phai-vo-lung-danh-mot-thuo-va-loi-don-yem-bua-ngai
Phái võ lừng danh một thuở và lời đồn yểm bùa ngải
- bởi tamthuc --
- 10/07/2013
Trong các phái võ cổ truyền Việt Nam, Long Hổ Hội mang nhiều giai thoại và sự thực cuốn hút người trong và ngoài giới. Môn phái này đã từng nổi tiếng với những tên tuổi các võ sỹ thượng đài năm xưa mà đến nỗi, nhiều người thời ấy phải thốt lên, phái võ này dùng bùa ngải. Lý do vì mỗi khi thượng đài, chưa đầy nửa hiệp, các võ sỹ đối đầu đã bị hạ knock out rất ngoạn mục.
Phái võ bị yểm bùa
Qua cuộc trò chuyện với võ sư Long Phi Thanh, một trong những học trò hiện còn theo nghiệp võ của phái này cùng võ sư Trần Hữu Hoàng, chưởng môn phái Hắc Hổ thiết quyền đạo, một người biết khá nhiều về người khai sinh môn phái cũng như phái Long Hổ Hội trước 1975, chúng tôi lại biết thêm nhiều câu chuyện thú vị.
Đả bại cú đá “quỷ khốc thần sầu”
Võ sư Thanh kể lại giai thoại, khi cố sư phụ Long Hổ Hội theo các võ sư người Hoa tu luyện trên khu vực Bảy Núi (An Giang ngày nay) xong và quyết định xuống núi thì nghe giới võ thuật lúc ấy nói nhiều về võ sỹ Sáu Cường. Võ sư Thanh cũng không biết Sáu Cường theo phái nào, người ở đâu nhưng nhắc tới cái tên này thì hầu như lúc ấy, ai cũng biết. Sáu Cường là một tay võ sỹ siêu hạng, cứ hễ thượng đài là không có đối thủ. Thậm chí, võ sỹ này còn hạ knock out các đối thủ rất chóng vánh. Thế nên, nghe tin Sáu Cường thọ đài là không ai dám lên.
Biết tin, Long Hổ Hội không ngần ngại tìm về Long Xuyên (An Giang ngày nay) để thọ giáo. Lúc đó, ai cũng nghĩ Long Hổ Hội là kẻ chán sống và sẽ là nạn nhân tiếp theo của Sáu Cường. Tuy nhiên, khi bước lên sàn đấu, chưa đầy một hiệp, Sáu Cường đã bị hạ đo ván, nằm kêu la thảm thiết. Võ sư Thanh nghe kể lại, lúc mới lên đài, sư phụ giơ hông ra cho Sáu Cường đá.
Sáu Cường vốn có cú đá quỷ khóc thần sầu, đá cú nào lấy mạng cú đó. Khi sư phụ vừa giơ hông ra, Sáu Cường tung cú đá sấm sét, hòng hạ knock out đối thủ. Nhanh như chớp, Long Hổ Hội luồn người xoay theo chiều của cú đá Sáu Cường và tung cú chỏ vào ngay mặt. Sáu Cường nằm ôm mặt thảm thiết.
Trước đó, nhiều người thời ấy biết tin, có tay võ sỹ ẩn danh trên vùng Bảy Núi xuống thách đấu Sáu Cường thì hồi hộp, náo nức chờ trận thư hùng. Vì lâu lắm rồi chưa ai dám thách đấu Sáu Cường. Thế nên, trước trận đấu diễn ra nhiều ngày, từ giới võ lâm lúc ấy cùng những tay giang hồ cộm cán và kể cả dân tình cũng bàn tán sôi nổi về trận đấu sắp tới. Trong những cuộc bàn luận đó, đa phần họ đều cho rằng, sẽ khó có một bất ngờ nào xảy ra.
Và kịch bản được vẽ ra là Long Hổ Hội sẽ nằm đo ván. Nhưng người ta lại mong một kịch bản khác xảy ra hơn, theo kiểu, hoặc ít ra cũng sẽ có trận lôi đài chưa từng thấy trong lịch sử giữa một võ sỹ vô đối và một cao thủ ẩn danh từ khu vực Bảy Núi xuống. Nhưng những gì diễn ra trong trận đấu, làm người ta hết sức kinh ngạc và cái tên Long Hổ Hội được lan đi nhanh chóng. Cũng từ đó, ông bắt đầu hành tẩu giang hồ.
Phái Long Hổ Hội từng làm chấn động Sài Gòn và từng bị cho là dùng bùa ngải.
Trước trận đấu diễn ra, võ sư Thanh còn nhớ lại chuyện, cố sư phụ của mình bị đám giang hồ ở bến xe Long Xuyên (An Giang ngày nay) truy sát. Lúc ấy, khi cố sư phụ xuống núi và đi sang Long Xuyên thách đấu Sáu Cường thì lại gặp chuyện. Số là thời ấy, khi muốn thượng đài và thách đấu, các võ sỹ phải đăng ký và đợi sắp xếp ngày thượng đài. Trong lúc chờ đợi, vì mới xuống núi nên chưa có việc làm, lại không có tiền nên Long Hổ Hội vào bến xe Long Xuyên xin làm bốc vác để kiếm tiền ăn cơm.
Tuy nhiên, lúc đó, chân bốc vác trong bến xe Long Xuyên đã do Bảy Hổ làm trùm và bảo kê hết nên người ngoài rất khó kiếm ăn. Trong bến xe và cả khu vực Long Xuyên hễ nghe tên Bảy Hổ không ai dám rớ vào. Vì nếu thất trách với Bảy Hổ coi như đi đời nhà ma. Thế nên, việc bốc xếp trong bến xe Long Xuyên nghiễm nhiên do băng đảng của Bảy Hổ độc quyền hành nghề.
Giới buôn bán, vận tải chỉ biết tuân theo, còn giá cả thì phải trả theo biểu giá của đại ca Bảy đưa ra. Mọi việc cứ thế mà làm, không có thắc mắc. Nếu có cãi cọ thì dễ ăn đấm như chơi, nên dân buôn bán và vận chuyển hàng hóa đành câm lặng để dễ bề làm ăn.
Trong khi đang ngồi đợi ở bến xe, có chủ hàng kêu bốc xếp, nghe vậy Long Hổ Hội phần vì không biết là có bảo kê bốc xếp, xếp bến, phần vì thiếu tiền ăn cơm, lại không thấy ai dành nên nhanh chân chạy tới. Sau khi thực hiện công việc vừa xong và nhận tiền công xứng đáng thì bị tay chân của Bảy Hổ phát hiện.
Đoạt độc kiếm, được tôn xưng làm đại ca
Lại nói về cố sư phụ, võ sư Long Phi Thanh tiếp mạch câu chuyện, sau khi có tiền, cố sư phụ đi ăn. Ông chọn một quán cà phê của người Tiều (người Hoa), tìm cho mình một góc yên lặng, chễm chệ thưởng thức ly cà phê sữa đá. Tiếp đó, cố sư phụ gọi thêm mấy cái bánh giò cháo quẩy, chấm cà phê sữa đá ăn ngon lành (món này người miền Tây đến nay vẫn còn ăn kèm khi họ đi uống cà phê. Nhiều người lại thích thay giò cháo quẩy bằng bánh mì).
Chưa hết nửa ly cà phê và đang thưởng thức ngon lành món giò cháo quẩy, cố sư phụ thấy một băng đảng kéo tới, trên tay cầm độc kiếm. Quan sát, cố sư phụ thấy mặt tên nào cũng đằng đằng sát khí. Tên cầm đầu không ai khác, chính là đại ca Bảy Hổ lớn tiếng quát: Long Hổ Hội là thằng nào?
Khi thấy Long Hổ Hội quay ra, lập tức cả đám đàn em Bảy Hổ nhất loạt xông lên. Biết chuyện không hay sẽ đến với mình, lại không có đường tháo lui, vì cố sư phụ ngồi trong góc của quán nên nhanh như chớp, cố sư phụ lấy chân hất chiếc bàn đá nhỏ đặt trong quán, trúng ngay cánh cửa và đóng sầm lại. Tuy nhiên, cả đám hăng máu nhảy vào phía trong quán. Lúc đó, có dăm ba thực khách khác đang uống cà phê nháo nhào bỏ chạy thoát thân.
Sau khi hất chiếc bàn đá nhỏ, Long Hổ Hội đứng dậy và dùng các thế võ của mình né tránh những đường chém đoạt mạng của đám du đãng. Tránh được mấy đường kiếm, Long Hổ Hội lấy lại thế chủ động, luồn người tiếp cận những tên đàn em của Bảy Hổ và định đoạt lấy độc kiếm.
Tuy nhiên, do độc kiếm có chuôi được cột chặt vào tay người sử dụng nên ông không thể nào lấy được. Sau gần 10 phút chiến đấu, cả đám giang hồ nằm kêu la oai oái, trong đó có cả đàn anh Bảy Hổ. Dù tên nào cũng cầm độc kiếm trong tay nhưng không tay, chân thì thân họ đều bị dính đòn.
Mỗi đòn của Long Hổ Hội đều làm cho đối phương chỉ biết nằm kêu. Cả đám 7, 8 tên, không tên nào có thể gượng dậy. Biết mình gặp cao thủ võ lâm nên Bảy Hổ năn nỉ xin tha. Đồng thời, Bảy Hổ lập tức hỏi quý danh và mời Long Hổ Hội về làm đại ca, quản lý bến xe và nghiệp bốc vác. Chính về thế, công việc xếp bến và bảo tiêu của Long Hổ Hội cũng bắt đầu từ đó.
Võ sư Thanh cũng cho biết, sau trận chiến trên, cố sư phụ bị thương khá nhiều vết ở tay do đoạt kiếm nhưng được họ cột chặt vào tay nên bị lưỡi kiếm cắt phải. Thế đoạt kiếm của cố sư phụ đến nay các học trò vẫn còn nhớ như in và thi thoảng đem ra diễn cho học trò xem. Võ sư Hoàng kể lại, chính vì bất bại trên các võ đài mà Long Hổ Hội được giới võ lâm thời bấy giờ tặng cho biệt danh quyền vương chi bảo, tức là vua quyền cước hiếm có.
Chẳng thế khi ông mất đi, Hội võ Cổ truyền TP.HCM cũng tặng cho hai câu: “Hổ phục sơn lâm tịnh – Long phi vũ trụ kinh (tức: Hổ nằm xuống thì rừng núi yên – rồng bay lên thì vũ trụ kinh). Trong quá trình phiêu bạt giang hồ rồi mở lò võ, Long Hổ Hội đã đào tạo nhiều võ sỹ đánh đài khét tiếng khu vực miền Nam, thậm chí vang danh sang cả nước bạn: Campuchia, Lào, Thái Lan, trong đó phải kể đến Triệu Sen, Mã Sơn Ba, Mouse taza, Long Phi Thanh.
Sự thực về lời đồn bùa ngải
Nhiều người nói, phái Long Hổ Hội dùng bùa ngải, bởi khi các võ sỹ của phái này thượng đài đều bất bại. Đặc biệt là khi Muose Taza hay Long Muose, Mã Sơn Ba… thượng đài thì không có đối thủ. Họ đánh từ miền Trung tới miền Tây và cả Sài Gòn, thậm chí sang cả nước bạn Campuchia, Thái Lan… Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, võ sư Thanh và võ sư Hoàng giải thích rất nhiều về điều này. Đặc biệt là võ sư Thanh, ông dành cả mấy ngày trời để giải thích cho chúng tôi hiểu vì sao võ sỹ của môn phái lại làm được điều đó.
Võ sư Thanh cho biết, võ Long Hổ Hội là một môn phái có tính khoa học, chứ không phải dùng bùa ngải. Nó là một hệ thống được sắp xếp theo một quy luật nhất định, dựa trên Cơ thể học, Tâm lý học và Toán học. Tâm lý của con người có ảnh hưởng lớn đến đòn thế. Điển hình như người có ý chí, tự tin… sẽ thực hiện những đòn thế chính xác và có những phán đoán nhanh trong những tình huống khác nhau.
Từ đó, họ cho ra những phản ứng thích hợp. Ở khía cạnh toán học, khi người ra đòn thế, di chuyển của bộ phận cơ thể theo góc cạnh của hình học, nhằm né tránh, đánh lừa đối phương và tạo điều kiện thực hiện đòn thế thuận lợi nhất. Còn về vật lý học, khi ra một đòn thế, thường thể hiện các lực va đập, sang chấn, ma sát, xuyên phá. Phân tích kỹ các lực này, võ sỹ sẽ biết mình phải làm gì, làm như thế nào…
Được biết, khi luyện mỗi đường quyền của phái Long Hổ Hội đều có những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, nó đều hướng đến việc phát triển thể lực, thiết lập tình huống và xây dựng phản ứng trả lời cho tình huống đó.
Trong đó, mỗi đường quyền đều hướng đến phát triển năm tố chất: Nhanh (khả năng thu ngắn khoảng cách trong thời gian ngắn nhất), mạnh (năng lực triệt tiêu lực cản), bền (khả năng chống lại sự mệt mỏi), biến (khả năng đổi đòn thế trong tình huống bất chợt nhưng đòn biến phải có cùng chiều với những đòn đã thực hiện trước đó) và nhu (khả năng thực hiện đòn thế với biên độ của các khớp mở rộng).
Để phát triển các tố chất này, phái võ đã đặt tên cho các các bài quyền như: La thành hồi mã thượng (phát triển nhanh), La thành thọ tiễn (mạnh), La thông bảo tắc (bền)… Khi thực hiện các bài quyền phát triển mỗi yếu tố thì đồng thời các yếu tố còn lại cũng sẽ phát triển kéo theo và được nâng lên.
Hướng đến xây dựng con người trí dũng song toàn Võ sư Thanh cho biết, theo thời gian, võ thuật ngày nay không còn nhấn mạnh vai trò chiến đấu và chiến thắng bằng mọi giá như lúc trước mà nó đã chú trọng nhiều hơn những mục tiêu khác như rèn luyện sức khỏe, thực thi quyền tự vệ chính đáng. Một số môn phái được đưa ra thi đấu như những môn thể thao biểu diễn với những điều luật nhất định. Vì theo phương châm, văn phát triển trí, võ phát triển dũng mà xã hội ngày nay đang cần những con người trí dũng song toàn để xây dựng đất nước.
|
Theo : nguoiduatin
Comment