cung-tao-quan-nhu-the-nao-la-dung-cach
Cúng Táo quân như thế nào là đúng cách?
- bởi tamthuc --
- 19/01/2017
Người dân Cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp mong cầu các Táo giúp họ giữ “bếp lửa” gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Nhưng cúng như thế nào mới đúng?
Theo sự tích Táo quân của người Việt, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch các vị Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Chỉ cúng Táo quân trong phạm vi gia đình
Theo giáo sư Sử học Lê Văn Lan, cúng Táo quân có hai tầng ý nghĩa. Ý nghĩa khởi nguồn của nó là bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm áp, no đủ của các tộc người. Sau này, dựa trên các sự tích liên quan đến bếp lửa, dân gian mới sáng tạo ra câu chuyện “hai ông một bà” (thần Đất, thần Nhà, thần Bếp), và vẫn mang ý nghĩa mong một cuộc sống no đủ, bếp nhà luôn đỏ lửa.
Không phải ai cũng biết cúng Táo quân đúng cách.
Dù ở tầng ý nghĩa nào thì tục cúng Táo quân cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam cần được giữ gìn và phát huy.
Việc cúng Táo quân chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, với mâm cơm canh thanh sạch, và 3 con cá chép – phương tiện để Táo quân lên chầu Trời, báo cáo công việc của gia đình năm qua. Người dân không nên cúng Táo quân ở nơi thờ chung của cộng đồng.
Mâm cỗ cúng Táo quân
Dưới góc nhìn của Phật giáo, trước đây Hòa thượng Thích Thanh Từ đã khuyên người dân, lễ vật cúng Táo quân không nên quá câu nệ, có điều kiện thì làm mâm cơm canh, còn không thì thành tâm hoa quả là được.
Cúng Táo quân chỉ làm trong phạm vi gia đình
Lễ cúng tiễn Táo quân tại nhà đã được Thượng tọa Thích Thanh Duệ hướng dẫn gồm có:
– Một mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu…
– Hương, đèn, nước, hoa quả tươi.
– 3 bộ mũ – áo – hia Táo quân, vàng nén.
– 3 con cá chép sống.
Sau khi thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn thì thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi đem hóa vàng mã, thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở các Táo lên chầu Trời.
Mâm cỗ mặn tùy gia chủ mà làm.
Mâm cỗ chay vẫn cần trầu cau, hoa quả tiền vàng.
Cúng cỗ mặn hay chay cần thành tâm, tránh cầu kỳ, lãng phí tiền bạc và không phải mua nhiều lễ, đặc biệt là vàng mã.
Muôn kiểu thả cá chép tiễn Táo quân
Sáng nay, xung quanh các ao hồ ở thủ đô nhộn nhịp cảnh người dân thả cá chép, đồ cúng bái trên ban thờ xuống sông để tiễn Táo quân chầu trời.
Bộ mã Táo quân không có quần
Theo nhân viên cửa hàng bán vàng mã kỹ (đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) tư vấn, bộ mã Táo quân chuẩn gồm 3 bộ mũ – áo – hài, 3 cá chép giấy để 3 vị Táo bay lên chầu Trời.
Màu sắc áo của Táo ông giờ không chỉ còn là màu đen, mà có nhiều màu khác nhau, 3 mũ áo Táo quân (trong đó 2 mũ Táo ông có cánh chuồn, một mũ Táo bà không có cánh chuồn).
Bộ mũ áo Táo quân.
Mũ Táo bây giờ không chỉ giản dị là dán hoa giấy, mà được trang trí đẹp bằng kim tuyến, giấy trang kim.
Ngoài bộ mã Táo, vàng tiền mã thì tùy tâm gia chủ. Còn bán kèm thêm bộ mã quan thần linh để cúng đêm 30 Tết.
Áo dài Táo quân bây giờ có nhiều cỡ, phổ biến là mã nhiều màu, áo ngắn, hài bé, kết dính lỏng lẻo, giấy dễ rách. Nhiều người cho rằng với mã đó các Táo mặc vừa ngắn, vừa dễ rách, nhanh cũ…
Vì vậy tuy giá rẻ nhưng người kỹ tính, biết lễ thích mua bộ Táo quân ở các hàng mã kỹ, áo có độ dài như áo thật, làm bằng giấy mã đắt tiền, dày dặn, bóng đẹp, giấy dai, kết dính chắc chắn với quan niệm các Táo sẽ mặc được cả năm.
Các Táo chỉ “đội mũ đi hia, chẳng mặc quần”, nên bộ mã Táo quân nào mà có kèm theo quần là không đúng. Bởi theo người xưa, thần Táo thuộc dòng lửa nước, con người cổ sơ còn hồn nhiên là phải ở trần.
Cúng cá chép sống – cá chép giấy
Hòa thượng Thích Thanh Từ từng hướng dẫn, cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Lễ cúng cá chép là do nhân dân đề ra chứ các vị đã là thần đi mây về gió, thì đâu cần cá chép hay bất cứ phương tiện gì để cưỡi. Vì vậy chỉ nên thành tâm thắp hương cúng lễ.
Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Yên – Giám đốc Trung tâm UNESCO văn hóa – dòng họ và gia đình Việt Nam, ở Việt Nam từ xưa cũng đốt mã cá chép chứ không bầy cá sống vào mâm cúng, không thả cá chép sống. Tới thời nhà Nguyễn mới có việc thả cá chép sống và thành lệ tới ngày nay.
Theo đạo Phật, thả cá chép thật là phát tâm từ bi phóng sinh cho muôn loài, muôn vật, là nét văn hóa đẹp của đạo Phật.
Thả cá chép sống hay cá chép mã không quan trọng và đều được. Nhưng cá chép giấy không có nhiều ý nghĩa như cá chép thật. Nếu có điều kiện, nên dùng cá chép thật để phóng sinh, đó cũng là cách giúp người dân có việc làm nuôi cá chép phóng sinh dịp 23 tháng Chạp.
Vì cá chép được coi là linh vật đưa Táo quân lên trời, nên khi cúng lễ cần đặt thau cá chép ở gần chỗ cúng Táo quân (coi đó là đã được các Táo chứng giám).
Cúng Táo quân ở ban thờ
– Trong bát hương thờ thần linh – được gọi là công đồng thần linh – có thờ đầy đủ các vị thần, trong đó có 3 vị Táo quân. Khi cúng khấn vị nào thì đọc tên vị đó về. Dịp 23 tháng chạp cúng Táo quân thì đọc văn khấn và sớ cúng Táo quân, mời các Táo hưởng lễ.
– Sắm lễ cúng Táo quân cần đầy đủ, và nhất thiết phải có bộ mã Táo quân.
– Lễ cúng Táo quân không nên làm trước hay sau, mà nên cúng đúng 23 tháng chạp. Theo các nhà tâm linh nên cúng xong trước giờ Ngọ (từ 11 – 13h) tức giờ Long Mã, cũng là giờ chư Phật thụ lộc.
Comment