biet-cui-dau-la-bieu-hien-cua-tri-tue-la-canh-gioi-cua-tam-long-dai-luong
Biết cúi đầu là biểu hiện của trí tuệ, là cảnh giới của tấm lòng đại lượng
- bởi tamthuc --
- 06/05/2018
Còn nhớ thời còn nhỏ, ở trước nhà có vườn cây hướng dương, hoa nở luôn cúi thấp, tôi chợt nảy ra ý tưởng, bèn lấy que và dây buộc cố định mấy hoa hướng dương lại, khiến nó hiên ngang ngẩng cao đầu, như thế nhìn mặt trời, mới gọi là hoa hướng dương chứ, cứ cúi đầu thì phải gọi là hoa hướng địa. Như thế này hoa nhận được nhiều nắng hơn, hạt có lẽ sẽ to, chắc, và thơm ngon hơn.
Mùa thu là mùa thu hoạch hoa hướng dương, tôi vội vàng đến trước mấy bông hoa buộc cố định, tin tưởng sẽ có nhiều hạt hơn, to chắc hơn những hoa bình thường. Nhưng tôi quá thất vọng, những bông hoa đó toàn là hạt lép, thậm chí không có nổi một hạt chắc, lại còn bốc lên mùi mốc. Tôi không hiểu, bèn hỏi cha: “Tại sao hoa hướng dương ngẩng cao đầu lại không có hạt chắc, không có thu hoạch?”
Cha cười hà hà và nói: “Bé ngốc à, hoa hướng dương ngẩng đầu lên, bao nhiêu nước mưa, sương đọng ở trong không chảy ra được, dễ sinh vi khuẩn, dễ bị mốc. Bé tốt bụng muốn giúp nó, lại làm hại nó. Thực ra hoa hướng dương hơi cúi đầu, một là bày tỏ thành kính với mặt trời, hai là để bảo vệ bản thân”.
Nghe cha nói, tôi nửa hiểu nửa không, gật gật đầu. Sau đó tôi để tâm quan sát, thấy không chỉ hoa hướng dương, mà rất nhiều loài thực vật đều theo đạo lý này. Ví như lúa mạch khi còn xanh thì luôn ngẩng đầu ưỡn ngực, trông ra dáng vẻ anh hùng không biết sợ hãi là gì. Nhưng khi lúa mạch chín, thì chúng lại khiêm tốn cúi đầu, lộ ra vẻ nhẫn nại không tranh giành gì với ai. Vì như thế không những tránh được nguy cơ bị gãy, mà còn khiến chim chóc mổ không có lực, dễ trượt, từ đó lưu giữ được những hạt vàng đã trải qua hàng ngàn hàng vạn đắng cay khó nhọc mới có được.
Lúc đó, tôi mới bừng tỉnh ngộ, thì ra cúi đầu cũng là một cảnh giới của tấm lòng đại lượng, đại trí tuệ. Có câu danh ngôn: “Khi bần cùng thất bại, không bị người ức hiếp; Lúc lên cao hiển đạt, không bị người ghen ghét”. Làm người nên hiểu lúc nào nên lấy, lúc nào nên bỏ, cứ một mực ấm ức cầu toàn, đó là yếu đuối. Cứ một mực cao ngạo vênh vang, đó là ngu muội. Một người hiếu thắng khoe mẽ, ngạo mạn vô lễ, không hợp với thế nhân, anh ta rất khó được mọi người công nhận và khẳng định, không bị va dập đầu chảy máu, thương tích đầy mình trước hiện thực, thì cũng bị mọi người bài xích, cô lập, chẳng ai giúp đỡ, u uất bất đắc chí.
Người xưa nói: Cứng quá thì dễ gãy, chí thiện như nước. Làm người không thể không có cốt cách khí tiết, nhưng cũng tuyệt đối không được mãi ngẩng cao đầu. Người quân tử đối nhân xử thế giống như nước chảy, tốt cho vạn vật, mà lại rất mềm mại, chẳng phân tranh mãi với người. Vì họ hiểu rõ, người biết ở chỗ thấp, thì mới có thể lên cao; người biết co, thì mới có thể duỗi; người biết nhu, thì mới có thể cương; người biết lùi, thì mới có thể tiến.
Nam Phương sưu tầm và biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/biet-cui-dau-la-bieu-hien-cua-tri-tue-la-canh-gioi-cua-tam-long-dai-luong..html
Comment