ky-bi-the-gioi-mo-co-tang-treo-trong-hang-o-suoi-bang
Kỳ bí thế giới mộ cổ táng treo trong hang ở Suối Bàng
- bởi tamthuc --
- 06/11/2015
Hang mộ Tạng Mè là một trong 80 hệ thống hang có mộ táng treo thuộc xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, vừa được Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia (3/2014).
Khu mộ táng lần đầu tiên được các nhà khoa học Việt Nam công bố có niên đại di cốt cách đây 1.240 năm, thuộc loại cổ nhất Việt Nam. Mộ táng có giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng và tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ cần được bảo tồn, giữ gìn phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu.
Vùng đất có nhiều hang mộ cổ
Suối Bàng, một xã vùng sâu, vùng xa nằm bên hồ Sông Đà (hồ thủy điện Hòa Bình) thuộc tỉnh Sơn La đã từ lâu không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp nguyên sơ, tuyệt tác của thiên nhiên, nay còn là địa chỉ du lịch khám phá về những khu mộ hang trên vách đá cheo leo nổi tiếng nhất Việt Nam.
Quan tài cổ được táng trong hang đá, thuộc dãy núi quanh khu vực Suối Bàng, mà tập trung nhất tại bản Nà Lồi. Đồng bào địa phương gọi là núi “Ma Lang Chánh,” nghĩa là “Núi hang ma cổ.”
Một quan tài trong hang ở Suối Bàng. Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+.
Đường đi đến khu di tích Suối Bàng có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy.
Nếu là đường bộ, Suối Bàng cách trung tâm huyện lỵ Mộc Châu khoảng 70km theo Quốc lộ 43, sau đó là đường tỉnh lộ 101 qua hai xã Mường Khoa, Tô Múa.
Còn đường thủy có hai hướng đến khu di tích, một là đi thuyền từ đập thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) lên mạn ngược khoảng 40km, đến bến Lồi (là một trong những điểm chợ phiên ven hồ sông Đà), từ đó đi bộ khoảng 3km là đến trung tâm xã Suối Bàng.
Còn nếu du khách đi từ bến phà Vạn Yên (Quốc lộ 43 nối giữa hai huyện Mộc Châu và Phù Yên) xuôi theo dòng Sông Đà khoảng 20km là đến bến Lồi, địa phận xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Với diện tích tự nhiên là 7.785km2, địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp, xã Suối Bàng từng là khu căn cứ cách mạng thời kỳ kháng chiến. Địa bàn khá rộng nhưng cũng chỉ có 12 bản với 800 hộ, gồm 5 dân tộc cùng đan xen cư trú là Dao, Mường, Thái, Mông, Kinh. Đồng bào nơi đây chủ yếu làm nương rẫy, khai thác lâm, thủy sản ven hồ.
Ấn tượng đầu tiên khi du khách lần đầu đến Suối Bàng là những ngọn núi cao dựng đứng bao quanh lấy thung lũng nhỏ, hẹp. Chảy giữa thung lũng là con suối Lồi trong xanh đi từ hướng nam sang hướng đông và đổ ra hồ sông Đà.
Hai bên đông bắc và đông nam của thung lũng Suối Bàng được chặn bởi “hàng rào” sừng sững những đỉnh núi cao vút. Mỗi đỉnh núi nơi đây có một dáng vẻ khác nhau và được khoác lên một thảm xanh của rừng tự nhiên, tạo nên sự kỳ vĩ của miền khí hậu á nhiệt đới này.
Người ta nói, bởi núi cao chon von, vách đứng nên khó có thể tìm được đường lên núi dù là trên xuống hay từ dưới lên quả là không ngoa. Ngước nhìn lên đỉnh núi Củm Tây cao vời vợi ấy vào những buổi quang mây sẽ thấy gần đỉnh núi đá vôi là những mảng màu trắng có những hố đen, đó là những cửa hang chứa quan tài cổ xưa nhất ở xã Suối Bàng. Chỉ có những thợ săn, hay những người thích mạo hiểm mới có thể trèo lên cửa hang mà ngắm.
Chính quyền xã Suối Bàng nói rằng, các nhà khảo cổ học trong nước đã từng tiến hành những cuộc khảo sát chuyên môn trên những dẫy núi tại khu vực trung tâm xã và trải dài đến tận bờ sông Đà vào những năm 2007, 2009, 2010 và gần đây nhất là năm 2013.
Qua những đợt khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện thêm một số hang nữa có chứa quan tài cổ. Nhưng những cố quan tài này đều có chung đặc điểm, tương đồng, phân bố xung quanh nơi con người cư trú, khoảng cách giữa các hang từ 3 đến 4km, mỗi hang chứa từ 1 đến 36 chiếc quan tài gỗ.
Những cỗ quan tài cổ này này bao giờ cũng được treo ở trên vách núi, hiểm trở, dựng đứng, ngay bên dòng nước (sông hoặc suối). Vì thế, những điểm có hang mộ mang yếu tố phong thủy vừa hài hòa âm dương, vừa mang ý nghĩa nhân bản.
Ngoài xã Suối Bàng có hang mộ cổ, người ta phát hiện còn 5 xã là Tân Lập, Quy Hướng, Quang Minh, Liên Hòa, Xuân Nha (Mộc Châu). Mộ hang là loại hình hết sức độc đáo ở Sơn La nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Khai quật mộ cổ trong hang ở Suối Bàng. Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+.
Kỳ bí trong “hang ma”
Đến Suối Bàng, đầu tiên, ta có thể leo núi khám phá Hang Khoang Tuống I,vì hang này cách trung tâm xã không xa. Nhưng để đến được đó du khách sẽ phải chui qua những đám rễ cây, dây leo chằng chịt, phát đường mà đi trên những lớp lá cây mục và có chỗ phải leo qua những mỏm đá tai mèo sắc nhọn.
Khi chân đã bắt đầu mỏi bởi leo đến độ cao lưng trùng núi trên 130m so với thung lũng (mặt bằng của trung tâm xã) sẽ thấy những miệng hang kiểu vòm ếch “mở ra” trước mắt.
Cửa hang này, hướng đông nam, chỗ rộng nhất khoảng 3,3 mét, với chiều cao hình khum khoảng 1,8 mét và chia thành 2 khoang, ăn sâu vào lòng núi. Bước vào trong hang là bóng tối phủ chùm tất cả.
Trong ánh đèn pin lập lòe, chúng tôi đếm được 7 cỗ quan tài đã khô mục, trong đó 2 quan tài nhỏ hơn, nó bị ai đó quật tung, không còn hài cốt bên trong. Cách đó khoảng trăm mét là một hang nhỏ có chứa 2 chiếc quan tài gỗ còn khá nguyên vẹn, nhưng không tìm thấy hài cốt bên trong, có lẽ hài cốt đã mục theo thời gian.
Theo hướng khác, chúng tôi tiếp tục leo lên núi Củm Tây để khám phá Hang Tạng Mè. Gọi là hang, nhưng thực sự nó chỉ là một mái đá lớn, cao khoảng 12m, rộng 17m, sâu 16m, cách bản Nà Lồi (bản ở trung tâm xã) khoảng 2,5km về phía đông.
Với diện tích hang khá nhỏ hẹp, nhưng chứa tới 30 mộ được táng quan tài làm bằng gỗ đinh thối (loại gỗ cứng, không mối mọt, chịu được mưa nắng). Liền kề khu vực hang mộ Tạng Mè còn có hang Nà Lồi, chứa 36 mộ gỗ.
Các quan tài mộ gỗ đều được chế tác một cách khéo léo từ những thân gỗ to bổ đôi, bên trong khoét lòng máng, hai đầu chế tác mấu chốt hình “đầu thuyền đuôi én.” Một số quan tài trong hang còn khắc gọt tinh xảo hình răng cưa (sóng nước).
Theo Bảo tàng tỉnh Sơn La các di vật, bảo vật của di tích tại hang mộ treo Suối Bàng khá phong phú. Những quan tài này được phân bố ở các địa điểm hang khác nhau, nhưng tập trung nhiều ở hang Nà Lồi hiện đang lưu giữ 36 quan tài gồm 5 loại khác nhau.
Trong đó, hai quan tài to còn xương ống chân, vỏ xương hộp sọ, 1 xương sườn và hàm răng trên còn dính 4 chiếc răng khá nguyên vẹn. Ngay cạnh đó là hang Tạng Mè lưu giữ 30 chiếc quan tài gồm 5 loại khác nhau, trong đó có một quan tài to lưu giữ 1 hộp sọ và một số mảnh xương vụn.
Với những biến động của thời gian và có sự tác động của con người, hiện tại trong 3 hang có chứa số lượng quan tài treo nhiều nhất ở Suối Bàng thì quan tài hầu hết không còn giữ nguyên vị trí. Trước đây những cỗ quan tài này được chủ nhân của nó gác lên giá đỡ hình sừng trâu.
Tại hang Tạng Mè, còn ba quan tài giữ nguyên vị trí ban đầu của nó, nhưng bên trong quan tài gần như trống rỗng. Quan sát, thấy một đầu được gác vào hốc đá, còn đầu kia của quan tài được gác lên 2 giá đỡ hình sừng trâu, là kiểu dáng phổ biến tại khu mộ treo Suối Bàng.
Kiến trúc ở mỗi đầu quan tài có loại được trổ khắc 2 cặp quai đối xứng nhau, cong lên và cong xuống như hình đuôi én (cả 2 đầu quan tài là 4 cặp), cặp quai có đục lỗ hình vuông để nêm chốt khi úp 2 mảnh thân gỗ với nhau. Còn quan tài lớn hầu hết có 6 cặp quai, nêm chốt được đóng từ phía trên xuống, mỗi quai gọt 2 hoặc 4 khía, đầu quai có hình răng cưa.
Leo lên núi Củm Tây đã là một kỳ tích, nhưng nếu tiếp tục hành trình khám phá mộ thuyền, ta không thể bỏ qua điểm hang Cưa Bó trên vách núi ven sông Đà. Hang này cách trung tâm xã Suối Bàng khoảng 8km về phía dọc sông và chỉ cách chợ Lồi (chợ phiên bên hồ sông Đà) khoảng 5km về phía mạn ngược.
Trước đây, hang này cheo leo trên vách đá dựng đứng, cao hơn mặt nước sông Đà chừng 100m, không có đường lên. Nhưng vào mùa tích nước, mặt hồ thủy điện Hòa Bình chỉ cách cửa hang khoảng 20m.
Đi thuyền trên hồ, từ xa mọi người có thể nhìn thấy rõ một chiếc quan tài mộ thuyền đặt chông chênh trên vách đá. Khi leo lên được cửa hang Cưa Bó ta sẽ thấy ngay khoảng chục cỗ quan tài, còn gọi là mộ thuyền treo, bởi nó giống hình thuyền độc mộc thu nhỏ.
Trong đó, có 3 bộ quan tài lớn, 2 bộ quan tài nhỡ, 2 bộ khác nhỏ hơn và một quan tài chỉ có chiều dài khoảng 60cm. Trong quan tài lớn còn giữ được một hộp sọ người khá to.
Cách hang Cưa Bó không xa (cùng trên vách núi) là hang Pưa Ta, chênh vênh trên vách núi hiểm trở, khó trèo. Người dân địa phương kể lại, họ thấy có khoảng 20 cỗ mộ thuyền lớn nhỏ, kích cỡ rộng hẹp, nông sâu khác nhau còn khá nguyên vẹn.
Bên mỏm đá trước cửa hang có dựng một thân gỗ Đinh thối, chiều rộng khoảng 40cm trổ khắc hình một cô tiên đang bay và mắt nhìn hướng về phía mặt trời mọc.
Một Quan tài nhỡ phát hiện trong hang Tạng Mè, mặc dù đã bị rơi xuống nền hang nhưng trong quan tài còn giữ được vỏ hộp sọ người táng. Ảnh: Điêu Chính Tới/Vietnam+.
Giá trị lịch sử,văn hóa của hang mộ táng treo
Những quan tài phân bố tại các hang ở xã Suối Bàng đã cho thấy nét văn hóa tâm linh khá đặc biệt của vùng núi này. Quan tài không chôn, cũng không đặt dưới nền hang đá mà được gác lên sát trần hang. Để giữ thăng bằng cho chiếc quan tài trường tồn, các chủ nhân của nó đã gác một đầu vào hốc đá, đầu còn lại được đặt trên 1 hoặc 2 chiếc giá đỡ.
Trên núi có nhiều hang động, nhưng chỉ hang có địa thế hiểm trở, cửa hang quay về hướng mặt trời mọc thì mới chứa quan tài. Như vậy, rõ ràng có sự quan niệm về âm dương của chủ nhân về những chiếc quan tài treo này.Có nhà nghiên cứu còn cho rằng, việc người xưa táng treo mộ trên vách đá hiểm trở là để tránh người ngoại tộc và thú dữ phá hoại đồng thời dùng cây gỗ đinh thối vừa cứng vừa có mùi đặc trưng làm cho côn trùng cũng như động vật không đến gần.
Theo đó, mộ táng được đặt ngay cửa hang nơi thông thoáng, có ánh nắng mặt trời thường xuyên chiếu vào, làm cho những cỗ quan tài lẫn thân xác người táng bên trong được “xấy ẩm”, bảo quản tốt hơn.
Về “kỹ nghệ chế tác” quan tài, có thể thấy rằng: người xưa đã biết dùng dìu để đốn, chặt cây gỗ cứng, dùng nêm để bổ đôi thân cây gỗ thành 2 phần bằng nhau, sau đó được đục rỗng theo kiểu dáng hình thuyền độc mộc, rồi úp khít lên nhau, hai đầu được khoá bằng những chiếc nêm.
Những cỗ quan tài lớn thường có chiều dài chừng 2,5 mét, rộng 60 cm, trong lòng khoét rộng chừng 40cm. Đầu mỗi quan tài loe ra hình đuôi én, có các cặp quai đục lỗ hình vuông để nêm chốt khi úp 2 mảnh thân gỗ với nhau. Bên trong những cố quan tài, người ta còn tìm thấy nhiều vỏ sò có lỗ để xâu thành chuỗi làm đồ trang sức.
Dựa vào những chứng cứ trên, các nhà nghiên cứu khảo cổ cho rằng: chủ nhân của những chiếc quan tài treo này có thể thuộc cư dân vùng sông nước, sản xuất nông nghiệp.
Ở góc độ khoa học, có thể nói rằng, việc phát hiện hang mộ ở Suối Bàng cũng như ở xã khác tại tỉnh Sơn La là những cứ liệu quan trọng, góp phần không nhỏ trong công tác nghiên cứu khoa học của các nhà khảo cổ, dân tộc học, về nhiều lĩnh vực lịch sử, nhân chủng, tín ngưỡng. Thông qua đó chúng ta có thể vén bức màng thần bí của hang mộ cổ, phác họa được hoàn cảnh kinh tế, xã hội ở vùng cao nguyên Mộc Châu, Sơn La thời cổ xưa.
Dựa vào chứng cứ khoa học của mộ thuyền, có thể nói rằng: chủ nhân của những mộ thuyền này sống dựa vào sông nước, đến khi chết cũng dựng quan tài tượng trưng cho chiếc thuyền để đưa linh hồn về với tổ tiên (đi xa).
Giả thiết về chủ nhân mộ táng treo
Chủ nhân của những chiếc quan tài treo ở Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La hiện vẫn còn là một bí ẩn đối với chúng ta. Qua lời kể những chủ nhân mới bây giờ, họ cũng chỉ biết rằng khoảng năm, sáu đời tổ tiên về trước, một bộ phận người Mường ở Mường Bi (Hoà Bình) do có mâu thuẫn với quan lang, nên đã phải rời bản cũ lên vùng đất Suối Bàng hiểm trở này.
Tìm hiểu truyền thuyết trong dân gian, ngày xưa, khi người Thái thiên di về vùng đất Mộc Châu, người Xá và người Thái đã có sự tranh chấp về đất đai, họ chọn cách bắn tên để giải quyết. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá, nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở. Họ đã đứng ở núi Cắm Tên, xã Mường Sang bắn tên về Suối Bàng.
Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bật nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lại.
Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi và họ bốc mộ đem lên hang núi treo cất trên vách đá để sau này họ sẽ quay trở lại mang theo quan tài con cháu đặt bên tổ tiên.
Còn một truyền thuyết khác kể rằng, những ngôi mộ táng trên các động kia đều là những mộ chứa xương cốt của một bộ tộc ăn thịt người. Chủ nhân của chúng là người Xá xăm mình (xăm ở ngực và chân tay), nhà của họ lợp bằng lá cọ, cỏ gianh.
Để xác định chủ nhân của những chiếc quan tài treo này, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, mới đây đưa ra cách lý giải khác, đó là cư dân thuộc vùng sông nước, sản xuất nông nghiệp. Theo đó, họ có những chiếc thuyền độc mộc, mà những chiếc quan tài treo ở Suối Bàng là hình dạng mô phỏng.
Người Dao đỏ là một trong số cư dân lâu đời sống bên thượng nguồn sông Đà. Họ không những giỏi làm thuyền độc mộc xuôi ngược trên sông Đà, mà còn giỏi trong việc leo trèo trên vách núi. Họ có thể buộc dây mây vào gốc cây mọc ở phía trên đỉnh núi, rồi theo dây leo tụt xuống cửa hang.
Kỹ năng này, hiện nay người Dao vẫn làm để lấy những tổ ong mật trên vách núi đá. Trong đời sống sinh hoạt, người Dao đỏ ở một số bản làng Tây Bắc còn giữ được nét văn hoá tắm máng, mà “chậu tắm” được làm bằng khúc gỗ khoét rống bên trong. Do vậy người ta phỏng đoán, ngoài người Xá Xăm mình, chủ nhân của những chiếc mộ thuyền treo trên vách đá núi là của người Dao cổ.
Tập tục mai táng độc đáo của người xưa dù chủ nhân của nó thuộc dân tộc nào đi nữa, nhưng giá trị của nó không thể phủ nhận. Tục táng này còn phản ánh tư duy của con người. về vũ trụ. Các cửa hang thông từ mái vòm hang trên đỉnh núi chính là nơi giao tiếp giữa con người với tổ tiên, thần linh.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học Việt Nam): Mộ táng ở Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng và tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ cần được bảo tồn, giữ gìn phục vụ nghiên cứu. Nay đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận di tích khảo cổ hang mộ Tạng Mè, thuộc xã Suối Bàng, là di tích cấp quốc gia.
Theo Điêu Chính Tới
Vietnam+
TAMTHUC
Comment