Bùa ngải có nhiều dòng phái nhưng tựu trung lại là dùng phương pháp làm phép “gửi lệnh” điều khiển âm lực vào một vật cụ thể nào đó để trấn yểm, phục vụ mục đích người dùng. Pháp sư có pháp lực càng cao thì “thương hiệu” càng lớn và dĩ nhiên được nhiều người tin tưởng thỉnh bùa.
Mất nhiều tháng thuyết phục, chúng tôi mới được diện kiến ông T., một pháp sư có tiếng ở Sài Gòn và được ông chia sẻ những sự thật về bùa ngải.
Diện kiến thầy bùa
Nhà pháp sư T. nằm ở mặt tiền đường trên địa bàn Q.Bình Thạnh. Căn nhà rất rộng nhưng cửa đóng then cài quanh năm, chỉ một mình ông ở. Cả gia đình ông đều định cư ở nước ngoài. Ông năm nay 40 tuổi, từng tốt nghiệp cử nhân luật nhưng 20 năm qua ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu bùa ngải.
Ông gặp chúng tôi sau một chuyến “công cán” từ Tây Ninh trở về. Gia chủ ở đó xây cất nhà ở gần nghĩa địa, thường xuyên bị ma quấy quá. Thử mọi cách cúng viếng, cầu siêu vẫn không được. Nghe danh thầy T., gia chủ cất công lặn lội xuống Sài Gòn cậy nhờ. “Thực chất đó không phải là những hồn ma mà là những âm binh. Chỉ có người am tường huyền thuật mới có thể hóa giải” – ông T. nói.
Phải thuyết phục lắm, chúng tôi mới được ông T. cho phép vào tham quan căn phòng nơi ông nghiên cứu và thực hành bùa pháp. Căn phòng nhỏ đốt nhang trầm nghi ngút. Ở chính giữa là bàn làm việc có mực tàu và giấy vẽ bùa. Xung quanh bốn bức tường là 8.000 đầu sách đủ thứ tiếng chuyên về bùa ngải. Trên các bức tường treo nhiều ảnh mà theo ông là cao tổ của các trường phái bùa ngải. Tất cả đều là người Trung Quốc, Thái Lan hoặc Ấn Độ. Theo lời ông, bùa ngải chỉ là một trong những hình thức khai triển huyền thuật, ngoài ra còn có trù ếm, thần thông, thôi miên…
Huyền thuật có lịch sử ít nhất đã 8.000 năm, bất cứ tôn giáo nào, dân tộc nào cũng có huyền thuật. Ở nước ta, có rất nhiều loại huyền thuật tự sinh hoặc du nhập. Cơ bản nhất vẫn có thể kể đến các dòng Nam Tông (Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia…), dòng Tiên Đạo (Trung Quốc, Tây Tạng…) hay huyền thuật của các dân tộc (như người Mường)… Mỗi dòng đều có thế mạnh thế yếu nhưng trước đây dùng để chữa bệnh, trừ ma diệt quỷ chứ không dùng hại nhau như bây giờ.
Bùa ngải dùng đủ thứ chất liệu từ cây cỏ đến vật dụng, tùy phép yểm và mục đích. Lá bùa có loại nhỏ bằng ngón tay, có loại to như mặt bàn. Loại chôn, loại đốt, loại uống (trực tiếp hoặc đốt), cũng có loại vô hình vô trạng… Ở miền Nam, huyền thuật chủ yếu thịnh hành dòng Nam Tông, đặc biệt là bùa chú của Thái hoặc Miên (Campuchia). Huyền thuật tôn chỉ là điều chỉnh quan hệ giữa con người với cõi siêu nhiên. Vì vậy, xuất phát điểm của bùa ngải đơn thuần là vì mục đích tốt.
Dòng huyền thuật nào cũng có “bùa hại”. “Bùa hại” từ sơ khởi cũng đã có nhưng chỉ mang tính chất để răn đe, trừng phạt những người xấu và giúp họ quay đầu chuyển ý. “Từ lâu, việc dùng bùa phép ám hại nhau là có thật, dù nhiều người chưa tin” – ông T. khẳng định.
Đẳng cấp và trả giá
Cũng theo lời ông, huyền thuật sơ khai mang mục đích tốt đẹp nên pháp sư cũng vậy. Những người có khả năng khai triển huyền thuật là những người đức đạo, thành tâm. Tuy nhiên, ngày nay nhiều thầy bùa, pháp sư công khai dùng huyền thuật để kiếm tiền, khai sinh ra nhiều tà thuật.
Ông khẳng định huyền thuật không phân biệt chánh tà, chỉ có người sử dụng huyền thuật vào mục đích tốt hay xấu. “Người khai triển huyền pháp mục đích hại người đã phạm vào đại kỵ và quả báo rất lớn” – ông nói. Như trường hợp một thầy bùa ở Tây Ninh chuyên yểm bùa hại người theo yêu cầu. Ông này sống đến 60 tuổi thì bị điên rồi chết. Con cháu ông không hiểu vì sao đều bị điên cùng lúc. Ông khẳng định việc trả giá như vậy trong huyền giới không hiếm.
Có những dòng huyền thuật hơn 2.000 năm vẫn báo ứng, nhiều thế hệ “chịu tội” là chuyện bình thường. “Đáng buồn là cuộc sống càng phát triển, dục vọng con người càng lớn. Thầy bùa hoạt động công khai, nhiều người chỉ học lỏm được ít kỹ năng đã xưng thầy hành nghiệp” – ông buồn rầu nói.
Ông kể có người bạn chuyên vẽ bùa ở Sài Gòn, khách đông đến nỗi mỗi ngày ông “vẽ bùa” gần 10 tiếng đồng hồ. Mỗi khách như vậy lại “cúng tổ” ít nhất 100 ngàn đồng. Mỗi ngày ông này thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. “Nghề” thầy pháp hấp dẫn đến mức con trai ông đang là sinh viên đại học cũng nghỉ ngang, theo cha học lóm 3 năm và đến nay cũng đang vẽ bùa để làm giàu.
Để minh chứng cho “đẳng cấp” thu nhập thầy bùa, ông T. dẫn chúng tôi đi gặp pháp sư N., một người có tiếng cao tay ở Sài Gòn. Trước khi đi, ông dặn kỹ không được quay phim hay ghi âm và không được nêu danh ông thầy này vì nếu huyền giới đạt ngưỡng cao như lời đồn thì người này sẽ dư sức yểm bùa hại người viết (?). Theo chân ông, chúng tôi đến nơi ông N. cho bùa nằm sâu trong một con hẻm ngoằn nghoèo ở Q. Bình Thạnh. Căn nhà được canh gác cẩn mật, vòng trong vòng ngoài cả chục người và thường xuyên đổi địa điểm để tránh bị phát hiện. Phòng khách nhà thầy N. dù còn sớm đã nêm chặt vài chục người. Kỳ lạ là những người đến xin bùa phép đều ăn mặc sang trọng, có nhiều cô gái trẻ xinh đẹp.
Theo “giá cả” mà mọi người dặn nhau, vào diện kiến thầy N. thì chí ít phải “đặt tổ” 500.000 đồng vì uy danh của thầy lừng lẫy. Vì vậy, thu nhập của thầy N. mỗi ngày vài chục triệu, thuộc loại đỉnh của giới cho bùa. “Phòng làm việc” của thầy N. tiếp giáp phòng khách, sau lớp cửa kín như bưng.
Vừa xong việc với một thân chủ trẻ, thầy N. bước ra ngoài. Khác với tưởng tượng của chúng tôi về những ông thầy pháp mặc áo vàng có vẽ hình bát quái trận đồ, thầy N. mặc thường phục, tay cầm chuỗi hạt bằng đá cẩm thạch. Thầy N. đã 60 tuổi nhưng nhìn thần sắc vẫn còn rất trẻ, dáng người phốp pháp, da dẻ hồng hào. Lượn mắt một vòng những người ngồi chờ ở phòng khách, bỗng mặt ông đanh lại phán: “Hôm nay đến đây thôi. Xin hẹn các quý chủ lúc khác”.
Tôi tần ngần ra về, buồn vì nghĩ mình bị lộ khi cuộc thâm nhập vừa bắt đầu thì ông T. giải thích rằng vì thầy N. thấy ông nên không muốn làm việc tiếp. “Người học bùa chú nhận diện nhau rất dễ dàng và thường không khai triển khi có người cùng giới” – ông T. giải thích và nói thêm rằng người thẩm thụ huyền thuật có năng lượng thoát ra mà người phàm không thể biết, chỉ người cùng giới mới hiểu được.
Chúng tôi nhác thấy bóng các vị khách giàu có và những cô gái trẻ trung xinh đẹp hồi nãy có vẻ thất vọng. Sau này chúng tôi mới biết khách của pháp sư N. toàn thương gia giàu có đến xin bùa giàu để làm ăn thuận lợi. Còn những cô gái thì xin bùa yêu, không ít trong số những cô gái xinh xẻo đó là gái bao, tìm đến thầy xin bùa mê để ếm vào các đại gia. Nghe đâu, không ít những nhân vật trong làng giải trí cũng là “khách quen” của pháp sư cao tay này.
Rời nhà pháp sư N., ông T. hẹn chúng tôi vào dịp khác sẽ diện kiến thêm một vài pháp sư nữa. Ông cho biết thêm hiện tại có rất nhiều người xưng pháp sư, quảng cáo tràn lan, thậm chí công khai trên mạng. Thực chất, để học được huyền thuật, phải có duyên, người không được chọn thì suốt đời không học được. Tùy vào dòng phái mà thời gian cảm thụ huyền pháp dài hay ngắn. Ít nhất cũng phải mất 5 năm tu luyện.
Bản thân ông dù chưa ở ngưỡng giới cao nhất nhưng để duy trì pháp lực, một năm phải mất một trăm ngày luyện công. Mỗi lần như vậy chỉ được ăn chay, ở một mình trong phòng và cắt hết liên lạc với thế giới bên ngoài. Phải làm như vậy thì huyền lực mới thẩm thấu, mới lưu giữ được.
Làm pháp sư khổ ải nhiều như vậy nên ở Việt Nam hiện có 200 pháp sư và nếu nói là đạt đến huyền giới thì chỉ có 3 người. “Muốn đi đến ngưỡng giới thì không thể dùng huyền thuật mưu sinh hay làm giàu” – ông nói. Hiện nay, chính người cho bùa chú cũng không hiểu mục đích chân truyền của huyền thuật. Còn người ham mê bùa chú thì tin mù quáng nên nảy sinh ra những “dịch vụ” không giống ai.
Trong những cuộc “triển bùa” mà ông chứng kiến, người xin bùa yêu và mưu cầu giàu sang đã chiếm gần hết. Có những người mưu cầu những điều rất viển vông như: bùa chống vợ giận, bùa học giỏi, bùa bán được hàng hóa… “Nói bùa ngải không tác dụng thì không đúng. Tuy nhiên, nó chỉ hiệu nghiệm khi con người đã dùng hết năng lực của mình, không thể cố nữa mới có thể nhờ linh giới giúp sức và không phải là cầu gì được nấy. Tin bùa chú đến mức phó thác cuộc sống mình vào nó thì chỉ là tự huyễn hoặc mình mà thôi” – ông T. khẳng định.
(Kỳ tới: Ồ ạt xuất ngoại “thỉnh” bùa)
Comment