su-day-dut-cua-nhung-nguoi-lam-nghe-hoa-tang
Sự day dứt của những người làm nghề hỏa táng
- bởi tamthuc --
- 02/03/2015
Đây là một nghề cực nhọc, hiểm nguy và độc hại nhưng lại thấm đượm tình người, có ý nghĩa đối với phong tục tập quán người Việt: nghĩa tử là nghĩa tận…
Người sống lo việc…chết
Tôi đến Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa trên đường Tân Kỳ, Tân Quý, quận Bình Tân. Nơi đây xung quanh đầy hoa cảnh và cây kiểng, sạch đẹp và u nhã, khác với tưởng tượng của tôi về một vùng không gian u ám, phảng phất tử khí đó đây. Nếu không có những xe tang ra vào, những tờ giấy vàng mã rơi lã tã trên mặt đường, thật khó hình dung ra đó là nơi hỏa táng người chết. Số lượt hỏa táng tùy theo ngày. Có khi một ngày tiếp nhận 20 ca, nhằm ngày chỉ có 2 ca, có lẽ vì một số người tin ngày giờ tốt xấu (!).
Anh Nguyễn Văn Hiệp nói vậy và cho biết thêm trước khi hỏa táng, quan tài được đưa vào phòng hành lễ, tùy theo phong tục và tín ngưỡng, gia quyến người chết tiến hành theo ý của mình. Theo chân anh Hiệp tôi bước lên đài hỏa táng ở tầng trên. Phòng khá rộng, khoảng 100 m2, di ảnh người quá cố đặt chỗ bàn thờ xây bằng đá granit theo dạng bậc thang đối xứng tựa như ngôi mộ lớn luôn có 6 ngọn đèn thắp sáng lung linh. Chiếc quan tài đặt trước bàn thờ, hai bên đầy vòng hoa chia buồn. Gia quyến đứng xung quanh im lặng, thỉnh thoảng có tiếng khóc tắc nghẹn. Phần hành lễ xong, dưới đài vang lên giọng nói: “Đến giờ hạ huyệt, thân nhân người quá cố lưu ý cho!”. Lúc này chiếc áo quan từ từ hạ dần xuống phía dưới tầng trệt nhờ thiết bị hạ huyệt được thiết kế ngay vị trí đặt bàn thờ. Tiếng khóc bắt đầu òa lên tức tưởi, có người nhào theo buộc người thân phải giữ lại. Bấy giờ tôi hiểu đó là lý do khiến anh Hiệp cho biết tại sao cần phải lưu ý.
Chiếc áo quan vừa hạ huyệt có sẵn 3 công nhân mặc đồng phục màu lam dùng chiếc xe đặc chủng, thận trọng đưa áo quan vào lò thiêu. Lúc này, gia quyến người quá cố lục tục kéo xuống phòng hỏa táng, ngồi vào dãy ghế của khu vực dành riêng cho họ. Ở bên ngoài, họ có thể quan sát cách thức hỏa táng qua khung kính trong suốt và hệ thống màn hình 29 inches được thu dẫn bởi các camera.
Phòng hỏa táng rất rộng có 10, được đánh số thứ tự. Nơi đây phảng phất một mùi đặc trưng, khen khét của mùi tro cốt, nếu không quen khó có thể chịu đựng lâu. Hơn chục công nhân đang bận rộn với công việc. Bốn chiếc quạt đứng to đùng đẩy gió phần phật cũng không làm giảm được cái nóng hầm hập trong phòng. Hai công nhân đang mở lò thiêu lấy tro cốt còn đang đỏ rực, bỏ trên một cái khay sắt hình chữ nhật rồi dùng xe đẩy tay chuyển qua góc phòng nhỏ bên kia. Tại đây, hai anh khác sắn tay cầm đũa gắp từng miếng vụn chưa cháy hết để qua một bên. Sau đó họ lựa ra tro cốt đưa vào cái hũ rồi đánh số ghi tên. Họ làm việc lặng lẽ, chăm chú từng động tác.
Nghĩa tử là nghĩa tận
Vào thời điểm nắp lò mở ra, quan tài được đưa vào từ từ cho đến khi nắp đóng lại. Ngọn lửa hơn 1.000 độ C bùng lên, thân xác tứ đại dù cao quý đến đâu cũng trở thành tro bụi, chỉ có tình cảm còn lại trong những người thân. Anh Trần Văn Phản, hơn 25 năm gắn bó với nghề thiêu xác, tâm sự rằng với kẻ quá cố đây là lần đầu và cũng là lần cuối nên anh em tự nhủ hết lòng với công việc. Khi trung tâm còn thiêu xác bằng củi, thân nhân được vào phòng hỏa táng xem họ châm ngọn lửa vĩnh biệt.
Có kẻ mắng nhiếc họ không tiếc lời, có người quá khích động đã lấy cây củi đánh vào đầu công nhân hỏa táng vì dám đốt xác người thân của họ. Khi quá buồn vì người thân mất nên họ không kềm chế được. Anh em hỏa táng biết vậy nên chỉ năn nỉ, giải thích để họ hiểu và thông cảm. Anh Phản nói xong, vạch tóc cho tôi xem vết sẹo trên đầu như một bằng chứng sống. Hiện nay, tình trạng hành hung nhân viên hỏa táng đã giảm hẳn vì khi hỏa táng bằng gas, thân nhân người chết không được phép vào phòng nên đỡ nhiều rồi. Tuy vậy nhưng vẫn còn không ít những vướng mắc khác.
Anh Huỳnh Văn Trung, dân ”cựu trào” ở đây, cho biết thêm những chuyện oái ăm. Số là có ca hỏa táng kết thúc phần hành lễ lúc 15 giờ, thay vì hạ huyệt đưa xuống lò thiêu ngay nhưng gia quyến lại nằn nì trung tâm đợi cho đến 17 giờ vì thầy cúng đã coi giờ như thế (?!). Vì “làm nghĩa lần cuối” nên anh em công nhân hỏa táng cố dằn lòng dàn xếp cho hợp tình hợp lý. Những chuyện tương tự khó mà kể hết nhưng thông thường là thân nhân người quá cố mua áo quan quá khổ có chiều cao từ 0,75 m trở lên (có lẽ họ nghĩ như thế mới vui lòng người chết) khiến cho các lò thiêu nhập ngoại từ Canada và Mỹ không dung nạp được làm cho tiến độ công việc trì trệ ban đầu. Ngày đêm đánh vật với các thông số kỹ thuật, 2 kỹ sư của trung tâm mới vượt qua được khó khăn này.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xử lý Rác y tế và Mai táng nghĩa trang, cho biết trung tâm phục vụ hỏa táng cho người dân TP với tỉ lệ chiếm từ 20% đến 25% số lượng người qua đời hằng năm. Ông Sơn đưa ra một ví dụ: Tính bình quân một ngôi mộ địa táng chiếm diện tích đất chôn là 3,75 m2 thì trong vòng 10 năm (1988 – 1997) có 72.253 lượt địa táng thì Nhà nước phải tốn 270.948,75 m2. Nếu là hỏa táng thì sẽ tiết kiệm được chừng ấy đất chôn, tránh gây nhiễm môi trường, lại tiết kiệm chi phí thăm viếng hằng năm và chi phí bảo quản mồ mả, nạn cai mộ ”làm luật”, cò nghĩa trang v.v… Tất nhiên, hỏa táng hay địa táng tùy theo quan niệm mỗi người nhưng trong tình trạng đất hẹp người đông không thể không tính đến bài toán tiết kiệm…
NGUYÊN THÀNH (CATP)
Theo: Người lao động
Comment