giai-loi-nguyen-cay-cau-ma-am-gay-chet-nhieu-nguoi
Giải lời nguyền cây cầu ”ma ám” gây chết nhiều người
- bởi tamthuc --
- 08/01/2013
Ông Nguyễn Văn Điều sống gần cây cầu năm nay đã ngoài 80 tuổi kể: “Ngày còn nhỏ, mỗi lần đi chăn trâu, bố mẹ dặn không được tắm ở cầu Ma bởi ở đấy có rất nhiều người chết và nếu không cẩn thận sẽ bị ma bắt đi.
Thời trước, vùng này còn là rừng rậm âm u. Quanh làng có một con suối quanh năm nước chảy trong vắt, ngăn cách địa lý giữa xã Cộng Hòa với thị trấn Sao Đỏ. Người dân trong làng đã kết những thân tre bắc thành cầu để thuận tiện cho việc đi lại. Từ khi có cây cầu, thỉnh thoảng người ta lại phát hiện xác trẻ con chết đuối ở đầu nguồn trôi về. Trẻ con thì tuyệt nhiên không dám bén mảng quanh cây cầu từ lúc chiều tối. Người lớn nếu có đi đêm cũng phải đi 2, 3 người, đốt đuốc sáng trưng. Có lẽ, tên cầu Ma xuất phát từ đó”.
Cho đến tận bây giờ, những người già trong làng vẫn rỉ tai cho con cháu những câu chuyện nhuốm màu mê tín, huyễn hoặc ở cây cầu thủa ấy. Như chuyện có người một mình qua cầu, nghe rõ tiếng nhảy “ùm”, nhưng quay lại thì không thấy ai, dù cho nước bắn tung tóe. Hay có những đêm trời đổ mưa, đứng trong làng nhìn ra, người ta thấy những đốm sáng lập lòe ở quanh cây cầu… Những câu chuyện hư hư, thực thực ấy khiến cho không ít người đi qua đoạn đường này dựng tóc gáy.
Thấy tôi hỏi về cầu Ma, bà cụ bán nước gần cầu rỉ tai: “Cây cầu ấy có “dớp”, năm nào cũng có vài người bị TNGT, bỏ mạng ở đó. Hãi lắm! Chết một cũng có nhưng rất nhiều vụ toàn chết cả đôi, cả vợ chồng, đôi yêu nhau cũng không hiếm. Lạ là dù đoạn đường này thông thoáng, không có nhà dân, cũng chẳng va chạm với xe khác mà hầu hết các trường hợp cứ lao cả người và xe vào thành cầu mà chết. Chả nhớ được chính xác mỗi năm có bao nhiêu vụ tai nạn, nhưng chắc cũng không dưới 10 đầu ngón tay…”.
Tìm đến nhà một nạn nhân TNGT trên cây cầu này là chị Lê Thị Loan ở thôn Chi Ngãi, chúng tôi được chị kể lại câu chuyện của mình đầy tính huyền bí. “Cách đây gần 2 năm, chị cùng 2 người hàng xóm đi bốc gạch thuê cách nhà chừng 10km. Khi về qua cầu Ma đã gần 23h. Lúc ấy hầu như không có xe nào đi ngang qua nên đường rất tối. Bất chợt người bạn đi cùng bảo “Hôm nay ngày gì mà nhà ai đốt mã lắm thế, lại toàn ngựa to…”. Lời nói còn văng vẳng bên tai mà chẳng trông thấy gì thì đùng một cái, tôi tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện…”. Nguyên nhân là cả 3 chị bị một chiếc xe ôtô 7 chỗ húc phải. Chị Loan bị nặng nhất, phải khâu hơn 40 mũi. Thế nhưng, điều mà chị vẫn còn băn khoăn khi chị không hề nhìn thấy việc đốt mã ở bên đường mà chị bạnđi cùng vẫn quả quyết. Không chỉ riêng chị Loan, ở trong phường Cộng Hòa (Chí Linh), nơi có cây cầu này cũng không ít người trở thành nạn nhân khi đi qua đây như trường hợp của ông Nguyễn Văn Quý và bà Hoàng Thị Khoai đều là công nhân của nhà máy Mỏ đất chịu lửa Chúc Thôn. Cuối năm 2011, sau bữa liên hoan buổi tối cùng cả công ty trở về, chẳng hiểu vì sao khi đến cầu Ma tự dưng chiếc xe máy lao thẳng xuống chân cầu khiến cả 2 tử vong tại chỗ. Hay như ông Nguyễn Văn Thành là Chủ tịch Công đoàn của nhà máy trong một lần qua đây vào một buổi tối đầu năm 2010 cũng tự gây tai nạn khiến ông Thành tử vong…
Những câu chuyện của người bị tai nạn là hoàn toàn có thật nhưng được kể đi, kể lại theo kiểu “tam sao thất bản” cùng với cái tên “cầu Ma” dễ gây liên tưởng khiến cho những người “yếu bóng vía” dễ bị ám ảnh theo chiều hướng mê tín, dị đoan.
Tuy nhiên, lời nguyền ma ám ở cầu Ma đã có lời giải khi vị trí này đã được các cơ quan chức năng xác định là một “điểm đen” TNGT. Sự bất cập về hạ tầng được xác định là khi mở rộng, nâng cấp QL18, do muốn tận dụng cây cầu cũ nên mặt cầu không được mở rộng đồng bộ với mặt đường khiến cho cầu Ma thắt hẹp khi mặt cầu chỉ có 7m so với 11m mặt đường. Không những thế, 2 bên cầu còn có gờ cao 20cm khiến ôtô, xe máy khi qua đây thiếu quan sát thường hay đâm vào 2 bên thành cầu. Trước năm 2008, đây cũng là đoạn đường vắng, không có đèn chiếu sáng trong khi lưu lượng phương tiện trên tuyến ngày một tăng cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều phương tiện tự gây TNGT vào ban đêm. Để khắc phục “điểm đen” này, vào năm 2009, cầu Ma đã được lập dự án và tiến hành khắc phục những bất cập như mở rộng mặt cầu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và cắm thêm các biển cảnh báo TNGT… Với một loạt những biện pháp cải tạo, khắc phục và tuyên truyền vận động người dân có ý thức khi tham gia giao thông, một vài năm trở lại đây, các vụ TNGT, đặc biệt là các vụ có tính chất nghiêm trọng tại vị trí cầu Ma đã giảm đáng kể và gần như được loại ra khỏi danh sách “điểm đen” TNGT trên tuyến đường này.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Cường – Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Chí Linh: “Đúng là trước đây có rất nhiều các vụ TNGT xảy ra ở cầu Ma. Mỗi năm có đến cả chục vụ TNGT, mà hầu hết đều là người dân sống quanh khu vực, gây hoang mang cho người dân địa phương. Từ khi “điểm đen” này được xử lý, mặt cầu được mở rộng bằng với mép đường thì những vụ TNGT đã giảm hẳn. Một nguyên nhân nữa có lẽ do sự ám ảnh của người dân về cây cầu này nên mỗi khi ra đường, mọi người đều nhắc nhở nhau phải cẩn thận hơn nên số vụ TNGT tại cầu Ma đã giảm hẳn trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên đến nay, cách đó khoảng 3km, một cây cầu tương tự như cầu Ma là cầu Đại Tân cũng đang được xem là một “điểm đen” TNGT khi mỗi năm xảy ra hàng chục vụ tai nạn. Nguyên nhân cũng được cho là do mặt cầu hẹp hơn so với mặt đường và còn xuống cấp nữa…”.
Trong một lần trao đổi mới đây về những bất cập trên tuyến QL18, trong đó, có việc khắc phục “điểm đen” TNGT trên cầu Đại Tân tại Km42 (QL18 qua Tx. Chí Linh) chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Lâm – Phó Tổng Giám đốc Khu QLĐB II cho biết: “Là một “điểm đen” TNGT nên khắc phục tạm thời nguy cơ TNGT trong khi chưa bố trí được nguồn vốn cải tạo, đơn vị quản lý đường bộ đã tiến hành cắm một số biển báo hạn chế tốc độ và cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên tuyến. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để bất cập tại “điểm đen” này thì cần phải lập dự án riêng, nằm ngoài kinh phí bảo dưỡng đường bộ thường xuyên. Hiện chúng tôi đang cố gắng lập dự án đầu tư để khắc phục bất cập này. Tuy nhiên, trong khi chưa bố trí được nguồn vốn cũng rất cần có sự nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên những đoạn đường như vậy bởi việc phát sinh các “điểm đen” ngoài yếu tố hạ tầng còn có liên quan đến ý thức tham gia giao thông…”.
Hy vọng với những nỗ lực của cơ quan chức năng và ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng lên, sẽ không còn những cây cầu “ma ám” trên tuyến đường huyết mạch này.
Bài và ảnh: Ngọc Anh
TAMTHUC
Comment