huong-dan-cung-ram-thang-bay-ngay-xa-toi-vong-nhan
Hướng dẫn cúng rằm tháng bảy ngày xá tội vong nhân
- bởi tamthuc --
- 14/04/2017
Hàng năm cứ vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch, ngày của tâm linh người dân và Phật tử Việt Nam lại lên chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu, nhớ đến công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất… Về tại tư gia, các gia đình cũng thắp hương tưởng nhớ đến người thân và mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát.
Việc cúng Vu Lan báo hiếu tại tư gia nên thực hiện theo các khóa lễ sau: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh.
Ý nghĩa ngày xá tội vong nhân rằm tháng bảy
1. Cúng Phật
Trước tiên, đó là ngày lễ Vu Lan, xuất phát từ tích kể đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Ta sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả cùng hương, hoa, đèn nến để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.
Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh – Kinh Vu Lan – để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Kinh Vu Lan khá dài, nhưng không đến mức quá dài, lại thuộc thể thơ song thất lục bát nên đọc cũng nhanh thôi.
Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Bảy |
2. Cúng thần linh và gia tiên
Ngày Rằm tháng Bảy, theo tín ngưỡng dân gian, còn là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa.
Một số người Việt Nam tin rằng Lễ Xá tội vong nhân bắt nguồn từ công việc đồng áng của người nông dân trước kia. Hằng năm, cứ đến tháng 6-7 âm lịch là vào vụ thu hoạch mùa màng. Để công việc được may mắn, không gặp trắc trở, người dân thường cầu xin thần linh, thổ địa… bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu.
Chuẩn bị lễ cúng mặn thường có xôi gấc, gà luộc, các món xào, canh |
Đến đúng ngày 15/7, mọi việc phải được hoàn tất, đó cũng là lúc “ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy”, “mở cửa ngục xá tội vong nhân”. Và cũng vào ngày này, người ta thường làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh, và một mâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình. Vì vậy nên đa phần các gia đình thường cúng cơm mặn, nhưng cúng chay tốt hơn.
Ngoài ra, gia chủ đừng quên chuẩn bị các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã; đèn nến; trầu cau; rượu…
3. Cúng thí thực cô hồn (hay còn gọi cúng chúng sinh – theo Phật giáo miền Bắc) tại nhà
Ngoài việc cúng Phật, cúng thần linh và cầu siêu cho gia tiên, người Việt còn có lễ cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội…
Mâm cúng cô hồn |
* Thời gian: Có thể cúng từ ngày mùng 1 đến 15 tháng 7 (âm lịch).
* Sắm lễ:
– Tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.
– Tiền chúng sinh (tiền trinh), hoa, quả 5 loại 5 mầu (ngũ sắc).
– Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.
– Kẹo bánh. Tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).
– Nếu cúng thêm cháo thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa)
Chú ý: Không cúng xôi, gà. Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương. Bày lễ và cúng ngoài trời (nên thực hiện vào buổi chiều tối).
4. Cúng phóng sinh
Có thể phóng sinh chim, cá, tôm, cua… Việc phóng sinh này tùy theo tín tâm và điều kiện của mỗi gia đình phật tử, không bắt buộc.
N.M (Tổng hợp)
TAMTHUC
Comment