buồn chán của cuộc đời. Càng thêm lười biếng, càng thêm tiêu cực, chúng ta sẽ càng tiếc nuối về quá khứ và ảo tưởng về tương lai.

Thời gian qua đi càng tăng thêm cảm giác tội lỗi, phủ nhận chính mình; cảm giác này càng lúc càng làm người ta lo lắng.

Nhà tư tưởng trứ danh Romain Rolland từng nói: “Lười biếng là một thứ rất kỳ quái, nó khiến bạn cảm thấy rằng đó là sự nhàn hạ, hạnh phúc. Nhưng trên thực tế cái mà nó thực sự đem đến cho bạn là sự buồn chán, mệt mỏi, tiêu trầm”.

3. Nhiệt huyết nhất thời

Bản tính của con người vốn là tránh việc nặng mà ưa việc nhẹ. 80% thất bại đều bắt nguồn từ việc bỏ dở giữa chừng.

Người có nhiệt huyết nhất thời, họ chưa hề trải quả cảm giác có được niềm vui sau khi kiên trì hoàn thành một việc gì đó, bởi vì quá trình của sự kiên trì luôn luôn là khô khan và đầy trắc trở.

“Những trang đầu trong sổ tay viết đầy những kế hoạch, nhưng những trang sau thì trống không…”.

“Mua được một cuốn sách quý, nhưng đáng tiếc đến giờ vẫn chưa bắt đầu đọc…”.

“Hạ quyết tâm giảm cân, chưa đến 5 ngày sau đã từ bỏ rồi…”.

Hầu như tất cả mọi người đều trải qua cảm giác khi có một kế hoạch đầy nhiệt huyết, nhưng lúc từ bỏ thì chẳng còn mấy mặn mà.

Mỗi khi bắt đầu làm một việc gì đó, ví như viết nhật ký, bạn rất hồ hởi nhưng lại chán ngay sau đó. (Ảnh: Kamzakrasou.sk)

4. Sợ bị từ chối

Rất nhiều khi chúng ta cảm thấy “đau”, tất cả những điều này đều có liên quan đến cảm giác “cảm thấy bị từ chối”, hay “sự tự tôn quá lớn”.

Có lúc sự từ chối này là rất hiển nhiên, giống như vợ hoặc chồng đột nhiên bỏ đi, hoặc là bị bạn bè phản bội và xa lánh.

Nhưng cũng có lúc sự từ chối này là rất vi tế, ví như khi chúng ta nở nụ cười với ai đó thì người đó liền né tránh ánh mắt của ta. Hoặc bạn lấy hết dũng khí gửi một tin nhắn cho ai đó, qua một thời gian rất lâu đối phương mới trả lời cho bạn một câu ngắn ngủn.

Một người có thể tạm gác qua sự tự tôn của mình để làm việc, là một người chuyên chú vào thành quả và mục tiêu. Người đặt sự tự tôn của mình lên cao nhất, trong lúc làm việc hay giao tiếp luôn để ý thái độ của người khác đối với mình. Cho nên, càng là một người vô dụng thì càng chấp niệm vào những điều vặt vãnh và sự tự tôn nhỏ nhen của mình.

5. Tự đặt giới hạn cho mình

Người ta thường nói: “Tôi muốn làm việc A, nhưng vì lý do B, C, D nào đó tôi làm không tới được”. Khi họ còn chưa làm, họ đã phủ nhận chính mình, đồng thời còn kiếm ra hàng ngàn lý do để không phải nỗ lực.

Tất cả sự tầm thường và kém cỏi đều là kết quả của việc tự mình đặt ra giới hạn cho mình.

Trong tâm lý mặc nhiên thừa nhận một “độ cao”, đây là độ cao tâm lý do tự mình ám thị: Việc này tôi khẳng định không thể làm được, chỉ cần làm tạm tạm là được rồi.

Loại tâm lý ám thị này có thể khiến bạn mang cảm giác dằn vặt do nhiệm vụ bị thất bại và cản trở, nó sẽ tạm thời bảo vệ cảm quan giá trị do chính bạn đặt ra, nhưng nó lại tước mất cơ hội tiến thêm một bước về phía trước.

François de La Rochefoucauld nói rằng: “Người tầm thường luôn luôn phàn nàn những gì mà mình không hiểu”.

Tự cho rằng mình sẽ thất bại trong khi bản thân chưa thử cố gắng. (Ảnh: menofstyle.gr)

6. Trốn tránh hiện thực

Người trốn tránh hiện thực thường có 5 đặc trưng:

– Thứ nhất, thường nằm mơ giữa ban ngày. Người trốn tránh hiện thực rất thích tạo ra thế giới của riêng mình.

– Thứ hai, thích nương theo ham muốn của bản thân, lối sống buông thả, nói đúng ra là hướng về một cuộc sống nhàn hạ chơi bời.

– Thứ ba, mê chơi game hoặc tiểu thuyết viễn tưởng. Những sản phẩm này có thể dẫn dắt bạn vào một thế giới thần kỳ, giúp bạn trốn tránh đời sống hiện thực.

– Thứ tư, cảm thấy thế giới hiện thực rất tàn khốc. Đây là đặc trưng thường thấy của người hay trốn tránh hiện thực, trong khi theo đuổi những giấc mơ giữa ban ngày họ thường nhận phải sự công kích của đời sống.

– Thứ năm, không thể đối diện với những hoàn cảnh không vững chắc. Bởi vì họ ở trong giấc mộng do mình tạo ra, họ mới có thể tìm thấy cảm giác vững chắc hoặc cảm giác an toàn. Bi kịch của con người là trông đợi những gì cao ngoài tầm với.

Đại đa số con người lúc cao hứng kích động sẽ không để bất cứ thứ gì cản đường mình, trong ảo tưởng thì tất cả thế giới đều nằm dưới tầm mắt, nhưng trong cuộc sống thực tế lại không có được dũng khí.

7. Thường xuyên tìm kiếm lý do

Con người một khi phạm sai lầm, phản ứng đầu tiên thông thường là “lỗi không phải do tôi”, họ sẽ biện hộ cho chính mình.

Khi tôi hồi tưởng lại những người thường xuyên kiếm lý do mà tôi từng gặp trong 30 năm trở lại đây, tôi phát hiện họ đều cùng chung một đặc điểm: Không có tâm thế gây dựng sự nghiệp, không có truy cầu điều gì, trong cuộc đời họ không có niềm tin cố định. Cho nên, khi gặp phải áp lực hay khó khăn, họ sẽ không thừa nhận, cũng không muốn gánh vác. Gặp những trắc trở bất ngờ hay thử thách họ liền muốn thoái lui.

Chính vì tâm lý không muốn gánh vác, muốn thoái lui này đã khiến họ tìm kiếm lý do cho bản thân mình.

Bởi vì tìm kiếm lý do là một việc rất dễ làm, đây là cách để che đậy sự bàng quan của bản thân. Và từ đó họ tự an ủi chính mình.

Thường xuyên trốn tránh công việc, tìm kiếm lý do thoái thác để lười biếng. (Ảnh: picAnimal.com)

8. Sợ hãi

Trong công việc, những người hay sợ hãi đều có cảm giác như thế này: Sợ lãnh đạo phê bình, sợ người khác cảm thấy mình vô dụng, sợ người khác biết được khuyết điểm của mình. Họ hay để ý lời đánh giá của người khác, sợ phạm sai lầm, sợ bản thân mình khi đã cho đi thì không được nhận lại.

Tôi chợt nhớ đến một câu nói: Tôi không nên khổ công mài giũa bản thân, sợ rằng một ngày nào đó bản thân mình sẽ trở thành viên ngọc đẹp, nhưng trong lòng lại có một tia khát vọng không chịu đứng chung với gạch ngói tầm thường.

Đây là sự yếu đuối của bản tính chi ly, cẩn thận thái quá. Thực chất là vì tâm trí quá yếu nhược, không muốn đối diện cảm giác khó khăn.

Vương Sóc từng nói với con gái của mình rằng: “Nấu nướng quan trọng hơn làm thơ, tay nghề của mình quan trọng hơn đàn ông, tóc tai dáng vẻ quan trọng hơn gương mặt, nội tâm mạnh mẽ quan trọng hơn tất cả”.

9. Từ chối học tập

Không phải là bạn ngu muội, chỉ là bạn không muốn học tập. Học tập cần phải động não, phải kiên trì chuyên tâm, sự trưởng thành của bản thân chính là quá trình đấu tranh với sự lười biếng, đây là một việc vô cùng gian khổ.

Không muốn tiếp nhận kiến thức khiến bạn ngày càng vô dụng. (Ảnh: teachenglishspain.com)

Rất nhiều người đều muốn nằm ở nhà thoải mái lướt điện thoại hay xem phim, khi nhìn thấy bạn bè có công việc tốt hơn, đời sống tốt hơn họ lại than thở rằng khí vận không tốt.

Tôi chưa thấy một người nào, mỗi ngày bận bịu từ sáng đến tối, mang tấm thân mệt mỏi về nhà lại có một cuộc sống buồn bã tăm tối. Mà là, đại đa số những người có cuộc sống tối tăm buồn bã, trên cơ bản đều là ăn no rồi không có việc gì làm…

Theo Cmoney
Lệ Như biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nghien-cuu-cua-dai-hoc-harvard-9-dieu-khien-mot-nguoi-tro-thanh-cui-muc-ban-cung-co-phan..html

Comment