No icon

chi-mot-trai-tim-yeu-thuong-da-co-suc-manh-hon-lan-tien-bac

Chỉ một trái tim yêu thương đã có sức mạnh hơn 10 lần tiền bạc

Một cụ già cô độc, không có con cháu, cụ lại yếu đau nhiều bệnh tật. Cụ quyết định vào ở viện dưỡng lão. Cụ tuyên bố bán căn nhà khá đẹp của mình.

Người mua nghe tin ùn ùn kéo đến. Giá căn nhà được ra giá sàn 80.000 bảng Anh (khoảng 2,5 tỷ VND), nhưng mọi người đã nhanh chóng tranh nhau mua, đẩy giá lên 100.000 bảng (khoảng 3 tỷ VND). Giá nhà vẫn đang được đẩy lên nữa. Cụ già ngồi co ro trong chiếc sô pha, mặt mày ủ rũ. Nếu không phải tình hình sức khỏe cụ quá sa sút, chắc chắn cụ không bán ngôi nhà đã cùng với cụ vui buồn hơn nửa cuộc đời.

Một thanh niên ăn vận chất phác đến trước mặt cụ già, khom người nói nhỏ: “Thưa cụ, con cũng rất muốn mua căn nhà này, nhưng con chỉ có 10.000 bảng (khoảng 300 triệu VND). Nhưng nếu cụ bán căn nhà cho con, con đảm bảo cụ vẫn sống ở đây như trước, cùng con uống trà, đọc sách, tản bộ, trò chuyện, ngày nào cũng sống vui vẻ. Xin cụ yên tâm, con sẽ chăm sóc cụ bằng cả trái tim mình”. 

Cụ già mỉm cười gật đầu, đồng ý bán cho anh thanh niên ngôi nhà chỉ 10.000 bảng.

Chỉ một trái tim yêu thương đã có sức mạnh hơn 10 lần tiền bạc.

Trong thương trường, trong kinh doanh, mua bán, mọi người đều thường thường nói câu cửa miệng “hai bên cùng có lợi”, hợp tác “win – win”. Có lẽ nó quá đơn giản, ai ai cũng hiểu, nhưng từ biết đến áp dụng thực tiễn là cả cả sự khác biệt như núi cao và vực sâu vậy. Hàng trăm người cùng đến mua nhà, họ đều có tiền, đều trả giá cao hơn, nhưng cuối cùng, phần thưởng lại thuộc về anh nông dân ít học nhưng thiện tâm. Biết đồng cảm với người khác, nghĩ cho người khác mới là người áp dụng thành công “hai bên cùng có lợi”

Hàng trăm người cùng đến mua nhà, họ đều trả giá cao hơn, nhưng cuối cùng, anh nông dân ít tiền nhưng thiện tâm đã mua được nhà. Đơn giản chỉ vì anh biết đồng cảm với cụ già cô độc. (Ảnh: pinterest.com)

Trong cuộc sống chúng ta học rất nhiều đạo lý, rất nhiều kỹ thuật kỹ xảo, chúng ta có một đống chứng chỉ đào tạo, tốt nghiệp, nhưng cái mà chúng ta ít được học, được đào tạo là một trái tim biết cảm thông.

Trong xã hội hiện đại cạnh tranh khốc nghiệt, ai ai cũng muốn trang bị nhiều tri thức, nhiều kỹ năng để giành chiến thắng trong các cuộc đua. Học sinh đua vào trường chuyên lớp chọn, đua vào đại học danh tiếng. Sinh viên ra trường cạnh tranh nhau trong các cuộc thi tuyển dụng của các công ty danh tiếng. Nhân viên, công chức cạnh tranh, đua nhau xuất lên lương, thưởng, lên chức. Các vận động viên, nghệ sỹ đua nhau trong các trận đấu, cuộc thi…

Cả xã hội quay cuồng trong sự tranh giành, nên chỉ nghĩ làm thế nào mình có ưu thế trong cuộc đua với người khác, vô hình trung lại nuôi dưỡng cho mình lòng ích kỷ, hiếu thắng, lại càng mất đi bản tính thiện lương của mình.

Nho gia giảng “Nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận tập tương viễn”. Nghĩa là: Con người thuở ban đầu có bản tính thiện, do đó người người gần gũi cảm thông nhau, nhưng thói quen, tư tưởng học được, nuôi dưỡng sau này lại khiến con người xa cách nhau.

Do đó nhiều khi người học hành không nhiều, ít qua các lớp các khóa đào tạo các kỹ năng lại là người giữ được cái bản tính thiện lương ban đầu nhiều nhất. Họ sống mộc mạc, chân thật, giản dị, và có trái tim như lòng con trẻ.

Trong quá trình sống, chúng ta tiếp xúc học hỏi được rất nhiều điều nhưng dường như chứa càng nhiều thì cái “tôi” thuần chân càng bị mai một. Thế nên Đạo gia có câu “Phản bổn quy chân”, trở lại là chính mình… (Ảnh: pinterest.com)

Lão Tử từng nói: “Hàm đức chi hậu, tỉ ư xích tử” (Người có đức lớn cũng tựa như trẻ thơ). Bởi trẻ em luôn bảo trì được trạng thái, tố chất tự nhiên, vô tri vô dục, nó là trạng thái gần với đạo nhất.

Nếu người học nhiều hiểu rộng, mà vẫn giữ được cái tâm trong sáng, hồn nhiên, thanh khiết, thiện lương, đơn giản như tấm lòng con trẻ thì đó chính là người đã rất gần với Đạo rồi. Chúng ta học bất kể điều gì, tri thức nào, kỹ năng nào, nếu nó giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng chân thành và thiện lương thì đó mới là tri thức hợp với Đạo, là đáng học.

Đạo gia yêu cầu người học Đạo phải “Phản bổn quy chân” chính là quay trở về bản tính chân thật thiện lương ban đầu. Đạo chỉ đơn giản vậy thôi, chúng ta thường phức tạp hóa vấn đề nên càng xa rời Đạo. 

Nam Phương

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/chi-mot-trai-tim-yeu-thuong-da-co-suc-manh-hon-10-lan-tien-bac..html

Comment