tai-sao-anh-sang-khong-toi-di-khi-ta-chop-mat
Tại sao ánh sáng không tối đi khi ta chớp mắt?
- bởi tamthuc --
- 09/03/2017
Cứ sau vài giây, mí mắt của con người tự động chớp và hai nhãn cầu di chuyển về lại vị trí hốc mắt. Vậy tại sao quá trình chớp mắt không làm cho chúng ta nhìn thấy khi sáng khi tối? Theo nghiên cứu mới đây chủ trì bởi Đại học California tại Berkeley, não bộ đã phải hoạt động vất vả hơn để có thể ổn định thị giác khi mà mắt chúng ta chớp thường xuyên như vậy.
Các nhà khoa học tại Đại học California, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) Đại học Descartes Pari và Đại học Dartmouth phát hiện ra rằng việc chớp mắt không chỉ bôi trơn, giữ ẩm tròng mắt và tránh mỏi mắt. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí trực tuyến Sinh học Ngày nay (Current Biology) cho thấy khi chúng ta chớp mắt, não bộ sẽ định vị lại nhãn cầu, nhờ vậy chúng ta có thể tiếp tục tập trung vào những gì đang quan sát.
Khi nháy mắt, nhãn cầu di chuyển về lại vị trí hốc mắt; khi mắt mở ra trở lại, nhãn cầu thường không trở lại đúng vị trí ban đầu. Sự thiếu đồng bộ này tức thời làm não bộ kích hoạt các cơ mắt nhằm chỉnh lại tầm nhìn của chúng ta, theo tác giả chính của nghiên cứu – Gerrit Maus, giảng viên ngành tâm lý tại ĐH công nghệ Nanyang.
“Cơ mắt của chúng ta tương đối thụ động và thiếu chuẩn xác, vì thế não bộ cần liên tục thích ứng với các dấu hiệu vận động để đảm bảo rằng mắt đang hướng tới vị trí mà chúng ta muốn nhìn.” Ông Maus cho biết thêm. “Theo những phát hiện của chúng tôi, não bộ đánh giá sự khác biệt giữa thị giác của chúng ta trước và sau khi chớp mắt, từ đó điều khiển cơ mắt thực hiện các hiệu chỉnh cần thiết.”
Xét một cách tổng thể, nếu như chúng ta không có cơ chế vận động mắt mạnh mẽ này, nhất là khi chớp mắt, cảnh vật xung quanh sẽ xuất hiện mờ ảo, thất thường và chập chờn, các nhà nghiên cứu cho hay.
“Con người nhìn thấy được liên tục mà không bị mù đứt quãng là nhờ bộ não đã đệm cho chúng ta,” đồng tác giả của nghiên cứu – GS. tâm lý David Whitney của ĐH UC Berkeley cho biết.
“Não bộ thực hiện rất nhiều dự báo để bù đắp cho phương cách chúng ta di chuyển trong thế giới này”, đồng tác giả của nghiên cứu – GS. tâm lý và khoa học não bộ Patrick Cavanagh tại ĐH Dartmouth cho biết. “Như thể là một thiết bị cân bằng máy ảnh dành cho trí não vậy.”
12 thanh niên khỏe mạnh đã tham gia vào một thí nghiệm mà ông Maus gọi đùa là “Thí nghiệm buồn tẻ nhất từng có”. Những người tham gia ngồi ngồi trong một căn phòng tối và nhìn chằm chằm vào một chấm tròn trên màn hình trong thời gian dài, các máy quay hồng ngoại ghi lại cử động mắt và chớp mắt của họ theo thời gian thực. Mỗi lần họ chớp mắt, chấm tròn lại được di chuyển 1 cm sang phía phải. Mặc dù các thành viên tham gia không được thông báo về sự xê dịch này, hệ thống vận động mắt của bộ não đã ghi lại sự di chuyển và tìm cách định vị lại hướng nhìn thẳng tới chấm tròn.
Sau khoảng 30 lần chớp mắt, mắt của người tham gia thí nghiệm điều chỉnh trong mỗi lần chớp và bắt đầu tự động di chuyển tới đúng vị trí của chấm tròn mà não bộ dự đoán.
“Cho dù những người tham gia không ý thức được là chấm tròn đã di chuyển, não bộ của họ đã tự biết và điều chỉnh hoạt động của mắt một cách chuẩn xác.” Ông Maus cho biết. “Những khám phá này bổ sung cho hiểu biết của chúng ta về phương cách não bộ liên tục thích nghi với sự thay đổi, điều khiển các cơ bắp để chỉnh lại các sai lệch trong ‘phần cứng’ của cơ thể chúng ta.”
Theo Science Daily
Hoàng Liên biên dịch
TAMTHUC:
- Sự khỏa thân trong nghệ thuật mang hàm nghĩa chân chính là gì?
- Điều tra mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, nhà báo được đề cử giải Nobel Hòa Bình 2017
Comment