No icon

nhung-uan-khuat-cua-doi-song-tam-linh-trong-the-gioi-ao

Những uẩn khuất của đời sống tâm linh trong thế giới ảo

Theo thời gian, từ chỗ là niềm tin, tâm linh chỗ dựa tinh thần, là phong tục, tập quán của cuộc sống thật, đời sống tâm linh dần xâm lấn, vươn vòi, bắt rễ trong thế giới ảo.

Từ việc coi bói, xem phong thủy qua mạng, đời sống tâm linh của thế giới ảo chuyển mình, tiến xa bằng chùa online, nghĩa trang online, thờ cúng tổ tiên bằng các gói dịch vụ online,… với bao chuyện dở khóc dở cười.

Trước đây, nếu có ý định muốn coi ngày, chọn tháng, đoán hung, cát, người ta phải tìm thầy, chọn chùa thì nay, chỉ cần vài cái click chuột, những cư dân ảo có thể tìm thấy mọi thứ mình cần. Những trang mạng, diễn đàn chuyên phục vụ nhu cầu coi bói, xem tử vi, trao đổi, giải đáp phong thủy thu hút người dùng bằng hệ thống tài liệu phong phú, chuyên nghiệp.

Mặc dù việc xem bói, coi tử vi, tìm hiểu phong thủy qua mạng không còn là chuyện mới lạ nhưng số lượng người tham gia, tin tưởng vẫn tăng theo thời gian. Các diễn đàn như: Xemboitructuyen., xemtuvichinhxac., phongthuychonguoiviet., phongthuytheotuoi., … vẫn đầy ắp “tín đồ”. Theo những “tín đồ” cố cựu của những diễn đàn trên, phần lớn cư dân thế giới ảo, thế giới thực tìm đến đời sống tâm linh online với mục đích giải trí, giải tỏa căng thẳng; nhưng cũng không thiếu những mục đích tâm linh như: Giải hạn, cầu may, đoán vận mệnh, tương lai,…

tâm linh

Giao diện chính của một ngôi chùa online. (Ảnh: Hà Nguyễn).

Người dùng có tên “hotboy.9x” trên diễn đàn Eva viết: “Năm nay mình 22 tuổi rồi, là nam giới, thấy cuộc đời khổ quá, nhiều lúc đã cố gắng nhưng toàn gặp phải chuyện xui xẻo, khiến mình buồn bã và nhụt chí, lúc nào cũng phải suy nghĩ, mệt mỏi, lắm công lắm việc, luôn gặp xui xẻo trong cuộc sống, làm gì cũng hấp tấp, chả gặp may mắn hay thuận đường xuôi gió gì cả, để kể ra thì dài dòng lắm, nay mình muốn biết kiếp trước mình là ai, làm gì, kiếp này rồi sẽ thế nào, bao giờ chết, bao giờ hết khổ hay sẽ khổ cả đời, mình muốn biết có thế lực gì đang ám theo hay kìm hãm mình không? Muốn giải thoát hay xua đuổi nó thì làm thế nào? Mình có quý nhân phù trợ gì không”.

Đến đi chùa,  tâm linh lập nghĩa trang, thờ cúng tổ tiên online

Khi các dịch vụ bói toán, tư vấn, xem phong thủy online đã bão hòa, đời sống tâm linh của thế giới ảo chuyển sang những lĩnh vực mới, thực tế hơn. Chùa online ra đời với hy vọng giải quyết việc đi chùa, tìm hiểu Phật pháp của những phật tử không có nhiều thời gian. Ngay sau khi ra đời, ngôi chùa được hình thành bằng những hình ảnh trên không chỉ chiếm được cảm tình đặc biệt của cư dân mạng mà còn của cả những cư dân đời thực. Theo đánh giá của nhiều cư dân ảo cũng như đời thực, hình thức hương khói lễ Phật ảo này không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn thoả mãn được tâm niệm tìm hiểu Phật pháp. Thậm chí, nhiều người còn coi đây là một hình thức tịnh tâm, hành thiện đơn giản, hiệu quả, giảm lãng phí.

Chị Nông Ngọc Bích (giảng viên trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn) cho biết: “Công việc nhiều nên tôi chỉ có thể đi chùa vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, tôi cũng không duy trì được lâu nên tìm đến chùa online. Hiện nay, việc đi chùa online để học tập, tìm hiểu Phật pháp, thậm chí thực hiện các nghi thức như thắp hương, cầu siêu, vãng sanh,… rất tiện lợi. Không chỉ thế, đi chùa kiểu này còn giảm lãng phí vì chùa ảo không khuyến khích vàng mã, rượu cúng, hoa, quả… Điều này vừa giảm tải chi phí lại vừa giúp các phật tử bỏ dần thói quen lãng phí không cần thiết như lệ đốt vàng mã, sắm mâm cao cỗ đầy… mỗi khi lên chùa. Tất nhiên tôi chỉ đi chùa online khi bận bịu thôi nên không khuyến khích các phật tử đi chùa ảo mà quên luôn chùa thật”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hình thức đi chùa ảo chỉ phù hợp với giới trẻ, những người ít thời gian. Ngược lại, chùa online trở nên xa lạ, khó chấp nhận với những người có tuổi vốn xem đi chùa là một công việc linh thiêng, tôn kính. Cụ bà Hoàng Văn Mến (76 tuổi, ngụ Nguyễn Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Phật tại tâm, khi lòng đã có Phật thì ở đâu ta cũng tu được, lập ra chùa trên mạng để làm gì. Từ ngàn xưa, ông bà tổ tiên ta xem việc đi lễ chùa là điều thiêng liêng, là một nét văn hóa rồi. Đi chùa, người ta không chỉ đi để làm lễ mà còn đi để vãn cảnh, cảm nhận sự linh thiêng, thanh tịnh của cảnh chùa. Đi chùa trên mạng sẽ không có được những điều ấy…”.

Hiện nay, khi chùa ảo còn đang tồn tại những ý kiến trái chiều, việc tưởng niệm người đã khuất cũng bắt đầu lấn sân sang thế giới ảo bằng những nghĩa trang online. Khác với nghĩa trang ngoài đời thực, nghĩa trang ảo là nơi để “chôn cất”, tưởng nhớ không chỉ con người mà cả những thứ vô hình. Có lẽ vì vậy mà các nghĩa trang ảo càng ngày càng được nhiều người biết đến và nhiều người tham gia “lập mộ online”. Hình thức nghĩa trang này được ban quản trị diễn đàn chia thành nhiều khu vực khác nhau như nơi chôn chung, nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang lịch sử, nghĩa trang tôn giáo, nghĩa trang thiếu nhi, nghĩa trang tình yêu… Các mộ phần lập trên các trang web này ngày càng đa dạng về “kiểu dáng” và hoàn toàn miễn phí.

Những uẩn khuất của đời sống tâm linh trong thế giới ảo - Ảnh 2

Cổng vào nghĩa trang online của trang nhomai.vn. (Ảnh: Hà Nguyễn).

Chìm trong nỗi đau của thế giới ảo

Sự đa dạng của nghĩa trang online kéo theo những hình thức an táng, tưởng nhớ từ bình thường đến kỳ dị. Nghĩa trang ảo không chỉ cho phép người dùng tự do lập mộ phần, chia sẻ lòng thương tiếc với bất cứ ai mà còn cho phép họ lập mộ cho những thứ vô hình, từ những nhân vật trong game (trò chơi) đến những nick chat không còn sử dụng, một blog đã đóng cửa hay một mối tình đã tan vỡ… Ghi nhận tại các trang web nghĩa trang online, chúng tôi nhận thấy người dùng có thể thể hiện tình cảm, sự biết ơn với người đã khuất, trút bầu tâm sự về những dồn nén, những sai lầm, vấp ngã của bản thân, nơi người ta có thể nói lời xin lỗi với các sinh linh trót bị vứt bỏ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là nơi sẽ đẩy con người ta chìm vào bi lụy, tổn thương. Chính vì những ngôi mộ tồn tại trên mạng nên nhiều người cứ vào mạng là lại vào nghĩa trang, vô hình trung sẽ gây ra ám ảnh. Ghé thăm nghĩa trang ảo trên trang “nhomai.vn”, người ta dễ dàng nhận thấy những lời dằn vặt, đau đớn, bế tắc của người dùng. Nhiều thành viên sớm coi nghĩa trang ảo như một nơi để họ lui tới rồi tự mình chìm sâu vào những nỗi đau. Từ các chia sẻ theo kiểu dằn vặt như trên, người dùng trở nên bi quan, yếu đuối trước những nghiệt ngã số phận và quay lưng với đời sống thật.

Cảnh báo chứng bệnh “ảo giác thần linh”

Giáo sư, tiến sỹ Vũ Gia Hiền (chuyên gia tâm lý, hội Tâm lý – Giáo dụcTP.HCM) nhận định: “Những hiện tượng này thỏa mãn tâm lý thị giác có trạng thái tâm lý cảm tính ảo. Nếu chỉ dừng lại ở hình thức tâm linh thuần túy thì không trở thành bệnh, nhưng quá mơ tưởng sẽ trở thành chứng bệnh “ảo giác thần linh”, mất năng lực hành vi. Nếu việc thể hiện đời sống tâm linh đúng mức, có kiểm soát, giới thiệu đúng đắn phong tục, truyền thống về đời sống tâm linh là tốt, nhưng nếu người xây dựng chương trình không có kiến thức văn hóa tâm linh, thiếu hiểu biết về phong tục tập quán, truyền thống tâm linh dân tộc Việt Nam, sẽ dẫn đến sự méo mó về đời sống tâm linh, làm băng hoại giá trị đích thực của đời sống tâm linh. Vì tâm linh là sự tôn kính đối với người đã khuất, không thể đem ra để thỏa mãn thế giới ảo của nhóm người thiếu văn hóa tâm linh. Nếu không tôn trọng giá trị tâm linh đích thực thì hậu quả họ phải trả giá là không hề nhỏ”.
HÀ NGUYỄN – NGỌC LÀI

Theo: Người đưa tin

TAMTHUC

Comment