huyen-bi-ngoi-chua-co-bau-vat-nam-trong-to-moi
Huyền bí ngôi chùa có báu vật nằm trong tổ mối
- bởi tamthuc --
- 21/06/2015
Hàng trăm năm qua, người dân lũ lượt đến chùa Tác Đức cầu thăng quan tiến chức, tài, lộc. Bởi họ cho rằng chùa linh thiêng vì có báu vật nằm trong tổ mối.
Hàng trăm năm qua, người dân thôn Đình Vạn và du khách thập phương lũ lượt đến đây cầu thăng quan tiến chức, tài, lộc. Bởi họ cho rằng chùa Tác Đức linh thiêng vì có báu vật nằm trong tổ mối..
Huyền bí về một báu vật.
Bao đời nay, người Mường ở xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) luôn tin vào sự huyền bí của chùa Tác Đức. Theo quan sát, địa thế của chùa nằm án ngữ bên hai dãy núi “Khụ Khoi” và “Khụ Khà” (tên núi của đồng bào dân tộc Mường), bởi thế nó càng tô thêm sự huyền bí cho chùa. Chính giữa điện thờ là một ụ mối to. Do tổ mối ngày một to lên nên một bát hương kế đó đã bị vùi mất một nửa. Theo người đân, tổ mối này chính là nơi cất giấu báu vật..
Chùa Tác Đức cổ kính, uy nghi và huyền bí.
Một người trung tuổi khẽ bảo chúng tôi: “Hôm nay gia đình mang đồ lễ đến chùa để tạ ơn. Vì chùa thiêng nên nhà ai làm ăn phát đạt, có cuộc sống no đủ là họ lại mang đồ đến đây để thắp hương cầu khấn hoặc xin lộc. Kể cả người ở ngoài xã, họ cũng mang lễ như cỗ gà, lợn, thậm chí cả trâu bò đến”.
Biết chúng tôi là phóng viên, lại muốn tìm hiểu lịch sử của chùa, bà Bùi Thị Cậy (chủ tế) cho biết: “Chùa này thiêng lắm vì có vật báu. Hàng năm, người ta đến đây cầu con, cầu buôn bán, cầu thăng quan tiến chức, kể cả mất vàng”. Theo bà Cậy, hiện báu vật này đang án ngữ ở chính giữa đống mối. Do đống mối đùn lấp mất, lại bảo vệ báu vật nên không một ai dám mạo phạm hay trộm cắp.
Nói về sự huyền bí của báu vật, bà Cậy kể: “Cũng lâu lắm rồi, tôi chỉ nghe các cụ truyền lại rằng bức tượng này làm bằng đồng đen, được đưa từ trên núi “Khụ Khà” xuống. Chắc vì thế nên chùa mới thiêng”. Theo lời kể của bà Cậy, ngày xưa có hai anh em lên núi để đốn cột gỗ về làm nhà sàn. Khi lao gỗ từ trên đỉnh núi xuống thì đột nhiên phát ra một tiếng động lớn, vang vọng cả cánh rừng. Lúc hai anh em chạy lại thì nhìn thấy một bức tượng Phật được đúc bằng đồng đen nằm cạnh cột gỗ.
Do tượng “ngự thiền” ở vùng đất thiêng, họ thấy chuyện chẳng lành nên mới cùng dân làng đưa báu vật vào lều để thờ tạm rồi đặt tên là chùa “Tác Đức”. Từ đó đến này, dù đã trải qua các thời kỳ lịch sử nhưng chùa Tác Đức vẫn sống trong lòng dân để “trấn yểm” vùng đất dữ. Đối với người dân, chùa Tác Đức còn là nơi trừng phạt những người làm điều độc ác. Có người sợ đến nỗi không dám bước chân vào chùa.
Chuyện “linh ứng” ở chùa Tác Đức
Theo người dân địa phương, cạnh chùa Tác Đức còn có một mó nước lạ nằm dưới chân núi Khụ Khà. Dân làng cho rằng, lúc mang tượng Phật từ trên núi xuống, họ đã mang đến đây để tắm rửa. Nước mó Khụ Khà lúc nào cũng trong xanh, mát lịm, bởi vậy mà họ còn gọi nơi đây là chốn thần tiên do có cảnh quan thoáng mát. Cũng bởi chùa có mó nước thần tiên nên cứ vào những ngày lễ tết là dân trong bản lại kéo về đây để xin nước. Người dân bản Mường quan niệm rằng, khi tưới dòng nước này lên cơ thể là sẽ có sức khỏe, tránh được tai ương, cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Ngoài ra người dân còn tin rằng, khi có ước nguyện cầu con, uống dòng nước này muốn sinh con trai hay con gái đều được. Bởi vậy mà đã có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, khi đến chùa xin nước thì đột nhiên trở về là có thai ngay. Đối với nhiều người dân, nước ở mó còn giải được bùa ngải. Nếu ai bị bùa yêu, bùa chài là họ đều đến đây để xin nước uống. Theo bà Cậy, ngày xưa để lấy được nước mó Khà là rất khó khăn, bởi xung quanh có nhiều cây cối rậm rạp. Ở mó râm mát, có nhiều “ông” chúa sơn lâm nặng đến vài tạ thường xuyên xuất hiện. Do sợ hổ vồ nên khi người dân đi xin nước là họ đều phải chọn giờ, tránh lúc sáng sớm hoặc xẩm tối.
Đống mối là nơi cất giữ báu vật của chùa.
Cũng theo bà Cậy, sự linh thiêng của chùa còn gắn với một câu chuyện chết người. Bà trầm ngâm kể: “Ngay như hai anh em ruột đi bán dao ở ngoài phố Sấu đây thôi, họ chỉ thề với nhau, thế mà chỉ có bảy ngày là người anh chết”. Theo câu chuyện, thời gian đó người em mới gửi dao cho anh bán hộ để về thăm quê. Tuy nhiên, khi người em trở ra thì dao “không cánh mà bay”. Người em cho rằng người anh đã bán hết số dao của mình. Để chứng minh, họ vào chùa thề độc, nếu ai làm sai thì người ấy chết. Không biết có phải người anh đã chết vì linh ứng của lời thề độc nhưng từ câu chuyện đó đã nhắc người ta ăn ở phải thật thà, ngay thẳng.
Ngồi bên chiếu chùa, một người làng góp chuyện: “Nhiều người mất vàng, mất tiền họ đến đây kêu là đều được hết. Ngay như ông Trịnh quê ở huyện Bình Lục (Hà Nam) mất mười một chỉ vàng. Thế mà từ khi ông kêu lên chùa là người ta mang đến tận nhà để trả lại. Nếu ai đánh rơi tiền, giấy tờ xe, người ta cũng đều đến đây kêu. Hầu như ai kêu được là họ lại quay trở về chùa báo ngài, kể cả ông Trịnh cũng thế”.
Tìm đến người trực tiếp quản lý chùa, ông Bùi Văn Phỏn (47 tuổi) cho biết: “Chùa này đã có từ lâu lắm rồi, hầu như gia đình nào có con cái làm điều không tốt là họ lại dẫn lên đây để sám hối, hứa sẽ không tái phạm những thói hư như trộm cắp, lừa lọc nữa. Kể cả các trường hợp bố, con cãi vã cũng thế, họ lên đây chủ yếu để sửa lỗi”. Theo ông Phỏn, do sự linh nghiệm của ngôi chùa nên mối quan hệ trong các gia đình mới có sự hòa hợp. Bởi vậy mà chòm xóm không có chuyện cãi vã, đánh đập, chửi thề. Hiện trong xóm Đình A gần như không còn nảy sinh tệ nạn trộm cắp.
Có lẽ những câu chuyện về sự linh nghiệm của chùa Tác Đức có phần nhuốm màu tâm linh. Song, đó cũng chính là “kim chỉ nam” để người dân giáo dục con cái, uốn nắn người đời không vi phạm pháp luật. Thông qua những câu chuyện này, họ còn muốn truyền đạt đến các thế hệ bằng những việc làm hợp với “thuần phong mỹ tục”. Vì đối với người Việt, đi chùa cũng là lúc mà họ muốn gửi gắn niềm tin vào cuộc sống
TAMTHUC
Comment