dien-co-phong-tang-tao-tan-loi-canh-tinh-tu-vi-hoa-thuong-dien
Điển cố ‘Phong tăng tảo Tần’: Lời cảnh tỉnh từ vị ‘hòa thượng điên’
- bởi tamthuc --
- 04/01/2018
Thời Nam Tống từng xuất hiện 2 vị “tăng điên” nổi tiếng, một là Tế Công, một là Phong Ba hòa thượng. Dân gian vẫn luôn lưu truyền những câu chuyện rất thú vị về 2 vị La Hán này, trong đó có điển cố “Phong tăng tảo Tần”.
Hòa thượng Phong Ba sống vào đầu triều đại Nam Tống. Ông là người gan dạ sáng suốt, nổi tiếng lịch sử với điển cố “Phong tăng tảo Tần”. Điển cố này có nội dung như sau:
Tương truyền thời bấy giờ, anh hùng chống quân Kim Nhạc Phi bị gian thần Tần Cối hãm hại. Ông ta bịa đặt tội danh “mạc tu hữu” để giam Nhạc Phi vào đại lao.
Sau đó, Tần Cối không quyết định được phải làm thế nào với Nhạc Phi, vì thế ông ta đã đến chùa Linh Ẩn cầu xin quẻ và gặp hòa thượng Phong Ba.
Vừa thấy gian thần Tần Cối, hòa thượng Phong Ba đã bật cười lớn và hỏi Tần Cối rằng: “Tào Tháo cũng là một đời oai phong, hùng dũng, nhưng giờ này hỏi đã đi đến đâu?”
Tần Cối nghe lời này của vị hòa thượng thì không hiểu, bèn hỏi hòa thượng ý nghĩa là gì. Hòa thượng Phong Ba nói tiếp: “Thiên lý rõ ràng, trung – gian tự thấy, thiện ác có báo. Tướng công thân là Tể tướng, một tay có thể nâng cả bầu trời, cớ sao phải sát hại trung thần lương đống? An nguy của quốc gia, lẽ nào không thèm đếm xỉa tới sao?” (Bậc lương đống là người trụ cột, đảm nhiệm chức trách trọng đại của quốc gia).
Tần Cối hỏi: “Ai là bậc lương đống?”
Hòa thượng Phong Ba nghiêm mặt nói: “Nhạc Phi tướng quân!”
Tần Cối giả làm ngơ, không quan tâm đến lời của hòa thượng Phong Ba.
TAMTHUCHòa thượng Phong Ba cười lớn, nói: “Thật là ngu xuẩn, vẫn còn chưa tỉnh ngộ, sau này hối hận e rằng đã muộn!”
Sau đó, hòa thượng Phong Ba phẫn nộ, lấy cây chổi cùn quét vào mặt Tần Cối. Quét xong, hòa thượng nghênh ngang bỏ đi, bỗng chốc mất hút.
Gian thần Tần Cối bị quét đến hồn xiêu phách lạc, mất hồn mất vía, nhếch nhác bỏ đi. Đây chính là điển cố nổi tiếng “Phong tăng tảo Tần”.
Năm 1155, Tần Cối bị bệnh mà chết. Con trai của Tần Cối bấy giờ mưu cầu kế thừa tướng vị nhưng bị Tống Cao Tông cự tuyệt. Tần gia từ đó trở đi bị thất thế. Về sau, Tống Hiếu Tông đã sửa lại án oan cho Nhạc Phi và liệt Tần Cối là đối tượng “đầu sỏ” gây ra án oan, cũng tước bỏ Vương tước của ông ta.
Về sau, người dân tại Tây Hồ, Hàng Châu tu tạo Nhạc phần, Nhạc miếu để vĩnh viễn tưởng nhớ về danh tướng Nhạc Phi. Ở trước mộ của Nhạc Phi, người ta để mấy bức tượng sắt thô của Tần Cối và vợ ông ta đang quỳ gối, quây trong hàng rào sắt, vai ngực lột trần, tay trói sau lưng, để đó cho người thế gian thóa mạ và đánh đập.
Tương truyền trong dân gian rằng, dân rất hận Tần Cối nên đã dùng mỳ làm thành hình tượng ông ta rồi ném vào bên trong chảo dầu sôi để tạc gọi là “Du tạc Cối”, sau này biến thành bánh quẩy.
Sau khi cố sự “Phong tăng tảo Tần” được truyền rộng, dân gian càng thêm kính mến tướng quân Nhạc Phi và hả lòng trước sự trừng phạt đối với kẻ gian thần. Họ đã tạc tượng hai vị kỳ tăng thời Nam Tống, một “điên” một “phong” và đặt vào bên trong đại điện tại nhiều chùa chiền trên khắp cả nước Trung Quốc.
Bên trong bảo điện Đại Hùng ở núi Cửu Hoa có hai bức tượng nhỏ, một là hòa thượng Tế Công, tạo hình như tiên nhân và một là hòa thượng Phong Ba, dưới sườn trái có một cây chổi, tay phẩy phất trần, một lòng muốn quét sạch gian tặc Tần Cối.
Chỉ cần là nơi người dân quây quần tụ tập, cho dù sàn nhà có sạch sẽ bao nhiêu, thì ông vẫn khua chổi rơm quét đất, nói là “tảo Tần”, đó cũng là để nhắc nhở thế nhân không được quên mất phải cùng nhau trừ bỏ gian tặc.
Theo Chanhkien
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/dien-co-phong-tang-tao-tan-loi-canh-tinh-tu-vi-hoa-thuong-dien.html
Comment