thang-co-hon-chon-gio-cung-khong-dung-de-gap-dieu-xui
Tháng cô hồn: Chọn giờ cúng không đúng dễ gặp điều “xui”?
- bởi tamthuc --
- 16/08/2016
Cúng cô hồn là việc quan trọng của người Việt từ nhiều đời nay nhưng chọn giờ cúng cô hồn cho đúng để tránh điều “xui” không phải ai cũng thực hiện được.
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam coi tháng 7 là tháng cô hồn hay tháng “ma quỷ”. Còn trong đạo Phật thì tháng 7 được coi là tháng lễ Vu Lan báo hiếu. Nói về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Linh Quang (Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành) cho rằng, điều đầu tiên cần phải hiểu thế nào gọi là “cô hồn”?
Hiểu đơn giản thì đó chính là những hồn ma cô đơn, không nơi nương tựa, hoặc những vong hồn chịu cảnh đày đọa ở các tầng địa ngục và bị quản chế do lúc sống làm nhiều việc xấu.
Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Bởi vậy, vào đêm 14/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ.
Giờ cúng cô hồn cần thực hiện trước 23 giờ đêm ngày 14/7. Ảnh minh họa
Nguồn cội của Tết Quỷ gắn liền với văn hoá Đạo giáo của Trung Quốc, bởi Phật giáo không có chủ trương sát sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần.
Ngày 15/7 cũng chính là ngày Lễ Vu Lan của Phật giáo, như vậy Lễ Vu Lan của Phật giáo và Tết Quỷ trong dân gian Trung Quốc là không hoàn toàn giống nhau.
Ở Trung Quốc, Lễ Vũ Lan đầu tiên được bắt đầu từ thời Lương Vũ Đế, đến đời Đường (thế kỷ 7-10) đã rất thịnh hành. Vu Lan là dịch ý từ tiếng phạn Ullambana, nghĩa là giải thoát khỏi sự “khốn khổ vì bị treo ngược”. Như vậy thời gian cúng chúng ta có thể chọn trong ngày 14/7 và trước 23h đêm.
Chuyên gia phong thủy Linh Quang cũng nhấn mạnh rằng: “Mọi người cần hiểu thêm rằng đã gọi là “cô hồn” thì bản thân những vong hồn này lo cho mình còn chưa xong thì không thể phù trợ cho người khác được. Do vậy đây cũng là lý do tại sao chúng ta thường cúng ở ngoài đường (trước cửa nhà) chứ không làm trong nhà. Việc cúng là chúng ta đang ban phát lộc cho những cô hồn này chứ không phải đi lạy lục để những cô hồn phù trợ cho mình.
Vì thế khi cúng không nên cầu xin gì cô hồn, mà chỉ cúng thành tâm gửi hương hoa trà quả lấy lộc cho các cô hồn mà thôi. Luật nhân quả tuần hoàn báo ứng, cho nên chỉ cần thành tâm ban phát lộc cho các cô hồn là được, và hoàn toàn yên tâm khi các cô hồn đã thụ hưởng lộc của gia chủ thì sẽ không quấy phá hay làm hại xui xẻo gì khác”.
Theo các chuyên gia tâm linh, lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên nên thực hiện ban ngày. Còn lễ cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội… nên cúng vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn. Nếu không muốn cúng cô hồn tại nhà có thể cúng tại chùa.
Tất cả các chùa đều làm lễ cúng cô hồn trong một ngày nhất định từ ngày đầu tháng tới rằm. Lễ vật cúng cô hồn, mọi người chú ý không nên cúng xôi, gà, đồ mặn.
Tùy theo phong tục, tập quán từng địa phương mà các bạn thực hiện nghi lễ cúng khấn sao cho trang trọng, tiết kiệm, đơn giản mà vẫn ý nghĩa…nên hạn chế những hủ tục lạc hậu gây hại cho đời sống của chúng ta. Báo hiếu không chỉ là tháng Vu Lan mà báo hiếu từng ngày từng giờ để thể hiện sự biết ơn đối với những đấng sinh thành. Theo www.tamthuc.com thì các bạn nên cúng khấn sao cho hợp lý với hoàn cảnh của gia đình mình!
(Theo Gia đình & Xã hội)
Comment