tai-sao-may-xuc-bi-chet-may-moi-khi-lam-viec-o-canh-dong-mo-hoang-
Tại sao Máy xúc bị chết máy mỗi khi làm việc ở cánh đồng mộ hoang ?
- bởi tamthuc --
- 15/04/2013
Ra cổng gặp… quan tài
“Cánh đồng mộ hoang” được người dân gọi với cái tên khác là Bãi Hà Sau. Không hiểu sao, xương người, những cỗ quan tài vô chủ ở đây nhiều tới mức, chỉ cần bổ nhát cuốc xuống đất cũng có thể chạm phải xương người. Đám trẻ chăn trâu trong làng lấy que đào dế cũng vô tình lôi lên cả khúc xương. Thậm chí đàn bò khi gặm cỏ làm bật búi cỏ lên cũng làm lòi ra cỗ quan tài…
Khi nghe kể về “cánh đồng mộ hoang”, tôi tỏ ra nghi ngờ. Như đọc được sự nghi ngờ ấy, anh Nguyễn Văn Trung cùng một thanh niên khác ở thôn Yên Hòa dẫn tôi ra ngay lề đường. Anh Trung vén một đám cỏ rậm rạp làm lộ ra một cỗ quan tài trước sự ngỡ ngàng của tôi.
Để tiếp tục chứng minh cho tôi thấy cái sự lạ không hề lạ ấy, anh dẫn tôi ra Bãi Hà Sau. Anh Trung xắn quần lên và nhảy xuống một thửa ruộng. Không một chút do dự, anh Trung tiến đến bờ ruộng có vài búi cỏ nhô ra rồi dùng tay bới đám cỏ lên. Một cỗ quan tài khác lại hiện ra trơ trọi. Tôi cảm thấy rợn người.
Anh Trung tiếp tục dẫn tôi đi qua một bãi hoang nằm giữa Bãi Hà Sau. Vừa đi anh vừa giới thiệu: “Anh em mình đang đi trên mấy chục cái mả đấy. Em cứ nhìn chỗ nào có ụ nổi lên thì dưới đó có quan tài. Vì quá nhiều quan tài mà người dân chưa san đất để cấy lúa”. Vừa đi, anh Trung tiện tay nhổ một búi cỏ lên làm trơ ra cỗ quan tài, rồi anh lại thản nhiên ném búi cỏ vào chỗ cũ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Anh Lê Ngọc Bảo ở thôn Yên Hòa kể lại: “Cách đây mấy năm, việc san lấp mặt bằng để làm ruộng và lấy đất sét làm gạch đã làm cho rất nhiều cỗ quan tài bị bật nắp. Những bộ xương vì thế bị văng tứ tung và vương vãi khắp nơi khiến cho việc canh tác gặp khó khăn.
Để khắc phục, nhiều người đã bỏ thời gian đi gom xương người rồi gánh ra bờ sông đổ hoặc đem đi cải táng cho đỡ ghê rợn. Đến nay, lượng xương người văng ra trên cánh đồng gần như đã được gom hết. Nhưng vẫn còn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cỗ quan tài khác đang nằm rải khắp diện tích trên 2ha thì vẫn còn đó”.
Theo ông Trịnh Văn Toán, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân thì toàn bộ những ngôi mộ ở Bãi Hà Sau là mộ hoang, không có ai thừa nhận. Những năm 1977 – 1980 đây là nơi nằm trong khu vực HTX K57 chuyên sản xuất gạch. Quá trình sản xuất đã làm lộ ra những bộ xương người, rồi họ gom lại đem đi cải táng. Ngay cả trụ sở UBND xã Lộc Tân khi mới xây dựng năm 2004 cũng đã phát hiện những bộ xương người, sau đó UBND cũng phải đem ra Bãi Hà Sau để cải táng.
Trong “cánh đồng mộ hoang” có hài cốt bộ đội!
Được sự giới thiệu của nhiều người dân, chúng tôi tìm đến nhà cụ Bùi Thị Thơm ở thôn Yên Hòa. Cụ Thơm năm nay đã 90 tuổi nhưng cũng không nhớ nổi lịch sử của những ngôi mộ hoang. Khi còn nhỏ cụ đã thấy những nấm mồ quanh năm ngày tháng không có ai chăm sóc. Đến những năm 1964 – 1966 khu mộ hoang có thêm những thành viên mới đó là xác bộ đội.
Cụ Thơm nhớ lại: “Ngày xưa chiến tranh chống đế quốc Mỹ nhà tôi nuôi bộ đội, nên đứa nào chết đứa nào sống tôi đều biết cả. Từ năm 1960 – 1968, bộ đội ở nhà tôi rất nhiều. Chúng nó tập kết ở nhà tôi, mỗi khi có máy bay Mỹ đến đánh cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng chúng nó lại hành quân tới đó để bắn máy bay.
Một ngày tháng 10/1964, khi chúng nó đang ăn ổi ở nhà tôi thì có lệnh lên đường đánh giặc. Lúc đi chúng nó còn bảo mẹ ơi con đi. Rồi theo thói quen, tôi tiễn chúng nó ra khỏi con kênh đầu làng.
Ông Trịnh Văn Toán (Chủ tịch UBND xã Lộc Tân)
Đến tối, khi quay về, chúng nó chết bảy tám đứa, xác chúng nó được đưa vào quan tài để trước sân nhà tôi, rồi đem ra Bãi Hà Sau chôn. Chôn xong một tốp bộ đội quay về nhà tôi ngồi nghỉ, chúng nó đang uống nước thì máy bay Mỹ nhào tới, nó thả bom vào trúng sân và nhà bếp làm chết thêm mấy đứa nữa”.
Đến nay có nhiều ý kiến nói về việc có một số lượng mộ liệt sĩ nằm lẫn trong “cánh đồng mộ hoang”, có người nói rằng cách đây vài năm những mộ liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ đã được thân nhân đến bốc về, có người thì cho rằng hiện vẫn còn mộ liệt sĩ nằm bên “cánh đồng mộ hoang”.
Tuy nhiên, trải qua thời gian chiến tranh, bom đạn cày xới nên không thể định vị được những ngôi mộ nằm ở vị trí nào. Những người tham gia chôn liệt sĩ thì cũng đã chết cả. Họ không kể lại cho lớp người sau nghe về vị trí đặt mộ liệt sĩ nên không người dân nào ở đây còn nhớ tới.
Máy xúc “vật lộn” bên “cánh đồng mộ hoang”
Nằm ngay trong “cánh đồng ma” là một ngôi miếu côi cút không tên trầm mình cùng sương gió thời gian. Anh Lê Ngọc Bảo cho biết: “Ngôi miếu là nơi thờ cúng những linh hồn lảng vảng bên cánh đồng. Hằng tháng, cứ vào ngày rằm là dân làng phải thay nhau đem hoa quả ra miếu thắp hương để cho những hồn ma không vào làng quấy nhiễu dân lành”.
Bên ngôi miếu có một tượng rùa đá cụt đầu, nhiều người cho rằng, tượng rùa cụt đầu xuất hiện cùng thời gian với ngôi miếu.
Năm 2009, làng Yên Hòa làm một cây cầu bắc qua con kênh nhỏ đi xuyên qua ngôi miếu trong “cánh đồng mộ hoang”. Đến khi khởi công công trình có ba, bốn chiếc máy xúc được huy động đến xúc đất miếu, nhưng thật kỳ lạ là tất cả những chiếc máy xúc cứ đến miếu là chết máy, đưa ra khỏi miếu máy lại nổ ngon lành.
Thấy lạ, người dân đã làm lễ cúng xin thần miếu cho di chuyển đến địa điểm mới. Sau đó dân làng góp gạch xây miếu mới ở cạnh rồi khiêng cả rùa đá đến địa điểm mới. Khi di chuyển xong những chiếc máy xúc bỗng dưng hoạt động bình thường mà không bị chết máy nữa.
Nguồn tin: baodatviet.vn
Comment