tiet-that-tich-ke-chuyen-tinh-tien-pham-nguu-lang-chuc-nu
Tiết Thất Tịch kể chuyện tình tiên phàm Ngưu Lang - Chức Nữ
- bởi tamthuc --
- 27/08/2017
Tiết Thất Tịch là một lễ hội cổ truyền quan trọng. Theo như tên gọi, ngày này luôn rơi vào 7 tháng 7 âm lịch. Truyền thuyết về ngày lễ này gắn bó với câu chuyện tình của Ngưu Lang và Chức Nữ.
Cách đây rất lâu rất lâu rồi, trời lúc đó vẫn còn chưa cao như bây giờ, con người cách Thần vẫn còn chưa xa đến như vậy.
Tại một làng quê dưới chân núi có một gia đình, có hai anh em trai, cha mẹ mất sớm, người em sống cùng với anh trai và chị dâu. Người chị dâu chê bai đứa em trai và buộc người anh phải chia tài sản rồi đuổi người em trai ra khỏi nhà.
Cậu em ra đi với tài sản là một con trâu đã rất già, chẳng ai biết nó đã ở nhà họ từ lúc nào. Không được ở nhà nữa, người em dẫn chú trâu đi ra khỏi ngôi làng, đi lên một ngọn núi, cuối cùng đã tìm thấy một hang động, người em quét dọn sạch sẽ hang động và quyết định dựng nhà ở nơi đó.
Trên núi, chung quanh đều là đất bỏ hoang, chàng cùng chú trâu già khai khẩn đất hoang, trồng trọt hoa màu ngũ cốc, mỗi ngày làm việc từ sáng sớm, tối đến thì nghỉ ngơi.
Những giọt mồ hôi cần cù chịu thương chịu khó, đã được đền đáp bằng một vụ mùa bội thu. Đến mùa thu, người em trai đã có ăn có mặc. Sau đó, anh lại cuốc đất nung gạch và dựng nên một ngôi nhà thật vững chãi.
Người em không có tên, người bạn thân thiết duy nhất của chàng là con trâu, đi đâu trâu cũng đi cùng chàng như hình với bóng, vì thế lâu dần mọi người gọi chàng là “ngưu lang, ngưu lang” (chàng trai chăn trâu).
Ngưu Lang bận rộn tối ngày, những lúc rảnh rỗi, chàng tựa vào con trâu già, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, ngắm những đám mây, đếm những vì sao. Chàng gọi trâu bằng cái tên thân mật là ”ngưu ca”, cứ thế chàng đặt câu hỏi cho chú trâu rồi lại tự trả lời.
“Ngưu ca này, những đám mây trên trời mỗi ngày đều không giống nhau, có màu trắng, có màu đỏ, cũng có cả màu xám nữa. Là ai đã làm cho những đám mây không ngừng thay hình đổi dạng, màu sắc như thế?”.
“Ngưu ca này, trên trời kia có thật là có Thần Tiên hay không? Nghe những người già kể lại rằng, những đám mây kia đều là tiên nữ dệt thành, những tiên nữ đó có phải là rất xinh đẹp hay không? Có phải lòng dạ rất lương thiện hay không?…”
Một ngày kia, như bao ngày khác, Ngưu Lang nhìn lên bầu trời rồi lại thẩn thơ nói chuyện với trâu già.
Bỗng nhiên lại nghe thấy tiếng âm thanh trả lời mình: “Đúng vậy! Những đám mây đó chính là do tiên nữ trên trời dệt thành, nàng tên là Chức Nữ. Là con gái út của Vương Mẫu nương nương trên trời”.
Ngưu Lang giật mình, vùng dậy, đưa mắt nhìn chung quanh: “Là ai, là… ai đang nói chuyện vậy?”
Chàng không thấy ai cả, cũng không ai trả lời. “Chỉ có mình và Ngưu ca, lẽ nào…?”
“Đúng, là tôi đây”, trâu già lên tiếng.
Ngưu Lang hoảng hốt: “Ơ, ơ…? Sao Ngưu ca lại có thể nói chuyện được vậy?”.
Trâu già nói với chàng: “Ngày mai hãy đến phía Tây ngọn núi, ở đó có một hồ nước, vào lúc giữa trưa, sẽ có tiên nữ từ trên trời bay đến tắm gội ở đó. Đệ hãy núp ở phía sau bụi cây, thừa lúc họ không để ý hãy lấy trộm y phục của tiên nữ nhỏ nhất, vậy thì nàng ấy sẽ không thể bay về trời được nữa, nàng ấy sẽ ở lại đây với đệ”.
Sớm ngày hôm sau, Ngưu Lang theo trâu già đến phía Tây ngọn núi. Lên đến đỉnh núi, quả nhiên trên đó có một cái hồ nước, bốn mặt non xanh nước biếc, cảnh đẹp xao động lòng người, nước sông trong vắt, nhìn đến tận đáy.
TAMTHUCNgưu Lang trong lòng nghi hoặc: ”Ngưu ca, phía Tây ngọn núi này, trước đây đệ cũng đã từng đến qua, sao trước giờ lại chưa từng thấy con suối này vậy?”
Đã đến giữa trưa, quả nhiên, nhìn từ đằng xa thấy mấy con chim to lớn vô cùng đẹp đẽ đang bay tới. Chúng bay đến bên dòng suối, rồi trút bỏ bộ áo lông năm màu sặc sỡ trên thân xuống, trong nháy mắt từng chú chim đều biến thành những nàng tiên nữ rất xinh đẹp.
Ngưu Lang vô cùng ngạc nhiên đến nỗi không dám thở mạnh. Nhớ lời của Ngưu ca, nhân lúc các tiên nữ vui đùa không chú ý, chàng nhắm chuẩn bộ y phục của tiên nữ nhỏ nhất rồi ngoảnh đầu bỏ chạy. Những tiên nữ đang tắm bị làm cho giật mình hoảng sợ, vội vội vàng vàng nhảy khỏi mặt nước, mặc áo của mình rồi giương cánh bay thẳng về trời. Chỉ có nàng tiên nhỏ là không tìm được y phục của mình, không còn cách nào khác, đành phải lẩn trốn dưới nước, đưa mắt nhìn đông nhìn tây.
Ngưu Lang bước đến, nghiêng mình cúi lạy Chức Nữ: “Chào Tiên nữ! Tôi tên Ngưu Lang. Nàng có thể gả cho tôi, làm thê tử của tôi được không? Tôi tuy rất nghèo, nhưng tôi rất chăm chỉ, siêng năng, cần cù chịu khó, chúng ta hãy chung sống cùng nhau, được không?”.
Chức Nữ nhìn nhìn chàng, rồi khẽ gật đầu. Chức Nữ ngồi trên lưng trâu, cùng Ngưu Lang về nhà.
Từ đó, hai người ra vào có đôi, hằng ngày chàng ra đồng cày, nàng ở nhà dệt vải, cuộc sống thuận hòa, hạnh phúc. Ngưu Lang không còn cô đơn nữa, ban ngày có người làm cơm, buổi tối có người trò chuyện. Người trong làng đều nói Ngưu Lang tốt bụng gặp được duyên lành.
Chức Nữ thông minh, xinh đẹp lại chăm chỉ, nàng còn dạy cho phụ nữ trong làng cách dệt vải, nuôi tằm, kéo sợi, vì thế mọi người trong làng đều yêu mến nàng. Chức Nữ không ăn những món ăn của người phàm, nhưng nàng vẫn không thấy đói. Năm sau, Chức Nữ hạ sinh cho Ngưu Lang một cặp long phụng, một trai một gái trông rất kháu khỉnh.
Những tháng ngày hạnh phúc cứ thế tiếp diễn, nháy mắt các con đã được một tuổi.
Một ngày kia, trâu già nói với Ngưu Lang rằng: “Ngưu Lang ơi, ta đã già rồi, cũng đến lúc sắp phải đi rồi. Sau khi ta chết, đệ đừng đem bộ da của ta vứt đi, mà hãy giữ nó lại, một ngày nào đó khi có chuyện khẩn cấp, hãy nhớ khoác nó lên người”.
Trâu già nói xong liền chết đi. Ngưu lang vô cùng đau lòng, Ngưu ca luôn ở bên chàng, thân thiết như anh em, Ngưu ca chính là ân nhân của cậu. Chàng làm theo lời trâu dặn, giữ bộ da lại.
Đau buồn rồi cũng nguôi ngoai dần, những tháng ngày hạnh phúc vẫn tiếp diễn. Một năm nữa lại trôi qua. Một ngày kia, Chức Nữ nói với Ngưu Lang rằng: “Ngưu Lang à! Hôm nay thiếp phải đi rồi, thiếp phải trở về thiên đình rồi. Chàng và thiếp vốn có duyên xưa, mới có được duyên phận vợ chồng này. Hôm nay, duyên phận đã hết, Ngọc Đế sắp gọi thiếp trở về rồi.
Thiếp đến nhân gian cũng đã được mấy năm, một năm nhân gian, cõi trời một ngày. Chàng hãy nhìn xem những áng mây trên trời kia, bây giờ đã rất mỏng rồi, một lúc nữa Vương Mẫu sẽ cử thiên binh thiên tướng đến đón thiếp về, bây giờ nói lời chia tay với chàng, từ nay về sau chàng hãy tự mình bảo trọng”.
Chức Nữ nói xong, liền lấy áo lông ngũ sắc ra, mặc lên người. Ngưu Lang nước mắt lưng tròng, không biết nói gì.
Ngay lúc này, cửa trời mở ra, có mấy đốm sáng từ trời cao bay hạ xuống ngôi nhà của Ngưu Lang, chẳng mấy chốc liền biến thành thiên binh thiên tướng và Thần hộ Pháp, họ đến trước mặt, chắp tay hành lễ với Chức Nữ, nói: “Tham kiến Chức Nữ, nay phụng từ lệnh của Vương Mẫu, mời Chức Nữ trở về thiên cung”. Chức Nữ gật đầu không nói gì cả, ngoảnh đầu lại nhìn Ngưu Lang, rồi theo Thiên tướng bay về trời.
Ngưu Lang lúc này mới hô lớn: “Chức Nữ, nàng đừng đi!”. Chàng quay đầu lấy cái đòn gánh, mỗi đầu đựng một cái sọt mây, đặt hai đứa con lên, gánh trên vai, cất bước đuổi theo Chức Nữ. Nhưng sao đuổi kịp cho được? Chàng chỉ thấy Chức Nữ càng bay càng cao, càng bay càng xa dần.
Ngưu Lang bỗng nhớ đến lời của trâu già năm xưa, vội khoác da trâu lên người, chốc lát chỉ cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, mỗi lúc một bay lên cao, hai chân tựa như cưỡi mây đạp gió, bay thẳng lên trời, mắt thấy mình sắp đuổi theo kịp Chức Nữ. Ngưu Lang không ngừng la lên: “Chức Nữ! Nàng hãy đợi ta!”. Khi sắp đuổi đến cửa trời, bỗng có một con sông lớn chắn ngang trước mặt.
Thì ra đó chính là sông Thiên Hà trong truyền thuyết. Chỉ thấy sông Thiên Hà kia, dài vô hạn, rộng vô bờ, sóng nước cuồn cuộn. Ngưu Lang muốn qua sông mà không được, trong lúc tuyệt vọng chàng gọi: “Ngưu ca, Ngưu ca, mau mau giúp đệ đi!”.
Lúc này, Ngưu Lang chỉ nghe thấy bên tai vang vọng âm thanh: “Ngưu Lang à, ta chỉ có thể giúp đệ đến đây thôi. Đã đến nơi đây rồi, đây chính con sông Thiên Hà, ranh giới tiên phàm hai cõi, chỉ có thiên nhân, chư Thần mới có thể đi qua sông này, còn người phàm thì không thể. Hễ bước vào sông Thiên Hà, thì tức khắc sẽ bị chìm xuống đáy ngay”.
Ngưu Lang nghe xong, bất giác khóc òa lên như một đứa trẻ, chàng muôn đời bị ngăn cản bởi con sông này. Ngưu Lang đau buồn, cứ mãi hướng mặt về bờ sông bên kia, gọi tên Chức Nữ, nhất định không chịu rời đi.
Cũng từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà xuất hiện một vì sao sáng, mọi người gọi đó là “sao Khiên Ngưu”, đó chính là do Ngưu Lang hóa thành, bên cạnh mỗi bên còn có một ngôi sao nhỏ, đó chính là con trai và con gái của chàng. Đứng bên bờ sông này, nhìn về bờ bên kia, không ngừng kêu tên Chức Nữ, hết năm này sang năm khác…
Truyền thuyết kể rằng Vương Mẫu cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang, đã đồng ý cho họ mỗi năm vào ngày Thất Tịch (7 tháng 7 âm lịch) được gặp nhau một lần. Vào ngày đó, dưới nhân gian, sẽ không có ai nhìn thấy một con chim khách nào cả, vì chúng được lệnh tụ họp tại hai bên bờ sông Thiên Hà, bắc mình nối nhau để xây thành một chiếc cầu Hỷ Thước. Cây cầu này là nơi Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau duy nhất một lần trong năm.
Mọi người còn nói rằng, buổi tối hôm đó, nếu ta thưởng trà dưới những giàn hoa, hoặc dưới ánh trăng tĩnh lặng trong đêm, lắng tai nghe thật kĩ thì có thể nghe thấy cuộc chuyện trò giữa Ngưu Lang và Chức Nữ.
Tiểu Thiện biên dịch
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/tiet-that-tich-ke-chuyen-tinh-tien-pham-nguu-lang-chuc-nu.html
Comment