gioi-khoa-hoc-quoc-te-len-an-phau-thuat-thay-dau-o-trung-quoc-la-mot-sai-lam-ve-dao-duc
Giới khoa học quốc tế lên án “phẫu thuật thay đầu” ở Trung Quốc là một sai lầm về đạo đức
- bởi tamthuc --
- 19/11/2017
Liên quan đến việc tuyên bố phẫu thuật thay đầu người thành công gần đây, ngày 17/11, Daily Mail (Anh) đã đăng tải những bàn luận sôi nổi liên quan đến vấn đề đạo đức của việc làm này.
Theo Daily Mail đưa tin, gần đây tại buổi họp báo ở Áo, nhà khoa học thần kinh người Ý Sergio Canavero hợp tác với nhóm của bác sĩ khoa ngoại cơ xương Nhậm Hiểu Bình (Ren Xiaoping) đã tuyên bố thông tin về vấn đề “phẫu thuật thay đầu” kể trên. Phẫu thuật này được thực hiện tại Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Bác sĩ Sergio Canavero cho biết, trải qua 18 tiếng đồng hồ, nhóm mổ do bác sĩ Nhậm Hiểu Bình (Ren Xiaoping) phụ trách đã thành công trong việc nối đầu với cột sống, mạch máu và thần kinh của hai thi thể.
Sergio Canavero còn cho biết, báo cáo phẫu thuật hoàn chỉnh sẽ công bố trong vài ngày tới, đồng thời kế hoạch phẫu thuật ghép đầu đối với cơ thể sống cũng sẽ sớm được công bố sau đó.
Theo Sina đưa tin, trả lời phỏng vấn ngày 18/11, ông Nhậm Hiểu Bình cho biết, sẽ sớm công bố thành quả nghiên cứu bước đầu của giải phẫu học ngoại khoa việc ghép đầu từ người hiến tặng.
Nhưng tờ Daily Mail đưa tin, rất nhiều chuyên gia y khoa chất vấn về vấn đề đạo đức của loại phẫu thuật này.
“Chương trình này là một sai lầm về vấn đề đạo đức”, tiến sĩ James Fildes thuộc Trung tâm Cấy ghép Bệnh viện Đại học Nam Manchester chất vấn, vì mỗi khi phẫu thuật cho một người thì cần một người khác phải hy sinh mạng sống dâng hiến đầu của họ.
Theo trang “Tin tức Giới diện” (Jiemian), tại Đại hội thường niên Hội bác sĩ thần kinh và Khoa ngoại chỉnh hình Mỹ năm 2015, hai bác sĩ Sergio Canavero và Nhậm Hiểu Bình đều đã lần lượt diễn giảng về kế hoạch ghép đầu. Nhưng diễn giảng của họ đã bị lên án. “Ở đó không có ai hứng thú với việc phẫu thuật cấy ghép đầu”, bác sĩ Canavero nói.
Daily Mail cũng đưa tin, rất nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm về thứ “khoa học lập dị” này, họ cho rằng dù loại phẫu thuật phức tạp này có khả thi thì bệnh nhân cũng có thể bị bại liệt vì sự kết nối hỗn loạn của dây thần kinh cột sống, biến thành người dở sống dở chết. Bác sĩ Canavero cũng thừa nhận có vấn đề về mặt đạo đức cũng như tài chính liên quan loại phẫu thuật này.
Tạp chí “Nhà Khoa học mới” (New Scientis) có nhận định, trước tiên chưa nói chuyện sau khi “đầu tách khỏi thân” thì đầu có còn sống được không, việc phẫu thuật cấy ghép đầu dĩ nhiên sẽ kéo theo tranh luận gay gắt về vấn đề đạo đức. Ví dụ, sau khi người bệnh hồi phục và sinh con cái thì về sinh học người con này thuộc về ai, vì trứng hoặc tinh trùng đến từ cơ thể mới. Còn nữa, cái cơ thể hoàn toàn mới này cũng là áp lực tâm lý khủng khiếp đối với người bệnh.
Ngoài ra một vấn đề nữa gây tranh luận là giả sử phẫu thuật thành công thì sinh mệnh mới này nên xem là thuộc bộ phận thân thể người hay của phần đầu ghép vào.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc Đại lục, ông Vương Nhạc (Wang Yue), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Luân lý và Pháp luật ngành Y Đại học Bắc Kinh thẳng thắn cho biết, vấn đề này không khả quan, vì tính mạo hiểm của loại phẫu thuật này quá cao, “nếu được thực hiện sẽ là điều sỉ nhục trong giới lâm sàng Trung Quốc”.
Đáng chú ý là tại buổi họp báo tổ chức ở Vienna gần đây, khi được hỏi liệu loại phẫu thuật này sẽ được phổ biến trên toàn cầu sau thử nghiệm ban đầu ở Trung Quốc, bác sĩ Canavero trả lời, “Với số vô số những lời chỉ trích mà chúng tôi nhận được, tôi nghĩ chúng tôi không nên phổ biến trên quốc tế”.
Vậy thì vấn đề là tại sao “phẫu thuật thay đầu” không thể đưa ra quốc tế mà lại có thể thực hiện được ở Trung Quốc? Trả lời vấn đề này, New York Times dẫn ý kiến của học giả Luân lý Y khoa Arthur L.Caplan thuộc Đại học New York cho biết,
“Mọi chuyện đều trở nên khó hiểu dưới thể chế Trung Quốc hiện hành”, “Tôi không tin vào quan điểm hoặc chính sách liên quan đến đạo đức sự sống của Trung Quốc. Nghĩ đến những tác động của nguyên nhân chính trị, lòng tự hào dân tộc và tinh thần khám phá, thật khó làm rõ cuối cùng thì họ có thể làm gì.”
Thông tin chỉ ra, lâu nay vấn đề luân lý luôn làm bối rối giới nghiên cứu lĩnh vực cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Vì tình trạng sử dụng nội tạng tử tù mà họ bị cộng đồng quốc tế khinh bỉ. Cho dù chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố không còn cho dùng nội tạng tử tù, tuy nhiên vẫn còn luận văn nghiên cứu của bác sĩ phẫu thuật cấy ghép Trung Quốc công bố trước quốc tế có dùng nội tạng tử tù. Căn cứ vào tiêu chuẩn luân lý y khoa quốc tế thì loại nghiên cứu này không được phép.
Tuyết Mai
TAMTHUC
Comment