nhung-dieu-khong-nen-lam-nhung-nhieu-nguoi-pham-phai-khi-gap-tai-nan-p-
Những điều không nên làm (nhưng nhiều người phạm phải) khi gặp tai nạn (P2)
- bởi tamthuc --
- 28/08/2017
“Trong huấn luyện sinh tồn, điều quan trọng không phải là làm cái gì, mà chủ yếu là huấn luyện người ta không làm một số việc mà họ thường có xu hướng sa vào”, người sống sót sau hỏa hoạn năm 1987 ở khu King’s Cross (London), nhà tâm lý học John Leach của đại học Portsmouth nói. Ông ước chừng, vào thời khắc nguy hiểm, phản ứng của 80-90% là không hợp lý.
(tiếp theo phần 1)
3. Tầm nhìn hình ống
Trong tình huống nguy hiểm, chúng ta cho rằng mình sẽ phản ứng bằng cách suy nghĩ sáng tạo để vượt qua vấn đề. Nhưng – như bạn có thể đoán, thực tế hoàn toàn ngược lại. Một phản ứng điển hình khi gặp tai nạn là “bướng bỉnh” – cố gắng dùng một phương thức duy nhất để giải quyết vấn đề hết lần này tới lần khác, bất luận kết quả như thế nào. Tình huống này thường hay phát sinh, tới mức trong thiết kế dây an toàn của máy bay hạng nhẹ đã tính đến việc này.
Bởi vì người ta đã quen với việc tìm dây an toàn ở xung quanh hông của mình, đây là nơi duy nhất mà người ta nhìn đến trong tình huống khẩn cấp. Trong những thiết kế trước đây, dây an toàn đều được thắt ở phía trên, nhưng trong tình huống sợ hãi khi hạ cánh khẩn cấp, người ta chỉ đơn giản là không thể thực hiện thao tác này. Các sự cố khác cho thấy, trong thời khắc nguy hiểm, phi công thường sẽ bị ám ảnh bởi một loại thiết bị hoặc phản ứng nào đó.
Điều thú vị là, tầm nhìn hình ống này cũng xuất hiện ở những người bị tổn thương thuỳ trán vĩnh viễn, điều này cho thấy có thể trong thời khắc nguy hiểm, đại não đã đóng khu vực này lại, dẫn đến tư duy cứng nhắc.
4. Làm theo thói quen cũ
Điều này dẫn chúng ta đến một chướng ngại lớn tiếp theo. “Số người thiệt mạng vì chạy về nhà lấy ví tiền hoặc kiểm tra xem lò nướng đã tắt chưa…” chuyên gia ứng phó với nguy cơ và tai họa James Goff của Đại học Hawaii nói. Trải qua nhiều năm làm việc với người dân, nâng cao ý thức của người dân ở những nơi có nguy cơ sóng thần cao, ông chứng kiến rất nhiều phản ứng không thể tưởng tượng được của con người trong các tình huống nguy cấp.
Trên bề mặt, thật điên khùng hoặc ngu xuẩn khi vì ví tiền mà mạo hiểm sinh mệnh của bản thân. Nhưng đây lại là hiện tượng rất phổ biến, các nhà tâm lý học sinh tồn có một thuật ngữ cho loại hiện tượng này: “hành vi rập khuôn”. Trong giới động vật, điều này chỉ những động tác lặp lại nhưng rõ ràng là vô dụng, ví dụ đi qua đi lại trong vườn thú.
Đối với con người, nó chỉ một hiện tượng khiến cho người ta bất an: Cho dù trong nhà đã cháy, nhưng vẫn tiếp tục hành động theo thói quen cũ. “Khi bạn ra khỏi nhà thì cần lấy ví tiền – bạn còn không suy nghĩ. Đây là tự động,” James nói.
Năm 2016, khi chuyến bay số 512 của hãng hàng không Emirates hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Dubai, hình ảnh video cho thấy hành khách đang hoảng loạn chạy tới chạy lui trong khoang đầy khói để tìm hành lý trong ngăn chứa phía trên đầu. May mắn là không có hành khách nào thiệt mạng (đáng tiếc là một nhân viên cứu hỏa đã mất mạng trong khi tập tắt đám cháy). Đây không phải là một ngoại lệ, việc tương tự cũng đã từng xảy ra vào một năm trước nữa, và lại xảy ra một lần nữa vào năm 2013.
Vậy thì, vì sao chúng ta không thể dừng những phản ứng vô thức này lại?
Thực tế đã chứng minh, trong sinh hoạt thường ngày, đại não của chúng ta phụ thuộc một cách thái quá vào sự quen thuộc. Trong hoàn cảnh không có tai nạn, khi máy bay chạm đất, người ta cho rằng việc lấy hành lý một cách vô thức sẽ giúp chúng ta tập tung tinh lực đối phó với những thứ chưa từng gặp phải – ví dụ tìm đường đi ở sân bay của một thành phố xa lạ. Nhà tâm lý học John Leach nói: “Chúng ta sống trong hiện tại, nhưng lại dựa vào những thói quen cũ để dự báo tương lai.”
Khi chúng ta nỗ lực xây dựng khuôn mẫu mới cho thế giới xung quanh, thử thách trí lực mà hoàn cảnh mới mang đến là rất lớn. Điều này cũng có thể giải thích vì sao khi ở nơi đất khách hoặc bắt đầu một công việc mới thì chúng ta thường cảm thấy rất mệt mỏi. Trong tình huống khẩn cấp, việc thích ứng với tình huống mới có thể vượt quá năng lực chịu đựng của bộ não. Vậy mà chúng ta vẫn cứ “làm tới” như thể không có chuyện gì xảy ra cả.
6. Phủ nhận
Khi đi đến cực đoan, người ta có thể hoàn toàn phớt lờ mối nguy hiểm. “Luôn có hơn 50% số người làm như vậy, họ đi xuống bờ biển để quan sát sóng thần”, James Goff nói. Trong tay ông cầm tấm ảnh chụp người ta quan sát sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, được ghi lại bởi một người đang chạy lên vị trí cao hơn.
Theo cách nói của nhà tâm lý học Sarita Robinson, phủ nhận có hai loại lý do, hoặc là người ta không có đủ năng lực để nhận ra sự nguy hiểm của tình hình, hoặc là chỉ vì người ta không muốn thừa nhận. Lý do thứ hai rất phổ biến trong trường hợp cháy rừng, bởi vì thường thì sơ tán khỏi ngôi nhà nghĩa là chấp nhận để nó bị phá hủy.
“Người ta thường chờ đợi đến khi họ nhìn thấy khói, mà điều này có nghĩa là đã quá muộn để chạy thoát. Vì vậy họ bị mắc kẹt trong ngôi nhà vốn không được chuẩn bị tốt để chống lại đám cháy cháy, hoặc liều mình tìm cách chạy thoát”, chuyên gia xử lý nguy hiểm khẩn cấp Andrew Gissing của công ty Risk Frontiers nói.
Vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã phát hiện rằng đa số chúng ta có năng lực phán đoán nguy hiểm rất kém. Khi nguy hiểm đến, não của chúng ta thường dựa vào cảm giác mà không dựa vào thực tế, không chịu tư duy khẩn trương mà an ủi bản thân rằng nguy hiểm sẽ qua. Điều này cũng có thể giải thích vì sao những bệnh nhân ung thư trung bình đợi 4 tháng mới đi gặp bác sĩ chẩn đoán, hoặc khi xảy ra sự kiện 11/9, người ở các tầng cao của Trung tâm Thương mại Thế giới đã đợi trung bình 5 phút trước khi bắt đầu di tản.
Một người tên là Yossi Hasson đã có trải nghiệm trực tiếp về việc phủ nhận hiện thực trong tình huống nguy cấp. Khi có sóng thần xảy ra vào ngày lễ năm 2004 thì ông và bạn gái đang đi lặn ở vùng biển Thái Lan. Họ đang ở dưới nước, cách bờ biển vài dặm thì sóng thần đến. “Đột nhiên tôi cảm thấy bị cái gì đó đẩy, rất mạnh, tôi không cách nào kiểm soát được nữa.” Sau đó họ quay lại đảo.
Mặc dù toàn bộ toàn bộ vùng bãi biển đã biến thành một đống đổ nát, với rác và xác người nổi xung quanh những chiếc thuyền, nhưng Hasson lại vẫn đang tự hỏi liệu họ có thể trở về khách sạn để lấy hành lý không. Người chèo thuyền dường như muốn nói: “Này anh bạn, khách sạn của anh có lẽ không còn tồn tại nữa rồi”.
Những điều bạn nên làm khi tại nạn xảy ra
Nếu như chúng ta không thể dựa vào bản năng tự nhiên của mình, thì chúng ta có thể dựa vào điều gì?
James Goff cho rằng, nếu muốn sống sót khỏi thiên tai thì cần có kế hoạch. “Nếu bạn sớm biết cần làm thế nào và hành động sớm, thì bạn thông thường có thể thoát chết khi gặp sóng thần, nhưng có lẽ sẽ có chút sợ hãi.”
John Leach có nhiều năm kinh nghiệm huấn luyện quân nhân thoát khỏi các trường hợp khủng bố, bắt cóc con tin cho đến máy bay trực thăng rơi xuống nước. Ông biết biện pháp tốt nhất để giải quyết ảnh hưởng tâm lý là thay thế những phản ứng tự động không có lợi bằng những phản ứng có thể cứu tính mạng của bạn. Ông nói: “Bạn phải không ngừng luyện tập và luyện tập cho đến khi kỹ năng sinh tồn trở thành hành vi chủ đạo”.
… Tuy nhiên nhiều khi vận may là quan trọng nhất
Larson – người sống sót sau chuyến bay số 440 của Hãng hàng không Ấn Độ rốt cuộc như thế nào? Tổn thương lớn nhất ông ta gặp phải không phải bản thân tai nạn mà là sự việc phát sinh sau đó. Ông được dân làng phát hiện và đưa đi bệnh viện. Lửa đã lan đến quá gần khi ông thoát ra, nên đã lẹm mất một nửa tóc trên đầu ông. Ông bị bỏng cấp 1 và cấp 2, xương chậu vỡ, cánh tay bị nát và bàng quang bị thương.
TAMTHUCVì để đảm bảo không còn nội thương nào khác, bác sĩ phải làm phẫu thuật kiểm tra. Vài tuần sau, ông vẫn bị sụt cân, vết thương cũng chưa lành. Tại vị trí một vết sưng, bác sĩ chữa trị cột sống ở Mỹ của Larson đã cắt vết khâu ra và đưa kẹp vào. “Ông ấy lấy ra một miếng vải gạc dài khoảng 30cm đã ở trong đó 30 ngày rồi”. Rất may là phát hiện ra điều này. Nếu như miếng gạc tiếp tục ở trong đó thì chuyện sẽ rất tệ.
Chuẩn bị thật tốt, hành động nhanh, vứt bỏ thói quen cũ, tránh những phủ nhận… đều là cách để sống sót khi gặp những tình huống xấu nhất. Nhưng theo kinh nghiệm của Larson chỉ ra, đôi khi bạn vẫn cần có đủ vận may.
Theo Zaria Gorvett/ BBC
Phong Trần biên tập
TAMTHUC
Comment