khi-ap-luc-don-len-vai-nguoi-me-con-cai-la-nguoi-ganh-hau-qua
Khi áp lực dồn lên vai người mẹ, con cái là người gánh hậu quả
- bởi tamthuc --
- 03/06/2018
Giận chồng hay say xỉn và nghi ngờ đứa con trong bụng không phải của mình, người phụ nữ nghèo đã ra mảnh vườn sau nhà tự sinh con và vùi đứa trẻ đỏ hỏn, còn nguyên dây rốn dưới cát…
Vừa đọc từng hàng chữ trên mặt báo, Hồng vừa xót xa nhớ lại đứa con trong bụng mình chưa kịp ra đời cũng đã phải lìa đời vì quyết định sai lầm của mình trước áp lực từ gia đình nhà chồng.
Vẫn là câu chuyện sinh con trai để có người “chống gậy”, “hương khói”…
“Vợ con mà không đẻ được thằng cu thì liệu mà đi ‘dấm’ chỗ khác con ạ!”, mẹ Trung thủ thỉ với con trai. “Ừ, mẹ mày nói phải đấy, đừng để lại như ông Năm hàng xóm, đến khi đầu bạc rồi mới dấm được thằng chống gậy!”, bố chồng Hồng cũng đồng tình, khuyên con.
Hồng tình cờ nghe được câu chuyện giữa chồng và bố mẹ chồng mà lòng xót xa, đôi mắt sáng long lanh ngân ngấn nước. Còn nhớ hồi đầu khi Trung tán tỉnh cô, anh chỉ nói những lời ngon ngọt chót lưỡi đầu môi. Khi cô tần ngần hỏi anh: “Lỡ sau này em không sinh được con trai cho anh thì làm thế nào?”, “Sao em lại hỏi gì mà ngốc nghếch vậy? Con nào mà chẳng là con. Thời nay là thời nào rồi em còn nói chuyện ấy!”. Cô hạnh phúc nép vào lòng anh và tin tưởng vào sự lựa chọn của trái tim mình.
Ấy thế mà, Hồng mới chân ướt chân ráo về nhà anh làm dâu, anh khẳng định chắc nịch rằng: “Nhà anh có mỗi anh là con trai duy nhất, nên nhất định phải sinh được thằng cu chống gậy!”. Hồng thoáng lo lắng nhìn anh: “Thế sao trước kia anh bảo là con nào mà chẳng là con?”. “Ôi giời! Thời thế thay đổi rồi. Lúc ý khác, lúc này khác!”. Anh giận dỗi bỏ ra ngoài phòng khách để mặc Hồng đứng ngẩn ngơ giữa niềm thất vọng tràn trề.
Chẳng thể trụ mãi trong cái “nồi áp suất” nhà chồng, cô đành làm trái với lòng mình vứt bỏ giọt máu vô tội
Từ ngày ấy, lúc nào Hồng cũng nơm nớp lo lắng về chuyện sinh con. Anh ngày đêm lên mạng, xem sách báo, tính tính toán toán để sinh cho kỳ được cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng trời chẳng chiều lòng người: Đứa con đầu lòng của hai người lại là một nàng công chúa. Vậy nên khi mang thai lần thứ hai, cả nhà anh cứ “sốt lên sình sịch”, giục Hồng đi siêu âm xem cái thai là con trai hay con gái.
Khi hay tin đó là con gái, anh thở dài đánh thượt một cái: “Lại một con vịt giời nữa! Sao số tôi khổ thế này, lấy phải một cô vợ ‘không biết đẻ’!”. Bố mẹ chồng thì thất vọng ra mặt, cũng chẳng buồn ỏ ê thăm hỏi nàng dâu như hồi đầu. Thi thoảng Hồng chỉ thấy bố mẹ chồng và anh cứ thủ thỉ ra thủ thỉ vào như bàn chuyện gì quan trọng lắm. Hôm nay cô mới vỡ òa chỉ muốn khóc thật to, mà sợ mọi người biết nên đành cố câm nín, chỉ dám thổn thức trong lòng.
Sau đó Hồng bị áp lực tâm lý đè nặng khi ngày ngày đều phải đối mặt với thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của nhà chồng. Cô ốm lên ốm xuống cả tháng trời và lại càng lo lắng hơn cho sức khỏe của cái thai trong bụng. Trung hết nịnh nọt rồi đến dọa dẫm Hồng để cô sớm bỏ cái thai: “Anh bảo em bỏ rồi đó nha. Không nghe lời chồng thì ai sinh người ấy nuôi! Sau này có khổ thì đừng than nhé. Đừng nói anh không báo trước!”.
Hồng sợ hãi gọi điện cho cô bạn thân tâm sự: “Cậu ơi, anh ấy không muốn đứa trẻ được sinh ra!”. Cô bạn cuống quýt: “Ấy, ấy, cậu đừng có dại mà đi phá thai nhé! Con cái là duyên phận đấy, trai hay gái không phải muốn là được đâu. Phá thai là tạo nghiệp nặng lắm đấy. Dẫu mới chỉ là giọt máu mới thành hình thì đã là một sinh mệnh, là một mạng người rồi. Huống hồ nó lại là giọt máu, là khúc ruột của mình”. “Ừ, mình cũng biết vậy! Nhưng mình lo không kiếm đủ tiền nuôi nó, sau này mình khổ, nó cũng khổ!”, Hồng khổ sở nói. “Con người có mệnh rồi cậu ạ, sướng khổ gì thì cũng phải đối mặt thôi. Cái nợ tiền duyên làm sao mà trốn được. Đọa thai đâu phải là xong chuyện. Linh hồn của chúng vẫn về đòi nợ cha mẹ đấy. Lúc ấy thì bệnh tật, khổ nạn ập đến còn khổ hơn ý chứ”. Cô bạn dùng cạn lời để ngăn Hồng đừng làm chuyện tổn hại âm đức.
Hồng nghe cô bạn tâm sự cũng thấy thấm đấy. Nhưng cũng chẳng thể trụ mãi trong cái “nồi áp suất” nhà chồng, cô đành làm trái với lòng mà vứt bỏ giọt máu vô tội của chính mình. Hồng vẫn còn nhớ cái ngày định mệnh ấy, Hồng cứ quẩn quanh ra vào, đắn đo mãi mới dám quyết định lên bàn mổ. Cô nhắm nghiền đôi mắt, giọt nước mắt như giọt sương long lanh rơi xuống khóe mắt, lăn dài trên má. Tối hôm ấy cô đã khóc rất nhiều, khóc vì ăn năn, vì dằn vặt, vì hối lỗi với “thiên thần bé nhỏ” của mình. Chồng cô an ủi: “Không có đứa này lại sinh đứa khác, khóc làm chi cho mệt!”.
Hồng tê tái khi lần thứ ba mang thai vẫn là “con gái”, nhưng giờ cô đã khác xưa
Vài năm qua đi, Hồng lại mang thai lần nữa. Từ ngày biết mình mang thêm một sinh linh bé nhỏ chẳng khi nào cô yên giấc. Hồng lo lắng: “Lỡ đâu lại là con gái nữa thì sẽ thế nào nhỉ?”. Quả là cuộc đời có đến 7, 8 phần chẳng như ý, khi nhận kết quả xét nghiệm là con gái, Hồng nghe như sét đánh ngang tai. Chồng cô và bố mẹ chồng lại khuyên cô “bỏ sớm đi cho lành!”. Sau lưng họ họ vẫn thủ thỉ nhỏ tỏ chuyện “dấm lấy một thằng cu!”. Hồng tê tái trong lòng: “Có lẽ, có lẽ đây là số trời!”. Nhớ tới cảm giác dằn vặt, tội lỗi với sinh linh bé nhỏ lần trước, Hồng mím chặt môi, nhìn xuống cái bụng nhô ra. Cô vuốt nhẹ lên đó, vừa âu yếm vừa quả quyết thì thầm: “Con yêu của mẹ, dẫu thế nào mẹ cũng giữ con lại để con được sinh ra trên cõi đời này!”.
Dẫu phải sống chung với những lời dọa nạt, nhiếc móc bóng gió của gia đình nhà chồng, Hồng vẫn lặng thinh nuốt nước mắt vào trong chịu đựng tất cả. Không hiểu sao đứa bé này lại cho cô sức mạnh và niềm tin lớn đến vậy. Cô sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn để không lặp lại vết xe đổ lần nữa. Cô không muốn mình tạo quá nhiều tội nghiệp, nếu thực sự là món nợ từ kiếp trước thì cứ trả thôi. Dẫu sao cũng còn hơn tích tụ tội nghiệp chồng chất, oan oan tương báo, biết kiếp nào mới trả xong. Thà khổ một đời một kiếp mà kiếp sau vẫn có tương lai còn hơi tạo thêm nghiệp để muôn đời chịu khổ trong cõi luân hồi!
Người ta nói rằng phụ nữ thường yếu đuối, nhưng tình mẹ lại mạnh mẽ vô song. Có lẽ tình mẫu tử và lương tri thức tỉnh đã mách bảo cô kiên định với lựa chọn đúng đắn của mình. Hồng hạnh phúc khi hàng ngày cảm nhận được từng cái cựa mình, từng sự thay đổi trong cơ thể mình.
“Oa! Oa! Oa!” Thiên thần bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời, như thể khẳng định cho Hồng rằng cô đã lựa chọn đúng đắn. Hồng hạnh phúc ngắm nhìn thân hình đỏ hỏn và khuôn mặt tròn vành vạnh như trăng rằm vẫn đang nhắm nghiền đôi mắt. Chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, Hồng chỉ biết rằng giây phút này đây cô vô cùng hạnh phúc: “Có con trên đời thật tuyệt!”. Hồng mỉm cười và lịm dần vào giấc ngủ sau cơn vượt cạn.
Người xưa quan niệm rằng cha mẹ, con cái là một thể thống nhất, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Luôn có một sợi dây bí ẩn buộc chân họ lại với nhau, mà người ta gọi đó là nhân duyên. Đó có thể là thiện duyên, cũng có thể là ác duyên mà chúng ta đã gieo từ kiếp trước. Vì muốn đạt được ước nguyện nào đó của bản thân, vì sợ phải chịu khổ mà trốn tránh trách nhiệm chăm lo cho chúng mà chọn cách “đọa thai” hay chôn sống đứa con còn đỏ hỏn liệu có phải là giải pháp? Hay điều ấy chỉ khiến nghiệp nợ chồng chất, nợ cũ chưa trả, lại tích thêm nợ mới? Con người nếu khao khát hạnh phúc trước tiên, xin hãy thiện đãi những người sống bên cạnh mình.
Hiểu Mai
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/khi-ap-luc-don-len-vai-nguoi-me-con-cai-la-nguoi-ganh-hau-qua..html
Comment