bi-an-mo-tang-trau-trong-dan-te-nam-giao
Bí ẩn mộ táng trâu trong đàn tế Nam Giao
- bởi tamthuc --
- 21/11/2012
Ít người biết, trong quá trình phục dựng, tôn tạo Đàn tế Nam Giao thuộc Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), các nhà khoa học đã phát hiện một mộ táng trâu còn nguyên vẹn bộ xương nằm giữa bức tường của Đàn tế. Nó được phỏng đoán là mộ táng chú trâu được dùng làm vật tế lễ khi khởi công xây dựng Đàn.
Mộ táng bí ẩn
TS Đỗ Quang Trọng – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, thông tin: “Trong quá trình tôn tạo, phục dựng Đàn tế Nam Giao, các nhà khoa học đã phát hiện một mộ táng nằm gọn trong huyệt xây bằng đá. Vị trí của ngôi mộ đá này nằm dưới lòng bức tường bao vòng ngoài của Đàn tế Nam Giao, phía tiếp giáp với núi Đốn Sơn.”
Rất nhiều các giả thiết được đặt ra, nhưng cuối cùng, để đảm bảo cho công tác phục dựng lại toàn bộ Đàn tế, đoàn khảo sát đã quyết định khai quật ngôi mộ táng. Thật bất ngờ, đó là một bộ xương rất to, trong tư thế nằm ngửa, gần như còn nguyên trạng. Đó là bộ xương gia súc, và nhiều khả năng là bộ xương trâu. Thời điểm phát hiện ra ngôi mộ táng này vào khoảng tháng 4/2012.
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ đưa ra kết luận, đây là bộ xương trâu. Nhưng câu hỏi đặt ra là, vì sao lại mai táng trâu ở vị trí xây dựng Đàn, và được dựng mộ đá khá nghiêm cẩn?
“Đối với người phương Đông, quan niệm “tam sinh” (ba vật dùng trong lễ tế thần gồm trâu-dê-ngựa) đã trở thành luật bất thành văn và ăn sâu trong lòng người Việt. Có thể, ngày trước khi dựng Đàn tế, cụ Hồ Quý Ly đã cho cúng trâu để tế thần linh. Mặt khác, xứ Thanh là vùng canh tác lúa nước màu mỡ phì nhiêu, nên con trâu luôn được đánh giá cao, là “đầu cơ nghiệp”. Có thể đó là lý do Hồ Quý Ly cho cúng tế thần linh bằng trâu, với mong muốn dân được no đủ, mùa vụ bội thu” – Tiến sỹ Trọng phân tích.
Ngay gần vị trí mộ đá táng trâu trong Đàn tế, hai khối non bộ tự nhiên là một phần dính liền của núi Đốn Sơn (hòn núi mà Đàn tế dựa lưng vào theo thế phong thủy, tựa núi vọng thủy, vì phía trước Đàn tế là con sông nước trong vắt) xếp khá đối xứng nhau: một bên có 7 ngọn và một bên có 8 ngọn. Điều này cho thấy, đây là vị trí phong thuỷ đắc địa và người xưa khi xây dựng Đàn tế đã tận dụng sự đăng đối của tự nhiên để phối cảnh.
Bộ xương trâu được phát lộ tại Đàn tế Nam Giao
Trước khi di tích Đàn tế nằm trong quần thể Thành nhà Hồ được phong di sản văn hóa hế giới, Đàn tế Nam Giao là một khu đất bằng phẳng, được trồng keo, trồng cây bạch đàn, tai tượng… theo các dự án rừng khai thác của địa phương. Vị trí bức tường vòng ngoài của Đàn tế có mộ đá táng trâu và hai hòn non bộ đối xứng này, trước nguyên là một con đường mòn người dân bản địa từ khai phá để… đánh trâu vào núi. Người ta cũng đổ vật liệu thải của nhà máy sản xuất gạch gần đó khiến toàn bộ Đàn tế bị chôn lấp.
“Khi khai quật bức tường, chúng tôi thấy làm may mắn khi thấy một đoạn tường đổ xuống không hề bị lộn xộn mà theo từng lớp gần như nguyên vẹn. Trên cơ sở này, chúng tôi đã dựng lại, đo đếm và xác định được gần như chính xác chiều cao của Viên tường” – TS Trọng nói.
Gian nan bài toán bảo tồn
Theo sử sách, Đàn tế Nam Giao được xây dựng vào tháng 8/1402 trên núi Đốn Sơn (hay còn gọi là Núi Đún). Lễ tế Giao đầu tiên của triều Hồ được tổ chức cùng năm. Di tích Đàn tế nằm trong lòng hai đỉnh của ngọn núi này theo thế dựa vào tay ngai, lọt trong khu vưc La thành (vòng ngoài) của Di tích Thành Nhà Hồ. Do địa thế sát chân núi, thoải dần về phía Nam nên khu vực Nam Giao quanh năm khô ráo. Các cuộc khai quật khảo cổ từ năm 2004 đã làm xuất lộ một Đàn tế có nền móng còn tương đối nguyên vẹn nhất trong số các đàn tế Nam Giao được biết đến ở Việt Nam.
Là người trực tiếp tham gia khai quật, phục dựng Đàn tế, TS Đỗ Quang Trọng kể lại: Năm 2004, sau khi dâng hương xin Đức Vua về việc khai quật Đàn tế, như được linh ứng, đoàn khảo cổ thực hiện một hố khai quật chỉ 12m2 thì thật bất ngờ khi phát lộ cửa phía Đông của Đàn tế. Bởi trước đó, toàn khu này là vườn trồng keo lá tràm của người dân, bệnh viên và hàng loạt nhà ở của dân đã tồn tại nhiều năm trên mảnh đất này.
Thậm chí, nhiều ngôi mộ táng của dân trong vùng cũng đã được chôn cất ở đây từ lâu. Chính vì thế, khi phát lộ hố khai quật đầu tiên, các nhà khoa học đã nhanh chóng định hình khu vực Đàn tế để khai quật, không làm hỏng những gì còn lại.
Giếng Vua trong khu di tích Đàn tế Nam Giao
Phần khảo cổ đã phát lộ cho thấy, di tích đã bị phá hoại nghiêm trọng, bởi các yếu tố như: Việc trồng cây keo tai tượng và các loại cây khác đã đàn phá vào nền móng; việc xây dựng nhà ở của dân đã san bạt di tích, đào phá nền di tích và khai thác tối đa nguồn đá cổ để xấy dựng, khiến trên 90% đá của di tích đã bị lấy mất; việc xây dựng lò nung vôi cạnh di tích và lấy đá di tích để nung vôi vừa phá huỷ đá vừa phá huỷ chân nền di tích; việc xây dựng đường xe trâu cũng phá huỷ phần lớn Viên đàn và Thần đạo cùng hai Tam quan ở nền 2; việc xây dựng Bệnh viện Vĩnh Lộc đã san mất toàn bộ góc Tây Nam nền 5; việc đào ao của dân đã phá huỷ toàn bộ góc Đông Nam ở nền 5…
Do ý nghĩa và giá trị to lớn của di tích nên việc bảo tồn cấp thiết trước khi có một giải pháp tổng thể là vô cùng cấp bách. Nếu không bảo tồn thì nguy cơ di tích bị biến mất sẽ rất cao. Các chuyên gia của Tổ chức quốc tế về các công trình và di tích (ICOMOS) đã có văn bản yêu cầu chống xói lở, bảo tồn khẩn cấp cho di tích. Do vậy, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn thi công tiến hành công tác bảo tồn.
Sau quá trình dài vừa khai quật vừa đi học hỏi công tác bảo tồn đàn tế và di tích ở các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các nhà khoa học đã chọn được hướng bảo tồn khả thi nhất. Lúc đầu, có ý kiến cho rằng, nên làm một khu nhà bạt rộng để che chắn gió mưa. Thế nhưng, phương án này bị bác bỏ, vì vừa tốn kém vừa thiếu thực tế, khả năng bị đổ do gió bão rất cao.
Cũng có phương án đưa ra là nên che bạt như ở một số di tích đã làm. Thế nhưng, phương án này cũng không nhận được sự đồng thuận cao. Cuối cùng, sau khi trực tiếp tham quan di tích khảo cổ kinh đô Asuka và Nara ở Nhật Bản, các nhà khoa học đã thống nhất dùng một loại giấy đặc biệt của Nhật. Theo đó, sau khi khai quật, từng phần sẽ được bao bọc loại giấy này, sau đó lấp đất lên trên để tôn tạo theo phác thảo hình khối ban đầu của Đàn tế, giúp chúng ta có thể mường tượng rõ nhất về tổng thể khu vực Đàn tế cách đây hơn 600 năm.
Tổng diện tích mặt bằng Đàn tế khoảng 30.000 m2; khối lượng đất đào đắp xây dựng nền Đàn ước khoảng 30.000m3. Di tích có cấu tạo 5 cấp cao dần lên (nền 1 cao nhất là 21,7m; nền 5 thấp nhất là 12m so với mực nước biển); các cấp nền được xây bó vỉa bằng đá, móng tường đàn được xây bằng các loại đá phiến và đá phấn có màu đỏ son và vàng nhạt; trên các nền Đàn còn lại dấu tích các công trình kiến trúc như đường Thần đạo, nền sân lát gạch, các vòng tường đàn, nền đàn thờ đa thần, Viên đàn, Thần trù, Thần khố, Trai cung, Giếng Vua, hệ thống cống thoát nước, đường đi, các cổng, cửa được bố trí rất đăng đối và khoa học…
Với ngôi mộ đá táng trâu nằm trong bức tường của Viên thành, thời điểm hiện tại, người ta mới lấy tạm một tấm phên tre phủ lên trên bề mặt. Theo kế hoạch, tới đây, số cốt xương của con trâu được chọn đem tế lễ hơn 600 năm về trước sẽ được khai quật. Mô hình mộ đá sẽ được dựng lại để đảm bảo thống nhất toàn vẹn của di tích Đàn tế trong quần thể Di sản Thành nhà Hồ.
TAMTHUC
Comment