No icon

chuyen-ly-ky-ve-cay-da-nghin-tuoi-co-than-rua-bao-ve

Chuyện ly kỳ về cây đa nghìn tuổi có “thần Rùa” bảo vệ?

(tamthuc.com)-Từ nhân chứng lịch sử…

Tọa lạc ngay bên ngôi đình cổ thuộc xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội, cây đa khổng lồ được coi là cây đại thụ đẹp nhất Việt Nam. Cây đa có chiều cao gần bằng hai tòa nhà cao tầng, xung quanh được bao bọc bằng 9 cái rễ to và hàng chục rễ phụ khác ăn sâu xuống đất. Phần lớn những cây đa cổ thụ “sống” đến tuổi này, đều bị rụng lá, khô cành, thân cây bị mối, sâu đục ruỗng, sần sùi. Thế nhưng cây đa của làng Rùa lại có được sức sống bền bỉ, mãnh liệt hơn thế. Thân cây không những rắn chắc, mà ngay cả tán lá vẫn còn xanh mướt đều nhau, hiếm khi người dân thôn Rùa nhìn thấy một cành khô rời khỏi thân cây.

Theo lời kể của các vị cao niên trong thôn, thì cây đại thụ có tuổi thọ dễ tới nghìn năm. Đến cụ Ngô người già nhất thôn (113 tuổi), cũng không biết rõ cây đa có tự bao giờ. Trước đây, người dân coi cây đa là một loài cây “dại” như bao loài cây khác, tự sinh, tự diệt.Thế nhưng trải qua những biến cố thời gian, cây đa vẫn tồn tại và thể hiện sức sống bền bỉ như một nhân chứng lịch sử quan trọng. Và cho tới ngày nay, cây cổ thụ được người dân địa phương sùng bái như một vị thần đầy quyền uy. Cứ vào dịp lễ tết là dân làng lại sắm sửa lễ vật ra gốc đa cúng “thần”. Họ cho rằng, sở dĩ cây đa có sức sống lâu bền như vậy là có vị “thần” linh thiêng ngự trị cai quản. Có lẽ thế mà đã có rất nhiều câu chuyện cổ mang màu sắc huyền thoại được người dân lưu truyền.

Bằng những “chứng cứ” thực tế, cụ Nguyễn Trường Thọ, một trong các vị cao niên nhất trong thôn kể rằng, những năm 1940, thực dân Pháp kéo quân về đóng ở thôn Rùa. Để cai trị, chúng đặt ra hàng trăm các quy định hà khắc, chúng bắt bớ, đánh đập người thân của những người theo cộng sản. Trước sự chứng kiến của dân làng, chúng tra tấn những chiến sĩ yêu nước bằng những hình thức man rợ như: Treo ngược người lên cành cây rồi lấy roi sắt ra sức quất vào da thịt họ, hay dùng dây thép gai trói những người tù xung quanh gốc cây, chúng bỏ đói, bỏ khát, sau đó lấy vôi bột ném vào mắt khiến nhiều người bị mù.

Không chỉ thế, chúng còn thể hiện sự man rợ bằng cách lấy dao nhọn xẻo thịt khiến người tù đau đớn. Thế nhưng, dù kẻ thù sử dụng hàng trăm biện pháp đàn áp nhưng dân làng Rùa không khuất phục. Nhiều thanh niên yêu nước vẫn tìm đến với cách mạng, và không ít gia đình nuôi giấu chiến sĩ yêu nước.

Những bi thương, mất mát của người dân làng Rùa đều được “thần đa” chứng kiến, bởi những hành động man rợ của chúng đều diễn ra dưới gốc đa này. Mục đích là muốn người dân mất đi tín ngưỡng về các vị thần linh, chúng cho rằng một khi lòng tin đã mất thì sức mạnh đoàn kết chiến đấu cũng sẽ không còn. Không chỉ thế, thực dân Pháp còn thực hiện những quy định cấm đoán nhân dân không được thờ cúng, gia đình nào bí mật thờ “thần đa”  thì bị chúng bắt bớ, đánh đập, thậm chí vu tội chống lại đế quốc Pháp. Chưa dừng lại ở đó,theo lời các vị cao niên, nhiều lần thực dân Pháp đã bí mật cho người cưa đổ cây đa.

Thế nhưng kì lạ cứ mỗi lần những người lạ đặt lưỡi cưa vào thân cây là lập tức xuất hiện những cơn cuồng phong thổi bay tất cả mọi thứ. Những dụng cụ để cưa, chặt cây đều bị sét đánh gãy làm đôi, còn những người chặt cây thì bị “thần linh” hành cho thành điên, cứ tưởng mình là chim, vừa “hót” líu lo, lại vừa muốn được trèo lên cây để bay.

Đến truyền thuyết tâm linh về các vị “thần”

Trải qua những biến cố lịch sử, sự phát triển thăng trầm của thời gian, cây đa làng Rùa vẫn “sống” sừng sững hiên ngang như một kỳ tích huyền thoại. Có lẽ chính sức sống kỳ diệu của nó mà người đời thêu dệt lên những câu chuyện huyền bí mang sắc màu cổ tích  về vị “thần” ngự trị cây đa.

Dân gian có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo” và câu chuyện về một “thần Rùa” ngự trị tại gốc đa được nhiều người dân trong làng truyền tai nhau là có thật. Nhiều câu chuyện huyền bí nửa hư nửa thực được truyền từ đời này sang đời khác. Cây đa trở thành biểu tượng tâm linh của  người dân làng Rùa, và hình ảnh “thần Rùa” oai phong, linh thiêng càng làm cho những câu chuyện dân gian trở nên sống động thực tế hơn. Có lẽ đến bây giờ người dân làng Rùa vẫn tin rằng câu chuyện “thần Rùa” hiển linh vào những đêm trăng sáng là có thật, họ tin rằng vào những đêm trăng rằm, là lúc “thần Rùa” hiện lên  để thưởng ngoạn cảnh trần. “thần Rùa” không bao giờ ra khỏi miếu nên người dân rất khó nhìn thấy . Thế nhưng sự kiện bọn trộm đồ cổ cả gan đến gốc cây đa đào bới cổ vật đã khiến “thần Rùa” tức giận mà hiển linh.

Chuyện kể rằng những năm 1980, không biết tin đồn từ đâu, dưới gốc cây đại thụ hàng trăm năm tuổi tồn tại kho vàng của người xưa để lại. Thế là vùng quê yên ả bỗng dậy lên những đợt sóng ngầm, âm ỉ, mặc dù người dân làng Rùa đều biết, “thần” đa là ông tổ của các dòng tộc không được phép xâm phạm. Thế nhưng lòng tham, đã khiến những kẻ người trần mắt thịt trở nên liều lĩnh, bạo gan bất chấp những lời cảnh báo của các vị cao niên trong làng. Vậy là vào đêm trăng sáng, một toán người với những đồ nghề như khoan, cuốc, xẻng, thậm chí còn mang theo cả mìn tự chế để chuẩn bị cho công cuộc đào vàng. Sau khi làm lễ cúng tế “xin” thần, đám người bắt đầu khoan gốc cây.

Thế nhưng kì lạ, mũi khoan mặc dù còn mới và sắc nhọn, nhưng khi chạm vào gốc cây thì cứ trơ lì ra không hoạt động được. Tưởng mũi khoan có vấn đề, một người cầm cuốc bổ mạnh vào thân cây, thế nhưng, cuốc chưa kịp chạm đến thì bất ngờ chuyển hướng đập ngược lại người cầm. Người thanh niên chỉ kịp hự lên một tiếng, cả thân hình đã bắn ra xa.

Chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đó, cả toán người chưa kịp định thần thì lập tức đã phải nhận lấy sự phẫn nộ của “thần Rùa”. Một ánh sáng xanh bất ngờ lóe sáng, “thần Rùa” sừng sững xuất hiện kèm theo những đợt gió cuốn, bụi bay mù mịt. Cả toán người như chết đứng trước cơn thịnh nộ của vị thần.

Bên cạnh những câu chuyện mang sắc màu cổ tích huyền bí, còn có những câu chuyện rất thực mà đến bây giờ, người dân làng Rùa đều khẳng định chắc chắn là có thật. Chuyện kể về gia đình ông Đ.V.T, từ những năm kháng chiến chống Mỹ, ông T lấy bia đá từ đền Rùa về để làm bậc cầu ao. Từ khi đem đá về nhà, đêm nào ông cũng mơ thấy “thần Rùa” hiện về đòi phải trả, vì đó là tấm bia đỡ đầu của thần. Một đêm, hai đêm rồi nhiều đêm liền ông T đều mơ thấy giấc mơ kì lạ ấy.

Nó lặp đi, lặp lại và trở nên rùng rợn, đáng sợ hơn, có lần ông T mơ thấy “thần Rùa” tức giận đòi đem các thành viên trong gia đình ông đưa ra sông để dìm chết, bắt ông phải trả nợ cho “thần”. Quá sợ hãi, ông T đã mời một vị thầy cúng cao tay  về làm lễ xin “thần”, sau đó ông T kính đem tấm bia trả lại vị trí cũ. Cũng từ đó, ông T không còn mơ thấy “thần Rùa” đến đòi nữa. Câu chuyện này khiến người đời càng tin vào sự thật có “thần Rùa” tồn tại, đến bây giờ tấm bia ấy vẫn đang nằm ở hiên của đình Rùa.

Sau những câu chuyện li kì về “thần Rùa”, người dân ở Vân Hòa tin rằng, cây đa cổ thụ là một nơi linh thiêng và “thần Rùa”, là vị thần tượng trưng cho sự huyền bí, tôn nghiêm cùng với Đức Thánh Tản cai quản vùng núi Ba Vì!

    Bài và ảnh: Lê Hoàng
TAMTHUC

Comment