nhung-giai-thoai-ve-hinh-va-tuong-trong-nhan-tuong-hoc
Những giai thoại về 'hình' và 'tướng' trong nhân tướng học
- bởi tamthuc --
- 17/07/2017
Vận mệnh đời người được phản ánh qua rất nhiều nét tướng bên ngoài. Cho nên, muốn có thể đoán mệnh một cách chính xác nhất, cần quan sát một cách tổng quát, đồng thời không thể bỏ qua yếu tố thần và khí.
Đời Minh, Hoàng đế Vĩnh Lạc thường nghiên cứu tướng học với một nhà tướng học nổi tiếng là Viên Liễu Trang. Trong những cuộc trò chuyện, bậc thầy nhân tướng đã tiết lộ những điểm thú vị về hình tướng con người.
Một hôm, trong lúc đàm đạo về hình và tướng con người, Hoàng đế Vĩnh Lạc đã nêu lên thắc mắc với nhà tướng học họ Liễu như sau:
“Trẫm thấy sách tướng nói rằng, hình hài khuyết hãm thì bần hàn, ngũ quan hoàn hảo thì thông minh quý hiển. Thế thì tại sao trong triều có người làm đến Thượng thư mà diện mạo lại cực kỳ xấu xí? Lại thấy trên đời không thiếu gì những kẻ Ngũ quan tuyệt mỹ mà lại chết non, hoặc mặt mày đẹp đẽ mà lại ngu si, số mạng không ra gì?”
Liễu Trang đáp: “Người diện mạo xấu mà lại quý hiển là vì mục quang có thần: đi vững vàng như thuyền lớn, không nghiêng ngả, tướng đi, đứng, nằm, ngồi uy nghi có thần. Ngũ quan tuyệt mỹ mà chết non là vì mục quang thất thần: mặt mày xinh đẹp nhưng đó chỉ là bề ngoài còn bên trong thì khí trệ, thần hôn, làm sao mà thông tuệ được. Cho nên, bàn về quý hiển, thông minh, thọ yểu, chỉ dựa vào hình hài không đủ, mà còn phải lấy thần, khí làm gốc”.
Nhãn quan (hay mục quang) con người là do trời phú cho, không phải muốn mà có được. Nhãn quan không chỉ biểu lộ cá tính mà còn có ảnh hưởng sâu sắc tới vận mạng sinh tử của con người nữa.
Cách đây vài chục năm, trước khi Nhật chiếm Hong Kong, Ma Cao, tại Ma Cao có một người chuyên nghề chài lưới là Trần Gia Câu. Gia Câu ỷ mình có thuyền buồm cỡ lớn nên thường ra tận đại dương câu cá lâu ngày mới về, thu hoạch không thua gì các tàu đánh cá có động cơ. Trên thuyền, ngoài số ngư phủ, có nuôi thêm một con khỉ rất khôn để sớm hôm bầu bạn, còn vợ con thì để lại Ma Cao.
Một bữa kia, vì số ngư phủ cũ rành nghề bỏ đi gần hết, Gia Câu phải đi cùng khắp Ma Cao để mướn thợ mới, tình cờ gặp một người quen cũ là Dương Chiếu Thản, vốn là đồng hương, nên cùng nhau vào quán ăn nhậu để hàn huyên tâm sự.
Họ Dương là một người rành nghề xem tướng, nên trong lúc đôi bạn đàm đạo, Dương thấy sắc mặt của Gia Câu chỗ thì xanh, chỗ thì sạm, mới bảo Gia Câu rằng: “Này anh bạn, tôi xem tướng anh thấy diện mạo khí sắc rất xấu, chỉ khoảng ba tháng trở lại tôi e rằng anh sẽ bị mắc tai họa. Vậy trong thời gian này anh không nên liều lĩnh ra khơi, hãy chịu khó bớt chút lợi mướn thợ về quản chủ thuyền thì may mới thoát nạn”.
Gia Câu nghe xong, nét mặt nhăn nhó nói: “Gần đây thu hoạch kém quá, phần lớn thợ cũ đều bỏ đi. Bây giờ, phần đông là thợ mới, kinh nghiệm chưa có, nếu không có người rành nghề thì tổn thất quá nặng, sợ kham không nổi”.
TAMTHUCDương Chiếu Thản suy nghĩ hồi lâu, xem kỹ tướng mạo của Gia Câu rồi nói: “Khí sắc của anh rất xấu nhưng may ánh mắt có thủ chân quang tức là thủ thần nên có hy vọng thoát hiểm”.
Gia Câu nghe xong thắc mắc: “Xấu tốt là do khí sắc, tại sao tướng cách tốt lại có thể cứu vãn được hoạn nạn?”.
Dương đáp: “Tướng cách tốt thì số thọ thật sự chưa dứt, trong thời gian đó nếu chẳng may gặp nạn, thì chỉ bị kinh hiểm chứ không đến nỗi tuyệt mạng. Tỷ như khí sắc trên mặt ảm đạm nhưng mắt có thần quang an tĩnh không bị dao động theo cùng với sắc mặt thì tuy tai họa đột nhiên xảy tới cũng vẫn vượt qua được”.
Thấy Trần Gia Câu quyết ý vì sinh kế mà phải mạo hiểm ra khơi lần này. Dương nói tiếp: “Nếu như trong mấy tháng tới anh có gặp nạn mà thoát khỏi thì về sau đời anh sẽ có dịp phát đạt lớn. Theo tôi tốt hơn hết là không nên mạo hiểm đầu tư kinh doanh, nhưng nếu anh đã quyết tiếp tục ra khơi lâu ngày thì tôi hy vọng nhờ mắt mà anh gặp dữ hóa lành”. Nói xong đôi bạn chia tay.
Sau đó, Gia Câu tụ tập đủ được tay thợ quyết chí ra khơi, và lần này đi rất xa bờ, hy vọng đánh được nhiều cá để gỡ lại các tổn thất trong thời gian trước. Ba tháng sau ngày giã biệt họ Dương, Gia Câu ra khơi vẫn chưa trở lại, Dương cho là Gia Câu đã gởi thân nơi miệng cá mất rồi, trong lòng vô cùng thương tiếc. Nhưng khoảng bốn tháng sau, sau khi rời bến, Gia Câu đột nhiên xuất hiện tìm tới Dương Chiếu Thản cảm ơn và ca tụng tướng pháp của Dương thật vô cùng linh nghiệm.
Chuyện là sau khi từ biệt bạn, Gia Câu lái thuyền ra khơi ròng rã ba ngày đêm mới tới một nơi có nhiều cá để bổ lưới. Đúng lúc đó, cuồng phong nổi lên mà không có hiệu báo trước nên mọi người không đề phòng. Bởi vậy, thuyền bị sóng gió làm vỡ nát.
Gia Câu nhờ có nhiều kinh nghiệm và bình tĩnh bám vào được một mảnh thuyền vỡ mà con khỉ đã bám chặt vào đó từ trước. Cả người lẫn vật bị sóng gió thổi giạt vào một hoang đảo có rất nhiều ngọc trai.
Lên đến bờ, Gia Câu vừa đói vừa mệt nên lả đi, lúc tỉnh lại thì thấy con khỉ ngồi bên cạnh với vài trái cây hoang dại. Nhờ vậy Gia Câu có thực phẩm sống qua ngày. Từ đó, Gia Câu khám phá ra đảo có ngọc trai nên tích lũy được rất nhiều nhưng không có cách nào trở lại quê nhà, chỉ còn hy vọng là ngày ngày dắt khỉ lên chỗ cao nhất của đảo nhìn ra khơi mong có thuyền bè qua lại để quá giang.
Một ngày kia, vẫn như thông lệ, Gia Câu đang mòn mỏi trong việc quan sát, sắp sửa trở về chỗ tạm trú thì bỗng nhiên gió Tây Bắc thổi mạnh, một vật đen hiện lên ở chân trời rồi rõ dần trên mặt biển đang dao động, Gia Câu chú ý nhìn kỹ thì thấy đó là một chiếc thuyền câu có lẽ gãy mất bánh lái nên bị trôi nổi theo dòng nước.
Một lúc sau, chiếc thuyền đó trôi đến gần đảo thì bị mắc cạn trên bãi cát. Gia Câu mừng rỡ, đứng lên chỗ cao lớn tiếng kêu gọi. Người trong thuyền nghe tiếng lấy làm kỳ dị bèn mời Gia Câu xuống thuyền. Sau khi đôi bên gạn hỏi, Gia Câu mới biết đó là thuyền đánh cá thuộc hệ thống ngư phủ Ma cao, vì ra khơi quá xa gặp gió lớn bị gãy bánh lái nên bị sóng gió thổi tạt đến hoang đảo này, Gia Câu cũng nói rõ mọi chuyện của mình cho họ hay. Thế là cả bọn nhận nhau là người cùng xứ, hợp tác cùng nhau sửa sang lại chỗ thuyền bị hư hỏng rồi trở về Ma Cao với túi ngọc trai và con khỉ cứu tử.
Về đến nơi cư trú, Gia Câu bán số ngọc trai thu hoạch được, một phần nhỏ đền ơn cho chủ thuyền có công chở mình về xứ, còn bao nhiêu đem tậu đất xây nhà, tạo nên cơ nghiệp của một phú ông và bỏ hẳn nghề đánh bắt ngoài khơi.
TinhHoa tổng hợp
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/nhung-giai-thoai-ve-hinh-va-tuong-trong-nhan-tuong-hoc.html
Comment