No icon

tro-canh-cua-sau-nha-theo-loi-thay-phong-thuy-van-menh-chang-trai-ngheo-thay-doi-kho-tin

Trổ 1 cánh cửa sau nhà theo lời thầy phong thủy, vận mệnh chàng trai nghèo thay đổi khó tin

Sau 3 năm kiên trì làm theo lời dặn của vị thầy phong thủy, vận mệnh của chàng trai nghèo đã thay đổi khó tin. Lời khuyên của thầy phong thủy quả nhiên rất hiệu nghiệm.

vận mệnh, trổ 1 cánh cửa sau nhà, thầy phong thủy, phong thủy, chàng trai nghèo,

(Ảnh: pureside.us)

Xưa có một chàng thư sinh tên là Nghiêm Đắc Lộc, tuy đã đến tuổi lập thân nhưng vẫn phải sống đơn độc trong gian nhà tranh vách nứa. Chàng Nghiêm cho rằng mình vốn hiền lành, đáng lẽ phải được hưởng phúc cả đời. Vậy cớ gì mà cứ mãi sống cảnh nghèo hèn đến thế?

Một ngày nọ, có thầy phong thủy họ Mạnh đi qua thôn trang. Nghiêm Đắc Lộc đã nghe danh từ lâu, bèn mời đến nhà để mong được giải tỏa những khúc mắc trong lòng. Mạnh tiên sinh biết Nghiêm là người nhân đức, chỉ có điều không chịu tháo vát làm ăn, bảo sao không làm giàu được? Thế là ông vừa lẩm nhẩm tính toán, vừa cầm la bàn đi quanh nhà ra vẻ xem xét.

Khi đến gian phòng phía sau, ông nhìn thấy có con đường lớn chạy ngang trước mặt. Rồi ông dừng bước, nhìn lên rồi nhìn xuống, ngó sang trái rồi sang phải một lượt, sau lại gật gật rồi lại lắc đầu. Chàng Nghiêm không biết chuyện gì xảy ra bèn hỏi nhỏ: “Tiên sinh, ngài nhìn thấy gì vậy?”.

Mạnh tiên sinh phất tay và nói: “Phong thủy và gia trạch đều tốt, chỉ có điều vượng khí không thông nên cậu mới không thể thành gia lập nghiệp”.

Chàng Nghiêm nóng lòng hỏi: “Tiên sinh có cách gì phá giải, xin hãy chỉ giáo”.

Mạnh tiên sinh vuốt chòm râu một lúc lâu, cuối cùng nói với vẻ tâm đắc: “Ta có một cách này, nhưng cần cậu phải kiên trì 3 năm không dao động. Sau 3 năm, đảm bảo cậu sẽ gây dựng sự nghiệp, chỉ e cậu không bền lòng mà thôi”.

Chàng Nghiêm nói với giọng quả quyết: “Tôi sẽ bền lòng. Chỉ cần tiên sinh có cách, tôi nhất định sẽ làm theo!”.

Mạnh tiên sinh nói: “Giàu sang của cậu ẩn rất sâu, phải gọi thì mới về được. Như thế này đi, cậu hãy trổ một cửa sổ ở vách tường sau của gian phòng, mỗi ngày đều đặn thức dậy từ canh tư rồi thắp đèn lên. Lúc nãy đi một vòng, tôi phát hiện phía sau phòng của cậu có con đường lớn. Vì thế, khi người làng đi qua nhìn thấy đèn sáng, nếu họ hỏi rằng ‘Nghiêm Đắc Lộc đã dậy rồi à?’ thì cậu đáp lại là ‘dậy rồi’. Bởi vì tên của cậu có hai chữ ‘Đắc Lộc’, chỉ cần đều đặn nhắc tới “Đắc Lộc” trong 3 năm, bà con trong làng sẽ gọi giàu sang của cậu về nhà”.

Trước khi cáo từ, Mạnh tiên sinh còn dặn đi dặn lại rằng: “Hãy nhớ rằng cơ hội đổi đời của cậu chỉ có một lần này thôi. Trong 3 năm đó, nếu bỏ lỡ, sau này cậu sẽ không còn cơ hội nữa đâu”.

TAMTHUC

Kể từ đó, Nghiêm Đắc Lộc không dám trễ nải dẫu chỉ một ngày. Hàng ngày anh đều dậy từ canh tư và làm theo những gì Mạnh tiên sinh chỉ bảo.

Ba năm trôi qua trong chớp mắt. Đến khi Mạnh tiên sinh ghé thăm nhà, ông thấy nhà tranh vách nứa năm xưa đã biến thành ngôi nhà ngói kiên cố. Trong nhà còn có sân, có vườn, có đàn gà chạy ríu rít tìm mồi bên ao cá. Ngạc nhiên hơn khi chàng Nghiêm nghèo khó năm nào nay đã thành gia lập thất, thậm chí còn sinh được một quý tử bụ bẫm đầu lòng.

Nghiêm Đắc Lộc cảm kích nói: “Thưa tiên sinh, cách của ngài thật linh nghiệm. Ngài xem, chỉ trong 3 năm, bà con trong làng đã gọi giàu sang của tôi trở về”.

Mạnh tiên sinh đón ly rượu mừng, mỉm cười và nói rằng: “Thử nói xem, 3 năm qua cậu đã làm những gì?”.

“Hôm tiên sinh ra về, tôi đã theo lời dặn, trổ một cửa sổ ở tường sau của gian phòng. Mỗi ngày tôi đều dậy từ canh tư và thắp đèn. Tôi vẫn được bà con xóm trên xóm dưới gọi tên hàng ngày. Nhưng sau một thời gian, tôi cảm thấy ngồi mãi một chỗ cũng nhàm, tôi bèn tìm một số việc để làm cho qua giờ. Lúc đầu tôi bện dây thừng, sau lại xay đậu đem bán, rồi dần dần nuôi gà nuôi vịt. Càng ngày công việc càng thuận lợi, và rồi tôi cũng lấy vợ sinh con. Mọi ước nguyện trước kia của tôi đều đã thành sự thật, tôi thật sự cảm ơn tiên sinh!”.

Mạnh tiên sinh cười lớn rồi nói rằng: “Đắc Lộc ơi là Đắc Lộc, lẽ nào đến giờ cậu vẫn chưa hiểu sao? Nếu cậu không dậy sớm bện dây thừng, rồi xay đậu, rồi lại nuôi gà vịt, thì làm sao có được cơ ngơi như ngày hôm nay?”.

Nghe đến đây, chàng Nghiêm bừng tỉnh ngộ: Hóa ra Mạnh tiên sinh không trị phong thủy, mà là trị chứng bệnh lười biếng của mình.

****

Ngày nay, người ta coi trọng phong thuỷ bởi tin rằng đất cát nhà cửa, thiết kế bài trí được sắp đặt đúng thì sẽ mang lại thịnh vượng cho gia đình. Thậm chí họ không tiếc tiền mua vật phẩm phong thuỷ quý giá để ‘án’, ‘giữ’, chiêu mời tài lộc.

Kẻ lười biếng lại mong giàu có trong phút chốc mà ham mê cờ bạc, người vì tiền mà không điều xấu nào không dám phạm, bon chen tranh đấu, hại người chỉ vì chút lợi nhỏ nhoi. Làm đủ chuyện xấu trong thiên hạ rồi tin rằng phong thuỷ giúp hoá giải cát hung, hoạ phúc – lẽ nào có chuyện ấy? Vậy chẳng phải trong mê mà không ngộ sao? Họ dẫu có đắc được bổng lộc ở đời này nhưng sẽ mất đi phúc báo ở đời sau.

Vậy nên, kỳ thực phong thuỷ quan trọng nhất của đời người chính là ở tâm mình. Phong thuỷ chân chính là thấu hiểu lẽ xoay vần của trời đất, sống sao cho thuận Thiên lý, người xưa nói, ‘khôn ngoan không lại với Trời’ là vậy! Lấy chăm chỉ, thiện lương, chân chính làm đầu, thì hết thảy những gì đáng đắc đều sẽ không bỏ lỡ, lại để lại phúc báo đến đời sau.

Nếu là người có phúc thì nơi họ ở cũng là phúc địa, đất lành. Còn người ở nơi được cho là phúc địa, đất lành nhưng tâm tính không tốt thì phúc phận cũng theo đó mà tiêu tan. Người ta biết phong thủy có thể dưỡng người, nhưng lại không biết được rằng người cũng có thể dưỡng phong thủy. Cho nên phúc phận của một người cũng cần phải tích lũy mới thành.

Theo Đại Kỷ Nguyên

 

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/tro-1-canh-cua-sau-nha-theo-loi-thay-phong-thuy-van-menh-chang-trai-ngheo-thay-doi-kho-tin.html

Comment