No icon

oan-hon-than-xa-nhap-vong-doi-cung-bo-o-mieu-co-van-phuc-ha-noi

Oan hồn thần xà nhập vong đòi cúng bò ở miếu cổ Vạn Phúc, Hà Nội

Câu chuyện “thần xà” ngàn năm nhập vong người đến làm lễ yêu cầu cúng bò, xây bể tắm… ở miếu cổ Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội) trong suốt một thời gian dài trở thành tâm điểm dư luận cả nước.

Vậy câu chuyện trên là có thật hay chỉ là một sản phẩm từ trí tưởng tượng của con người để thỏa mãn nhu cầu tâm linh? Và liệu trong ngày hội xuân sắp tới “thần xà” có tiếp tục hiển linh? Để trả lời những câu hỏi trên, chúng tôi đã có dịp về thăm lại ngôi miếu cổ ngàn năm tuổi của quê lụa Vạn Phúc.

Truyền thuyết về “thần xà”

Là con dân làng Vạn Bảo xưa (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) từ nhỏ đến lớn, dù già hay trẻ ai ai cũng biết rất rõ về vị Thành Hoàng Làng tôn kính Ả Nã Đê Nương. Người xưa kể lại rằng: “Bà là con cụ Hùng Thụy, cháu hậu duệ của vua Hùng. Từ khi mới sinh ra, bà đã được trời ban cho vẻ đẹp “hoa nhường, nguyệt thẹn”.

Lớn lên, tuy là phận nữ nhi nhưng nàng Đê Nương lại có trí khí ngút trời của bậc nam nhi. Bà không chịu an phận thủ thường như bao người con gái khác mà lại thường thích chu du thiên hạ, ngắm cảnh đẹp non nước. Và đặc biệt, đi đến đâu bà cũng giúp người dân trừ gian, diệt ác… dạy họ cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa để ổn định cuộc sống”.

Trong một lần qua ấp Vạn Bảo, bà Đê Nương nhận thấy phong cảnh hữu tình, người dân hiền lành, chất phác, thế đất “rồng chầu hổ phục” đích thị là vùng đất thiêng. Nên bà đã xin chồng mình là Biền Công được ở lại sinh sống tại vùng đất này. Biền Công chiều theo ý bà Đê Nương nên đã tìm một nơi có sông nhỏ bao quanh, có sao thổ chiếu sáng xây cung thất làm nơi bà nghỉ và làm việc.

Từ đó, bà Đê Nương lấy ấp Vạn Bảo làm nơi dừng chân sau những ngày tháng chu du thiên hạ. Tại đây, bà truyền cho con dân của mình những điều thiện, tránh xa cái ác, coi ăn ở thuận hòa với nhau là một thuần phong mỹ tục “nam đi học làm ruộng, nữ tầm tang canh cửi”. Chính vì vậy mà với người dân Vạn Bảo xưa (dân Vạn Phúc ngày nay), bà Đê Nương không chỉ là vị Thành Hoàng Làng tôn kính mà còn là khởi tổ của nghề dệt lụa.

Bàn thờ “thần xà”

Sau này, để nhớ công ơn to lớn của vị Thành Hoàng, người dân nơi đây đã lập miếu thờ đúng nơi bà Đê Nương hóa thân cạnh dòng Nhuệ Giang. Chọn ngày 13/1 âm lịch hằng năm là ngày tổ chức lễ hội để dân làng tưởng nhớ công ơn. Cũng từ đó về sau, ngôi miếu trở nên rất linh thiêng. Người dân, quan lại hễ có chuyện gì cần trợ giúp mà đến cầu cũng đều được bà phù trợ. Trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta bà Đê Nương cũng nhiều lần hiển linh giúp vua tôi các đời phá giặc, giữ yên bờ cõi.

Tục truyền rằng, bà Ả Lã Đê Nương sinh ngày 10 tháng 8 năm Ất Tỵ (tức năm rắn) vì vậy sau này tại ngôi miếu cổ này cũng xuất hiện rất nhiều tin đồn tâm linh xoay quanh chuyện vong hồn bà Đê Nương hóa “thần xà” canh giữ yên bình cho người dân nơi đây.

“Thần xà” nhập vong đòi cúng bò

Theo ông Nguyễn Duy Diễm (73 tuổi, Thủ từ miếu cổ Vạn Phúc) thì ông đã sống và làm việc nhiều năm ở đây nên những câu chuyện liên quan đến “thần xà” hiển linh ông cũng được nghe rất nhiều. Thậm chí, có người còn nói đã tận mắt nhìn thấy cụ rắn xuất hiện trên cây đã ngàn năm tuổi. Ban đầu tất cả những câu chuyện đó ông Diễm đều nghĩ là do một sản phẩm từ trí tưởng tượng của người dân để phục vụ cho nhu cầu tâm linh mà thôi. Vì bản thân ông nhiều năm làm việc ở đây nhưng chưa một lần gặp chuyện gì bất thường. Cho đến một ngày chuyện lạ xuất hiện đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của vị thủ từ này.

Ông Diễm, thủ từ miếu cổ Vạn Phúc.

Vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch năm Quý Tỵ (2013), bầu trời trong xanh, ánh trăng sáng vằng vặc, người dân trong làng nô nức kéo nhau đến miếu thắp hương, cầu khấn cho một năm mới sức khỏe, tài lộc… Đây cũng chính là lúc “thần xà” lần đầu tiên hiển linh trước mặt mọi người. Những người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in câu chuyện ngày hôm đó: Trong lúc đợi hết tuần nhang để xin lộc mang về, chị Triệu Ngọc Ánh có ngồi nói chuyện với một vài người ngoài hiên.

Bông dưng mọi người thấy chị này giơ hai tay lên trời, miệng kêu ú ớ “Ối giời ơi, rét quá”, rồi chị Ánh ngã vật ra nền nhà. Điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn cả là chị này bắt đầu từ từ trườn xuống sân nhẹ nhàng như một chú rắn tiến về phía cây đa cổ thụ, lè lưỡi, hai mắt sáng quắc. Ai nấy có mặt khi đó chứng kiến cảnh tượng đều cảm thấy rợn tóc gáy. Nhìn hành động cũng như biểu hiện của chị Ánh người ta nghĩ ngay đến việc “thần xà” đã nhập vong vào người này. Vì thế, không chỉ riêng ông Diễm và nhiều người khác tá hỏa chạy đi thắp hương, cầu khấn khắp nơi trong ngôi miếu.

Khi quay lại, người ta thấy chị Ánh dường như lưỡi lè ra dài hơn, miệng há hốc, mắt trợn trừng trông rất dữ tợn. Nhiều người thấy vậy đã đưa cho chị này mấy chai nước thì chị ta liền ngậm vào mồm rồi dốc ngược lên uống, sau đó còn phun nước phì phì. Tất thảy mọi người vừa sợ hãi, vừa kinh ngạc chưa biết xử lý ra sao thì vong “thần xà” cất tiếng đòi gặp chủ tịch phường. Nhưng vì lúc này ông chủ tịch phường đã về nhà nên “thần xà” đã căn dặn người dân ngày 28 tháng Giêng tới đây, dân làng phải làm lễ cúng bò để ngài ban phúc lành cho nhân dân. Một lúc sau thì chị Ánh tỉnh táo trở lại nhưng khi hỏi đến câu chuyện vừa xảy ra, chị này nói mình không biết gì cả.

Cây đa nghìn tuổi trong miếu (cây di sản quốc gia).

Ghi nhớ lời căn dặn của “thần xà”, người dân Vạn Phúc chẳng cần ai bảo cũng tự nguyện quyên góp tiền để mua một con bò chuẩn bị dâng tế thần vào ngày 28-1 âm lịch. Tuy nhiên, trong ngày lễ câu chuyện “thần xà” một lần nữa khiến người dân cảm thấy vô cùng bất ngờ. Cũng trong lúc mọi người đang làm lễ thì chị Ánh lại có các biểu hiện như biến thành một con rắn khổng lồ. Chị này còn khiến mọi người ngạc nhiên nhất là chị ta không chỉ ăn trứng sống liên tục, tay chân uốn éo như rắn mà chỉ trong vòng chưa đầy một phút đã trèo lên đến nửa cây đa cổ thụ. Rồi còn ngồi vắt vẻo trên thân cây mà không hề bị rơi, ngã. Việc mà có lẽ những người khỏe mạnh cũng không thể làm được chứ đừng nói đến một người phụ nữ chân yếu, tay mềm.

Cũng trong ngày hôm đó, không chỉ riêng trường hợp của chị Ánh bị thần xà nhập vong mà còn một cô gái khác (quê huyện Hoài Đức) trong khi đi lễ cũng bị thần rắn nhập. Trong khi chị Ánh thoăn thoắt leo lên ngọn đa nghìn tuổi thì người phụ nữ kia bò trườn dưới gốc cây, miệng liên tiếp ăn trứng gà sống, phun nước phì phì. Sự việc khiến cho người dân hiếu kỳ nên nhiều người đã dùng điện thoại, máy ảnh ghi lại.

Năm nay “thần xà” liệu có hiển linh?

Theo ông Diễm thì ban đầu con bò cúng “thần xà” người dân định sau buổi lễ sẽ làm thịt để cả làng liên hoan. Nhưng vì nhớ lại lời dặn trong truyền thuyết của bà Đê Nương rằng: “Trâu bò cày ruộng cho ta để dân làng ta được no đủ. Vì vậy không được giết hại trâu bò…”. Nên chính quyền và người dân quyết định không làm thịt con bò nữa mà đem tặng cho một hộ gia đình khó khăn thuộc làng Kim Lang (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đây là nơi được tục truyền là vùng đất sinh sống của chồng bà Đê Nương. Giữa làng Vạn Phúc và làng Kim Lang đã có mối giao tình, kết nghĩa từ nhiều đời nay.

Và cứ như thế đến năm sau, người dân làng Vạn Phúc lại bảo nhau góp tiền mua bò cúng vong linh thần xà để được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi chúng tôi đến ngôi miếu cổ đã may mắn gặp được một người dân vừa đi làm ở làng Kim Lang về. Ông này cho biết: “Hai con bò giờ đã lớn lắm rồi. Trông rất đẹp, hai gia đình được nhận bò cũng rất vui nên khi nhắc đến là họ lại gửi lời cảm ơn đến toàn thể dân làng…”.

Khi được hỏi về việc nếu trong lễ hội năm nay “thần xà” hiển linh nhập vào người khác thì phải xử lý thế nào?. Một đại diện của Ban quản lý di tích phường Vạn Phúc cho biết: “Thực ra câu chuyện thần xà đã diễn ra lâu rồi, người dân nơi đây cũng đã không còn xôn xao bàn tán nữa, vì thế chúng tôi không muốn nhắc lại làm gì. Nếu câu chuyện là để thỏa mãn về mặt tâm linh giúp người ta sống tốt hơn thì không sao. Chỉ sợ có những kẻ xấu lợi dụng để làm điều ác ảnh hưởng đến xã hội nên cần được quản lý chặt chẽ. Chúng tôi vẫn để bà con tiếp tục nghi thức cúng bò, coi đó như một nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội. Còn chuyện năm nay “thần xà” có xuất hiện hay không và cách xử lý thế nào là chuyện của tương lại, phải đợi đến ngày đó mới rõ”.

Theo CSTC

TAMTHUC

Comment