No icon

dieu-bi-xem-nhe-dung-bao-gio-xem-nhe-y-kien-cua-nguoi-ban-doi

ĐIỀU BỊ XEM NHẸ: Đừng bao giờ xem nhẹ ý kiến của người bạn đời

Đã lâu tôi không gặp Phúc, lần này gặp thấy anh khá vui vẻ điềm tĩnh, khác với những lần trước anh có vẻ lầm lì cau có. Tôi tò mò hỏi thì Phúc bảo: “Mình vui vì đã có cách ứng xử hợp tình hợp lý hơn với vợ”. Hỏi dấn tới thì Phúc đáp: “Có gì đâu, mình đã từng hay xem nhẹ lời vợ mình. Bây giờ không thế nữa, thì mọi việc sẽ tự êm đẹp. Với người ngoài mình cũng đang áp dụng như thế”.

Tôi từng biết khá rõ hoàn cảnh của vợ chồng Phúc, họ lấy nhau khi tuổi đã quá cái ngưỡng “tam thập nhi lập”. Phúc là con người thông kim bác cổ, kiến thức rất phong phú. Còn vợ anh vừa là trưởng nhóm chuyên môn của một cơ quan nghệ thuật quan trọng của quốc gia, vừa là thạc sĩ kinh tế, đã từng dạy từ trẻ nhỏ đến sinh viên đại học. Người ngoài khi tiếp xúc đều đánh giá cao về họ. Lạ thay, hai con người ấy ở với nhau lại hay va chạm về quan điểm. Mỗi người đều cho rằng mình hiểu rõ vấn đề hơn người kia. Với ý kiến của đối phương, họ đều xem nhẹ. Họ ít khi thống nhất được với nhau một cách vui vẻ. Vì vậy mà không khí trong gia đình có lúc bất hòa vì những chuyện không đâu.

Phúc kể: “Hồi mới lấy vợ, tớ nghĩ vợ phải nghe lời tớ. Tớ kiến thức Đông Tây kim cổ đầy mình, lại đi làm cái nghề bán hàng va chạm với đủ hạng người rồi, kinh nghiệm không ít. Ở nhà cũng phải có một người cầm trịch chứ. Người ấy phải là tớ. Làm gì có chuyện “lưỡng vua nhất quốc”. Thế thì loạn.

Vợ tớ cũng bướng không kém, máu còn nóng hơn cả tớ. Tớ nói câu nào cãi câu ấy, không cãi thì mặt cứ hầm hầm. Tại vợ tớ hồi đi học cũng giỏi mà. Trong mấy anh chị em nhà vợ thì vợ tớ giỏi nhất, ngày xưa cũng dạy nhiều sinh viên. Cũng oai lắm.

Tớ có lúc tranh luận với vợ đến phát cáu. Tớ bảo vợ: “Sao em dốt thế?” Vợ tớ vặc lại: “Em từ khi đi học đến giờ, trong trường lớp chưa có ai dám chê em dốt. Ở cơ quan cũng thế. Chỉ có mình anh nói em dốt”. Lúc ấy mặt cô ấy như có lửa khói bốc lên. Tớ chỉ dám he hé mắt nhìn, cũng biết mình hơi quá lời.

Vợ tớ đi làm thường về muộn. Có lần tớ được nghỉ ở nhà nên tớ nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa từ A đến Z. Nấu xong rồi dọn cơm ra đến tận mâm, chỉ cần ngồi vào xơi mà vợ tớ cứ ngồi thừ ra, chờ mãi mà cả nhà chưa được ăn. Tớ điên quá mắng cho một trận. Mắng xong lại thấy hối hận nhưng tớ không xin lỗi. Dù tớ hiểu là vợ tớ đi làm rất xa, công việc lại nặng nhọc rất mỏi mệt, về đến nhà có khi chỉ muốn được ngồi yên uống nước. Còn tớ thì cho rằng thằng đàn ông phải vào bếp đã là hơn khối người. Đằng này dọn ra đến nơi mà vợ tớ lại vô cảm thế. Nên không chịu nổi.

Có những lúc các ông chồng lại quên mất cái mệt mỏi của những người vợ mà vội vàng nổi nóng. (Ảnh: Erkaeltet.info)

Tớ còn nhớ hôm đám cưới vợ chồng tớ, có ông bác họ bên nhà vợ có khuyên câu này: “Chồng giận thì vợ bớt nhời, cơm sôi bớt lửa chẳng rơi hạt nào”. Nhưng cả hai người đều nóng tính lại hiếu thắng, có ai bớt lời đâu. Cảnh nhà tớ là khi có một anh bật lửa lên, thì anh kia sẽ đổ thêm xăng vào. Có khi từ một đốm lửa rất bé, không ngờ sau thành đám cháy to, may cũng chỉ đến mức to tiếng, chưa đánh chửi nhau. Chung quy vì ai cũng cho là ý kiến mình đúng và người kia phải nghe theo”.

Tôi hỏi: “Vậy sao giờ cậu lại vui mừng thế? Có thể chia sẻ bí quyết không?”

Phúc kể: “Ừ, có một sự việc làm mình thay đổi.

Có một lần cô ấy bảo: “Em định cho thằng Bin nhà mình đi học tiếng Anh. Thầy Tây ở Hội Đồng Anh mở trung tâm đấy. Cho trẻ con nó học từ sớm sau nó nói như tiếng Anh bản ngữ. Mình ngày xưa không có điều kiện đành chịu”.

Tớ bảo: “Theo anh không cần thiết. Em thấy mấy đứa em mình không? Chúng nó vào cấp 3 mới học tiếng Anh mà tiếng Anh nó tốt thế. Thầy T., giáo viên tiếng Anh, dịch giả nổi tiếng cũng nói không nhất thiết phải cho trẻ đi học tiếng Anh quá sớm. Mà thầy dạy bao nhiêu thế hệ học sinh rồi. Cái bà vợ ông hàng xóm người Anh nhà mình cũng dạy tiếng Anh ở trường C.K., bà ấy cũng nói thế…”

Vợ tớ ngắt lời: “Nhưng thầy T. nói vậy cũng là kinh nghiệm riêng của thầy thôi. Bao nhiêu nghiên cứu người ta đã nói rồi, cho trẻ con học tiếng Anh chỉ có tốt thôi. Em dạy trẻ con bao nhiêu năm, em hiểu chúng nó chứ”.

Tớ bảo: “Xời, ba cái nghiên cứu hôm nay nói thế này, mai nói thế khác, tự dưng tốn tiền, tốn thời gian vô ích”. Tớ dài giọng ra.

Khi vợ chồng chưa thực sự hạ tâm xuống để cùng nói chuyện và bàn bạc thì mọi chuyện sẽ rất khó giải quyết. (Ảnh: focusonthefamily.com) 

Mặt vợ tớ bắt đầu căng thẳng, mày cau lại, cô ấy đang suy nghĩ câu phản hồi…

Như mọi lần, tớ cảm thấy một đám mây giông nặng trĩu bay vào nhà tớ, và sau đó là sấm sẽ nổ, sét sẽ đánh loằng ngoằng. Sét đánh vào ai thì người ấy sẽ mất tiếng đôi ba ngày. Cảnh này với tớ quen thuộc quá.

Lúc ấy tớ bỗng nghĩ: “Tranh cãi việc này có đáng không nhỉ? Cứ để vợ quyết việc này đi, biết đâu vợ có lý. Nếu không thì thực tế sẽ trả lời. Sao mình cứ sa đà vào chuyện tranh luận vô vị này cho không khí gia đình căng thẳng?”

Thế là tớ lẳng lặng không nói gì nữa. Tớ cũng không thừa nhận với vợ. Nhưng vợ tớ hiểu thế là đồng ý rồi. Bắt đầu từ tuần sau đó, tớ đưa thằng cu đi học tiếng Anh. Đấy là một chuyển biến quan trọng trong quan hệ vợ chồng tớ.

Nhưng thực sự khi tớ tu tâm tính theo một môn tu luyện Chính Pháp thì tớ thấy mình đã quyết định đúng. Thứ nhất, tớ không cần lúc nào cũng là người nói tiếng nói cuối cùng. Quyết định là chia sẻ giữa cả hai vợ chồng. Trong trường hợp mà vợ tớ không nghe thì tớ cũng chẳng nói thêm nữa. Cứ thử làm vậy xem sao”.

“Thế còn thứ hai?”, tôi tò mò xen vào, vì tôi biết cái “thứ hai” này mới quan trọng.

Nếu như thực sự đều đạt được sự an hòa về giao tiếp vợ chồng, đó cũng là sự buông bỏ nhân tâm không tốt, cũng thể hiện sự tu dưỡng bản thân. (Ảnh: Cool Gals)

Phúc mỉm cười: “Thứ hai là có những việc mình tưởng quan trọng, hóa ra lại không quan trọng chút nào hết. Việc vợ tớ cho thằng cu đi học tiếng Anh nó không thay đổi nhiều tương lai thằng bé. Mà cũng chẳng có hại gì đến mức độ hối không kịp. Tự vợ tớ sẽ nhận ra nếu quyết định đó là vội vã. Mà tớ cũng chẳng dám chắc quan điểm của mình có đúng không. Trải nghiệm riêng của vài người chưa chắc đã đúng cho người khác. Khoa học còn nói sai nữa là. Đấy, nghiên cứu về tác dụng của uống sữa bò đối với người đấy, cậu xem chưa? Bây giờ kết luận đảo ngược 180 độ. Còn nhiều nghiên cứu khác nữa, bây giờ đang được coi như lời của Thánh sống. Để một thời gian nữa xem sao. Tớ ngẫm lại, thấy cái điều quan trọng nhất lại quay về câu nói của ông bác họ: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng rơi hạt nào”. Không khí gia đình là quan trọng nhất. Con cái nó bị ảnh hưởng bởi điều đó nhiều hơn là một vài khóa học hay hoạt động nào khác cậu ạ. Mình càng lớn tuổi lại càng ngẫm người xưa nói chí lý lắm cậu ạ.

Nhưng điều tớ bất ngờ nhất là sau khi tớ tự đánh trống lui binh thì thái độ vợ tớ cũng thay đổi. Bây giờ, cô ấy tôn trọng tớ hơn và hỏi ý kiến tớ về nhiều việc. Vợ chồng tớ cũng không bị bệnh mất tiếng nữa”. Phúc cười khà khà.

“Còn thằng cu Bin thì sao?”, tôi hỏi.

“Nó học tiếng Anh khá lắm, rất thích đi học tiếng Anh. Các thầy cô Tây rất quý nó và chuyển nó lên lớp những đứa học giỏi nhất”, Phúc nói. “Vợ tớ đúng đấy chứ”, cậu liếc mắt nhìn tôi đầy hàm ý.

“Chúc mừng cậu”, tôi nói. “Nhưng mình không cho là luôn nghe lời vợ đã là hay đâu”.

“Ừ thì tớ chỉ kể kinh nghiệm cá nhân của mình thôi mà”, Phúc cười thoải mái. “Tớ cũng không nghĩ mình hoàn toàn đúng”.

“Mình chỉ thử cậu thôi. Mình sẽ học theo lời cậu”, tôi cười.

Cảm ơn Phúc đã cho tôi một bài học thấm thía.

Trọng Nhân

 

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/dieu-bi-xem-nhe-dung-bao-gio-xem-nhe-y-kien-cua-nguoi-ban-doi..html

Comment