khao-sat-mot-so-ngoi-mo-cua-tien-nhan-de-lai-bai-
KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 9.
- bởi tamthuc --
- 21/04/2016
KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI .
Sau rất nhiều chuyến điền dã khảo sát Phong thủy âm trạch , dienbatn còn giữ được một số tư liệu về những ngôi mộ cổ do tiền nhân đặt từ xưa . Nay đăng lại trong Blog này làm tư liệu và mong rằng những Thày Địa lý của Việt Nam hiện nay nghiên cứu và hy vọng sẽ rút ra được những điều bổ ích cho mình , ngõ hầu có thể giúp cho những thân chủ của mình một cuộc sống an vui , hạnh phúc.
Sách có câu :"Tiên tu nhân lập âm chất,nhi hậu tầm Long ". Người người đều muốn có được một Địa trạch tốt tươi,nhằm thăng hoa cuộc sống vật chất đầy đủ,công danh hiển hách,vợ đẹp con ngoan,Gia đình hạnh phúc.Sách THÔI QUAN THIÊN viết :"Trong nhà có người đức hạnh cao thượng thì đất đá trên núi gần đó nhất định có Linh khí ".Qua câu nói trên tức là con người làm chủ Linh khí vạn vật do phần Tâm khí của chính mình.Các Phong Thủy Sư không hiểu điều này thì dủ có Trích Huyệt Tầm Long được Bảo địa cũng chẳng linh nghiệm.
Những việc Tầm Long Địa Huyệt còn phải hội thêm phần cảm ứng tức là Thiên Đạo (Đạo Trời );sự ứng nghiệm của việc hành thiện lập âm chất,tạo nhân quả tốt.Tục ngữ có câu :"Âm địa tốt không bằng Tâm địa tốt ".Do vậy,tìm kiếm chọn lọc được Địa mạch Huyệt vị,Phong Thủy Sư phải tích đức hành thiện làm căn bản.Nếu kẻ nào có phẩm chất cao thượng,thì ắt Thiên cơ sẽ ứng,Địa cơ theo đó mà tăng thêm sự tốt lành cho con cháu đời sau hưởng Phúc.Bởi Tâm địa thiện lương thì tương ứng với Địa mạch cát lợi ,vận Trời ứng cho,chứ chẳng phải chủ quan tâm về hình thức mà quên đi nội dung,cứ tưởng rằng tầm được Long huyệt rồi,con cháu đời sau sẽ được hưởng Phúc,cái gốc chúng ta chẳng lo mà lại đi lo cái ngọn,rõ là ta chẳng biết gì cả.Nếu như các Phong Thủy Sư họ tài giỏi như thế thì ắt họ phải giành những huyệt Đế Vương,Công Hầu,Khanh tướng cho con cháu họ,chứ dại gì mà họ chỉ cho ai ?
Quách Phác nói :"Cát hung cùng cảm ứng lẫn nhau,họa phúc cũng tự nhiên theo Tâm khí chiêu cảm mà đến ".
Khi táng di hài Tổ tiên,chắc người ta phải chọn Địa huyệt thật tốt mà an táng,song song với việc trên ,người tại tiền phải nỗ lực tu dưỡng thân,tâm cầu lấy gốc rễ của Đạo.Nếu chỉ chú trọng quan sát hình thể Địa huyệt,sẽ cho kết quả trái ngược,làm tổn hại đến con cháu đời sau.
Nếu như có Nhân,tất phải có Quả;nhưng Nhân -Quả thiện ác tùy vào Tâm khi chiêu lấy họa phúc.Cũng như ngày xưa có người chết được Thiên táng hay Địa táng một cách ngẫu nhiên,con cháu sau này phát Đế Vương,Công hầu.
Triệu Quang viết cuốn :"PHONG THỦY TUYỂN TRẠCH TỰ ",có nói rằng :"Vô phước cho ai không có nhân duyên mà được Huyệt tốt ".Dẫu cái tốt,xấu của Phong thủy Huyệt mộ ảnh hưởng đến cát hung,nhưng Âm đức của con người có thể cải biến được Vận -Mạng.Đến như các bậc Tiền bối Phong thủy như Cao Biền,Quách Phác tài giỏi kinh Thiên động Địa ,nhưng khi gặp Huyệt Đế Vương cũng không dám dành cho mình,bời biết đạt Địa lợi,nhưng Thiên thời và Nhân hội còn khuyết,không dám nghỉ bàn.Tóm lại việc "TIÊN TÍCH ĐỨC,NHI HẬU TẦM LONG " của người xưa dạy quả không sai.
8/ MỘ DÒNG HỌ VI VĂN ĐỊNH TẠI KHUẤT XÁ - LỘC BÌNH - LẠNG SƠN.
( Tư liệu lấy từ loạt bài TRUY TÌM VỀ MỘT GIAI THOẠI ĐẶT MỘ của dienbatn ).
1.VI VĂN ĐỊNH.
" Vi Văn Định (1880 - 1975) là một quan lại triều Nguyễn và đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 1.Tổng đốc Vi Văn Định, dân tộc Tày thành viên Hội đồng cơ mật và Thuộc địa Bắc Kỳ, sinh ngày 27-8-1878 tại Bản Chu, làng Khuất Xá, châu Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Nguyên quán xã Vạn Phần, tổng Vạn Phần, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An.
Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc gốc Việt-Tày ở Lạng Sơn, là con trai Hiệp tá đại học sĩ Tràng Phái Vi Văn Lý. Cao tổ là cụ Đinh Mật Vi Kim Thắng được triều đình cử ông trấn giữ biên giới phía Bắc. Vì định cư lâu đời tại Lạng Sơn nên tổ tiên ông được “Tày hoá”, “tập tước thổ ti” và nhiều người được phong làm Quận công trong nhiều thế hệ từ đời nhà Trần đến triều Nguyễn (1802-1945). Ông có một em trai là ông Vi Văn Lâm, từng làm Bố chánh tỉnh Thái Nguyên.
Khởi đầu hoạn lộ, ông được cử làm Tri châu Lộc Bình. Năm 1901, ông được thăng tri phủ Tràng Khanh. Năm 1908, Thương tá tỉnh Lạng Sơn, rồi năm 1913 làm Án sát cùng tỉnh. Từ năm 1914 – 1921, ông làm Tuần phủ tỉnh Cao Bằng cho đến khi chuyển về giữ chức Tuần phủ tỉnh Phúc Yên (1923-1927), Hưng Yên (1927-1929). Năm 1929, ông được thăng Tổng đốc tỉnh Thái Bình (1929-1937), đến năm 1937, ông chuyển về làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông (1937-1941) tháng 8-1941, ông được tấn phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu Bảo.
Suốt hoạn lộ của mình, ông được Nam triều và chính phủ Pháp Việt Miên tặng nhiều huân chương cao quý, như: Đại nam long tinh, Kim khánh đệ nhất hạng, Kim tiền, Officier de Ordre Royol du Combodge, Grand Officier de la Légion d’Honneuer... Ông là một quan lại xuất thân trong một gia đình quý tộc Tày gốc Việt từ lâu đời, gia đình có nhiều người làm quan từ nhiều thế hệ, nhưng không làm mất bản sắc văn hoá Việt Nam.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, gia đình ông tản cư ra Hà Đông, sau đó được chính quyền kháng chiến đưa lên chiến khu Việt Bắc.
Con trai ông là ông Vi Văn Kỳ (nhân viên Bộ Nội vụ chính phủ VNDCCH), con gái là bà Vi Kim Ngọc (vợ tiến sĩ Văn Khoa Nguyễn Văn Huyên: 1908 -1975, Bộ trưởng Bộ Giáo dục), bà Vi Kim Phú (vợ Giáo sư Thạc sĩ y khoa Hồ Đắc Di: 1901-1984, Hiệu trưởng Đại học y Hà Nội), cháu nội (con gái ông Vi Văn Kỳ) là bà Vi Thị Nguyệt Hồ (vợ Giáo sư y khoa Tôn Thất Tùng (1912- 1982) Giám đốc bệnh viện Việt Đức).
Một người cháu nội của ông là Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trực thuộc Văn phòng Chính phủ."( https://vi.wikipedia.org/wik).
Từ đây trở đi dienbatn trích từ loạt bài viết của mình : TRUY TÌM VỀ MỘT GIAI THOẠI ĐẶT MỘ.
2. NÓI VỀ THẾ PHẢ HỌ VI .
( Bản Gia phả này do cụ VI VĂN ĐỊNH chấp bút ).
Dịch từ Hán văn .
Nhà có Phả ký để ghi nhớ nguồn gốc của Gia tộc , công đức của Tổ tiên, khiến con cháu đời đời giữ mãi về sau . Theo lời truyền lại , họ Vi ta là dòng dõi của Hoài Âm Hầu Hàn Tín đời nhà Hán . Khi Hoài Âm Hầu đã bị Lã Hậu diệt cả họ , thì người vợ lẽ đương có thai . Thừa tướng là Tiêu Hà ngầm đem gửi ở Quan Lệnh Long xuyên là Triệu Đà , và dặn trông nom cho cẩn thận . Sau sinh ra con trai , Triệu Đà nhận làm con nuôi, đặt tên là Nhân , đổi họ Vi , tức là nửa chữ HÀN .Về sau con cháu kế tiếp, làm Tù trưởng ở đất Lĩnh Nam , nhưng đã lâu đời không có Phả ký , nên đã thất truyền .
Đến đời nhà Trần , ông VI KIM THĂNG , tự Đình Mật , quán xã vạn phần , Tổng Vạn phần , Huyện Đông Thành , tỉnh Nghệ an, dời đến ở Tây núi Huyền Đinh ( Thuộc lục ngạn, Tỉnh Nghệ an ) . Ông làm quan ở triều Trần , gặp khi HỒ QUÝ LY cướp ngôi Vua , ông bỏ Quan về nhà . Đến khi người Minh sang chiếm cứ nước ta , Ông cùng con là ông Phúc Hân đem quân theo LÊ THÁI TỔ khởi nghĩa ở Lam sơn , đánh đuổi quân Minh , diệt được Liễu Thăng ( Ở xứ Chi Lăng , Châu Ôn - Tỉnh Lạng sơn ) . Sau khi nước nhà đã được bình định , Ông được phong làm Thảo Lộ Tướng quân Tả Đô đốc , Mật Quận công , con được phong là Đô đốc đồng tri , Hoàn Quận công . Ông cùng với Huyện Quận công là NGUYỄN ĐỨC MINH , và các người bộ thuộc họ Hoàng Đức , Nguyễn Công , Nguyễn Khắc , Hà Văn , Nông Ngọc ....chia ra ở các xứ Cao bằng , Lạng sơn , Quảng Yên , đời đời làm Thổ Ty , tập phong tước Hầu . Hoàn Quận Công sinh được 5 con giai : Con trưởng là THẾ NHÂN , con thứ hai là THẾ HUỆ , đều ở châu Lộc Bình . Thứ ba là THẾ KỲ , ở châu Yên bảo ; Thứ tư là THẾ TÀNG ở châu Ôn ; Thứ năm là THẾ TRẠCH , ở Bình Tây ( Nay thuộc Cao Lộc ) .Năm người đều được phong làm Kinh Lược xứ , tước hầu .
Sau cháu MẠC ĐĂNG DUNG là MẠC PHÚC HẢI chiếm cứ đất Cao bằng , chống nhà Lê , con trưởng ông Thế Nhân là Cân -Đường hầu , Huý Phúc Đường , cùng với con là Nhữ Dực hầu , Cháu là Trúc Khê hầu không chịu theo , cứ tìm con cháu nhà họ Lê để lo việc khôi phục .
Khi đã diệt được nhà Mạc , Cân Đường hầu được phong là Bắc phương Kinh lược Đô chỉ huy sứ , và được lập ấp tại thôn Lộc mã , Xã Khuất xá , Châu Lộc bình , Tỉnh lạng sơn . Vì thế nên họ VI ta mới đến ở đây .
Xét họ VI ta từ đời ông VI NHÂN đến nay đã hơn hai nghìn năm , những sự tích trong thời gian đó , chỉ nghe truyền lại trong câu tục ngữ Vạn phần hoặc trong lời giã đàm Chiêu nghi , không lấy gì làm xác thực . Nay chỉ bằng cứ vào Gia phả cũ mà ghi chép thế thứ từ cụ Tổ 13 đời là Cân Đường Hầu trở xuống mà thôi .
3.LỘC PHONG LÃO NHÂN TỰ TRẠNG .
(của cụ Vi Văn Lý (1830-1905), phụ thân của cụ Định . )
Ta sinh ra giờ Tý ( Mậu Tý ), mồng 7 ( Nhâm Thìn ) , tháng 8 ( Ất Dậu ) , năm Canh Dần , niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 ( 23/9/1830 ) ở ngôi nhà cũ .(của cụ Vi Văn Lý (1830-1905), phụ thân của cụ Định . )
Hồi bấy giờ , Hiền khảo ta đương làm Tri châu Lộc bình , nhân loạn Tiến Hiền , cụ đem lính dõng về đóng ở làng . Vào khoảng canh ba , nằm chiêm bao con Hổ một mắt sáng như điện , toàn thân trắng như tuyết, nhẩy vào , bầy lợn chạy tóan loạn . Bỗng nghe Hiền Tỷ kêu một tiếng to , giật nẩy mình dậy hỏi , thì bà cũng nói mơ thấy con Hổ trắng như thế. Rồi bà sinh ra ta .
Ta từ thủa nhỏ vẫn thường không ngủ được , mà năm sinh ra ta là năm Canh dần , chính là hợp với điềm bạch Hổ . Hiền Khảo cũng cho là lạ .
Đến khi ta lớn , Cụ kể lại chuyện mộng bạch Hổ , và bảo ta rằng : " Cụ Thủy Tổ nhà ta là Hoàn Quận Công , từng nổi tiếng là Hổ Thần . Từ đấy , con cháu kế tiếp làm Hùng trưởng ở chốn Biên cương , kể đã lâu đời . Giấc mộng đó là một điềm tốt , ta chắc con sẽ làm cho nhà ta được vinh quang thêm . Duy có bọn giặc cướp , con phải vì Triều đình mà trừ cho hết . Cứ cố gắng lên " . Ta thưa rằng : " Vâng , con không dám quên " .
Năm Tự Đức thứ 6 ( 1853 ) , ta lên 24 tuổi , đem các Thổ Ty đi đánh giặc ở phố Đồng nhân ( Thắng trận , được thưởng Phi Long ngân tiền hạng lớn 2 đồng ) .
Đến năm sau , đem quân đi phòng ngự ở xã Thạch Bi ( Giặc không vào cướp được , nên được thưởng Phi Long ngân tiền , hạng nhớn 1 đồng , hạng nhỏ 1 đồng ) . Được tin báo thắng trận Ông cụ gật đầu khen mãi .
Sang năm sau ( 1855 ) , Cụ Ông mất , ta chỉ lo khộngnổi được nghiệp nhà . Tháng 10 năm ấy , được bổ thụ chức Thiên Hộ .
Năm thứ 12 ( 1859 ) đánh giặc ở xã Yên lập , Tỉnh Quảng yên ( Thắng trận được thưởng Phi Long ngân tiền hạng nhớn 3 đồng ) .
Năm thứ 13 ( 1860 ) đón đánh giặc ở đường biên giới ( được thưởng Phi Long ngân tiền hạng nhớn 1 đồng và 6 Quan tiền kẽm ) , ở xã Khuất xá , châu Lộc bình ( được thưởng Phi Long ngận tiền hạng nhớn 1 đồng và 10 Quan tiền ) . Ở xã Vĩnh khương , Huyện Yên bác ( Lúc bấy giờ tướng giặc là Hứa Phạm Tam đến quấy rối , ta đem 600 lính Dõng đón đánh , được thưởng Ngân bài và 10 Quan tiền ) . Từ đấy ta ra sức giúp Triều đình .
Năm thứ 15( 1862 ) , giặc cướp nổi lên như ong, bọn Hoàng văn Chính quấy rối Tổng Yên Châu ,đảng Cai Vàng ( tên Lý Tuyển ) đến đồn Quang lang , Trương Thập Lục đánh phá tỉnh Cao Bằng . Đặng Chi Hùng tập hợp đổ đảng ở Đường Lang và Quỳnh sơn . Ta trước sau ra đánh 8, 9 trận , trận nào cũng thắng , được kỷ lục một lần , ngân tiền hạng lớn , hạng nhỡ và hạng nhỏ , mỗi hạng 7 đồng . ( Năm ấy , đánh giặc cỏ ở Lang châu , thắng trận được thưởng Nhạn Tiên có chữ " Sử dân Phú Thọ " , hạng nhớn , nhỡ và nhỏ , mỗi hạng 1 đồng . Đem 600 lính Dõng đến Yên Châu đánh bọn Hoàng Văn Chính , thắng trận , được thưởng thượng hạng ngân tiền lớn 1 đồng , hạng nhỡ 2 đồng , hạng nhỏ 2 đồng . Đánh giặc ở phố Quang lạng , thắng trận được thưởng thượng hạng ngân tiền lớn , nhỡ , nhỏ mội hạng 1 đồng . Bọn giặc cai Vàng tên là Lý Tuyển cướp được một con voi , giả xưng là quan Tuần phủ Lạng sơn , kéo lên đồn Quang lạng . Ta đem 800 lính Dõng đón đánh ở xã Chi Lăng , được thưởng thượng hạng ngân tiền hạng nhớn 1 đồng . Tướng giặc là Trương Thập Lục đánh phá tỉnh Cao bằng , ta đem 500 lính Dõng theo , quan quân thu phục được Tỉnh Thành , được thưởng thượng hạng ngân tiền 2 đồng nhớn , 1 đồng nhỡ và 1 đồng nhỏ . Sang Thái nguyên đánh Đặng Chí Hùng , thắng trận , được thưởng thượng hạng ngân tiền nhớn , nhỡ , nhỏ mỗi thứ 1 đồng .Năm thứ 16 ( 1836 ) , bổ thụ Thổ binh suất đôi ( do đánh giặc Tàu là bọ Chi Hỷ ở xã Hoàng động , được kỷ lục 2 lần nên xét bổ chức này ) .
Năm thứ 18 ( 1865 ) , cải bổ làm Tri Huyện Yên bác ( sau đó , có công theo quân bắt giặc , được thưởng một đồng tiền " Như Ý " thay cho bữa yến ) .
Năm thứ 23 ( 1870 ) , quyền Tri phủ Tràng Khánh ( Sau đước phong 2 trật .
Năm thứ 24 ( 1871 ) , đến đóng đồn ở Kỳ lừa ( Lúc bấy giờ tỉnh Thành lạng sơn có việc , thừa lệnh quan trên ta mộ được 900 lính Dõng đến đóng ở Kỳ lừa ) và kiêm chức Châu Thoát lãng .
Năm thứ 27 ( 1874 ) , thăng Viên ngoại lang , nhưng vẫn lĩnh chức Tri huyện Yên bác , rồi Tri Huyện Văn quan được 9 tháng , lại trở về chức cũ .
Năm thứ 28 ( 1875 ) lĩnh chức Tri phủ Tràng khánh .
Năm thứ 29 ( 1876 ) quyên tiền và thóc để giúp quân nhu ( 200 hộc thóc , 500 quan tiền ) , được một đạo lục chỉ .
Năm thứ 31 ( 18878 ) sang Thái nguyên hợp với toán quân khác để đánh giặc ( Quan Thống đốc họ Hoàng cấp cho bằng Bang phó tá quân vụ ) .
Năm thứ 32 ( 1879 ) thắng một trận ( rồi vẫn làm hàm Viên ngoại mà sung chức Bang tá Tỉnh vụ ) .
Năm thứ 34 ( 1881 ) , lại sang Thái nguyên hợp với toán quân khác để đánh giặc , lấy được đồn Chu bố ( được thưởng bạc hà , đinh hương , dầu quế mỗi thứ một chai ) .
Năm thứ 36 ( 1883 ) , thăng thị giảng Học sĩ , vẫn lĩnh chức Bang tá tỉnh vụ .
Năm Hàm Nghi ( 1885 ) . Lã Xuân Uy đem theo ấn Tuần phủ ra nước ngoài . Các nơi lân cận , bọn giặc cướp thừa cơ tụ tập , đến nghìn người . Ta đem lính Dõng ở Thượng du và các trại tất cả được 500 tên , đến đàn áp ở Kỳ lừa , rồi phái phó binh là Phạm Văn Khỏa đóng ở Tỉnh thành , còn ta thì đóng ở Bản Lộc , để cho mạnh thanh thế . Tháng 8 , tướng giặc là Hà Khánh Sinh đánh phá đồn Hữu thu . Được tin báo ta phái viên Bang tá cũ là Hà Vạn Ninh và viên Châu uý là Hứa Viết Tăng ( Hiện làm Ám sát Lạng sơn ) . chia đường tiến đánh , giặc bỏ chạy .Năm đầu , niên hiệu Đồng Khánh ( 1886 ) , quyền chức Bố chánh . Được vài tháng , giặc tàu Lý Hữu Sinh đem hơn 2000 đồ Đảng lẻn qua hạt Cao bằng đến phá đồn Na cảm và quán Phú tàng , đánh phố Đồng bục rồi vây thôn Hữu Khánh . Ta thấy thôn này có nhiều thóc gạo, sợ giữ không nổi , thì địch cướp lương thực , nên lập tức đem 400 tên đoàn Dõng đến cứu viện . Bọn giặc ẩn nấp ở mậu sơn , ta quay về thôn Bản Chu , bọn giặc đem toàn lực tới đánh , nhưng không vào được . Rồi ta đánh tan được bọn giặc này ở Khôn Động , giết được rất nhiều . Năm này được làm Hộ lý Tuần phủ .
Năm sau ( 1887 ) , thăng làm Hồng Lô tự Khanh , ( Vẫn quyền hộ lý ) .
Năm sau nữa ( 1888 ) , thăng Thị lang , lĩnh Tuần phủ ( rồi được thưởng Ngân Bội tinh ) . Được hai đạo cáo trạng ( Hiền khảo làm Thị giảng học sĩ , Tỷ chánh Ngũ phẩm nghi nhân ) . Tên Hoàng Đình Kinh ở Tổng Ngột sơn , chiếm cứ nơi hiểm trở , thường đem đồ đảng đón bên đường cái quan ở bắc lệ , cướp xe chở quân nhu . Ta lập nhiều mưu kế , để cho chúng ngờ vực lẫn nhau , sau đó ta đem quân đến đánh úp , tên Kinh trốn thoát . Tháng 6 , pháiPhó lính binh là Phạm Văn Khoa đem quân vậy bắt được y ở thôn Bản Thí ( Được thưởng Kim bội tinh ) . Tháng 10 xin nghỉ việc để về làm Từ đường . Rồi ở nhà luôn .
Năm Thành Thái thứ 2 ( 1890 ) , bọn Lưu Kỳ Thắng quấy rối thôn Hữu Khánh , ta phái Bá Hộ là Vi Thế Hiền và Trần Văn Tường đón đánh , giết được 1 tên , bắt sống được 8 tên , lấy lại được 1 khẩu súng , 1 con ngựa và 14 phụ nữ . Được thưởng 100 quan tiền kẽm . Quan trên phái đi đánh giặc ở xã Sằn Viên , bắt sống được 1 tên , giết được 1 tên , rồi lại bắt sống được tên giặc lâu nămẩơ biên giới là Mã Sinh Ninh .
Năm thứ 4 ( 1892 ) , đồ đảng của Lưu Kỳ Thắng là Lưu Nhị và Hoàng Khai tam ẩn nấp ở Mẫu Sơn , chực đi quấy rối . Ta phái Châu úy Hiền và Thiên hộ Tường đón đánh , giết được 9 tên địch , bắn bị thương hơn 20 tên . Rồi đón đánh ở thôn Bản Lộc giết được 12 tên , bắn bị thương 30 tên , nộp giải ở Tỉnh . Quan toàn Quyền gửu điện tín , mời ta về hà nội , tướng giặc là Lý Tam thừa cơ nổi lên . Con trai thứ hai của ta là Văn Trân đốc xuất toàn dõng để đánh giặc , giết được 2 tên , bắ`t sống được 8 tên , lấy lại được 13 phụ nữ . Quan Năm tư thưởng cho Văn Trân Tòng cửu phẩm bá hộ , hiện có một đạo sắc .
Tháng 3 năm thứ 5 ( 1893 ) , thực thụ hàm Tuần phủ , nhưng vẫn hưu dưỡng ở nhà . ( Được thưởng Ngũ hạng Long bội tinh ) . Lại được 2 đạo các văn gia tặng ( Hiền khảo làm Thái bộc tự Khanh , Tỷ là tòng tam phẩm thục nhân ) .
Lão tử có nói : " Tri túc bất nhục , tri chỉ bất dại " ( Biết đủ rồi thì không nhục , biết thôi đi thì không nguy ) . Ta dù không giỏi , cũng biết lời dạy đó . Thế thì ta còn mưu cầu gì nữa .
Tháng 11 , Quan Toàn quyền và Quan Kinh lược về tận nơi nói với ta rằng : " Giặc cướp ở Biên giới chưa yên , hãy cố gắng ra làm việc để thỏa lòng dân trông cậy " . Vì thế ta bắt buộc phải ra làm trái với ý muốn của mình .
Tháng giêng năm sau ( 2/1894 ) , ta lại ra làm việc ( được cấp một bản Nghị định : Tổng đốc lĩnh Lạng Bình Tuần phủ ) . Nhờ hồng phúc của Hoàng Thượng và uy đức của các vị Đại Thần , bọn cướp lần lượt bị bắt ( tên Kim Lộc , tên Vòi ) , làm biên cảnh được an ninh .
Lại 1 năm nữa ( 1895 ) , thăng 1 trật ( nhân dịp tứ tuần đại khánh của Hoàng Thái hậu , được thăng 1 trật và thưởng đại yến ngân tiền , nghĩa là ngân tiền thay cho bữa đại yến ) .
Lại một năm nữa ( 1896 ) , được cáo thụ Tổng đốc ( tháng 6 , Nha Kinh Lược cấp cho Kim thanh hạng nhì . Tháng 9 được đạo cáo văn : Tổng đốc lĩnh Tuần phủ ) .
Lại một năm nữa ( 1897 ) , tấn phong Nam tước ( tháng 3 , quan Khâm mạng đưa Thái trực tấn phong Tràng phái nam . Tháng 5 , quan Toàn quyền tặng bắc đẩu bội tinh ) .
Lại 3 năm nữa ( 1899 ) , gia tặng Miếu chức cho song thân ( Hiền khảo làm Gia nghị đại phu , Thái thường tự khanh. Tỷ là chính tam phẩm thục nhân ) .
Lại một năm nữa ( 1900 ) , thăng Biện Đại Học sĩ.
Kể từ lúc trẻ theo việc nhung trường , trải qua 40 năm , cũng chỉ như là giấc mộng lúc ra đời , giấc mộng đó quả là điềm tốt . Chắc tiên công đã định trước như thế , mà Thần bạch hổ cũng thiêng , mượn tay ta mà làm cho được như thế .
Nay ta đã 71 tuổi , vẫn như hồi trước không ngủ được , mới bảo cậu học trò đem bút chép lấy bài " Tự trạng " này .
Viết tại Dinh Tổng đốc Lạng bình - Mùa thu năm Canh Tý - Niên hiệu Thành Thái thứ 12 ( 1900 ) .
MỘ TỔ Ở NÚI ĐỈNH ĐẦU .
Long mạch của núi Đinh Đầu , ở Đô lương ( Thuộc phủ Anh sơn - Tỉnh Nghệ an ) đi xuống , nguyên bắt đầu từ chân Lang chánh ( Thuộc tỉnh Thanh hóa ) . Đi đến Thiên uy , mạch bằng phẳng và thấp , đến dãy núi bên Kênh Thiên uy ( Tức là Kênh Sắt , do Cao Biền đời Đường khơi ra , nối liền sông Bùng ở Phủ Diễn châu với sông Cấm ở Huyện Nghi lộc ) . Qua kênh Thiên uy , mạch lại phẳng và thấp , rồi nổi lên ở núi Đinh . Long mạch nổi cao lên , hình như bày ngựa đua chạy . Trong đó có một hòn núi tròn như bát úp , đây là Huyệt ...Long , Hổ phía trong , vòng vòng bọc lại , phía ngoài dần dần đi thẳng mà chia ra . Cửa bể ....là Ngoại Long - Thủy , Cửa Hiền là Ngoại Hổ Thủy , cũng đều chạy thẳng mà không hợp lại với nhau . Trước mặt là bể cả , nên ngoại Đường rất thoáng đãng . Ngoài Hổ Thủy còn có Điện Hồng đức và núi Thiên Nguyệt ( Tục gọi là núi Mật ) . Ngoài Long Thủy còn có núi Đại độc và núi Tiểu độc ( Tục gọi là núi Mê ) , hai bên chầu lại trông rất đẹp .
Đẹp nhất là trước mặt có bể rộng mông mênh , sóng cồn dào dạt Còn phía sau , Long mạch qua kênh , đến nơi bằng phẳng và thấp xuống , lại có cầu Bùng và đường cái quan chắn ngang , nên chưa được toàn mỹ .
TẤM PHẢ HỆ HỌ VI BẰNG ĐỒNG NẠM BẠC RẤT ĐẸP , BỊ NGƯỜI DÂN Ở ĐÂY LẤY LÀM NẮP CHUM . Lần này , dienbatn cùng con cháu họ Vi mới lấy về được và rất nhiều nước mắt đã rơi .
4. MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CUỘC ĐỜI VÀ CON CHÁU CỤ VI VĂN ĐỊNH.
Cụ Vi Văn Định.
Bác Hồ và cụ Vi Văn Định.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Ba Ngọ tới gặp ông Vi Văn Định để chuyển lời mời tham gia các hoạt động của chế độ mới.
Cụ Vi văn Định lúc 13 tuổi và người cha.
Các em gái cụ Vi văn Định ( 1896)- 2 em trai và 1 em gái của cụ: cụ Vi văn Lâm ngồi ghế và cụ Vi Thị Tư đứng còn một ông thì sau này mất trẻ .
Tổng đốc Lạng Sơn Vi Văn Định. Ảnh tư liệu Đông Dương đầu thế kỷ 20. Nguồn: NXB Thế giới.
Từ các thời trước cụ VI VĂN ĐỊNH , dòng họ VI rất phát về Quan trường thuộc phái Võ quan . Sau thời cụ VI , có một điểm khác lạ là lại phát về cánh phụ nữ . Chúng ta có thể điểm qua một số phụ nữ trong dòng họ Vi phát Phúc nhờ chồng như sau :
* Bà VI KIM NGỌC ( Sinh ngày 12/1/Bính Thìn tức ngày 18/6/1916 ) là con thứ 3 của cụ VI VĂN ĐỊNH lấy chồng là NGUYỄN VĂN HUYÊN , Luật khoa Tiến sĩ , quê Hoài Đức - Hà đông .
* Bà VI KIM THÀNH ( Sinh ngày 12/12/ tân Sửu - 1902 )- con gái cả cụ Vi , lấy chồng là DƯƠNG THIỆU CHINH ( TRINH ) . Bố chánh quê tại Vân đình - Phủ Ứng hòa - Hà đông .
* Bà VI KIM YẾN ( Sinh ngày 4/5/Nhâm tý - 1912 ) con gái thứ 2 lấy chồng là PHAN HỮU CƯƠNG - Quê làng Đông Ngạc - Phủ Hoài đức - Hà Đông .
* Con gái út cụ Định là VI KIM PHÚ ( Sinh ngày 10/11/Mậu Ngọ - 1918 ) lấy chồng là HỒ ĐẮC DI , Bác sĩ là con trai thứ cụ HỒ ĐẮC TRUNG ở Huế .
* Bà VI NGUYỆT HỒ ( Con gái ông VI VĂN DIỆM - Là con trai trưởng cụ Định ) - Lấy chồng là Bác sĩ TÔN THẤT TÙNG .
Gia đình Tổng đốc Vi Văn Định trong ngày cưới của con gái Vi Kim Ngọc với tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên.Ảnh: Tư liệu
Cô dâu Vi Kim Ngọc và chú rể Nguyễn Văn Huyên trong ngày cưới (1936). Ảnh: Tư liệu
TS Nguyễn Văn Huyên trong ngày thành hôn với tiểu thư Vi Kim Ngọc.
Giáo sư, Bác sĩ Hồ Đắc Di (bìa trái) hỏi thăm sức khỏe linh mục Phạm Bá Trực (1951). Ảnh tư liệu
GS.BS. Tôn Thất Tùng .
dienbatn với bà Vi Kim Thành.
dienbatn với con cháu dòng họ Vi trong một đám giỗ.
5.DINH QUAN TỔNG ĐỐC VI VĂN ĐỊNH TẠI BẢN CHU.
Từ Thành phố Lạng sơn đi men theo sông Kỳ cùng về phía thượng nguồn ( Sông Kỳ cùng là một con sông duy nhất ở Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc đổ vào Việt nam tại Bắc Xá - Huyện Đình Lập - TP . Lạng sơn , chẩy vòng vo tam quốc trong Thành phố Lạng sơn rồi lại chẩy về Trung quốc tại Đào viên - Huyện Tràng Định - TP . Lạng sơn ) . Theo một con đường nhựa đã hư hỏng rất nhiều , người viết đến xã Khuất xá - Huyện Lộc Bình . Nơi đây có Bản Chu , là Thủ phủ của Quan Tổng đốc Vi Văn Định khét tiếng một thời của xứ lạng . Nơi đây cách trung tâm Thành phố lạng sơn khoảng gần 50 Km .Bản Chu là môt ngôi làng khá cổ kính , đã là nơi mà nhiều người ở xứ Lạng và trong nước biết tới . Nơi đây không chỉ là Thủ phủ một thời của xứ Lạng mà còn là một làng quê người dân tộc Tày , có những kiến trúc cổ độc đáo . Một trong những nét tiêu biểu về Kiến trúc của bản Chu là những ngôi nhà hai tầng làm bằng gạch không nung, hoặc tường đất trình , có mái lợp bằng ngói máng kiểu rất xưa . Nhờ kiến trúc như vậy mà những căn nhà đó , mùa hè rất mát , mùa đông lại rất ấm . Nhìn toàn cảnh Bản Chu thật là đẹp , bốn xung quanh có những dặng núi cao bao bọc nhiều lớp . Bản làng nằm men theo con sông Kỳ cũng lững thững nước chẩy, hai bên bờ cây cối xanh um . Một đặc trưng nữa của Bản Chu là hầu hết các ngôi nhà , xung quanh có những lớp tường bằng đất nện trên có trồng xương rồng , vây bọc lấy căn nhà , giống như một lớp thành trì bảo vệ ở cái xứ mà ngày xưa vô số Thổ phỉ , giặc cướp Tàu , ta . Nhìn toàn cảnh Bản Chu như một pháo đài bất khả xâm phạm - Vừa là nhà ở , vừa là Thành trì . Nét nhấn về Kiến trúc của bản Chu chính là những gì còn sót lại của 3 cái cổng làng xây bằng gạch và cổng vào Dinh của Tổng đốc Vi Văn Định . Cổng được xây dựng bằng gạch nung rất kiên cố , còn dấu vết của những cánh cổng bằng sắt dày . Kiến trúc của cổng rất đẹp , vừa cổ kính vừa mang sắc thái tín ngưỡng , những mái vòm cong có những nét điểm là hình rồng bay lên . Hiện nay gần như toàn bộ Dinh đã bị phá hủy , lớp thì thời gian , lớp thì pháo kích của quân Tàu ngày trước , lớp thì bị con người tại chỗ phá hủy . Nhìn nét thê lương , ảm đạm đúng như câu thơ " Nền cũ lâu đài bóng tịch dương " .
Dòng họ Vi làm thổ ty Lạng Sơn 13 đời, đến đời thứ 8 mới dời đến Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, lập thái ấp. Trong ảnh là biệt phủ Tổng đốc Vi Văn Định ở thôn Bản Chu.
Tổng đốc Vi Văn Định xây dựng biệt phủ từ đầu thế kỷ XX. Trải qua thăng trầm, hiện nay khu biệt phủ chỉ còn lại hai cổng cách nhau khoảng 30 m.
Cổng chính biệt phủ họ Vi được xây bằng gạch nung, vôi, cát. Theo ông Lộc Văn Chú (nguyên Chủ tịch xã Khuất Xá), sau khi Tổng đốc Vi Văn Định rời khỏi Lạng Sơn, nơi đây không ai coi sóc, từng trở thành căn cứ của bộ đội. Năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, biệt phủ bị san lấp hoàn toàn bởi đạn pháo TQ.
Mạch tường làm bằng hỗn hợp tro, đường phên và nhựa dây tơ hồng bền chắc, khó bong tróc theo thời gian.
Kiến trúc mái vòm của cổng chính biệt phủ.
Cổng ngoài của biệt phủ. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, hiện tỉnh đã xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ dấu tích khu biệt phủ. ( dienbatn có sử dụng một số ảnh của Hồng Vân )
Dinh tổng đốc ngày xưa.
Dinh tổng đốc ngày nay.
Cổng bản Chu mang nét phòng thủ.
dienbatn tại UBND xã Khuất Xá - Lộc Bình.
dienbatn tại UBND xã Khuất Xá - Lộc Bình.
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Có lẽ từ ngày xưa do lý do giặc giã , người dân Bản Chu đã biết thiết kế liên hoàn làng , bản của mình thành một căn cứ quân sự . Các nhà xây dựng liền kề nhau tạo thành một quần thể kiến trúc thống nhất , có hàng rào bằng đất nện cao ngang đầu người , biến mỗi ngôi nhà trở thành một ổ đề kháng . Người dân đã biết trồng những lũy tre làm thành trì và đào nhiều hồ ao bao bọc xung quanh địa phận của mình . Tại xung quanh khu Thủ phủ có ba cái ao tên làn lượt là : Phai Cải , Phai Cầu và Cốc Sung có diện tích khoảng trên dưới 3 Ha . Những cái ao này hẳn ngày xưa rất đẹp vì được quy hoạch rất hợp lý , vừa là cảnh quan vừa để phòng thủ . Hiện nay tại một số đoạn bờ ao còn có những đoạn kè bằng đá xây dựng rất Mỹ thuật .
Đoạn sông Kỳ Cùng chảy qua bản Chu.
Dấu tích ao được kè đá .
Bản Chu là một trong 13 thôn của xã Khuất xá . Xét về mặt Phong thủy thì đấy là một địa hình rất đẹp . Bản nằm chính giữa vùng đồng bằng , nơi giao nhau của hai dãy núi rất lớn . Từ trên cao nhìn xuống , hai dãy núi như hai cái chấn người dang ra hai bên , kẹp Bản Chu vào giữa . Địa hình vùng này có đủ cả Sông ( Kỳ cùng ) , núi và đồng ruộng bao la . Con sông Kỳ cùng mùa này nước xanh ngát lững lờ chảy vòng vung quanh bản . Sông Kỳ cùng một mùa đỏ nặng phù sa , cuồn cuộn chảy , còn mùa này nước lại trong xanh mát cả mắt , thật là lạ . Toàn bộ dân của bản Chu dùng nước tại một cái giếng do đích thân Vi Văn Định bỏ tiền xây dựng . Tên địa phương của giếng nước này là Bó Lìn . Đây là một giếng nước cũng vô cùng thú vị . Ở ngay tại rìa bờ sông Kỳ cùng - Bất kể mùa nước lớn hay nhỏ , mực nước trong giếng đều như nhau .Mạch nước ở đây không phải thẳng đứng từ dưới lên như những cái giếng khác mà là được dẫn từ lòng núi , cho chẩy vào một cái giếng rất lạ được xây kiên cố bằng gạch và xi măng . Niên đại khắc trên thành giếng cho chúng ta biết được nó xây dựng vào năm 1910 . Nước giếng này trong như nước tinh khiết , để cả năm không hề có váng , vị nước rất thanh , ngọt , có thể uống luôn mà không sợ bị đau bụng . Giếng này được đặt hơi xa khu dân cư , xung quanh có nhiều cây cổ thụ tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp . Người dân nơi đây quan niệm rằng uống nước Bó Lìn sẽ mạnh khoẻ , thành đạt và minh mẫn hơn . Con cháu dòng họ Vi vẫn lấy nước này về làm nước thờ hàng năm .
Bó Lìn.
Hiện nay , khu vực Dinh Tổng đốc chỉ còn là một bãi đất hoang tàn . Người ta mới cho xây dựng một nhà trẻ cho các cháu trên nền của sân Ten nít ngày xưa ở khu vực cuối của Dinh . Đã có nhiều hộ dân từng lấn chiếm đất Dinh để làm nhà , nhưng đều xẩy ra những việc khủng khiếp phải bỏ của chạy lấy người . Người viết được một vị chức sắc của Ủy ban xã kể cho biết, đã từng có hai gia đình vào làm nhà tại hai bên sân ngay tại khu vực cổng Dinh . Cả hai gia đình này đều xẩy ra hiện tượng cha con vác dao chém nhau , gây án mạng , có người bị chém tới hàng chục nhát dao . Hiện nay họ đã phải bỏ đi , để lại những mái nhà hoang tàn giá lạnh . Một việc nữa là những nhà xung quanh Dinh , sử dụng những di vật của Dinh như ngói , gổ , các vật bài trí ...đều có cuộc sống nghèo khó dưới mức trung bình . Người viết có trao đổi với ông Bí thư của xã Khuất xá và con cháu của dòng họ Vi về việc bảo tồn và tu tạo một di tích Lịch sử của Bản Chu là Dinh Tổng đốc . Được biết , những người này rất nhiệt tình và UBND xã Khuất cũng ủng hộ và tạo điều kiện để khôi phục một chứng tích Lịch sử .Hiện nay , di vật của Dinh Tổng đốc còn nằm lại trong nhà dân khá nhiều . Người viết trong đợt vừa qua đã cùng con cháu dòng họ Vi thu lại được một hiện vật vô cùng quý giá , đó là một bảng đồng khắc chữ rất đẹp , vừa chữ Hán vừa chữ Việt , ghi rõ phả hệ của dòng họ Vi . Miếng đồng này bị một người dân trong vùng lấy về làm nắp lu đựng nước . Con cháu của dòng họ Vi đã rơi nước mắt và tổ chức ăn mừng khi di sản của dòng họ lại trở về . Hiện nay , trước cửa Dinh còn một bể nước cảnh bằng đá nguyên khối , con cháu dòng họ Vi nên tìm cách bảo quản để sau này có di vật khi trùng tu lại Dinh .
Hiện nay , dân Bản Chu chỉ sống bằng nguồn sản xuất nông nghiệp , thu nhập bình quân một đầu người chỉ khoảng trên một triệu đồng . Đường làng tuy đã được bê tông hóa nhưng chỉ ở một vài đoạn đường chính . Người viết mong mỏi rằng , việc tu tạo sửa chữa lại dinh Tổng đốc xứ Lạng của dòng họ Vi và chính quyền xã Khuất xá sẽ tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và Thế giới . Chính việc này sẽ thúc đẩy đời sống của dân Bản Chu được nâng cao lên .
Chúng tôi về thăm mộ dòng họ Vi vào một buổi chiều cuối thu . Không gian Bản Chu hiện lên trong sắc thu thật là đẹp . Ánh nắng rực vàng trên những tàn lá thông cổ thụ ở những dặng núi xung quanh . Con sông Kỳ cùng xanh ngăn ngắt uốn lượn quanh bản như những dải lụa quấn ngang hông những người con gái miền sơn cước .Từng đoàn thiếu nữ ra Bó Lìn gánh nước , dáng đi uyển chuyển theo nhịp đòn gánh tưởng như bày Tiên nữ giáng trần . Không biết cảnh ngày xưa giặc giã , thổ phỉ , cướp bóc ở xứ này như thế nào , bây giờ chỉ thấy một cuộc sống yên bình , êm ả của một vùng sơn cước vào thu .
Xin theo dõi tiếp bài 10. dienbatn.
Xin theo dõi tiếp bài 10. dienbatn.
Comment