ky-niem-nam-cuoc-cham-tran-voi-nguoi-ngoai-hanh-tinh-cua-hang-chuc-dua-tre-o-zimbabwe
Kỷ niệm 21 năm ‘cuộc chạm trán với người ngoài hành tinh’ của hàng chục đứa trẻ ở Zimbabwe
- bởi tamthuc --
- 12/10/2015
Ngày 16/9 vừa qua là kỷ niệm 21 năm xảy ra một cuộc chạm trán với người ngoài hành tinh vốn đã rất thu hút được sự chú ý của dư luận thế giới khi đó. Ảnh hưởng của sự kiện này vẫn còn rất sống động đối với hơn 60 đứa trẻ tại ngôi trường tiểu học Ariel ở khu vực đông bắc Zimbabwe, cũng như những người dân địa phương đã từng chứng kiến.
Một bộ phim với tiêu đề “Vụ việc tại ngôi trường Ariel” (Ariel Phenomenon) của nhà làm phim Randall Nickerson đã được lên kế hoạch phát hành vào năm nay. Bộ phim bao gồm các cuộc phỏng vấn mới với các học sinh, những người bị chấn động sâu sắc trước trải nghiệm này và vẫn có thể hồi tưởng lại một cách chi tiết cho đến tận hôm nay. Bộ phim cũng bao gồm một thước phim được ghi hình trực tiếp ngay sau khi xảy ra vụ việc vào năm 1994, trong đó cho thấy cảnh các học sinh thảo luận điều các em chứng kiến được với nhà tâm lý học John E. Mack từ Đại học Harvard. Sau nhiều cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các nhân chứng, ông Mack cho rằng những đứa trẻ này không bịa chuyện.
Những đứa trẻ đã miêu tả về một phi thuyền hình đĩa (đĩa bay) ở gần ngôi trường. Các sinh vật kỳ lạ được cho là đã tiếp cận các em.
Một bức tranh được các em vẽ lại (Ảnh: Americamonsters.com)
Tim Leach, trưởng chi nhánh văn phòng của BBC tại Zimbabwe, đã phỏng vấn những đứa trẻ ngay sau sự kiện. Ông Leach đã trao đổi với ông Nickerson rằng sự kiện đó “đã thật sự cho tôi một cái nhìn mới về cuộc sống, vũ trụ, và tất cả mọi thứ”.
“Tôi đã không nên bỏ lỡ việc truyền tải về sự kiện này đến thế giới”, ông nói.
Tiến sĩ Mack (1929–2004) đã đối mặt với rất nhiều sự chỉ trích vì làm việc với những người báo cáo đã chạm trán với người ngoài hành tinh, vốn không chỉ giới hạn ở vụ việc này. Trang web của tổ chức John E. Mack tuyên bố: “Ông Mack rất hứng thú với các phương diện mang tính cách mạng của các trải nghiệm siêu thường này, và ông đề xuất rằng trải nghiệm này có thể siêu việt các tính chất vật lý trong tự nhiên, nhưng vẫn rất thực tại. Tuy nhiên, điều này chủ yếu chỉ được các kênh truyền thông đăng tải như một sự ủng hộ thuần túy cho sự tồn tại của các cuộc chạm trán với người ngoài hành tinh”.
Năm 1994, Daniel C. Tosteson, hiệu trưởng trường Y Harvard, đã bí mật thẩm định (bình duyệt) công trình của TS Mack. Khi kết quả quả thẩm định thu hút được sự chú ý của công chúng, nó đã làm dấy lên một số cuộc tranh luận. Tuy nhiên, sau 14 tháng điều tra, trường Harvard đã đưa ra một thông cáo báo chí, trong đó nói rằng TS Mack “vẫn tiếp tục là một thành viên chính thức của Khoa Y đại học Harvard”. Hiệu trưởng cũng đã tái khẳng định “quyền tự do học thuật của TS Mack trong việc nghiên cứu những gì ông mong muốn và nêu lên ý kiến của mình mà không gặp trở ngại”.
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng cũng đã thúc giục “TS Mack rằng, trong niềm say mê theo đuổi và nghiên cứu những cá nhân này [những người tin rằng họ đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc], ông nên cẩn thận không được vi phạm các tiêu chuẩn cao trong việc tiến hành các thử nghiệm lâm sàng và điều tra lâm sàng vốn là sự biểu thị cho tiêu chuẩn của Khoa Y này”.
TAMTHUC
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/ky-niem-21-nam-cuoc-cham-tran-voi-nguoi-ngoai-hanh-tinh-cua-hang-chuc-dua-tre-o-zimbabwe.html
Comment