co-dung-la-nguoi-xua-trong-nam-khinh-nu-hang-nghin-nam-qua-chung-ta-da-co-tinh-hieu-sai
Có đúng là người xưa ‘trọng nam khinh nữ’? Hàng nghìn năm qua chúng ta đã cố tình hiểu sai
- bởi tamthuc --
- 02/04/2018
Có người cho rằng, mối quan hệ vợ chồng thời xưa là chồng ở trên cao chót vót, còn vợ thì khom lưng quỳ gối – Sự thực có như vậy hay không?
Ngày nay không ít bạn trẻ cho rằng đã là vợ chồng, đã quá gần gũi, thân thuộc rồi nên không cần câu nệ khách sáo. Thậm chí nói năng chỏn lỏn, không đầu không cuối hay chỉ gọi chồng bằng tên như những người bạn bằng vai phải lứa. Thậm chí có những bà vợ đành hanh còn bắt nạt chồng trước mặt thiên hạ. Các bà vợ làm vậy như một lời khẳng định về sự bình đẳng giữa vợ và chồng và vị thế độc tôn của mình trong gia đình.
Bởi lẽ thường có người cho rằng, mối quan hệ vợ chồng thời xưa là chồng ở trên cao chót vót, còn vợ thì khom lưng quỳ gối. Thực ra cổ nhân coi trọng đạo vợ chồng không giống với lăng kính của con người hiện đại ngày nay.
Khích Khuyết nhờ tôn kính vợ mà được tiến cử thăng quan phát tài
Tấn Văn Công là một trong 5 ngũ bá nổi tiếng thời Xuân Thu. Em trai của Tấn Văn Công là Tấn Huệ Công có vị thầy giáo tên là Khích Nhuế. Sau khi Tấn Huệ Công qua đời, Tấn Văn Công về nước chấp chính. Ông không nhường lại ngai vàng cho con trai của Huệ Công. Khích Nhuế trước kia hầu hạ Tấn Huệ Công, nay vì sợ Tấn Văn Công hãm hại bèn cùng với một lão thần âm mưu sát hại Tấn Văn Công, nhưng không thành. Hai người Khích Nhuế bị xử tử, gia tộc họ vì vậy cũng bị giáng hạ coi là bậc thứ dân.
Một hôm, Cựu Quý đại thần của Tấn Văn Công phụng mệnh ra ngoài. Trên đường đi ngang qua đất Ký thì thấy một chàng trai đang cuốc cỏ ngoài ruộng. Cựu Quý nhận ra người này chính là Khích Khuyết, con trai của Khích Nhuế.
Lúc này vợ của Khích Khuyết mang cơm ra đến ruộng, chỉ thấy hai tay của người vợ nâng bát cơm lên cung kính đưa cho phu quân. Là bậc trượng phu Khích Khuyết cũng trang trọng nhận lấy bát cơm. Trước tiên ông rất mực cung kính bẩm báo thần linh, cảm tạ ân đức ngài ban. Sau đó mới bắt đầu dùng bữa.
Khi Khích Khuyết dùng cơm, vợ ông ngồi một bên, kính cẩn đợi chồng ăn xong, sau đó mới thu dọn bát đũa. Trong quá trình này hai người đối đãi với nhau đoan trang lễ phép như khách quý.
Cựu Quý phụng mệnh về tới cung bèn trịnh trọng tiến cử Khích Khuyết với Tấn Văn Công. Ông nói: “Tôn trọng người khác là biểu hiện điển hình của đức hạnh. Biết tôn trọng người khác ắt là người có đức hạnh. Xin quân vương tin dùng cậu ta”.
Tấn Văn Công có đôi phần không yên tâm, rốt cuộc thì cha cậu ta là Khích Nhuế, nhưng vẫn tin dùng Khích Khuyết. Tấn Văn Công hạ lệnh phong cho Khích Khuyết là đại phu hạ quân.
Vào thời Tấn Tương Công, Khích Khuyết đã lập công lớn trên chiến trận, giành chiến thắng khải hoàn trở về. Tấn Tương Công ban tặng đất Ký cho Kích Khuyết. Cựu Quý cũng được ban thưởng nhờ công lao tiến cử Khích Khuyết.
Sau này Khích Khuyết trở thành trọng thần của nước Tấn, chấp chính thay Triệu Thuẫn, lấy tên hiệu là Thành Tử. Khích Khuyết cũng là tổ tiên của dòng họ Ký.
Có câu thành ngữ rằng: “Tương kính như tân” (tôn kính nhau như khách quý) chính là kể về câu chuyện vợ chồng Khích Khuyết tôn kính nhau.
Khi trật tự “nam tôn nữ ti” bị đảo lộn, gia đình cũng chẳng thể hạnh phúc, yên vui
Đôi khi mọi người cho rằng khi hai người có mối quan hệ tốt thì chính là tương kính như tân, nhưng có lẽ lại không biết điển cố trong đó. Suốt mấy nghìn năm qua, đây vẫn là câu nói thể hiện cho cảnh giới cao nhất giữa vợ và chồng.
Tương kính như tân là cung kính như đối đãi với khách quý, phải chăng chính là biết giữ khoảng cách, phân rõ đục trong? Đương nhiên không phải vậy. Tương kính như tân là vợ kính ngưỡng chồng, chồng trân quý vợ.
Vậy nên, “Nam tôn nữ ti” ở đây không phải có ý phân biệt ‘Nam tôn quý, nữ hèn hạ’ như một số người cố tình bẻ cong hàm nghĩa ấy. Đó là sự phân công hài hòa để mọi thành viên trong gia đình đều được hạnh phúc và sống đúng với thiên tính và đặc điểm tự nhiên của mình.
Người đàn ông vốn sinh ra đã được ban cho sức vóc, là để kiếm kế sinh nhai, đùm bọc và chở che cho gia đình nhỏ của mình. Người xưa có câu: “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Chồng như người thuyền trưởng phải lèo lái con thuyền, chống chọi với những sóng gió ngoài biển cả, đưa con thuyền cập đến bến bờ hạnh phúc một cách bình yên.
Người phụ nữ sinh ra đã mềm mại, nhẹ nhàng nên cần được chở che và bảo vệ. Sự nhu mì và bao dung của người vợ sẽ giúp xoa dịu những căng thẳng mệt mỏi của chồng. “Trong ấm thì ngoài mới êm”. Lúc này người đàn ông mới có thể yên lòng, toàn tâm toàn ý giang tay che chở cho gia đình được bình yên giữa dòng đời bất định.
“Nam tôn nữ ti” là sự bù trừ đắp đổi để tạo nên một bức tranh hoàn thiện. Người phụ nữ ở dưới thấp như đất mẹ bao la nuôi dưỡng vạn vật mà chẳng oán trách. Người đàn ông như bầu trời bát ngát trên cao, ôm trọn mặt đất vào lòng. Nếu đảo lộn quy luật này chẳng khác gì đất trời đảo điên, gia đình ấy ắt sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chẳng thể là chốn đi về cho mỗi thành viên.
Trẻ con yếu ớt chẳng thể làm việc nặng nhọc vì muốn tìm sự công bằng với người lớn. Phụ nữ nhu mì, yếu đuối chẳng thể gồng gánh con thuyền gia đình đối mặt với sóng dữ. Dẫu có kham việc để chứng tỏ bản sự của mình với chồng, với mọi người, thì điều này chỉ khiến thiên tính của người phụ nữ dần mất đi.
Người đàn ông dẫu chu đáo cũng chẳng thể chăm sóc con cái tỉ mỉ, chu toàn như người phụ nữ. Trong nhà chẳng yên thì xã hội nhiễu loạn, giống như đạo lý con đê sụp vì tổ kiến lửa bé tẹo vậy. Chẳng vậy mà chữ “An” (安) ngày xưa lại lấy hình tượng là cô gái (bộ “nữ” 女) ngồi yên vị trong khuê phòng (bộ “Miên” 宀: mái nhà). Người phụ nữ bước chân ra khỏi mái nhà, lăn lộn như đàn ông trong xã hội thì gia đình ấy, xã hội ấy liệu có yên? Hay chỉ còn lại một mái nhà trống rỗng, lạnh lẽo?
Những cô gái hiện đại dường như đang muốn xóa bỏ trật tự “nam tôn nữ ti” vì sự hiểu lầm này. Nhưng họ lại vô tình mang thêm cho mình một gánh nặng quá sức: lo liệu kinh tế, xốc vác công to việc lớn trong gia đình như một người đàn ông. Để rồi thiên chức làm mẹ chăm sóc và nuôi dạy con cái chẳng được trọn vẹn, ít nhiều tạo nên những thành viên khiếm khuyết về đạo đức và tình yêu thương cho xã hội. Những đứa trẻ với quan niệm chưa đủ chín chắn và đúng đắn này lại quay lại góp phần khiến cộng đồng và xã hội thêm phần nhiễu loạn, rối ren. Nên thi thoảng chúng ta lại nghe nói tới vụ thảm sát chấn động xã hội nọ kia.
Sống thuận theo Thiên đạo, phù hợp với quy luật của tự nhiên thì con người mới nhận được hạnh phúc chân chính
Ngoài ra các bà vợ cũng sẽ tìm cách để thay đổi người đàn ông của mình theo cách mình mong muốn. Điều này vô tình góp phần biến những người đàn ông mạnh mẽ như chú sư tử oai phong thành con mèo nhút nhát nơi xó cửa như câu ca dao: “Chồng người đánh Bắc dẹp Đông, Chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo”.
Bởi lẽ sức mạnh và sự tự tin của một người đàn ông đa phần bắt nguồn tự tinh thần trách nhiệm với gia đình và sự chở che bao bọc cho người đàn bà mình yêu. Khi cảm thấy bất lực, khi bị tước đi niềm kiêu hãnh này, họ chẳng khác gì chú sư tử mang trái tim chuột nhắt. Do đó mong muốn được yêu thương và che chở của phụ nữ lại như bọt xà phòng tan biến vào hư không. Phụ nữ cứ phải gồng mình lên để sống. Bên ngoài thì có vẻ kiêu hãnh đấy, nhưng con tim yếu mềm và sự cô đơn chẳng thể nào xua tan.
Vậy nên sống thuận theo Thiên đạo, phù hợp với quy luật của tự nhiên thì con người mới có được hạnh phúc chân chính. Có người sẽ phản đối: “Nếu như chồng tôi giỏi giang thì tôi đã chẳng phải bôn ba vất vả”, hay: “Nếu anh ấy không nhu nhược thì tôi cũng chẳng phải khiến mình mạnh mẽ như đàn ông thế này”. Nhưng cuộc sống lại không như vậy. Thuận theo quy luật của Thiên đạo thì ắt sẽ được hưởng phúc.
Chúng ta chẳng thể thay đổi được người khác. Chỉ khi tự mình quy chính bản thân quay trở về cái gốc của đạo của người phụ nữ thì người đàn ông họ mong muốn mới có thể xuất hiện. Chỉ khi phụ nữ là chính mình: mềm mại, nhu mì, bao dung, lương thiện thì mới được Trời xanh ban phúc. Vậy nên “Nam tôn nữ ti” không phải là hạ thấp giá trị người phụ nữ mà là dành sự yêu thương và che chở cho những người yếu đuối, mềm mại ấy.
Đào Viên
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/co-dung-la-nguoi-xua-trong-nam-khinh-nu-hang-nghin-nam-qua-chung-ta-da-co-tinh-hieu-sai..html
Comment