khao-sat-phong-thuy-duong-lam-son-tay-ha-noi-bai-
KHẢO SÁT PHONG THỦY ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY - HÀ NỘI. BÀI 3.
- bởi tamthuc --
- 15/09/2015
KHẢO SÁT PHONG THỦY ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY
HÀ NỘI.
LỜI TỰA : Đường Lâm - Sơn Tây - HÀ NỘI là một vùng quê có địa hình còn khá hoang sơ , chưa bị nhiều những công trình xây dựng tàn phá. Đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng. Là một vùng quê có nhiều người thành đạt như vậy nhưng trong khoảng 50 năm gần đây , nhân tài của Đường Lâm hầu như vắng bóng . Lý do nào đưa đến sự việc như vậy ? Chúng ta thử cùng nhau khảo sát về mặt Phong thủy để tìm nguyên nhân. Trong loạt bài này , dienbatn có sử dụng một số tư liệu trên Internet và những tư liệu của dienbatn sau nhiều năm điền dã. Những kết luận riêng của dienbatn còn thô thiển, rất mong được các cao nhân giúp đỡ. Thân ái. dienbatn.
3. KHẢO SÁT MỘT SỐ ĐỊA DANH QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI KHU VỰC ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY - HÀ NỘI.
3.1 ĐỀN VÀ.
Đền Và ở thôn Vân Gia (nguyên đọc theo âm chữ Hán là Vân Già, 雲遮), phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, còn gọi là Đông Cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài (Bắc Cung thuộc xã Tam Hồng, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc; Nam Cung thuộc xã Tản Lĩnh, Tây Cung thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền được Nhà nước Việt Nam xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1964.
Theo bia "Vân Già đông trấn cung ký" (雲 遮 東 鎮 宮 記) dựng ở đầu hồi hai bên nhà tiền tế ở đền năm Tự Đức thứ 36 (1883) thì đền Và đã có từ thời Việt Nam đang thuộc ách đô hộ của nhà Đường, lúc ấy đền là khu thờ nhỏ nhưng rất linh ứng.Ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, trong đó có lần trùng tu lớn vào năm 1884. Sự mở rộng quy mô của đền gắn với sự thành lập và phát triển của tỉnh Sơn Tây thời Pháp thuộc. Sau khi tỉnh này được lập ra năm 1831 (Minh Mạng thứ 12), tỉnh lỵ là nơi tập trung nhiều quan chức, thương gia chỉ cách đền Và khoảng 2 km nên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, những người này cùng với dân quanh vùng đã hưng công để xây dựng thêm nhà tiền tế 5 gian. Trước đó, nhà tiền tế đã có nhưng quy mô nhỏ. Cho đến nay, nhà tiền tế đã trải qua 3 lần tu sửa lớn: tu tạo năm 1829 (Minh Mạng thứ 10), đại tạo năm 1902 (Thành Thái thứ 14) và lại tu tạo năm 1932 (Bảo Đại thứ 7). Dựa theo văn tự chữ Hán khắc ở cột thì hậu cung như hiện nay được làm vào các năm 1915-1919. Gần đây, dự án tôn tạo đền Và đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tây phê duyệt với tổng kinh phí 18 tỷ đồng, dự kiến sẽ bắt đầu bằng việc tu bổ đền chính trong năm 2008.
Đền Và nằm giữa đồi Và, một đồi cây có diện tích khoảng 17.500 m² trồng nhiều cây lim cổ thụ, ngoài ra còn có mít, thông, đại, muỗm... Trong đền trồng cây vóc vàng và hai bên nhà tiền tế có hai cây lan cao to, đây đều là những loài nở hoa về mùa hè. Theo thuyết phong thuỷ, khu đồi có hình dáng con rùa (Kim Quy) đang bơi về phía mặt trời mọc. Khu vực kiến trúc rộng khoảng 2.000 m² được bao ở hai bên và phía sau bởi tường thành bằng đá ong cao 2m15. Tường được xây hai lớp, theo cách thức thượng thu hạ thách, chính giữ lèn đất. Trong dân gian lưu truyền rằng, đá ong xây tường được lấy ở đồi Vông, thôn Vân Gia, còn gọi là "xóm Rắn" nên có câu thành ngữ "cấu cổ con xà, đè cổ con quy".
Đền có bố cục dàn trải tương đối cân xứng theo trục. Trên trục trung tâm phía trước sân đền có một bình phong tạo những hang hốc mang vẻ tự nhiên. Mặt ngoài của bình phong thờ ngũ hổ trong hang với trung tâm là hổ vàng, mặt sau của động này đắp hình "long cuốn thuỷ" dưới dạng tứ linh với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, được mùa và có người tài ra giúp dân giúp nước. Qua một sân rộng khoảng 300 m2 có tường thấp bao quanh, đến "nghi môn" - cổng chính của đền. Tiếp đến là một khoảng sân rộng, được khuôn vuông bằng hệ thống công trình kiến trúc khép kín. Liền sát nghi môn, đăng đối hai bên theo chiều dọc là gác chuông và gác trống, rồi đến hai dãy tả mạc, hữu mạc, nhà kho, phía sau tả hữu mạc mỗi bên đều có nhà tạo soạn và là nơi nghỉ tạm cho khách hành hương. Nhà tiền tế (hay tiền bái) năm gian nằm song song với nghi môn ở phía cuối sân, hai đầu nhà tiền bái có tháp thiêu hương để hoá vàng mã sau khi cúng tế xong. Hậu cung hình chữ "công", cách tiền tế 1,2m, đầu nhà có bể nước và một gian nhà nhỏ để kiệu.
Mặt thoải sườn đồi đã được lợi dụng để giải quyết chiều cao kiến trúc. Lối bố trí kiến trúc theo hướng đi lên khiến cho các công trình như được nâng cao dần, đặc biệt là nghi môn, tiền tế, hậu cung. Mặc dù kết cấu các công trình đều thấp nhưng người xem vẫn có cảm giác đền có xu hướng vươn lên.
Nghi môn: gồm ba gian dựng trên nền cao, gian giữa cao 4m80, hai gian bên cao 2m15. Nghi môn có đặc điểm dễ nhận biết là ba hàng chân cột gỗ kê trên những chân tảng đá ong (cột cái cao 4m95, cột quân 3m80). Đây là một nghi môn khá hiếm gặp trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, ngoài Nghi môn này, có thể thấy kiến trúc tương tự tại đền Vua Đinh (thế kỷ 17), Đại Thành môn ở Văn Miếu, Tam quan chùa Bút Tháp.
Gác trống, gác chuông: dựng hai bên và ngay sát nghi môn và kiến trúc tương tự nhau với kiểu chồng diêm 8 mái phỏng theo gác trống, gác chuông chùa Thầy và có dáng dấp của Khuê Văn Các trong Quốc Tử Giám. Mặt hướng vào sân đền được trang trí theo chủ đề ngũ phúc bằng hình năm con dơi xoè cánh ôm lấy cửa sổ tròn.
Tả mạc, hữu mạc (hay tả vu, hữu vu): tiếp nối với gác chuông và gác trống xây dựng theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, tường hồi bít đốc, nóc kết cấu "vì kèo quá giang", mặt trước có cột vuông trên nền tam cấp, mặt trong để trống.
Nhà tiền tế và hậu cung: nhà tiền tế hình chữ "nhất" (一), kiến trúc theo lối 5 gian 2 chái chồng rường, giá chiêng; hệ thống cột cái, cột quân bào nhẵn kiểu "thượng thu hạ thách" đặt lên tảng kê chân cột bằng đá. Trên cột là một hệ thống hoành phi, câu đối cổ được chạm khắc tinh xảo. Hậu cung hình chữ "công" (工), toà ngoài kết cấu 3 gian 2 chái lớn (dài 14m10, rộng 8m90). Đường vào hậu cung có một bộ vì lớn, làm theo kiểu thượng ván mê, hạ chồng rường trên xà nách. Bên dưới bộ vì mở ba cửa, hai cửa bên là lối đi vào hậu cung, cửa giữa là cửa thờ. Toà nhà bên trong cũng có kết cấu 3 gian 2 chái nhưng thấp hơn toà ngoài. Hậu cung đặt một khám thờ cao hơn 3m sơn son thếp vàng được chạm trổ cầu kỳ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Trong cùng là bài vị của Đức Quốc Mẫu (bà Đinh Thị Điên, thân mẫu Thánh Tản Viên mà dân gian gọi chệch đi là Bà Đen). Tiếp đến là 3 bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản (gồm Thánh Tản Viên và hai người em con chú là Cao Sơn, Quý Minh). Trước khám thờ có hương án bày long ngai bài vị của ba vị, phía trên khám treo bức đại tự "Thượng đẳng tối linh thần" (上 等 最 靈 神) niên đại Tự Đức Quý Mùi (1883). Toà ngoài của hậu cung có 4 bức tượng kích thước như người thật đứng nhìn vào nhau, tay cầm vũ khí và khoác áo bào đỏ gọi là "Tứ Thánh" trấn ở bốn cung quanh núi Ba Vì. Ngoài hiên nhà có hai pho tượng quan văn, quan võ ngồi hướng vào nhau. Cách bài trí hậu cung mô phỏng thiết chế triều đình xưa trong con mắt người dân.
Đền Và đang lưu giữ 5 bản thần tích "Tản Viên Sơn Thánh"; 18 đạo sắc phong của các đời vua, trong đó có 17 bản chính có dấu ấn; 47 đôi câu đối được chạm khắc, viết trên vách cột, trên gỗ và 18 bức hoành phi viết trên gỗ hoặc đá. Nơi đây còn có 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 tấm biển gỗ. Trên những hiện vật đó khắc ghi thời gian xây dựng, tu sửa, ca ngợi cảnh quan, uy linh của Thánh Tản Viên với nhiều nét trang trí có giá trị mỹ thuật cao vừa thể hiện nét văn hóa tâm linh. Các bản thần tích, sắc phong, văn bia đền Và rất giàu giá trị Hán-Nôm, trong đó có văn thơ của Nguyễn Khản, Nguyễn Thiện Kế, Trần Lê Nhân...
Vị thần được thờ phụng ở đền Và là Thánh Tản Viên, đứng đầu trong tứ bất tử và là "Thượng đẳng tối linh thần", "Đệ nhất phúc thần" (弟 一 福 神), "Nam thiên thần tổ" (南 天 神 祖),... "là người anh hùng văn hoá sáng tạo trong tư duy nông nghiệp, người anh hùng trị thuỷ, chống giặc, biểu tượng của khối đoàn kết bộ tộc, khi chết Tản Viên là phúc thần trừ tai hoạ cho dân". Từ thời Hậu Lê, nơi có đền Và là lỵ sở của huyện Tùng Thiện cũ, đền Và trở thành trung tâm tín ngưỡng hàng huyện nên người dân quan niệm ở đó thiêng hơn những nơi khác cũng thờ Thánh Tản Viên.
Lễ hội đền Và diễn ra "xuân thu nhị kỳ". Hội mùa xuân vào dịp rằm tháng Giêng kéo dài từ khoảng 13 đến 15 (âm lịch) với nghi lễ trung tâm là rước long ngai bài vị "Tam vị Đức Thánh Tản" từ đền Và qua sông Hồng sang tả ngạn ở đền Dội (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ diễn lại sự tích này rồi quay trở lại đền Và. Cứ vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì hội rằm tháng Giêng được tổ chức lớn hơn gọi là hội chính. Hội mùa thu tổ chức vào rằm tháng Chín, từ 14 đến 15 (âm lịch) với nghi thức chính là đánh bắt cá ở sông Tích để chọn ra 99 con cá trắng to chế biến thành các món tế Thánh. Việc tế cá xuất phát từ truyền thuyết Thánh Tản Viên dạy dân kéo vó và bắt được 100 con cá, sau đó ngài phóng sinh một con cá trê đang có mang, về sau con cá này sinh được 9 con, đều hoá đá, đầu chầu về hướng đền Và.
https://vi.wikipedia.org/wiki.
Phân kim Đền và.
Hướng Đền và là 210 độ, thuộc phân kim Tân Sửu - Đinh Mùi.Mùi: nằm trong giới hạn từ 202.5 đến 217.4 độ. Chính Mùi 210 độ .Mùi kiêm Đinh 3 phân tá lộc.
3.2 AO CÁ TRÊ TRƯỚC ĐỀN VÀ.
Cách đền không xa là xóm Cá Trê, nơi có bầy cá trê bằng đá nằm trấn giữ đầu nguồn nước. Tích truyện kể rằng: Một lần, vào buổi chiều tà, Thánh Tản Viên đi chơi, thấy ở ghềnh đá có ông lão ngồi kéo vó. Ngài bèn mượn vó kéo chơi một lần. Ông lão nói rằng: Tôi ngồi từ sáng còn chưa được con cá nào đây. Ông làm sao mà kéo được cá trong chốc lát thế này! Thánh Tản nói khéo và được ông lão cho mượn. Ai ngờ kéo ngay một lần đã được 100 con cá lớn nhỏ. Ông lão thật vô cùng kinh ngạc. Thánh Tản thấy có con cá trê chửa đang quẫy trong vó, bèn thả ra sông. Ngài chỉ lấy 99 cái đuôi cá để làm bữa chiều, còn thì biếu cho ông lão cả. Con cá trê được thả ra sông, sinh nở xong, đem cả chín con cá con về chầu bên đền đức thánh. Nay vẫn còn di tích cá trê đá bên ngòi nước. Thơ đề biển gỗ đền Và có câu:
Cá nghe quyển ước ngăn dòng suối
Hạc ngóng chày tiên rợp bóng trời
Về sau, tưởng nhớ chuyện kéo cá trên đoạn sông năm xưa của Đức Thánh Tản Viên, vào ngày rằm tháng 9 người dân mở hội đánh cá. Trên khúc sông năm xưa Ngài kéo cá, hàng trăm thanh niên trai tráng đánh cá làm náo động cả một khúc sông quê. Cuối buổi chiều, người ta chọn lấy 100 con cá chép to nhất, chặt lấy khúc đuôi để làm món gỏi cá tế Thánh. Đó là lễ hội mùa thu của vùng Sơn Tây tưởng nhớ Thánh. Lễ hội mùa xuân còn đông vui hơn, vì có sự tham gia của 8 thôn thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc. Hội xuân là vào rằm tháng giêng, kéo dài trong 4, 5 ngày. Cứ ba năm là chính hội vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu. Hội kéo dài đến ba bốn ngày, lễ rước Ngai Thánh đi trong đêm vào lúc 2 h sáng. Từ đền Và, đám rước đi qua cầu Cộng, vào thị xã Sơn Tây (tới trước cửa UBND thị xã thường quay kiệu đến vài chục phút), ra bến sông rồi xuống thuyền qua sông Hồng sang địa hạt Vĩnh Phúc, là nơi thờ vọng ngài. Dân hai bên đường bày hương án dâng hương hoa lễ vật cầu phúc. Nhà ai có trẻ con hay ốm vặt hoặc không “hay ăn chóng lớn” thì bế đứa trẻ cho chui qua dưới kiệu để lấy khước. Khi đám rước qua sông, thuyền bè như lá tre tụ về. Từ thượng lưu, thuyền nan từ Cổ Đô, Ngã Ba Hạc xuôi về; từ hạ lưu thì thuyền từ Bồng Lai, Bá Giang, Vân Cốc, Hát Môn ngược lên. Những người chở đò ăn mặc quần áo lễ hội và chở khách thập phương qua sông đều không lấy tiền. Hàng vài chục chiếc thuyền lớn được cột với nhau và trải tre vầu phẳng phiu để ngự hàng chục chiếc kiệu văn và những người hành lễ. Hàng trăm người chèo thuyền chở ngai Thánh Tản sang sông, có hàng trăm chiếc thuyền nan hộ tống hai bên, còn đoàn rước thì đốt pháo, reo hò, khua chiêng, gõ trống và ca hát làm náo động cả một khúc sông rộng. Tiếng cười nói hân hoan lan toả làm nức lòng hàng vạn người theo hầu Thánh Tản sang sông. Sang đến bờ sông, Thánh Tản vào ngự tại đình Ngự Dội để tắm, cho đến khi hoàng hôn dần buông, đám rước mới lên đường về lại đền Và... Mênh mông đèn đuốc rực sáng trên hàng dặm dài của sông Hồng soi đường cho đám rước. Ra đến giữa sông, hiu hiu gió mát trăng rằm, có khi kiệu Thánh dùng dằng mãi ở giữa sông chưa về. Mọi người lại đợi cho đến khi lá cờ ở đầu kiệu phất về phía bờ nam sông Hồng thì mới cho thuyền vào bờ... Trong mấy ngày hội, nhiều trò chơi dân gian đã được tổ chức làm mê mẩn khách hành hương. Lễ hội đền Và là một trong các lễ hội to và đông vui nhất xứ Đoài. Đó là một thời điểm hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình và no ấm của người dân xứ Đoài trong suốt dọc dài lịch sử.
(Theo: Nguyễn Xuân Diện )
Có một truyền thuyết còn truyền trong dân gian là khi bày cá trê đá lặn hết thì thiên hạ sẽ được thái bình.
Xin theo dõi tiếp bài 4. dienbatn.
Xin theo dõi tiếp bài 4. dienbatn.
Comment