nhung-dieu-ky-bi-trong-the-gioi-tam-linh
Những điều kỳ bí trong thế giới tâm linh
- bởi tamthuc --
- 11/11/2012
Theo tục vay tiền, đầu năm (thường đến hết tháng giêng âm lịch, và vào các ngày vía, ngày mùng 10 cúng Thần Tài, ngày rằm tháng giêng) đi vay tiền Thánh, cuối năm vào tháng chạp âm lịch đến trả lễ. Có người đến trả bằng cách cúng dường bằng tiền cho các đền thờ bảo dưỡng, hay cúng một con heo quay v.v…
TỤC VAY TIỀN THÁNH
Tục vay tiền Thánh có thể xuất hiện từ thế kỷ XVIII tại nước ta, theo các sách nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian, chuyện vay tiền Thánh có xuất xứ với tích Bà Chúa Kho, càng về sau qua tục thờ Mẫu, thờ Ông khắp nước, đến các đền miếu như Bà Chúa Xứ, Linh Sơn Thánh Mẫu, Chùa Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Ngọc, đền Đức Thánh Trần , Ông Bổn, Chùa Ngọc Hoàng, Lăng Ông Lê Văn Duyệt v.v… đều được bá tánh thập phương đến vay tiền hàng ngày.
Ngược dòng lịch sử ta tìm hiểu về tục vay tiền từ truyền thuyết của Bà Chúa Kho.
Bà Chúa Kho là một nữ thần được dân chúng tôn kính rất mực, tên gọi phần lớn do dân gian sùng bái mà thành, nhưng tiểu sử của Bà lại là một nữ nhi quả cảm, một phụ nữ đứng ra lo việc lương thực cho muôn binh dưới thời đại nhà Lý.
Bà xuất thân trong một gia đình nghèo ở làng Quả Cảm, được vua Lý (không rõ đời vua Lý nào, vì triều đại nhà Lý có 9 đời vua kế tiếp trị vì đất Đại Việt đến 215 năm, từ 1010 đến 1225) lấy lam vợ.
Khi ấy đất nước còn chưa khai hoang lập ấp nhiều, ruộng đất còn bỏ hoang, Bà liền xin vua cho đi chiêu dân khai khẩn đất trồng lúa. Tháng tám vào mùa nước nổi, nhưng Bà không hề ngại gian khổ, tay đeo quai tay vãi trấu từ Quả Cảm đến núi Bãi, trấu trôi đến đâu Bà cắm địa giới đến đó.
Triều đình nhà Lý bấy giờ có đặt ở Cổ Mễ và Thượng Đồng (Bắc Ninh) những kho lương thực lớn, nhà vua giao Bà trông nom, cùng số tù binh người Champa và Trung Hoa bắt được mỗi lần giao chiến, để phục vụ trong trang ấp.
Có tất cả 72 trang ấp có những tù binh như thế, Bà bắt họ làm ruộng, gặt hái xong số thóc gạo được đưa về kho. Nên lương thực trong nước không bị thiếu hụt nếu có thiên tai địch họa xảy đến.
Sau khi Bà chết, dân chúng nhớ đến ơn Bà liền lập đền thờ tại Cổ Mễ (Vũ Ninh, Bắc Ninh) và lấy ngày 10/1 âm lịch làm ngày giỗ hàng năm.
Lai lịch ngôi đền Bà Chúa Kho được lập năm nào cũng chưa thấy sách nào nói rõ, nhưng hiện nay ngôi đền được trùng tu có quy mô hơn xưa, nằm tại núi Kho và có tên “Chủ Khố Linh Từ”. Bà còn được phong là “Truy nương tướng thần nữ” và “Linh Từ Quốc Mẫu”.
Truyền tích về Bà Chúa Kho không mang tính thần kỳ như những nữ Thần, nữ Thánh khác. Tuy vậy theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Bà không phải là hoàng hậu của vua Lý, mà là công chúa thứ 6 của vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), có tên Lý An Quốc, sinh ngày 12/4 năm Giáp Ngọ, con của thứ phi Lê Thị Mai, sau khi Lý An Quốc lên hai thì bà mất (An Quốc là con gái đầu lòng của bà, sở dĩ đứng hàng thứ 6 vì Hoàng hậu Thượng Dương sinh được năm người con cũng là gái). Do hai người vợ đều không có con trai, nên vua Lý Thánh Tông cưới thêm bà Ỷ Lan lập làm Nguyên phi, bà Ỷ Lan sinh được Hoàng thái tử Càn Đức (sau kế tục ngai vàng lấy tên triều đại là Lý Nhân Tông 1072-1128).
Sau khi mẹ chết, Lý An Quốc ở với Hoàng hậu Thượng Dương, lớn lên được tiếng học giỏi thông minh, lanh lẹ tháo vác được cả triều đình yêu mến. Tới tuổi cập kê, vua Lý Thánh Tông gả An Quốc cho Hoàng Lục người CaoBằng.
Năm 1076, nhà Tống bên Trung Hoa sai Quách Quỳ tiến quân đánh chiếm đất Đại Việt. Phò mã Hoàng Lục chồng công chúa Lý An Quốc tử trận tại Cao Bằng (Hoàng Lục sau hiển Thánh, vì vậy trong đạo thờ Tứ phủ có ông Hoàng Lục nhưng ít về nhập vào các giá đồng), khi đoàn quân thứ hai của Tống triều do Miên Lý phó tướng của Quách Quỳ dẫn quân vào ngả này.
Tướng quốc Lý Thường Kiệt cho xây phòng tuyến từ Thái Nguyên đến Phả Lại. Tại sông Cầu, ông giao Lý An Quốc giữ chức hậu cần, đóng kho ở vùng Trúc Lác (phía bắc sông Cầu) và kho Vũ Ninh (phía nam sông Cầu) để phân phối lương thực cho quân sĩ từ Thái Nguyên đến Phả Lại.
Sau khi Quách Quỳ chiếm Lạng Sơn, công chúa An Quốc biết khó lòng giữ vững phòng tuyến phía bắc sông Cầu, Bà ra lệnh giải phóng kho phía bắc qua phía nam, mặt khác cho dân vay thóc không lấy lãi, còn người nghèo được phát thoc cứu tế để lương thực không rơi vào tay giặc Tống.
Tháng giêng năm 1077, phó tướng thứ hai là Yến Anh của Tống triều đánh chiếm được phía bắc, thừa thắng chúng xua quân xuống phía nam, nhưng bị lực lượng của tướng quân Lý Thường Kiệt đánh chận. Quân Tống cạn lương thực muốn chiếm kho lương tại Vũ Ninh, nên bao vây và gửi thư chiêu dụ Lý An Quốc giao kho lương thì Bà và quân sĩ sẽ an toàn tính mạng.
Biết thế giặc mạnh, Bà giả vờ thuận ý để kéo dài thời gian chỉnh đốn lại binh mã, rồi sai người dùng diêm sinh lưu huỳnh, dầu phọng chuẩn bị thiêu hủy dãy quân lương Vũ Ninh gồm 9 kho gạo, 2 kho vũ khí để không còn thóc gạo rơi vào tay quân Tống.
Chuẩn bị xong, Lý An Quốc ra lệnh phóng hỏa và cho quân sĩ mở đường về đông nam, đánh với giặc theo kế điệu hổ ly sơn, mặt khác cho quân chạy ra hướng tây bắc đến Yến Phong. Còn Bà ở lại chỉ huy cánh quân đông nam, dặn dò quân sĩ nếu Bà có mệnh hệ mà hy sinh thì phải giấu xác không cho giặc cướp thây.
Quả đúng như Lý An Quốc suy tính, vào giờ thìn ngày 16/2/1077 (tức 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ), Bà anh dũng hy sinh sau khi bị 24 mũi tên của giặc, khi đó Bà mới 23 tuổi vừa chết chồng và chưa có con.
Nguyên phi Ỷ Lan rất thương tiếc, sai lập miếu thờ Bà tại chân núi Vũ Ninh (tức đền Cổ Mễ, Vũ Ninh, Bắc Ninh ngày nay) và phong Bà chức “Lý chiêu phong chi cục hậu cần”.
Tuy nhiên đền thờ Bà Chúa Kho không chỉ có ở Cổ Mễ, tại Hà Nội có đền Giảng Võ cũng thờ Bà Chúa Kho với một sự tích khác như sau :
– Đời nhà Trần, Lý Quýnh quê Cổ Pháp (Đình Bảng, Bắc Ninh) làm chức Điện Bộ Binh Lương, chuyên về kho vận quốc phòng. Kho lương này đóng ngay kinh thành Thăng Long, nên ông lấy thêm bà Nguyễn Thị Duyên, còn bà cả tên Trần Thị Đoan có với ông bốn người con trai. Bà Trần Thị Duyên sinh ra một gái lấy tên Lý Thị Châu, thương gọi Châu nương.
Châu nương tài sắc vẹn toàn, lớn lên thường giúp cha trông coi sổ sách và cả những công việc mà cha cô làm mỗi ngày. Ai cũng khen Châu nương thông minh tài giỏi. Năm cô lên18, Lý Quýnh mất, sau khi mãn tang cha có viên quan họ Trần tên Thái Bảo xin cưới làm vợ. Ông này làm Đốc bộ ở Hoan Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An). Châu nương thuận lòng, ăn ở rất hạnh phúc.
Khi giặc Nguyên lấy cớ mượn đường đánh xuống Chiêm Thành, Phù Nam, vua Trần không ưng thuận, chúng liền đánh thẳng vào nước ta. Trần Thái Bảo, chồng của Châu nương được lệnh chống giặc ngoại xâm, Châu nương liền hiến kế cho chồng, cứ chặn giặc nơi tiền phương còn Bà lo bảo vệ kho lương, cùng tập luyện quân binh. Cho nên vào lúc tiền phương thiếu hụt lực lượng hay lương thực, liền được Châu nương tiếp viện kịp lúc, quân Nguyên không tràn vào chiếm Hoan Châu được và thua tại trận tuyến này.
Vua Trần Nhân Tông hay tin liền ngơi khen hai vợ chồng Trần Thái Bảo là giỏi, phong Thái Bảo chức Tiền Quân Dực Thánh coi về lực lượng bảo vệ hoàng cung; còn Châu nương chức coi kho lương ở phủ Phụng Thiên.
Năm 1285, vua Nguyên sai Thoát Hoan đem 50 vạn quân xuống đánh Đại Việt và 10 vạn quân từ Chiêm Thành đánh lên theo thế gọng kềm. Vua Trần Nhân Tông thấy binh lực của mình không thể địch nổi 60 vạn quân Nguyên, nên cho rút quân ra khỏi Thăng Long để bảo toàn lực lượng. Trần Thái Bảo trấn nhậm phía sông Hồng chống giặc và tử trận tại đây. Châu nương hay tin buồn đau vô hạn, nhưng Bà cố nén đau thương để hoàn thành nhiệm vụ vua giao.
Giặc mạnh nên Châu nương biết rằng khó bảo toàn được kho lương thực, bà đem chôn giấu và đem thóc lúa ra phân phát cho dân chúng. Khi giặc vây tỏa Thăng Long, Châu nương bị chúng bắt. Bà đành lấy cái chết để báo đền ơn nước, trọn nghĩa với chồng.
Về sau trong đám quân sĩ theo Bà nói rằng, khi Bà hóa, chiếc khăn lụa hồng mà Châu nương thường mang theovuột khỏi người bay về Giảng Võ, nơi chôn nhau cắt rốn của Bà. Còn lúc quân Nguyên tràn vào kho lương, bị một con mãng xà to lớn dữ tợn phóng ra ngăn cản lại.
Sau khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dẹp tan giặc Nguyên, vua Trần Nhân Tông truy tặng Châu nương chức “Quảng chưởng Quốc khố công chúa” (Bà Chúa Kho quốc gia), và ra lệnh cho hai nơi là Giảng Võ (Hà Nội) và Diễn Châu (Nghệ An) lập đền thơ Bà.
Với các truyền thuyết về Bà Chúa Kho như vừa kể, một người đời Lý ở Cổ Mễ, một người đời Trần ở Giảng Võ, các nhà nghiên cứu chưa thật rõ ai mới chính là Bà Chúa Kho, chỉ biết rằng dân tộc ta có một phụ nữ cai quản kho lương thực rất đảm đang công chính và sau khi hóa thân thành thần Bà rất linh hiển.
Hiện nay dân chúng thường về Vũ Ninh, Bắc Ninh cúng bái, xem đền thờ Bà Chúa Kho nơi đây là chính. Và cũng tại đền thờ này tôn hiêu của bà là “Linh Từ Quốc Mẫu”. Sau này vì nhớ công ơn Bà trước khi hóa Bà đã mở kho lương cho dân chúng vay mượn hay phát chẩn cho dân nghèo, nên khách hành hương đến đền Cổ Mễ rất đông, nhất là vào ngày lễ vía Bà vào mung 10 tháng giêng, ngoài lòng sùng bái còn có mục đích xin tài xin lộc hay đến vay mượn lộc của Bà.
Có vay có trả, người đến vay đã đông còn người đến trả lễ cũng không kém phần náo nhiệt, tiếng thiêng đồn xa ai cũng cho rằng đền Bà Chúa Kho rất linh ứng.
Việc người dân đến đền Bà Chúa Kho vay tiền có lẽ xuất phát từ thế kỷ XVIII, các vị thủ từ cao niên ở đền Bà cho biết, sắc phong của Bà có rất nhiều, từ đời Cảnh Hưng Lê Hiển Tông 1740 – 1786 năm thứ 44 (ban 2 đạo), Chiêu Thống Lê Mẫn Đế 1787 – 1788 năm thứ nhất (1 đạo), Gia Long Nguyễn Phúc Ánh 1802 – 1819 (1 đạo), Thiệu Trị Nguyễn Miên Tông 1841 – 1847 năm thứ tư (2 đạo), Tự Đức Nguyễn Hồng Nhiệm 1848 – 1883 (2 đạo, vào năm thứ 3 và 23), Khải Định Nguyễn Bửu Đảo 1916 – 1925 (1 đạo) các vị vua trên đều ban sắc cho đền, nhưng do thời gian và chiến tranh, việc bảo quản các sắc phong đã bị thất lạc hoặc bị mất mát. Cho đến nay đền chỉ con giữ được 2 sắc phong của vua Gia Long và Khải Định.
Từ những sắc phong như thế tại đền Bà, người dân tôn vinh Bà như nữ Thánh, việc vay tiền Thánh trở thành một hiện tượng vừa mang tính tín ngưỡng dân gian vừa mang tính sùng bái mê tín.
Trở về sau hiện tượng “vay tiền Thánh” đã thành nếp tại các đền thờ Mẫu, thờ Ông những vị được phong Thần phong Thánh, khách hành hương đến ai cũng mở tục vay tiền Thánh như thế.
Ngoài Bà Chúa Kho, tục “vay tiền Thánh” trong dân chúng còn sùng bái hai Thánh Mẫu khác là Bà Thiên Hậu và Bà Chúa Ngọc, vì hai Bà cũng rất linh ứng khi có người đến đền vay tiền, càng về sau bá tánh thập phương còn hướng đến vay tiền Bà Chúa Xư tại Châu Đốc, Linh Sơn Thánh Mẫu tại Tây Ninh, Đền Đức Thánh Trần tại Kiếp Bạc, Lăng tả quân Lê Văn Duyệt, Đền Ngọc Hoàng, Đền Ông Bổn tại TP.Hồ Chí Minh…
Còn theo tục người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, vào rằm tháng giêng ÂL là ngày đi vay tiền Bà Thiên Hậu, tại chùa Bà trong Chợ Lớn hay chùa Bà Bình Dương, vay tiền Ông Bổn ở Chợ Lớn, Gò Vấp… khi trả lễ, người Hẹ chọn ngày rằm tháng 11 ÂL, người Quảng Đông, Quảng Tây, Triều Châu, Phước Kiến, Hải Nam đến trả nợ vay vào tháng chạp âm lịch.
TAMTHUC
Comment