huyen-tich-o-ngoi-mieu-thieng-xoay-huong-lay-mang-nguoi
Huyền tích ở ngôi miếu thiêng xoay hướng lấy 6 mạng người
- bởi tamthuc --
- 15/01/2015
Thời thanh nữ hai bà theo cha đi đánh giặc, đến khi vào thế cùng cả hai nhảy xuống dòng sông tự vẫn. Quê hương ghi nhận công lao và sự tự tiết của hai bà đã lập miếu thờ phụng.
Người dân đi qua miếu ai không vái lạy, không xuống ngựa về nhà, ắt gặp điều chẳng lành, chết bất đắc kỳ tử. Đến khi ngôi miếu được xoay chệch hướng để không nhìn về phía con đường cái lớn thì dòng họ đã mất 6 mạng người…
Hai bà cô chết trẻ
Con đường dẫn vào ngôi miếu Hai bà cô tổ của dòng họ Đàm Thận, một dòng họ khoa bảng vào bậc nhất đất Kinh Bắc nằm ngay con đường bê tông xuyên suốt chạy giữa làng. Không giống như nhiều địa phương khác, xã Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh đất chật người đông, những mái nhà trần san sát và mái tôn liên tiếp nối liền nhau khiến không gian ở đây chật chội, ngột ngạt và khá ồn ã. Riêng ngôi miếu Hai bà cô lại nằm sâu trong một con ngõ, trên một khoảng đất rộng và yên tĩnh với nhiều cây cối um tùm tạo nên một không gian thanh tịnh và linh thiêng đến lạ thường.
Miếu hai bà cô lúc nào cũng có người túc trực hương khói
Ông Đàm Thận Lập, thủ từ miếu Hai bà cô cho biết: “Ngôi miếu Hai bà cô thờ hai người con gái của Tiết nghĩa Đại Vương Đàm Thận Huy, hai bà ra đi lúc tuổi đời còn trẻ. Trong cuộc giao tranh giữa nhà Lê – Mạc, Tiết nghĩa Đại Vương đã đứng lên chiêu mộ binh sĩ, tướng tài và giương cao ngọn cờ phù Lê.
Cụ đứng lên chiêu mộ binh sĩ để cứu quốc và cả hai người con gái đang tuổi thanh nữ đã bước chân theo cha mẹ lên đường đánh giặc. Người giúp cha chiêu mộ binh tướng giỏi, người sắm sửa vũ khí, chăm lo gạo tiền… nhưng đến lúc thế cùng, hai vợ chồng cụ Đàm Thận Huy không muốn bị giặc bắt sống đã tự vẫn để giữ tròn trung hiếu.
Hai người con gái biết cha mẹ đã tự vẫn cũng gieo mình xuống sông tự tiết ở gần cầu Khoai xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Tại đây, thi hài hai bà đã được người dân an táng và lập đền thờ (PV – Đền Cô, một di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc Gia)”.
Ông Đàm Thận Lập bảo ngôi miếu vẫn còn một bát hương cổ
có niên đại mấy trăm năm
Để hiểu hơn về lịch sử và những câu chuyện khó tin về ngôi miếu Hai bà cô linh thiêng của dòng họ Đàm Thận như thế nào, ông thủ từ miếu dẫn chúng tôi sang gặp ông Đàm Thận Côn. Theo lời ông Lập, ông Côn đã nhiều năm liền trông nom và hương khói các di tích của dòng họ và am hiểu rất rõ về lịch sử và những câu chuyện khó tin về ngôi miếu. “Miếu Hai bà cô là di tích thờ hai người con gái của cụ Đàm Thận Huy. Hai bà đẹp có tiếng trong vùng, “sắc nước hương trời” tên là Dung Hoa (SN 1507) và Quế Hoa (1510). Hai bà đã theo cha đánh giặc, nhưng vào thế cùng, không còn đường lui hai bà đã tự tiết quyết không để rơi vào tay địch. Ngay sau khi người trong họ biết chuyện chẳng lành xảy ra với gia đình cụ Đàm Thận Huy, họ hàng đã lập miếu thờ cụ và hai cô con gái để nhớ công ơn và sự trung hiếu, tiết nghĩa của hai bà”.
Theo các cụ cao niên trong họ, sở dĩ hai bà đã anh dũng hy sinh và sự bảo toàn tiết nghĩa, bởi hai bà sinh ra trong một gia đình gia giáo, hết lòng tận trung với vua. Một người cha trung nghĩa, giữ trọn đạo làm bề tôi và người mẹ đẹp người đẹp nết, vì vậy mà hai bà vừa sắc và tài đức hơn người tiếc rằng tuổi còn quá trẻ đã mất nên ngôi miếu thờ hai bà rất linh thiêng.
Chuyện kể, cụ Đàm Thận Huy năm 28 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ suất thân năm 1490 đời vua Lê Thánh Tông. Ngày vinh qui bái tổ, Đàm Thận Huy có đi cùng đường với tiến sĩ Nghiêm Ích Khiêm, người thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh). Khi được cụ Ích Khiêm hỏi: “Chẳng hay hiềm hữu đã có người nâng khăn sửa túi chưa?, cụ Thận Huy cười đáp: “Thưa thân huynh, đệ vẫn còn phòng không đón khách”. Cụ Ích Khiêm tiếp lời: “Tôi có cô em gái hiền lành lắm, nếu hiền hữu bằng lòng thì tôi xin gả”. Cụ Thận Huy đáp: “Nếu được như vậy thì đệ quả là diễm phúc”. Rồi sau đó Đàm Thận Huy lên duyên với em gái Nghiêm Ích Khiêm là Nghiêm Thị.
Không vái lạy chết bất đắc kỳ tử
“Mới đầu, miếu Hai bà cô được đắp bằng đất hướng Tây bắc ngoảnh về phía con đường liên xã và có đặt một cột mốc bằng đá chỉ dẫn ngôi miếu thiêng ở đầu đường. “Ngày trước ngôi miếu nhỏ lắm, nằm ở rìa làng, xung quanh cỏ mọc um tùm và rất hoang vắng nên ít người để ý. Vì thế mà nhiều người không nhìn thấy bia đá nên không làm lễ hướng về miếu thiêng, về nhà ốm đau, bệnh tật, gặp những điều tai ương và có người chết bất đắc kỳ tử.
Con đường liên xã ngày đó ít người đi lại nên chẳng mấy ai để ý bia đá chỉ dẫn người qua đường phải hành lễ, xuống ngựa mới được an lành khi qua miếu thiêng. Do bất cẩn và không để ý, nên ngày càng nhiều người mất mạng, người trong làng phải cử một người đứng chặn ở đầu đường, thấy ai đi qua thì nhắc người ta hành lễ không thì mang họa. Làm như vậy mãi cũng không ổn, bởi không phải lúc nào cũng có người trông nom chỉ dẫn, các cụ trong họ bàn nhau xoay hướng ngôi đền về hướng Tây Nam”, ông Đàm Thận Côn kể lại.
Ông Đàm Thận Côn
Theo lời ông Đàm Thận Lập, ngôi miếu Hai bà cô được dòng họ và dân làng lập lên để phù hộ và tạo phúc cho dân làng ai dè lại mang những điều không hay với những người đi đường vì đã “vô phép” không vái lạy. Nhận thấy ngôi miếu rất linh thiêng nên việc xoay hướng ngôi miếu là việc rất cần thiết nhưng phải rất cẩn trọng. Việc xoay hướng ngôi miếu thiêng theo hướng nào và liệu có xảy ra chuyện gì không là điều khiến các cụ trong họ vô cùng lo lắng.
Cũng bởi ngôi miếu rất thiêng nếu làm không tính toán cẩn thận sẽ rất nguy hiểm cả về tính mạng và sự thịnh suy của dòng họ các đời sau. Sau khi xin Hai bà cô chấp thuận cho xoay sang hướng mới, tính đến đời ông Lập là đời thứ 7 kể từ ngày dòng họ xoay hướng đền và xây dựng khang trang hơn, những thứ chết chóc đã không còn mà chỉ còn lại sự linh thiêng, huyền bí.
Câu chuyện đang liền mạch, ông Đàm Thận Lập giọng trùng xuống khiến chúng tôi càng tò mò về những điều đã xảy sau khi ngôi miếu thiêng xoay hướng. Ông Lập kể: “Sau khi ngôi miếu xoay sang hướng mới không có điều gì xấu xảy ra. Nhưng một thời gian ngắn sau, một người trong họ bỗng nhiên đột ngột qua đời khi tuổi mới ngoài 30. Người trong họ cho rằng, người này không may mắn chứ không hề nghĩ đến việc xoay ngôi miếu thiêng. Rồi lần lượt người thứ 2 thứ 3 rồi đến người thứ 6 mà toàn chết ở tuổi từ 30-40 nên các cụ trong họ bắt đầu hoài nghi, có điều gì đó thần bí và nghĩ đến ngôi miếu thờ Hai bà cô đã trừng phạt vì trong quá trình xoay miếu đã phạm thượng điều gì đó.
Người trong họ rất hoang mang và lo lắng, đặc biệt các gia đình có người ở tuổi bị lấy mạng, không biết ai sẽ là người kế tiếp nếu không tìm ra nguyên nhân. Các cụ trong họ tức tốc đi khắp nơi nhờ thầy giỏi và các vị cao tăng xem và được mách nước là phải mời tám vị sư về lập đàn tràng cầu siêu đúng 15 ngày đêm mới mong qua khỏi kiếp nạn. Kể từ sau khi tám vị sư cầu siêu xong từ đó đến nay dòng họ yên ổn, không còn tình trạng chết trẻ, người dân làm ăn ngày một khấm khá.
Theo một cụ cao niên trong họ, hàng năm có rất nhiều du khách trong xã, ngoài làng về miếu Hai bà cô xin lộc, cầu của, cầu con. Con em trong họ đi thi cử cũng đến lễ Hai bà cô với mong muốn đi thi được may mắn, mạnh khỏe, tỉnh táo.
Thiên Vũ
Theo: ĐSPL
Comment