No icon

vi-sao-co-nhieu-nguoi-thien-luong-lai-luon-song-trac-tro-long-dong

Vì sao có nhiều người thiện lương lại luôn sống trắc trở, long đong?

Phật gia giảng nhân quả, thiện ác hữu báo, nhưng vì sao rất nhiều người thiện lương lại luôn sống trắc trở, long đong? Kỳ thực, thiện ác đều có báo, chỉ là con người có ngộ ra hay không mà thôi…

Trước đây, có một vị hòa thượng vì muốn tu sửa chùa nên đã xuống núi để hóa duyên. Nhưng dẫu hoà thượng đi suốt nhiều ngày trời mà vẫn không có một ai phát tâm quyên góp.

Nhìn thấy lão hoà thượng vẫn ngày ngày đội nắng đội mưa bước đi ròng rã, cậu bé đánh giày trên đường đã động lòng trắc ẩn, đem toàn bộ số tiền tích cóp được đưa cho hòa thượng.

Hành động này của cậu khiến người dân trong vùng đều cảm động. Họ truyền tai nhau rằng: thằng bé đánh giày ấy, nó mồ côi như thế, nghèo khổ như vậy, lại suốt ngày đau yếu, vậy mà tâm thiện lương lại khiến người lớn chúng ta phải hổ thẹn.

Thế là, người này đem bố thí vài đồng, người kia hào phóng bỏ ra vài chục, người nọ thấy hàng xóm của mình đi bố thí thì cũng bắt chước làm theo, rất nhanh chóng lão hòa thượng đã có đủ số tiền để tu sửa chùa.

Lão hoà thượng vẫn ngày ngày đội nắng đội mưa bước đi ròng rã. (Ảnh minh họa)

Nhưng chẳng bao lâu sau, tai hoạ liên tiếp ập lên người cậu bé tội nghiệp. Vì toàn bộ số tiền tiết kiệm đã dùng hết, tiền công đánh giày mỗi ngày lại chẳng được bao nhiêu, nên cậu bé không thể tiếp tục mua thuốc thang nữa. Bệnh tình ngày một trầm trọng hơn, khiến cả hai mắt của cậu đều mù loà.

Vì mất đi đôi mắt, cậu cũng không thể đi đánh giày, không thể tự nuôi sống bản thân được nữa. Có người đàn bà goá xót thương tình cảnh của đứa trẻ nghèo, đã đưa cậu về nhà nhận làm con nuôi. Chẳng ngờ rằng, mới được dăm ba hôm thì cậu bé bất cẩn ngã xuống hố phân mà chết.

Chuyện này vừa truyền ra, người dân cả vùng đều xôn xao bàn tán: “Vì sao thằng bé nhân hậu ấy lại gặp phải những chuyện bất hạnh thế này?”; “Ông Trời không có mắt hay sao?”; “Đúng là ở hiền mà chẳng gặp lành!”…

Nỗi bất hạnh của đứa trẻ đánh giày như một gáo nước lạnh khiến người ta hoài nghi về nhân quả, thiện báo, ai ai cũng hoang mang với những câu hỏi lớn trong lòng.

Lúc này, lão hòa thượng đang ngồi đả toạ trong chùa. Trong lúc nhập định, ông bỗng nhìn thấy cậu bé đánh giày bước tới, chắp tay lạy ông một cách cung kính.

Lão hòa thượng nhìn đứa trẻ với ánh mắt từ bi, ông hiểu rằng cậu bé đang có điều muốn nói.

“Thưa sư phụ, giờ con đã hiểu vì sao cuộc đời của con lại bi thảm như vậy. Vì trong một kiếp sống trước đây con đã tạo quá nhiều ác duyên, từng phải làm thân trâu ngựa để trả một phần nợ nghiệp. Rồi khi chuyển sinh thành người, thân thể con cũng không được kiện toàn, sinh ra đã yếu ớt, đau ốm triền miên.

Diêm Vương phán quyết rằng con đời này là đứa trẻ mồ côi bệnh tật, đời sau phải bị mù hai mắt, và đời kế tiếp là bị tàn tật rồi rơi vào hố phân mà chết.

Nhưng vì con đã phát tâm từ bi, bố thí cho nhà chùa. Ngài Diêm Vương nói rằng con sống cực khổ như vậy mà vẫn còn thiện tâm giúp đỡ người khác, đặc biệt giúp đỡ người tu hành, nên việc làm ấy đã tiêu trừ rất nhiều tội nghiệp. Hơn nữa, còn cho con được trả sạch nghiệp nợ ba đời vào trong một kiếp sống, đời sau không còn phải chịu ác báo nữa.

Bởi vậy, con xin sư phụ giúp con đem đoạn nhân duyên này nói rõ với thế nhân, để giải trừ nghi hoặc trong lòng họ, giúp họ hiểu rằng nhân quả báo ứng là có thật, tích đức hành thiện mới có được phúc báo về sau. Làm được điều ấy, cũng là sư phụ từ bi đã giúp con tích thêm chút công đức vậy”.

Lão hoà thượng khẽ gật đầu và nói: “Ta mừng là sau nhiều đời khổ nạn, cuối cùng con đã tỉnh ngộ rồi. Đời là bể khổ, nhân gian là cõi mê, ta chỉ mong con sớm bước vào cửa tu hành, thoát khỏi ải trầm luân”.

“Cảm tạ sư phụ đã khai thị, cho con hiểu điều gì mới là ý nghĩa lớn nhất của sinh mệnh. Con xin phát tâm được quy y Tam Bảo, nhất định con sẽ còn gặp lại sư phụ vào một ngày không xa. Giờ con phải trở về âm phủ để bẩm báo Diêm Vương rồi, xin được từ biệt ngài ở đây…”

Nói xong, cậu bé lại chắp tay lạy tạ hoà thượng một lần nữa.

Cậu bé vừa rời đi thì lão hòa thượng cũng xuất định, trong lòng ông vừa mừng lại vừa phảng phất nỗi bi thương. Mừng là bởi cậu bé ấy đã có thể kết thúc nghiệp báo của mình, thấu hiểu lẽ nhân sinh mà chọn lựa con đường đúng đắn cho sinh mệnh.

Lão hòa thượng đang ngồi đả tọa, lúc nhập định thì thấy cậu bé hiện về. (Ảnh dẫn theo youtube.com)

Nhưng cõi nhân gian này, có mấy ai hiểu được đây? Lời Phật dạy đã hơn hai ngàn năm rồi, nhưng người ta chỉ nhìn vào số kiếp long đong của một đứa trẻ lương thiện mà phủ nhận tất cả. Người ta tin vào những điều mắt thấy tai nghe mà cho rằng nhân quả chỉ là lời mê tín. Nhưng tầm mắt của con người quá ư hạn hẹp, nếu chỉ dùng mắt thịt để phán đoán sự việc thì biết bao giờ mới thoát khỏi cơn mê?

Trong Cơ Đốc giáo có một câu chuyện kể rằng: Sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh lên Thập Tự giá, rất nhiều tông đồ đã nhìn thấy Chúa Giê-su hiện ra với họ. Nhưng có một tông đồ là Tô-ma đã khăng khăng nói rằng, chỉ khi được nhìn thấy tận mắt thì ông mới tin.

Một ngày, Chúa lại hiện ra trước mặt các tông đồ, lúc này Tô-ma mới thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Khi ấy, Chúa Giê-su đã nói với Tô-ma rằng: “Tô-ma, vì con đã nhìn thấy Thầy, nên con mới tin. Nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Đời người là mộng ảo, con người sống trong mê, người ta vì thiếu mất một chữ “Tin” – không tin đạo lý, không tin nhân quả, không tin những lời giảng dạy của Thánh nhân, mà thả trôi theo vòng danh lợi để rồi mãi mãi quẩn quanh trong nghiệp báo. Nhưng kỳ thực Nhân -Quả, nghiệp báo, vẫn luôn là Thiên lý bất biến ngàn đời qua…

Thiện Sinh 

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/thien-ac-deu-co-bao-thien-ly-khong-the-dua..html

Comment