No icon

toi-ke-em-nghe-cau-chuyen-rang-dong-vat-cung-can-duoc-yeu-thuong

Tôi kể em nghe câu chuyện, rằng động vật cũng cần được yêu thương

Tôi nhìn cánh đồi xanh bát ngát, nơi có lẽ vẫn còn những con vật hoang đang trú ngụ. Có thể trên cành cây nào đó, một chú khỉ con đang vô tư ăn trái, hoặc dưới gốc cây nào đó, một con cún nhỏ đang say sưa giấc nồng. Hy vọng chúng sẽ được hưởng những tháng ngày bình yên, nơi không có bàn tay con người tàn phá…

Sau rất nhiều lần hứa hẹn đông tây, cuối cùng cũng có ngày tôi đưa em đến thăm ngôi làng Darangee thơ mộng. Ngôi làng nằm ở cực nam của huyện đảo Namhae, nổi tiếng với những đỉnh đồi xanh ẩn hiện trong mây mù, những nấc ruộng bậc thang mượt mà uốn lượn, và những thảm xanh non tơ cùng với đàn bò đang nhai cỏ.

Tôi vẫn thường nói đùa rằng, em đúng là “tiểu thư gà công nghiệp” của thủ đô Seoul hoa lệ, thế nên đã chừng này tuổi đầu rồi, 20 chứ có ít gì đâu, mà không biết đến những nơi thôn dã như Darangee. Còn tôi, một anh chàng nhà quê đến từ Việt Nam, mới sang Hàn chưa quá 5 năm, mà đã đi khắp nam bắc đông tây, dọc ngang khắp chốn thâm sơn cùng cốc của nước này. Em ngước lên nhìn tôi, đôi mắt ra vẻ phản đối vì bị gọi là “gà công nghiệp”, rồi không nói gì mà chỉ lặng lẽ cùng tôi bước tiếp, cảm giác yên bình như chưa bao giờ bình yên hơn thế.

Tôi chỉ cho em những nấc ruộng thoai thoải theo sườn đồi, và kể cho em rằng ruộng bậc thang Việt Nam còn đẹp và thơ mộng nhiều hơn thế. Em vẫn luôn háo hức một ngày được đặt chân lên nước Việt, một miền đất mà với em là xa xôi và huyền bí. Tôi lại chỉ cho em thấy con trâu đang kéo cày trên ruộng. Đó là hình ảnh quá đỗi bình dị, quá đỗi thân thương, đến mức năm nào tôi cũng đến Darangee chỉ để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.

Tôi chỉ cho em những nấc ruộng thoai thoải theo sườn đồi, và kể cho em rằng ruộng bậc thang Việt Nam còn đẹp và thơ mộng nhiều hơn thế.
Tôi chỉ cho em những nấc ruộng thoai thoải theo sườn đồi, và kể cho em rằng ruộng bậc thang Việt Nam còn đẹp và thơ mộng nhiều hơn thế. (Ảnh: fivitour.com)

Chuyến thăm làng Darangee lần này, mục đích ban đầu của tôi là để giúp em có một chút trải nghiệm để “giải ngố” và để hiểu hơn về Việt Nam. Nhưng không ngờ, một vị khách bất chợt xuất hiện đã thay đổi toàn bộ kế hoạch ban đầu của hai chúng tôi.

Khi chúng tôi vừa định quay trở về làng thì bỗng nghe thấy tiếng rên rỉ bên dưới lùm cỏ rậm. Tôi nhận ra ngay đó là tiếng rên của một chú chó nhỏ, trái tim như thắt lại, tôi bất giác cúi xuống và xem xét người bạn nhỏ tuổi này.

Quả vậy, một chú chó có bộ lông màu vàng nhạt, vẫn còn lấm lem bùn đất. Cái bụng nó xẹp lép, có lẽ nó đã bị bỏ đói mấy ngày rồi. Tôi lật tìm trong ba lô, may mắn là vẫn còn cái bánh mì phết bơ mà sáng nay vì vội đón em cho kịp giờ, tôi đã không thưởng thức nó, và rồi quên bẵng đi cho đến tận lúc này.

Chú chó nhỏ ngước nhìn tôi, vừa dè dặt liếm từng miếng bánh mì trên tay, vừa nhìn tôi với ánh mắt đầy biết ơn. Nó gắng gượng đứng lên, nhưng rồi đôi chân run rẩy không đỡ được cơ thể yếu ớt của mình, nó lại khuỵu hẳn xuống. Người bạn nhỏ, vì sao cậu lại ở đây? Là đi lạc đường, hay là bị bỏ quên, hay là vì lý do gì? Tôi không biết, chỉ thấy rằng có giọt nước mằn mặn đang rỏ xuống.

Em cũng ngồi xuống bên cạnh tôi, vừa sốt sắng nhưng cũng vừa tò mò. Khi thấy mắt tôi rưng rưng lệ, em phì cười, và nói với tôi bằng tiếng Anh theo giọng của người Hàn: “Xem kìa, nó hơi yếu nhưng vẫn còn sống mà, sao anh lại khóc như vậy?”.

Trong mắt em tôi luôn là chàng trai mạnh mẽ, quyết đoán, và có phần từng trải, em cũng từng nói rằng, mỗi lần ở bên tôi em luôn có cảm giác yên bình. Tôi chưa từng tỏ ra yếu đuối trước mặt em, nhưng hình ảnh chú chó nhỏ lần này lại động đến phần yếu lòng nhất trong tôi. Và tôi chậm rãi kể lại cho em hai kỷ niệm tuổi thơ mà mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thường ứa nước mắt trong lòng.

Trong mắt em tôi luôn là chàng trai mạnh mẽ, quyết đoán, và có phần từng trải, em cũng từng nói rằng, mỗi lần ở bên tôi em luôn có cảm giác yên bình.
Trong mắt em tôi luôn là chàng trai mạnh mẽ, quyết đoán, và có phần từng trải, em cũng từng nói rằng, mỗi lần ở bên tôi em luôn có cảm giác yên bình. (Ảnh: alamy.com)

***

Hồi ấy gia đình tôi vẫn còn ở Lạng Sơn. Lạng Sơn rất đẹp, nhưng không đẹp như những gì mà các tờ bướm du lịch vẫn miêu tả. Con người Lạng Sơn rất hiền hoà, nhưng không phải là không có những thành phần bất hảo. Hàng xóm nhà tôi là một người như thế, một “Chí Phèo” khét tiếng trong vùng. Tôi chưa từng một lần bước chân vào nhà ông, dù con trai ông cũng trạc tuổi tôi, và vẫn thường chạy sang rủ tôi chơi bắn bi. Nhưng ông thì khác, chỉ nhìn thấy ông là thằng bé nhút nhát như tôi đã bủn rủn chân tay rồi. Khắp người ông đầy xăm trổ, ông cũng cạo trọc đầu, miệng hay phì phèo thuốc lá, và đặc biệt là ngày nào cũng uống rượu. Ông uống rượu vào là chửi làng chửi nước, chửi vợ chửi con, rồi đánh phá tất cả những gì mà ông thấy chướng tai gai mắt. Sau khi vợ ông dắt theo đứa con trai bỏ đi biệt xứ, trong nhà chỉ còn lại khu vườn cỏ hoang mọc đầy và một con chó xích ở góc vườn. Tôi vẫn thường hay nghe tiếng ông chửi và tiếng chó ăng ẳng lên vì bị đánh đòn. Cũng chẳng biết vì sao ông lại hay đánh nó thế, hay là vì không còn vợ con để trút giận nữa, nên mọi bức bối khó chịu trong người ông đều đổ lên con vật đáng thương này?

Đến khi ông bị bắt vào tù rồi, mẹ tôi vì thương con chó trước thì bị chủ ngược đãi, nay lại nằm đói khát không có ai nhòm ngó, nên mới mang nó về nuôi. Nhưng nó sợ lắm. Nó hoảng loạn, nó kêu rống lên vì sợ sẽ lại bị người ta đánh đập. Nó sợ mẹ tôi, nó sợ ba tôi, nó sợ cả đứa trẻ mới lên 7 như tôi. Mặc dù tôi đã cố gắng tỏ ra thân thiện và quan tâm đến nó, nhưng nó khước từ mọi thứ. Mỗi lần mang cơm cho nó ăn, tôi chỉ lặng lẽ đặt cái đĩa xuống, rồi huýt sáo để nó biết, rồi phải rời đi ngay sau đó. Đến khi khu vườn hoàn toàn tĩnh mịch, nó mới chui ra khỏi cái ổ mà nó vẫn thường ẩn nấp trong đó để giấu mình, để ăn uống chút gì đó. Rồi lại rất nhanh, nó lủi về trốn trong cái ổ quen thuộc ấy, chứ như thể chỉ ở trong bóng tối không một ai nhìn thấy, thì nó mới thấy yên lòng.

Nó hoảng loạn, nó kêu rống lên vì sợ sẽ lại bị người ta đánh đập. Nó sợ mẹ tôi, nó sợ ba tôi, nó sợ cả đứa trẻ mới lên 7 như tôi.
Nó hoảng loạn, nó kêu rống lên vì sợ sẽ lại bị người ta đánh đập. Nó sợ mẹ tôi, nó sợ ba tôi, nó sợ cả đứa trẻ mới lên 7 như tôi. (Ảnh: smflegal.com)

Cứ như thế, nó sống trong góc vườn nhà tôi được 3 tháng trời. Rồi một ngày, nó ốm…

Tôi phát hiện ra điều ấy là bởi thấy đĩa cơm bị bỏ thừa ngày càng nhiều. Rồi đến một ngày, nó không ăn không uống gì nữa, dù tôi luôn để dành cho nó những miếng thịt ngon rưới một chút nước thịt kho tàu hoặc chan nước canh vịt béo ngậy. Cứ như thế sau 2 ngày thấy nó không ăn không uống, mẹ và tôi bèn mạnh dạn đến cái ổ của nó, thì thấy nó đang nằm đó thoi thóp, cái bụng phập phồng hơi thở yếu ớt. Mẹ mang sẵn cốc sữa cùng với cái xi-lanh để phụt vào miệng nó, chỉ mong nó có chút gì đó cho ấm bụng. Nếu là trước kia, nó sẽ chống trả quyết liệt, nó sẽ không ngại cắn vào tay người đang mang cơm cho nó, nó cũng gầm lên những tiếng gừ gừ phòng thủ… thì bây giờ, cái bộ da chỉ còn bọc xương kia đang nằm đó yên lặng, mặc cho người ta muốn làm gì thì làm. Tôi nhìn nó như thế mà ứa nước mắt.

Tôi ngồi xuống cạnh mẹ, tôi cảm nhận được mọi nỗ lực vô vọng của mẹ chỉ để nó sống được thêm dẫu chỉ là một chút. Tôi không dám chạm vào bộ lông đầy đất và cát, đầy cả ve và bọ rận, nhưng vẫn cố nghĩ ra những câu gì đó để nó an lòng: “Đừng sợ nhé, mẹ tao không làm gì mày đâu, cũng không làm mày đau đâu…”, “Mày uống tí sữa này nhé, sữa đặc Ông Thọ đấy, mày uống cho no nhé…”.

Nó không có phản ứng gì, mà chỉ nhìn tôi. Tôi không rõ đôi mắt ấy muốn nói gì, nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng nó vẫn còn rất sợ. Nó sợ người…

Nhưng nó không phản đối, nó nuốt chút sữa và liếm láp cái miệng vẫn còn dính mấy giọt sữa trắng. Được vài phút, có lẽ sữa bắt đầu thấm vào cái dạ dày trống trơn của nó, thì bỗng người nó co giật. Cái mõm của nó há ra và đôi mắt trợn ngược. Tôi hiểu điều ấy nghĩa là gì, và tôi oà khóc như mưa.

Đến khi mẹ lặng lẽ cho nó vào bao tải rồi mang ra ngoài, tôi vẫn còn đứng dưới gốc cây mà khóc. Có lẽ tôi đã không đau lòng nếu như… nếu như nó ra đi trong yên bình, trong một chút cảm nhận về hơi ấm mà người chủ dành cho nó, chứ không phải ra đi trong nỗi “sợ người” như thế.

Có lẽ tôi đã không đau lòng nếu như… nếu như nó ra đi trong yên bình, trong một chút cảm nhận về hơi ấm mà người chủ dành cho nó
Có lẽ tôi đã không đau lòng nếu như… nếu như nó ra đi trong yên bình, trong một chút cảm nhận về hơi ấm mà người chủ dành cho nó. (Ảnh: istockphoto.com)

Sau đó suốt một tuần tôi không thể ăn ngon miệng vì thương nó. Hễ đi qua vườn, nhìn thấy cái ổ nơi nó vẫn thường hay nằm trốn trong đó, tôi lại khóc. Bố mẹ biết tôi nặng tình với nó, nên từ đó không bao giờ nhắc đến chữ “cún” hay “chó” khi có mặt tôi ở nhà.

Cứ thế bẵng đi một thời gian, lúc ấy là nghỉ hè trước khi vào lớp 6. Sau một đợt mưa dai dẳng, cuối cùng tôi mới nhìn thấy ánh mặt trời le lói chiếu vào nhà. Tôi theo mẹ ra vườn “thu hoạch” các loại quả còn sót lại sau cơn mưa. Bỗng nhiên tôi oà lên thích thú, một chú khỉ lém lỉnh đang ngồi vắt vẻo trên cành, nó đang ăn ngấu nghiến mấy trái chín mà đáng lẽ tôi mới là người được hái. Tôi nhìn nó mà cười rạng rỡ, háo hức như vớ được một thứ đồ chơi mới lạ. Kỳ lạ là cậu ta không có vẻ sợ hãi khi bị gia chủ bắt gặp, mà chỉ tò mò nhìn tôi. Được một lúc, nó tỏ ra chấp nhận tôi, và từ đó cả hai chúng tôi là bạn.

Su Su đến với gia đình tôi một cách tự nhiên như thế. Gần như không có rào cản nào ngăn cách hai chúng tôi ngay từ phút đầu gặp gỡ. Bố mẹ rất vui khi thấy tôi có bạn mới, không còn phải tha thẩn chơi một mình giữa những buổi chiều nắng gắt. Chúng tôi làm gì hay đi đâu cũng đều có nhau, bởi tôi biết Su Su chỉ yên tâm khi ở bên cạnh tôi. Su Su rất sợ người lạ, mỗi lần ai đó đến nhà, hoặc mỗi lần tôi muốn đưa Su Su ra ngoài chơi với lũ bạn, nó đều ôm chặt lấy tôi rồi run lên sợ hãi.

Tôi không hiểu vì sao Su Su lại sợ người lạ đến thế, cho đến một ngày…

Hôm ấy, khi tôi đang cùng Su Su chơi trong vườn thì có một đoàn cán bộ xã đến nhà yêu cầu bố mẹ tôi phải giao nộp “động vật giam giữ trái phép”. Tôi may mắn nghe được câu chuyện, nên kịp thời bế Su Su chui qua kẽ hở hàng rào sang lánh nạn bên nhà hàng xóm. Họ không bắt được Su Su, nhưng vẫn còn trở lại ngay buổi chiều hôm đó, trong khi bố mẹ tôi đang bị giữ trên xã để “giải trình”…

Trong buổi chiều định mệnh ấy, khi những người đàn ông cao to lực lưỡng ập đến, họ quát tháo nạt nộ rồi lùng sục khắp nhà. Họ xông vào vườn, chỉ chực cướp lấy Su Su ra khỏi vòng tay tôi. Cũng may là Su Su đã kịp nhảy lên vai tôi rồi leo lên cây ổi gần đó. Su Su bình thường leo trèo rất giỏi, nhưng vẫn không thể thoát khỏi võng lưới đã được giăng ra sẵn từ trước. Lúc ấy, thằng bé 11 tuổi như tôi chỉ còn biết dùng hết sức cắn vào vòng tay cứng như gọng kìm đang ngăn tôi chạy đến.

Khi mọi nỗ lực đều trở nên vô ích, tôi đành đứng đó nhìn Su Su run rẩy sợ hãi. Suốt cả cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh ấy. Su Su đang quỳ xuống, nó chắp tay lạy lia lịa cầu xin lòng trắc ẩn từ những kẻ đang vây bắt mình. Có lẽ nó hiểu điều gì đang diễn ra. Có lẽ nó biết rằng chống cự chỉ là vô ích. Hoặc có lẽ nó đã từng đối mặt với tình huống này trong quá khứ. Hoặc cũng có thể còn một lý do nào đó khác…

Nhưng dường như, lòng trắc ẩn là thứ gì đó quá tầm thường và rẻ mạt mà người ta không buồn đếm xỉa đến. Trong đám đông hôm ấy, ngoài dòng nước mắt cùng với những tiếng hét thất thanh của một con khỉ và tiếng gào thét của một thằng bé ra, thì tất cả đều hể hả ra về.

Phút cuối cùng trước khi bị nhét vào trong bao tải, Su Su vẫn cố ngoái lại nhìn tôi. Ánh mắt ấy… dẫu không nói nên lời, nhưng cứ xoáy sâu vào tâm trí tôi, để lại một vết cứa trong lòng mà đến giờ tôi vẫn thấy nhói đau mỗi khi nhớ lại.

Ánh mắt ấy… dẫu không nói nên lời, nhưng cứ xoáy sâu vào tâm trí tôi.
Ánh mắt ấy… dẫu không nói nên lời, nhưng cứ xoáy sâu vào tâm trí tôi. (Ảnh: Pixabay.com)

***

“Anh, vậy sau đó thì sao? Anh còn nghe tin gì về Su Su nữa không?”, câu hỏi của em như đánh thức tôi khỏi dòng ký ức gần hai mươi năm về trước. Tôi lắc đầu. Suốt nhiều năm sau đó, cho đến khi gia đình chuyển về Hà Nội, tôi vẫn vĩnh viễn không thể biết được chuyện gì đã xảy ra. Mỗi lần đi học ngang qua các quán hàng có treo biển “thịt thú rừng”, hoặc các cơ sở nấu cao, tôi vẫn cầu mong Su Su không ở đó.

Tôi nhìn cánh đồi xanh bát ngát của ngôi làng Darangee xinh đẹp, phía trên cao cao kia là rừng cây rậm rạp. Nơi ấy, có lẽ vẫn còn những con vật hoang dã đang trú ngụ. Có thể trên cành cây nào đó, một chú khỉ con đang vô tư ăn trái, hoặc dưới gốc cây nào đó, một con hươu, con nai, hay con cún nhỏ đang say sưa giấc ngủ ngon lành. Hy vọng chúng sẽ được hưởng những tháng ngày bình yên, nơi không có bàn tay con người tàn phá.

Đôi mắt em long lanh nhìn tôi không chớp mắt, không biết tự lúc nào em cũng sụt sùi khi nghe câu chuyện ngày xưa của tôi. Em nhẹ nhàng vuốt lên bộ lông đang cáu bẩn của chú chó nhỏ, và nói với tôi: “Đi, chúng mình đi tìm chủ mới cho cậu bạn này đi anh. Hoặc nếu không ai muốn nhận nuôi, thì em sẽ đưa cậu ta về Seoul, để nó cũng được làm bạn với con gà công nghiệp như em”.

Em nháy mắt nhìn tôi đầy tinh nghịch, và nở một nụ cười rạng rỡ như hoa rừng.

Darangee, một ngày hè hoài niệm…
Tâm Minh

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/toi-ke-em-nghe-cau-chuyen-rang-dong-vat-cung-can-duoc-yeu-thuong..html

Comment