chuyen-la-co-that-ve-oan-hon-trong-cay-da-o-kien-giang
Chuyện lạ có thật về oan hồn trong cây đa ở Kiên Giang
- bởi tamthuc --
- 06/05/2012
(tamthuc.com)-Đó là cây đa khổng lồ trên con Lộ Tẻ ăn thông qua đất Hà Tiên (Kiên Giang). Người dân địa phương khẳng định dù bóng ma diệt chủng đã lùi xa nhưng hầu như năm nào cây đa này cũng lấy đi vài mạng người.
Đây là lý do mà bà con gọi cây đa bằng nhiều biệt danh như “cây oan hồn”, “cây ma ám”, “cây sát nhân”…
Nhắc đến xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), người ta thường liên tưởng đến cuộc thảm sát man rợ hơn 3.000 thường dân của quân diệt chủng Pôn Pốt. Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng bóng dáng của tội ác vẫn hiện rõ trên vùng đất này với nhà mồ có 1.159 bộ hài cốt, với những hang Ba Lê, hang Cây đa nơi quân Pôn Pốt ném lựu đạn giết hại hàng trăm người… Và không chỉ phơi bày tội ác man rợ, có chứng tích tội ác ở Ba Chúc đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của người dân địa phương.
Đó là cây đa khổng lồ trên con Lộ Tẻ ăn thông qua đất Hà Tiên (Kiên Giang). Người dân địa phương khẳng định dù bóng ma diệt chủng đã lùi xa nhưng hầu như năm nào cây đa này cũng lấy đi vài mạng người. Đây là lý do mà bà con gọi cây đa bằng nhiều biệt danh như “cây oan hồn”, “cây ma ám”, “cây sát nhân”…
Dưới chân nấm mồ khổng lồ chứa đựng xương sọ của 1.159 thường dân Ba Chúc từ trẻ sơ sinh đến các cụ già ngoài 70 tuổi bị quân diệt chủng tàn sát bằng các dụng cụ thô sơ chẳng khác gì các cuộc hành hình thời trung cổ như dùng cuốc bổ vào đầu, tung trẻ em lên cao rồi giương lê…, trước khi đi vào chuyện “cây sát nhân” lấy mạng người, ông Nguyễn Văn Bé, 67 tuổi, người có vợ, 4 đứa con và bố mẹ bị quân Pôn Pốt dồn ra cánh đồng Vĩnh Thông rồi lạnh lùng bổ cuốc vào đầu giết sạch, hồi ức lại quá khứ kinh hoàng: “Ngày 30/4/1977, giữa lúc quân dân Ba Chúc cùng nhân dân cả nước hân hoan long trọng tổ chức kỷ niệm 2 năm Ngày giải phóng miền Nam thì quân Khmer Đỏ vô cớ tràn xuống tấn công 8 tỉnh biên giới Tây Nam, trong đó tấn công An Giang nhiều lần. Do bất ngờ và không tin chúng giết hại thường dân nên quân dân Ba Chúc trở tay không kịp. Đó là lý do mà trong 11 ngày chiếm đóng Ba Chúc (từ 18/4 đến 30/4/1978), đám đồ tể của Pôn Pốt đã dìm Ba Chúc trong biển máu”.
Lặng lẽ thắp nhang cho những sinh linh xấu số, bạc mệnh ở nhà mồ với những bộ xương cốt nhiều khi không lành lặn, nhiều người chỉ còn là hộp sọ vỡ nát, ố vàng, trong đó có vợ con mình, ông Bé âu sầu mà rằng: “Sau khi bị bộ đội ta tấn công, đánh lùi, khi rút đi, đám tàn quân diệt chủng để lại biển xác người, đâu đâu cũng ngổn ngang xác người, xác trên những cánh đồng, xác trong các hang đá, trong chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai… và xác người ngổn ngang dưới gốc cây oan hồn trên con Lộ Tẻ”.
Cận cảnh “cây oan hồn”
Rời nhà mồ Ba Chúc, chúng tôi theo ông Bé ghé khu vực án ngữ “cây oan hồn”. Trên đường đi, ông Bé bỏ nhỏ rằng nhiều năm qua, vì tin cây có thần linh, có oan hồn khu trú nên chẳng ai dám mạo phạm. Mỗi khi lại qua cây đa khổng lồ ấy, các bác tài xe khách liên tỉnh thường dừng xe kính cẩn thắp nhang, cúng bánh trái cho gốc cây vô tri vô giác cầu mong chuyến đi được bình an. “Cây linh lắm chú ơi” – ông Bé, e dè, nói: “Nghe cụ cố rồi đến ông già tôi kể lại, tiền thân của cây đa này là cây dầu đại thụ. Sau này cây đa sống ký sinh, có lẽ do bị cây đa hút hết dưỡng chất nên cây dầu khô héo và chết. Hồi quân Pôn Pốt tràn về Ba Chúc, cây đa không chỉ chứng kiến các màn hành quyết thường dân của chúng mà còn gắn liền với tội ác của chúng với xác người nằm la liệt dưới gốc”.
Đã gặp nhiều cây đại thụ gắn liền với những chuyện ly kỳ như cây đa hình cổ mộ phủ lấy thi hài của một vị tướng không đầu ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), những cây bàng đại thụ lá đỏ như màu máu của các chiến sĩ kiên trung trên ngục tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), hay cây 3 gốc một ngọn trên đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được đồn thổi là nơi có sơn thần trú ngụ và được hàng chục ngàn người mỗi năm hành hương tìm đến khấn vái, mưu cầu tài lộc, gửi bệnh…. Nhưng khi được mục diện “cây đa oan hồn” này, phải nói rằng sự ngạc nhiên của chúng tôi lên đến đỉnh điểm. Cây cao trên 30m, thân khổng lồ cỡ 4 người ôm, rễ quấn chặt rễ tầng tầng lớp lớp với rêu phong bám dày, khiến người xem cứ ngỡ cây phải cả ngàn năm tuổi.
Dưới gốc cây đa là am thờ, nhang đèn, giấy vàng mã… lổn ngổn. Nhưng cái sự lạ mà chúng tôi đề cập không phải ở những điều vừa miêu tả. Vấn đề ở chỗ cây cao to như vậy nhưng lại áng giữa đường, mà lẽ ra người ta có thể đốn bỏ để tránh gây tại nạn cho người đi đường. “Không ai dám đụng vào “cây oan hồn” này đâu chú ơi, có cho vàng họ cũng không dám rớ tới” – ông Bé khẳng định.
Nhà mồ Ba Chúc
Dưới chân gốc cây đa được gọi bằng nhiều biệt danh “cây oan hồn”, “cây ma ám” hôm ấy, chúng tôi gặp ông Lê Văn Đức, nguyên Trưởng ban tổ chức chùa Tam Bửu-Phi Lai (nơi quân Pôn Pốt tràn vào xả súng, tung lựu đạn khiến hàng trăm người chết thảm, được công nhận di tích quốc gia năm 1980), khẽ rùng mình khi nghe chúng tôi đề cập vì sao cây đa lấy nhiều mạng người, nhưng địa phương không đốn hạ. Lời kể của ông Đức, khiến chúng tôi như sống trong những ngày kinh hoàng ở Ba Chúc, khi đám quân diệt chủng dồn nhiều trẻ em, phụ nữ, đàn ông thanh niên ra khu vực gốc cây… để tàn sát.
Với đàn ông thanh niên, chúng bắt họ quỳ xuống gốc cây rồi dùng cuốc bổ vào đầu. Với phụ nữ chúng hãm hiếp rồi dùng những nhánh cây chọc vào cửa mình. Chúng còn bắt nhiều người gối đầu trên ghềnh gộp của cây đa chặt đầu người ta, nắm chân trẻ em đập mạnh vào gốc cây cho nát đầu… “Tội ác của chúng không bút mực nào kể xiết chú ơi” – ông Đức, lại trầm giọng: “Do quá nhiều người bỏ mạng dưới gốc cây đa nên bà con tin rằng cây là nơi trao thân gửi phận của các oan hồn nên không ai dám xâm phạm”. Nhưng có lẽ sự hiện diện của cây đa như là chứng tích tố cáo tội ác của bọn diệt chủng”.
Để minh chứng cho lời mình nói, ông Đức hồi nhớ lại chuyện xưa: “Sau khi đẩy lùi quân diệt chủng và thu dọn xác thường dân, nhân dân Ba Chúc bắt tay vào việc xây dựng quê hương. Trước sự án ngữ giữa lộ của cây đa, có người tính đốn hạ, nhưng suy đi tính lại rồi lại thôi.
Những hình ảnh về cái chết thảm khốc của thường dân Ba Chúc
bên gốc cây đa khổng lồ năm nào
Trao đổi với chúng tôi về chuyện “cây đa oan hồn”, ông Thạch Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc, bộc bạch rằng khi nghe qua chuyện cây đa, có lẽ nhiều người cho rằng đó là chuyện mê tín dị đoan nhưng trước quá nhiều sự trùng hợp nên từ nhiều năm qua, chẳng ai dám mạo phạm gốc cây từng lưu dấu tội ác của quân diệt chủng. “Trước quá nhiều tai nạn do cây đa gây ra cho người đi đường, địa phương chúng tôi cho phép bứng cây miễn phí nhưng không một ai dám nhận lời” – ông Lợi, cho biết!
Khi xem những hình ảnh về cây đa khổng lồ ở Ba Chúc, ông Minh Hùng, một chủ vựa đại thụ ở quận 2, TP Hồ Chí Minh, ước đoán nếu được bứng đưa về thành phố thì cây đa trị giá ít nhất 300 triệu đồng. Trừ chi phí cưa chặt, vận chuyển khoảng 50 triệu đồng và chi phí phát sinh thì phi vụ bứng cây này lời ít nhất 200 triệu. Một món hời như thế nhưng ông Hùng, tặc lưỡi mà rằng: “Ông bà mình có câu “Quỷ cây đa-ma cây gạo”, đừng có dại mà rớ vào mà ôm họa”.
Và giữa lúc không ai dám động đến “cây đa oan hồn” kia thì những tai nạn thảm khốc do gốc cây này vẫn tiếp tục rình rập, gây án với người đi đường. “Người xấu số bỏ mạng gần đây nhất là đồng nghiệp của tôi, thầy Mai Văn Cẩm, giáo viên Trường THCS Lê Trì (thị trấn Ba Chúc)” – thầy Trần Văn Được (Trường PTTH thị trấn Ba Chúc) đau lòng, nhớ lại: “Tai nạn xảy ra vào đêm tối, khoảng 19h30′ ngày 24/12/2010. Khi trên đường từ trường về nhà, chẳng rõ ma xui quỷ khiến thế nào mà thầy Cẩm đã tông vào gốc cây chết tại chỗ”.
Trong quá trình tiếp cận với nhiều người dân Ba Chúc tìm hiểu về “cây đa sát nhân”, chúng tôi nhận được ý kiến, mong mỏi của nhiều người dân, nhất là những người có thân nhân trở thành người thiên cổ vì bị cây đa này lấy mạng, rằng chính quyền huyện Tri Tôn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung cần có biện pháp chấn chỉnh, không để tiếp tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông thương tâm vì cây oan hồn ấy.
“Nếu xác định cây đa là chứng tích tội ác không thể đốn bỏ thì sao không tiến hành di dời cây vào vị trí thích hợp trong quần thể Khu di tích nhà mồ. Như thế vừa góp phần tô đậm di tích vừa xóa bỏ nỗi ám ảnh rình rập người đi đường và dân địa phương bấy lâu nay” – một cụ ông tên Đăng, đề xuất và cho rằng: “Kỹ thuật bứng gốc, di dời cây đa không có gì khó. Cái khó là có mạnh dạn, quyết tâm không mà thôi!”. Hoặc mở rộng khu vực gốc cây đa có hàng rào chắn, gắn phản quang để đêm đến khi phương tiện giao thông qua lại biết đường tránh… Để cây đa kia đỡ đi những chuyện buồn.
TAMTHUC
Comment