No icon

bi-an-tuong-ong-but-thieng-xu-muong

Bí ẩn tượng “ông Bụt” thiêng xứ Mường

Tại miền Tây Thanh Hóa câu chuyện về tượng đá ngồi thiền hình “ông Bụt” quay mặt vào vách núi thường chỉ lối giúp người dân tìm lại gia súc bị lạc, phạt kẻ ác được lưu truyền một cách âm thầm.

Chúng tôi đã có cuộc hành trình về miền sơn cước để ghi lại những câu chuyện chỉ có ở nơi này.

Tượng “Bụt” ngồi giữa đại ngàn

Con đường 217 uốn lượn những khúc cua tay áo dẫn chúng tôi về Mường Khô nay là thôn Rầm Tám, xã Điền Trung, Bá Thước (Thanh Hóa). Tìm đến nhà ông Trương Công Tuyển (59 tuổi) để được ông kể về các câu chuyện huyền bí và sự trùng lặp khó tin. Theo ông chuyện “ông Bụt” có mặt ở vùng này từ khi nào do bàn tay của con người hay tạo hóa thì chưa ai xác định được. Nhưng việc người dân nơi đây khấn xin tượng đá và tìm được gia súc bị lạc trong rừng, hay mạo phạm đến tượng đá lạ và đều có kết cục không hay là việc có thật. Đó có thể là do sự trùng lặp ngẫu nhiên, nhưng không thể phủ nhận việc tượng đá giống hình người độc nhất vô nhị ở xứ này.

Theo chân ông Tuyển, chúng tôi leo lên trên núi khá cao tìm đến tượng đá mà dân ở đây hay gọi là “ông Bụt”. Đó là một khối đá tự nhiên có phần đầu và cả phần thân rất giống hình người đang trong tư thế quỳ mặt hướng về vách núi đá cao gần đó rất giống một vị chân sư nơi cửa tu hành đang thiền định. Tượng “ông Bụt” lại được đặt giữa một khối đá kích thước lớn có mặt phẳng đá rộng, khối đá này cao gần 4 mét, vách dựng đứng, xung quanh khối đá to nơi “ông Bụt” ngồi lại được “tứ trụ” là 4 cây cổ thụ cành lá xum xuê bao quanh (nay chỉ còn có 3) trừ một cây Đa Long đã bị chặt (cây Đa Long hay còn gọi cây Khộp bị chặt năm 1960 – PV).

Dưới chân tảng đá “ông Bụt ngồi” có dòng nước trong suốt như pha lê mát rượi, dòng nước ngọt này được người dân kéo dây dẫn về làng làm nước sinh hoạt. Mùa đông nguồn nước này rất ấm, mùa hè thì mát, người đi đường làm một ống nước để sẵn để ai đi ngang khát có thể uống. Để được diện kiến “ông Bụt” với sự chỉ dẫn của ông Tuyển, chúng tôi bước lên tảng đá cao 4 mét, vòng theo các bậc từ thấp lên cao mà rễ cây xanh (si) tạo nên. Sau khi làm lễ “xin” xem tượng, chúng tôi mới được chạm vào “ông”, một cảm giác lạnh đến rợn người xuất hiện.

Đúng lúc có cơn gió từ chân núi hất lên làm lá rơi xào xạc, không gian tĩnh mịch của rừng núi làm chúng tôi không khỏi bồn chồn. Mặc dù vậy sau phút ban đầu lạ lẫm nhưng với sơn thủy hữu tình, chúng tôi cảm nhận một không khí yên tĩnh như đang lạc vào chốn thiền môn.

Linh thiêng hay đồn thổi?

Theo ông Tuyển, ngày xưa xung quanh còn rậm rạp rừng nguyên sinh nên mỗi lần có việc đi qua nơi đây ai nấy đều sợ hãi. Có người còn thêu dệt nên chuyện gặp “ông Bụt” hiện ra nguyên hình hài người thật đang ngồi râu tóc bạc trắng. Đồng thời người dân nơi đây coi trọng sự linh thiêng của ông nên mỗi khi không may bị lạc mất trâu, bò tại khu vực này đều khấn xin “ông Bụt” chỉ giúp. Do người dân nơi đây có tập tục nuôi trâu bò và đeo mỏ (chuông) vào cổ đem thả vào rừng từ sớm để chúng tự kiếm ăn và buổi chiều tối vào tìm. Nhiều người sau khi không may bị lạc mất trâu tìm khắp các quả đồi không thấy đã đến cầu xin.

Mới đầu họ chỉ thành tâm khấn xin “ông” phù hộ và đi bất định trong rừng rồi tìm thấy. Tiếng lành đồn xa, mỗi khi dân làng xung quanh không may bị lạc mất gia súc hay bất kỳ đồ vật trong nhà nào cũng mang đồ lễ thường là chai rượu, miếng trầu, vài đồng tiền lẻ… đến khấn xin “ông” chỉ giúp. Kỳ lạ là hầu như mọi người đều tìm được đúng như “ông” chỉ dẫn, cứ như vậy tượng “ông Bụt” trở nên bội phần linh thiêng, nhiều người tìm đến nhờ xin, ông Bụt, tượng đá, Bá Thước, Thanh Hóa


Cổ tượng “Bụt” bị gãy.

Về phương thức tiến hành “xin ông Bụt” chỉ giúp: Theo các cụ cao niên thôn Rầm Tám cho hay, họ lấy 2 đồng tiền cổ giống hệt nhau có lỗ vuông ở giữa để làm vật quy ước. Sau đó hỏi “ông” trâu đi về hướng nào đó nếu “ông” đồng ý cho là đúng thì người ta tung 2 đồng tiền sẽ có một đồng sấp, đồng còn lại thì ngửa. Trường hợp người nào cẩn thận hơn thì hỏi lại một lần nữa và quy ước lại, “nếu gia súc của họ đi theo một hướng nào đó chắc chắn thì ông Bụt cho họ tung 2 đồng tiền, cả 2 đồng tiền đó cùng sấp hoặc cùng ngửa. Sau khi chắc chắn đúng hướng “ông Bụt” chỉ thì người đó nhằm theo hướng đó tìm, hầu như “ông” chưa từ chối ai. Tiếng lành đồn xa, “ông Bụt” được người dân Mường Khô và các vùng lân cận rất đỗi sùng kính.

Tượng “ông Bụt” được các thầy mo giỏi thờ phụng như biểu tượng của sức mạnh để trừ tà. Thờ phụng “ông Bụt” sẽ giúp cho bản thân người thầy mo đó thêm pháp lực cao cường để trấn áp “ma quỷ”, đem lại sự bình yên cho dân làng.

Nhờ tượng đá linh diệu nên Mường Khô đã sản sinh ra các ông thầy mo nổi tiếng, trong số đó có thể kể đến gia đình nhà ông Bùi Văn Thiệu nhiều đời làm thầy cúng (nhưng hiện nay đến đời con đã không còn theo nghiệp cha ông do chính sách bài trừ mê tín dị đoan của Đảng ta). Ông Thiệu nổi tiếng là người có tài năng đặc biệt được nhiều người trong vùng sùng kính, và nếu nhà ai không may có người qua đời thường đến nhờ ông mo. Ngày xưa nghề thầy cúng rất được thịnh hành do tập tục thờ đa thần của người dân xứ Mường. Mỗi khi trong nhà có ai không may bị ốm, thay vì tìm đến thầy thuốc người ta thường tìm đến thầy mo nhiều hơn.

Địa danh Mường Khô còn nổi tiếng là vùng đất cách mạng, điển hình là Hà Văn Mao, thủ lĩnh nghĩa quân phong trào Cần Vương thời kỳ chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Con cháu của danh nhân này hàng năm vào các ngày lễ tết đều phải vào lễ “ông Bụt”. Phải chăng xưa kia lãnh tụ này từng đánh giặc Pháp qua đây và có “khấn hỏi” ông điều gì đó làm nên thắng lợi của các trận đánh nên Hà Văn Mao chú trọng đến việc thờ phụng như vậy(!?).

Nhờ phạt điều ác

Tượng đá thiêng hiện thân của “ông Bụt” giúp dân tìm gia súc nhưng vào một hôm có một người làng bên không may lạc mất đàn trâu, ông tìm đến tượng đá hình “ông Bụt” để cầu xin theo hướng ông đoán định và tung đồng tiền được cho là ông Bụt đồng ý (một đồng tiền sấp, một đồng ngửa) nhưng hôm đó ông này không tìm được đàn trâu. Ngày hôm sau đàn trâu của ông mới từ hướng khác đi về.

Người này cho rằng “ông Bụt” chỉ sai bèn lấy búa chặt đầu tượng ông. Đầu lìa khỏi cổ thì ngay sau đó người này liên tiếp gặp tai ương. Từ việc đàn trâu chết dần không rõ nguyên nhân đến bản thân ông ốm đau như cơm bữa. Ông tìm đến thầy bói thì được thầy phán đã phạm thượng một việc rất lớn đến thần núi. Nghĩ ngay đến việc chặt đầu tượng “ông Bụt”, người này bèn sắm lễ đến xin ông tha thứ và lắp lại tượng ông như cũ. Sau đó người này trở nên điên dại và qua đời sớm với căn bệnh đau đầu dữ dội và hay đập đầu vào vách nhà ứng với câu “ác giả ác báo”.


Ông Tuyển nâng niu “tượng Bụt” thiêng.

Người thứ hai là ông Hà Văn Minh (khi đó ngoài 30 tuổi), đội trưởng đội Sơn Tràng (chuyên chặt, vận chuyển gỗ cho lâm trường – PV) những năm 1960. Ông Minh chỉ huy đội sản xuất của mình đến tảng đá có “ông Bụt” đang ngồi chặt mất một cây trong “tứ trụ”, đó là cây Đa Long, tiếng Mường gọi là cây Khộp. Đây là cây cổ thụ to, 2 người lớn ôm không xuể, cao khoảng 40 mét. Rễ cây Khộp này ôm lấy tượng “ông Bụt” nên sau khi chặt hạ cây thì tượng ông bị kéo rơi xuống khỏi tảng đá lăn xuống đất. Một lần nữa cổ tượng đá hình nhân kia lại bị gãy, đầu “ông Bụt” lăn lóc. Ông Minh không hề dựng lại tượng đá như cũ mà cùng đoàn người kéo gỗ về nhà.

Ngay hôm sau ông Minh cảm thấy đau đầu như búa bổ phải nhờ anh em họ hàng đưa đi viện. Đồng thời, ông cũng nhờ người dựng lại tượng đá ông Bụt ngồi như trước để mong có sự bình yên nào đó. Nhưng lạ thay lúc ông Minh lên cơn đau đầu lại đập đầu vào tường như người mạo phạm lần trước. Anh em bạn bè đến nhờ thầy cúng bói và sắm lễ đến “tượng Bụt” để cúi xin tha tội nhưng tất cả đều vô vọng, chưa đầy một tháng sau thì ông Minh qua đời. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này khiến cho chuyện ông Minh bị Bụt phạt vạ lan truyền đi khắp các Mường lân cận.

Trải qua bao cuộc bể dâu của lịch sử, tượng “ông Bụt” vẫn còn đó theo thời gian, theo cái tĩnh mịch của không gian trầm mặc. Không biết chuyện phạt vạ là do tâm linh hay chỉ là do sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các cụ cao niên nơi này luôn lấy đó làm bài học răn dạy thế hệ sau phải luôn hướng thiện tu tâm tích đức, tránh làm điều ác, xây dựng bản làng không có tội phạm.

Ông Bùi Văn Trung, trưởng thôn Rầm Tám tâm sự: “Khoảng năm 1964, có người chặt mất một cây Đa Long – cây Khộp sau đó không lâu thì người này bị bệnh đau đầu dữ dội rồi qua đời. Sau đó tượng đá hình “ông Bụt” cũng bị một kẻ đập gãy cổ tìm vàng. Do vị trí “lạ” nên nhiều người đồn đoán bên trong tượng đá có vàng được giấu. Số phận kẻ đập gãy cổ tượng đá này không biết ra sao. Cũng sau lần đập gãy tượng này không còn linh thiêng như trước nữa”.
Ông Hà Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Điền Trung (Bá Thước) cho biết: “Tượng đá hình “ông Bụt” ở Rầm Tám là có thật, tôi có nghe các cụ kể lại những chuyện xảy ra tại thôn Rầm Tám xưa kia. Tuy nhiên, đó là do sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi, không có chuyện mang tính chất mê tín dị đoan ở đây”.

(Theo CSTC)

TAMTHUC

Comment