thuc-hu-chuyen-rua-da-bao-oan-o-lang-nhan-my
Thực hư chuyện “rùa đá báo oán” ở làng Nhân Mỹ
- bởi tamthuc --
- 21/07/2014
Chẳng may ai muốn thử sức xê dịch cụ rùa, sau đó đầu cụ rùa ngoảnh về nhà nào thì nhà báo oán ấy gặp hết nạn này đến tai ương khác, hoặc ai có hành động phỉ báng, xúc phạm đến nơi cụ nằm thì sẽ gặp tử thần.
Mỗi làng quê thường có một câu chuyện thần kỳ về cây đa bến nước, đình làng miếu mạo hay thành hoàng làng. Và câu chuyện về con rùa đá quay đầu gieo tai vạ cho dân làng Nhân Mỹ, xã Thiệu Công cũng giống như một câu chuyện thần thoại diệu kỳ, nhưng sự thật của nó lại hoàn toàn khác với những gì vốn có và được người dân nơi đây truyền miệng.
Rùa đá quay đầu về hướng của nhà nào, nhà ấy gặp tử nạn?
Men theo con đường bên tả ngạn sông Chu, chúng tôi tìm đến Nhà văn hóa thôn Nhân Mỹ thuộc xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, cách TP Thanh Hóa khoảng 25km về phía tây, nơi có đền thờ vị “thần rùa” được thờ cúng từ rất lâu.
Tương truyền, trước đây, “cụ rùa” cùng tấm bia đá đã được thờ trong đình làng như một vị thần án ngữ cho ngôi đền có cả nghìn năm tuổi. Sau khi đình làng bị phá đi để xây dựng chợ và nhà văn hóa lúc bấy giờ, “cụ rùa” và tấm bia đá không được đặt ở một nơi cố định, lúc nằm bên kia đường cái, lúc thì bên phía bờ ruộng, không yên vị nên hiển linh về báo oán. Cùng quãng thời gian đó, thôn Nhân Mỹ luôn có chuyện chẳng lành đối với mỗi người dân, khi thì bệnh tật triền miền, lúc lại gặp tai họa tử vong rất thương tâm. Từ đó, người dân trong thôn này cho rằng, tai họa đó là do “cụ rùa đá” báo oán nên quyết định thờ tự và suy tôn là “thần rùa”.
Hằng năm, mỗi dịp ngày rằm hay lễ Tết, mọi người dân đều đến thắp hương khấn vái thường xuyên, nơi “cụ rùa” nằm lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Họ đến thắp hương để cầu sức khỏe, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, người thương gia thì cầu phát tài phát lộc,…Và cũng từ đó “cụ rùa đá” đã trở thành vị Thần hoàng làng đầy huyền bí đi vào tâm linh và án ngữ của mỗi người dân trong làng.
Đa số người dân ở đây đều cho rằng “có thờ có kiêng, có kiêng thì mới có lành”, vì thế “cụ rùa” được thờ cúng từ năm này sang năm khác, thế hệ trước truyền lời cho thế hệ sau.
Theo cụ Nguyễn Văn Nhiễu (90 tuổi) là một trong số ít vị cao niên còn minh mẫn trong làng cho biết: “Từ khi sinh ra, tôi đã thấy sự xuất hiện của “cụ rùa”. Ban đầu, cụ rùa nằm dưới gốc cây gạo ở giữa chợ Vước. Sau đó người dân di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, cuối cùng đặt yên vị ở gốc cây gạo, cách chỗ cũ chính xác khoảng 10m. Từ khi xê dịch cụ đi khắp mọi nơi, đó cũng là lúc nhân dân trong làng liên tiếp bị nạn như hạn hán, vỡ đê đe dọa đến tính mạng của tất cả người dân trong thôn”.
Ông Nguyễn Văn Nhiễu, 90 tuổi đang kể lại sự việc với phóng viên.
Cũng theo cụ kể lại: “Ngày trước, thấy chợ Vước tồi tàn, xập xệ nên một số người dân trong thôn vận động nhau quyên góp xây dựng lại cho đàng hoàng, tươm tất. Nhiều gian hàng mọc lên, chợ ngày càng trở nên sầm uất, náo nhiệt đến lạ kỳ, người dân ở tứ xứ đến đây buôn bán rất nhiều, dù cho đây chỉ là một vùng quê thuần nông, đất đai lại cẵn cỗi rất khó sản xuất nông nghiệp”.
Không chỉ có vậy, đến khi tôn tạo lại chợ Vước có quy củ hơn, những người thợ nề làm nghề đổ nền bê tông xung quanh chợ đã bất ngờ đào thấy một tấm bia lớn có niên đại từ rất lâu, nhưng trong lúc đào đã không may làm vỡ mất một góc ở phía chân của tấm bia. Người dân ở đây đã cùng với những người khách thập phương ra sức bảo vệ và mang ra đặt một cách trang nghiêm cung kính bên cạnh “thần rùa” linh thiêng. Và trên tấm bia đá đó từ nhiều năm trước đây người ta đã ghi danh những người có công tôn tạo chợ Vước từ những ngày chợ mới hình thành.
Theo người dân nơi đây cho biết, “cụ rùa đá” rất thiêng, tất thảy mọi người dân trong làng không một ai dám xâm phạm hay đụng đến cụ vì lo sợ điều chẳng lành xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân (55 tuổi), chia sẻ: “Chẳng may ai muốn thử sức xê dịch cụ rùa, sau đó đầu cụ rùa ngoảnh về nhà nào thì nhà ấy gặp hết nạn này đến tai ương khác, hoặc ai có hành động phỉ báng, xúc phạm đến nơi cụ nằm thì sẽ gặp tử thần”.
Một số câu chuyện đau buồn trùng hợp xảy ra trong thời gian gần đây. Năm 1998, khi thôn Nhân Mỹ làm đường bê tông đã nhờ một nhà dân ở gần xê dịch cụ rùa để mở rộng lòng đường. Trong lúc xê dịch, anh này vô ý đứng lên đầu rùa và nhổ nước bọt vào mình rùa. Mấy ngày sau vợ chồng anh này lục đục nhỏ to với nhau, và người vợ bỏ đi biệt tăm. Bản thân anh này đúng một tháng sau bị điện giật dẫn đến tử vong.
Chưa hết, vào năm 2000, một gia đình sống gần cây gạo, nơi thờ cụ rùa, có người con trai ra gốc cây gạo chơi, anh này thử nâng rùa lên xem nặng nhẹ ra sao. Nhưng khi người bạn gọi đi đá bóng, anh này vội đặt cụ rùa xuống không đúng vị trí, vô tình để đầu cụ rùa quay về hướng nhà mình. Hôm đó, cậu đi đá bóng về, khi đến chợ Vước thì bị xe máy đâm chết ngay tại chỗ gần cụ rùa.
Sau hai vụ tử nạn, người dân thôn Nhân Mỹ đã rỉ tai nhau có lẽ là do “những người được khắc danh trên bia đá thấy ấm ức vì dân làng vứt bia lung tung nên đã nhập vào cụ rùa trừng phạt người dân những ai dám hỗn với cụ rùa và tấm bia đá”.
Cũng từ đó không ai dám vô lễ với “cụ rùa”, đồng thời người dân tự lập bàn thờ cúng để cho vong linh cụ rùa không còn trách phạt dân làng. Người dân cũng hướng đầu cụ rùa ra khu đất trống để tránh hướng vào nhà người dân gây họa cho mọi người.
Chỉ là lời đồn mê tín
Với những câu chuyện li kỳ và có phần huyền bí nhuộm màu mê tín dị đoan về tấm bia lạ và con rùa đá đã làm cho người dân nơi đây hoang mang vô độ. Để có căn cứ rõ ràng hơn cho những suy đoán của đa số người dân sở tại nơi đang thờ phụng cụ rùa chúng tôi đã tìm gặp và có cuộc trao dổi với ông Lê Ngọc Phúc – Trưởng thôn Nhân Mỹ thì được ông cho biết: “Chuyện đầu rùa quay về hướng nhà nào nhà ấy gặp nạn chỉ là lời đồn của những người mê tín dị đoan hay những người yếu bóng vía nên mới suy nghĩ thế. Những sự việc xảy ra chỉ là do một số bộ phận bà con hay đi lễ bái tứ phương rồi thêu dệt lên những câu chuyện mang tính hoang đường cứ thế lưu truyền để lại cho đời sau giống như đó là sự thật”.
Ông Lê Ngọc Phúc, trưởng thôn Nhân Mỹ khẳng định tin đồn nhảm nhí.
Khi hỏi ông về những trường hợp tử nạn ông Phúc lý giải, người dân từng nhổ nước bọt lên mình rùa là anh Nguyễn Hữu Tâm nhưng không phải vì như thế mà gặp nạn, đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vợ chồng anh Tâm vốn hay lục đục, do anh Tâm hay ghen, nghi ngờ vợ có cặp bồ với người khác nên chuyện vợ chồng xảy ra bi đát thế.
Còn chuyện anh chàng bị xe cán chết ấy không có thật. Đó là chuyện anh Trần Kim Hợp do bất cẩn đi chân đất cắm ấm nước không may giật điện nên tử vong chứ có phải là do ma mảnh gì đâu. Tất cả chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên của tạo hóa chứ không phải là thần thánh hay cụ rùa báo oán gì hết”.
Cũng theo ông Phúc, năm 2013 vừa qua, huyện Thiệu Hóa đã hai lần cử cán bộ văn hóa xem xét, tìm hiểu về nguồn gốc con rùa và tấm bia đá rồi khẳng định đó chỉ là con rùa bằng đá bình thường chứ không phải thần thánh gì. Việc người dân thờ cúng chỉ là do ý thức tâm linh chứ không phải vì lo sợ bị trừng phạt gì cả.
PHONG TRẦN
Comment