chuyen-thanh-vat-o-dinh-lang-le-mat
Chuyện thánh vật ở đình làng Lệ Mật
- bởi tamthuc --
- 08/09/2013
Theo sử sách ghi lại, tâm linh tại đình Lệ Mật được xây dựng từ thế kỷ 12, đời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127, cũng có nơi ghi 1066 – 1127) tại xã Việt Hưng thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Là di tích lịch sử hàng nghìn năm tuổi, đình Lệ Mật có rất nhiều huyền tích bí ẩn và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh vô cùng linh thiêng của người dân nơi đây.
Truyền thuyết về đức thành hoàng văn võ song toàn
Theo ông ông Trương Văn Hoạt (SN 1948), phó Ban quản lý di tích đình làng Lệ Mật, đến nay, có rất nhiều truyền thuyết bí ẩn về vị thành hoàng được thờ trong đình. Tương truyền rằng, vào đời vua Lý Nhân Tông, tại làng Lệ Mật có hai vợ chồng nhà nọ hiếm muộn về đường con cái khi ra chùa thì thấy một bức tượng đá. Hai vợ chồng này liền sờ vào đầu bức tượng và cầu khấn xin một đứa con. Sau khi trở về, người vợ bỗng nhiên mang thai và hạ sinh một đứa con trai. Đứa bé lớn lên rất khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Đến năm 16 tuổi, vì chăm chỉ học hành nên chàng rất tinh thông võ nghệ, am hiểu văn pháp.
Cổng đình Lệ Mật.
Ít lâu sau, triều đình xảy ra chuyện không may, công chúa ngồi thuyền đi ngao du sơn thủy bị thủy quái bắt cóc. Thương con, nhà vua cắt cử rất nhiều lực lượng đi lùng sục dưới lòng sông để cứu con gái nhưng đều bất thành. Khi ấy, chàng thanh niên làng Lệ Mật liền xung phong đi tìm công chúa. Bằng võ nghệ và mưu trí thông minh, chàng đã xuống sông đánh thủy quái và cứu được công chúa. Vua đã ban cho chàng rất nhiều vàng bạc, châu báu, gấm vóc. Ngoài ra, vua còn phong chức quan nhưng chàng từ chối. Chàng chỉ xin vua cho mình đưa dân nghèo làng Lệ Mật và mấy làng xung quanh sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại để sản xuất và nâng cao đời sống.
Được vua đồng ý, dân chúng đã cùng chàng vượt sông Nhị Hà (tức sông Hồng ngày nay) sang vùng đất mới, lập “Thập tam trại”. Vùng “Thập tam trại” này được đánh dấu bằng việc nhà vua cho chàng trai cưỡi một con ngựa bạch đi một vòng ở phía Tây và khoanh vùng mảnh đất mình quản lý. Sau khi lập được 13 trại (nay là các phường Kim Mã, Vạn Phúc, Đại Yên, Ngọc Hà, Liễu Giai, Cống Vị), chàng trai quay về củng cố làng cũ. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài công việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt, nuôi rắn nên đời sống rất giàu và gọi tên làng là “Trù Mật”. Sau khi chàng trai mất, để nhớ ơn, dân làng suy tôn chàng là Thành hoàng và lập đình thờ (là di tích đình ngày nay). Đến thế kỷ 17, vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương, 1686 – 1729) nên làng đổi thành tên thành Lệ Mật và đình cũng mang tên đó.
Ngoài tích trên, theo ông Hoạt, còn có một vài truyền thuyết khác về vị thành hoàng làng. Theo đó, xưa kia, một vị vua họ Lý khi đi qua làng Lệ Mật đã bắt gặp một người con gái có tên Hoàng Thị Tâm vô cùng xinh đẹp, thùy mị, nết na. Vua đem lòng yêu thương và hai người đã có với nhau một cậu con trai. Nhà vua đã cử một bậc đại thần văn võ song toàn về dạy cho con trai mình. Khi loạn Tam vương xảy ra, hoàng tử đã cùng thầy tham gia dẹp loạn. Phụng mệnh vua cha, chàng trai còn cầm quân đi đánh thắng giặc Chiêm. Sau này các nhà khoa học đã tìm ra dị bản này. Người dân trong làng khâm phục tài trí của hoàng tử nên đã lập đình thờ và tôn làm thành hoàng làng.
Ông Trương Văn Hoạt.
Hình phạt cho những kẻ bất kính?
Theo dân làng Lệ Mật, đình làng nơi đây rất linh thiêng. Trong những năm tháng chiến tranh, đình là nơi che chở và cầu an cho những người con quê hương trước khi lên đường nhập ngũ. Do vậy, sau chiến tranh, hầu hết họ đều trở về khỏe mạnh và dần dần có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cũng nhờ phúc đức và sự độ trì của thành hoàng mà người dân làng Lệ Mật bao đời nay đã ăn nên làm ra với nghề nuôi rắn truyền thống. Chính vì sự linh thiêng ấy mà người làng Lệ Mật cho rằng, bất cứ ai bất kính và xâm phạm đến các vị thánh trong làng sẽ bị trừng trị và bị thánh phạt rất nặng.
Xưa nay, dân làng Lệ Mật truyền tai nhau không ít câu chuyện về những người bị thánh “vật”. Những người sinh sống lâu năm ở làng Lệ Mật kể lại rằng, trước đây, đám trẻ trong làng thường rủ nhau ra đình làng chơi bắn súng phốc (súng tre hạt xoan). Trong số đó, có một cậu con trai nghịch ngợm đã vén bức mành trước mặt thần hoàng lên cho người bạn của mình bắn súng phốc vào tượng(?). Sau đó, khi đứa trẻ về nhà ăn cơm thì cứ bị hắt bát cơm ra phía sau như có ai giật tay, còn người vén màn thì bị hộc cả máu mồm (?). Gia đình biết chuyện con nghịch dại, phạm thượng đến thần thánh trong đình làng nên đã mua lễ ra cầu khấn. Câu chuyện đã xảy ra mấy chục năm, cậu bé bắn súng phốc vào tượng thờ giờ đã là cha của chàng trai cắt tóc gần đình. Tuy vậy, dân làng Lệ Mật thi thoảng vẫn kể lại cho nhau nghe để nhắc nhở mọi người không được làm điều gì bất kính tại đình làng.
Một dịp khác, có một người trong làng vô tình đã lấy đôi hài của công chúa đeo vào chân. Khi về nhà, không hiểu vì sao đôi chân của người đó cứ liên tục bị giật và giơ lên. Người trong nhà đành phải sang chợ Đồng Xuân mua một đôi giày mới mang ra đình lễ tạ thì người thân của mình mới thôi không bị thánh phạt nữa.
Gần đây nhất là trường hợp của gia đình chị X. (đang công tác tại hội Nông dân làng Lệ Mật). Con trai của chị X. trong một lần ra miếu thờ công chúa (miếu này nằm trong khuôn viên của đình Lệ Mật – PV) đã châm thuốc lá vào vị thần đứng canh cổng ở miếu. Sau lần ấy, mắt của cậu này rơi vào tình trạng “không bình thường”. Gia đình chị X. đưa con đến bệnh viện và đi chạy chữa khắp nơi nhưng các bác sĩ đều kết luận là không có bệnh gì. Chị X. phải thường xuyên ra đình cầu khấn nhưng con trai vẫn chưa khỏi bệnh và không thể đến trường cùng bạn bè được.
Chính những câu chuyện khó lý giải được người làng truyền tai nhau nhiều năm ấy đã khiến rất nhiều người tin vào sự linh thiêng của thành hoàng và đình làng Lệ Mật. Thời gian gần đây, những thay đổi, biến dạng do quá trình trùng tu tôn tạo ngôi đình khiến người dân vô cùng bức xúc và lo lắng nó sẽ ảnh hưởng đến những giá trị tâm linh.
Đình Lệ Mật được xây dựng theo kiến trúc điển hình thời Nguyễn, có tam quan chùa án ngữ phía trước. Cổng đình ghi hàng loạt câu đối tôn vinh công trạng của đức thành hoàng làng. Công trình này được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988 và được nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư nổi tiếng nghiên cứu và đánh giá cao. Do bị xuống cấp nên 2011, đình làng Lệ Mật được đưa vào trùng tu lại. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Hoạt, do sự thiếu hiểu biết nên đơn vị thi công đã làm biến dạng di tích, phá hủy các yếu tố cấu thành di tích. Cụ thể, chủ đầu tư đã khoác lên ngôi đình một không gian kệch cỡm, vi phạm các nguyên tắc kiến trúc, đụng chạm đến những kiêng kị tâm linh, giảm bớt số gian (ngôi đình có 54 gian nay chỉ còn 46 gian), phá hủy đi giá trị kiến trúc quý báu của ngôi đình hàng nghìn năm tuổi, tự ý vứt bỏ những họa tiết văn hóa độc đáo có từ thời xa xưa mà thay và thêm vào đó các hạng mục mới tinh… Những sai phạm của đơn vị chủ đầu tư có thể không cố tình nhưng họ đã tắc trách, không cẩn thận trong quá trình thẩm định di tích. Mặc dù Cục di sản (bộ VH-TT&DL) đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư chấn chỉnh nhiệm vụ thi công và không làm thay đổi hiện trạng di tích nhưng đơn vị này vẫn nhiều lần trốn tránh và không chịu khắc phục.
Chỉ là những câu chuyện mang tính giáo dục
Theo ông Trương Văn Hoạt, Phó Ban quản lý di tích đình làng Lệ Mật, qua hàng nghìn năm, đình được coi là nơi sinh hoạt tín ngưỡng linh thiêng của người dân trong làng. Những câu chuyện liên quan đến việc người dân bị thánh “vật” vì bất kính được người dân truyền tụng rất nhiều. Ngoài niềm tin về tín ngưỡng, đó chỉ là những câu chuyện mang tính giáo dục, răn dạy người đời nên biết sống lương thiện, một lòng kính trọng ông bà, tổ tiên.
Phạm Hạnh
Theo: Người đưa tin
TAMTHUC
Comment