No icon

siberi-thi-hai-cua-nha-su-van-nguyen-ven-nam-sau-khi-vien-tich

Siberi: Thi hài của nhà sư vẫn nguyên vẹn 90 năm sau khi viên tịch

Thi hài của nhà sư Dashi-Dorzho Itigelov, một lãnh đạo Phật giáo ở Nga qua đời 90 năm trước, vẫn không có dấu hiệu phân hủy nào cho tới hôm nay.

Một tấm ảnh không rõ ngày tháng, chụp một tín đồ đang trang trí cho thi thể của Dasha-Dorjo Itigelov, một lãnh đạo Phật giáo ở Siberi. Dù là nhìn vẻ ngoài hay chạm vào, cái xác không khác gì so với khi ông qua đời năm 1927 trong một ngôi đền ở Ulan-Ude, thủ đô nước Cộng hòa Buryatia

Khi còn sinh thời, Itigelov là một nhân vật rất lỗi lạc, được bầu làm Hambo Lama thứ 12 của vùng Đông Siberi (hòa thượng đứng đầu Tăng đoàn Phật giáo truyền thống Nga).

Phật tử ở nước Cộng hòa Buryatia ai cũng biết truyền thuyết về Hambo Lama thứ 12 qua đời như thế nào. Ngày 15/6/1927, Đại lão hòa thượng ngồi thiền trong tư thế hoa sen và gọi các môn đệ tụ tập quanh Ngài. Ngài trao cho họ lời dạy cuối cùng: “Hãy chôn cất ta và mở ra sau 30 năm.” Hòa thượng Itigelov yêu cầu đọc cho ông bài cầu nguyện đặc biệt dành cho người đã chết. Đến khi Itigelov tự mình đọc kinh, các tu sĩ mới dám hòa giọng thốt lên bài cầu kinh thiêng liêng. Khi ông đã đi vào cõi Niết bàn, các học trò đặt thi hài vào chiếc quan tài bằng gỗ và chôn xuống đất. Nơi ông yên nghỉ được giữ bí mật, chỉ một vài người thân tín biết.

Vị trí của nước Cộng hòa Buryatia (ảnh: Wiki)

Các nhà sư mở ngôi mộ hai lần – vào năm 1955 và 1973. Họ thay bộ quần áo đã cũ nát, nhưng thi hài của ông vẫn nguyên vẹn. Chỉ đến năm 2002, những người bảo vệ ngôi mộ mới tiết lộ nơi chôn cất hòa thượng. Người đứng đầu Phật giáo Buryatia và các vị Lạt Ma đưa quan tài lên khỏi mặt đất và long trọng đưa về đền thờ Ivolginsky ở thủ đô Ulan-Ude. Thánh tích được đặt trong “Điện phúc lành Hambo Lama Itigelov” ở trong tu viện.

>> Nghiên cứu khoa học: Thiền định có thể sản sinh siêu năng lực

Khám nghiệm khoa học

Các nhà sư đã công bố phép màu này với công chúng, và mời các nhà khoa học tới để xem xét. Nhìn bên ngoài, thi thể có vẻ như được ướp xác, mặc dù chẳng có công đoạn bảo quản nào được thực hiện.

“Các mẫu phân tích lấy ra 75 năm sau khi chôn cất, cho thấy các cấu trúc hữu cơ của da, tóc và móng tay của thi thể không khác mấy so với của người sống,” Galina Yershova, giáo sư nổi tiếng ngành lịch sử tại ĐH Nhân văn Nga cho biết.

“Các khớp xương, mô mềm vẫn đàn hồi như của người sống, và sau khi họ mở nắp chiếc quan tài đã chứa thi thể vị Lạt ma này trong 75 năm, có một mùi hương rất dễ chịu đã tỏa ra,” bà Yershova nói.

Theo thông báo chính thức của các nhà khoa học và nhà bệnh lý học đã khám nghiệm thi thể năm 2002, thi thể này “ở trong tình trạng như một người mới qua đời 36 giờ trước.”

“Trong nhiều năm hành nghề tôi đã gặp một vài thi thể được bảo quản, nhưng đó là do ướp xác hoặc điều kiện môi trường khắc nghiệt,” GS. Viktor Zvyagin của Trung tâm Pháp y Liên bang phát biểu với Buddhist Channel trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Nhưng đây là thứ rất khác, và đối với tôi là không thể hiểu được. Một hiện tượng đòi hỏi cần phải có nghiên cứu chi tiết nhất.”

Theo các kết quả phân tích, cấu trúc cơ bắp của cơ thể vẫn nguyên vẹn, giống như của một người còn sống.

Tu viện Ivolginsky ở thủ đô Ulan-Ude (ảnh: Vasiliy Tatarinov/ Wikimedia Commons)

Danh tiếng của nhà sư Itigelov đã lan xa và rộng. Năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin ghé thăm tu viện, ông đã dành thời gian riêng bên thi thể bất hoại này vào thời gian đầu của chuyến thăm. Trước khi ra về, ông lại đến một lần nữa và nói “tạm biệt”, theo thư ký báo chí của ông Putin.

Ông Putin đi bộ cùng với các nhà sư Phật giáo khi đến thăm tu viện Ivolginsky vào ngày 11/4/2013

Cuộc đời của vị Hambo Lama nổi tiếng

Trong suốt cuộc đời mình, Dashi-Dorzho Itigelov rất được Phật tử Buryatia tôn kính. Năm 1867, chú tiểu 15 tuổi đến tu viện và bắt đầu miệt mài học tập. Hòa thượng Itigelov nổi tiếng là người hiểu biết: ông dạy triết học Phật giáo, viết hơn 50 cuốn sách.

Năm 1911, Itigelov trở thành Hambo Lama, người đứng đầu tín ngưỡng Phật giáo ở Nga. Trong giai đoạn 1913-1917, ông lập ngôi chùa đầu tiên ở St. Petersburg. Ông cũng cho xuất bản nhiều luận án, bài giảng tôn giáo và tập hợp nhiều tông phái của Phật giáo.

Vị Hambo Lama cũng được mời tham dự lễ kỷ niệm 300 năm của gia tộc Romanov, và vào ngày 19/3/1917, Nga hoàng Nikolai II đã trao cho ông giải thưởng Thánh Stanislav.

Trong Thế chiến thứ nhất, Itigelov đã quyên góp tiền, trang phục và thuốc men cho quân đội. Ông cũng cho xây một loạt bệnh viện nơi các thầy thuốc lạt-ma giúp chữa trị cho quân nhân. Vì những đóng góp này, ông đã được trao huy chương Thánh Anna.

Trong thập niên 1920, Liên Xô bắt đầu chiến dịch bài trừ tôn giáo. Giáo sĩ Chính thống giáo, Hồi giáo, Phật giáo đều bị bắt giữ. Bạn bè đề nghị hòa thượng Itigelov chạy trốn ra nước ngoài, nhưng ông từ chối. “Họ không kịp bắt tôi đâu,” ông nói.

Năm 1926, ông đã cảnh báo các nhà sư về cuộc khủng bố “đỏ” sắp diễn ra, và khuyên họ hãy đến Tibet.

Ảnh chụp Dashi-Dorzho Itigelov năm 1927 khi ông qua đời (ảnh: Wiki)

Năm 1927, Itigelov nói với các lạt-ma rằng ông sắp rời khỏi thế giới này. Ông ngồi thiền và sau đó viên tịch.

Chính quyền Stalin đã đàn áp tất cả các tôn giáo, xử tử hàng trăm lạt-ma và phá hủy 46 ngôi chùa, tu viện. Những năm sau khi Liên Xô tan rã, Phật giáo lại bắt đầu phát triển trở lại ở Nga, xây dựng lại các công trình đổ nát và thu hút thêm nhiều tín đồ.

Hiện nay, rất ít người được phép tiếp cận thi hài của Itigelov. Chụp ảnh và quay phim chỉ được phép khi có sự đồng ý của người đứng đầu tu viện Ivolginsky. Những người may mắn chứng kiến kể lại những điều kỳ lạ: vị tôn sư ngồi trên bệ cao trong tư thế hoa sen, giống như khi ông đi vào cõi Niết Bàn năm 1927, đôi khi trên mặt ông xuất hiện những giọt mồ hôi. Năng lượng mạnh mẽ từ di cốt phát ra tràn ngập “Điện phúc lành Hambo Lama”.

Cho đến ngày nay, phép màu nhiệm di cốt thanh sạch của Dashi-Dorzho Itigelov vẫn chưa được khoa học lý giải.

Theo ET, sputniknews,
Phong Trần tổng hợp

TAMTHUCTAMTHUC

Nguồn:https://trithucvn.net/khoa-hoc/siberi-thi-hai-cua-nha-su-van-nguyen-ven-90-nam-sau-khi-vien-tich.html

Comment